"Mỗi bản báo cần khẳng định thương hiệu và mỗi nhà báo hãy dấn thân, để có tác phẩm xứng tầm dự Giải báo chí Quốc gia"

Thứ sáu - 06/05/2022 15:26
Đề dẫn tại Hội thảo Cụm thi đua Hội Nhà báo Đồng bằng và Duyên hải Bắc Bộ "Làm gì để nâng cao chất lượng tác phẩm dự Giải Báo chí Quốc gia?”
 
                              Nguyễn Công Đán
                         Chủ tịch HNB Hưng Yên
Kính thưa các quý vị đại biểu.
Thưa các bạn đồng nghiệp.
Giải Báo chí Quốc gia mỗi năm tổ chức một lần và đang bước vào mùa giải lần thứ XVI năm 2021. Đây là giải báo chí danh giá nhất, mà mỗi cơ quan báo chí, cũng như mỗi nhà báo đều có mong ước đạt giải. Những năm gần đây, mỗi năm có từ 1800 tác phẩm đến 1900 tác phẩm báo chí của 63 Hội Nhà báo các tỉnh, thành và của hàng trăm các Liên Chi hội và Chi hội Nhà báo thuộc các cơ quan báo chí Trung ương tham gia, nên mức độ “cạnh tranh” là rất căng thẳng và quyết liệt. Trong số gần 2000 tác phẩm tham gia, thường có khoảng 150 tác phẩm vào vòng Chung khảo và có khoảng 100 tác phẩm đoạt giải (Tỷ lệ là khoảng 6% tác phẩm đoạt giải, trong đó các cơ quan báo chí Trung ương thường được giải nhiều hơn so với báo chí địa phương). Nêu một vài số liệu như vậy để thấy rằng: Đoạt giải báo chí Quốc gia là vô cùng khó khăn, đồng thời đây cũng là thành tích vô cùng xuất sắc của mỗi nhà báo gắn với mỗi cơ quan báo chí.

Nhìn lại kết quả tham gia Giải báo chí Quốc gia của Hội Nhà báo Cụm thi đua Đồng bằng và Duyên hải Bắc bộ, chúng ta có thể tạm bằng lòng với những gì đã đạt được: một số cơ quan báo chí đã nhiều lần đoạt Giải báo chí Quốc gia, trong đó có cả giải A. Nhưng thành tích đó là chưa đồng đều giữa các đơn vị trong cụm và chưa có sự bền vững.

Do đó, hôm nay, tại Hội Nhà báo Hưng Yên, chúng ta ngồi với nhau cùng trao đổi: Làm gì để nâng cao chất lượng tác phẩm dự giải báo chí quốc gia? hay nói cách khác, bằng cách nào chúng ta có tác phẩm báo chí hay nhất, tốt nhất tham dự Giải báo chí Quốc gia? Để tác phẩm của đơn vị mình đoạt Giải?

Đề nghị các đại biểu bàn cụ thể trong việc lựa chọn những đề tài báo chí thiết thực, những vấn đề mới nảy sinh được cán bộ đảng viên và quần chúng quan tâm; Việc xử lý đề tài - thể hiện tác phẩm - khâu quan trọng nhất, tránh rơi vào ôm đồm lan man dài dòng; Những kinh nghiệm chỉ đạo, đầu tư của bản báo cũng như sự đúc kết của cá nhân tác giả để có một tác phẩm báo chí xứng tầm dự giải; Việc lựa chọn thể tài báo chí dự thi để phát huy được thế mạnh và tăng cơ hội cho tác phẩm đoạt giải (hiện tại Giải Báo chí Quốc gia có 11 nhóm giải: Báo in 3 nhóm giải, Báo nói 2 nhóm giải, Báo hình 3 nhóm giải, Báo điện tử 2 nhóm giải và Ảnh báo chí).

Tham gia Giải báo chí Quốc gia và các Giải báo chí chuyên ngành là góp phần nâng cao chất lượng nội dung của bản báo, đồng thời cũng là những trải nghiệm quý giá về nghề nghiệp để góp phần đào tạo một đội ngũ các nhà báo có tay nghề. Kết quả tham dự Giải Báo chí Quốc gia và các giải báo chí chuyên ngành cũng là một tiêu chí quan trọng để khẳng định thương hiệu của các cơ quan báo chí khu vực Đồng bằng và Duyên hải Bắc bộ, khẳng định thương hiệu của Hội Nhà báo các tỉnh trong khu vực. Mỗi bản báo cần khẳng định thương hiệu và mỗi nhà báo hãy dấn thân để có tác phẩm hay dự giải báo chí quốc gia.

Chúc cho buổi Hội thảo thành công! Chúc cho các cơ quan báo chí, chúc các nhà báo khu vực Đồng bằng và Duyên hải Bắc bộ có tác phẩm đoạt Giải Báo chí Quốc gia và các giải báo chí chuyên ngành.  

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây