Tham dự chương trình về nguồn lần này có đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng ban tuyên giáo trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; đồng chí Nguyễn Đức Lợi, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; lãnh đạo các cơ quan báo chí, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam qua các thời kỳ, cùng cán bộ hội viên cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam...
Về phía lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, đồng chí Trịnh Việt Hùng, Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Tỉnh; đồng chí Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, lãnh đạo Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên cùng lãnh đạo các sở ngành và lãnh đạo huyện Định Hoá cùng đại diện lãnh đạo Hội Nhà báo một số tỉnh, thành phố tham dự chương trình.
Ngày 21/4/1950, Hội những người viết báo Việt Nam ra đời tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên do nhà báo Xuân Thủy - nhà ngoại giao, nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng làm Chủ tịch. Tại Đại hội lần thứ 2, tổ chức vào năm 1959, Hội đã đổi tên thành Hội Nhà báo Việt Nam. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 7/7/1976, Hội Nhà báo yêu nước và dân chủ miền Nam hợp nhất với Hội Nhà báo Việt Nam, lấy tên chung là Hội Nhà báo Việt Nam.
Trong không khí thiêng liêng tại Đền thờ Bác Hồ - ATK Định Hóa, Thủ đô gió ngàn Chiến khu Việt Bắc năm xưa, Đoàn công tác của Hội Nhà báo Việt Nam - đại diện cho toàn thể cán bộ hội viên hội nhà báo đã dâng hương, tưởng nhớ kính cẩn nghiêng mình trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của dân tộc, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam, tưởng nhớ công lao vĩ đại của Người đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Sau lễ dâng hương, Đoàn công tác đã tham quan, nghe giới thiệu về truyền thống Đền thờ Bác Hồ - ATK Định Hóa, những dấu ấn lịch sử trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp... những bước phát triển của địa phương để nối tiếp truyền thống lịch sử hào hùng.
Đặc biệt, trong hành trình về nguồn lần này, đoàn đã đến thăm điểm di tích nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam; thăm nhà trưng bày của Hội Nhà báo Việt Nam, nơi lưu trữ những kỷ vật, những bức ảnh về các hoạt động quan trọng của lãnh đạo Hội qua các thời kỳ.
Cũng trong chương trình, đồng chí Lê Quốc Minh cùng các đại biểu đã tới thăm và trồng cây lưu niệm tại di tích lịch sử quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng nhằm hưởng ứng Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ”.
Nhân dịp này, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cũng mong muốn báo giới cả nước, đặc biệt là các cơ sở đào tạo báo chí coi đây là cội nguồn của nghề nghiệp thể hiện sự tri ân với lịch sử báo chí và cách mạng. Các hội viên nhà báo trong cả nước tiếp tục làm tốt hơn nữa nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa to lớn và giá trị nhân văn của việc thực hiện lời Bác Hồ dạy về trồng cây, trồng rừng, công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái; tạo phong trào sâu rộng trong cả nước, góp phần giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượn g cuộc sống.
PV
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên