Những tiếng nói tâm huyết và trăn trở ở một cuộc Hội thảo nghiệp vụ báo chí tại Hưng Yên

Thứ sáu - 13/05/2022 20:52
Như tin đã đưa, vào những ngày đầu tháng 5/2022, Hội Nhà báo Hưng Yên đã tổ chức hội thảo: “Làm gì để nâng cao chất lượng tác phẩm dự Giải Báo chí Quốc gia?”.
111
Các đại biểu tham dự Hội thảo
111
Cuộc hội thảo đã thu hút 70 nhà báo đến từ các cơ quan Báo, Đài, Hội Nhà báo của 8 tỉnh thành thuộc cụm thi đua đồng bằng và duyên hải Bắc bộ gồm: Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam và  tỉnh Thái Nguyên. Đông nhất là đoàn chủ nhà Hưng Yên với gần 20 đại biểu gồm: Ban Chấp hành Hội Nhà tỉnh, Ban Thư kí các chi hội, các trưởng, phó phòng khối nội dung của Báo Hưng Yên và Đài PT&TH Hưng Yên. Các tỉnh có đủ 3 thành phần tham dự hội thảo là Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định và Ninh Bình. Đã có tổng số 15 ý kiến phát biểu tại hội thảo, thể hiện sự tâm huyết trách nhiệm, đồng thời có cả những trăn trở suy tư về nghề báo, về các khâu công việc làm thế nào để có tác phẩm hay nhất, tốt nhất dự Giải báo chí Quốc gia và các giải báo chí chuyên ngành trong năm.
111
Phát biểu đề dẫn với tiêu đề “Mỗi bản báo hãy khẳng định thương hiệu và mỗi nhà báo hãy dấn thân, để có tác phẩm xứng tầm dự Giải báo chí Quốc gia” nhà báo Nguyễn Công Đán, Chủ tịch Hội Nhà báo Hưng Yên  nhấn mạnh: Giải báo chí Quốc gia được tổ chức hằng năm, và đang bước vào mùa giải lần thứ XVI năm 2021. Đây là giải báo chí danh giá nhất, mà mỗi cơ quan báo chí cũng như mỗi nhà báo đều mong ước được đứng trên lễ đài nhận giải. Cũng theo nhà báo Công Đán: Một số tỉnh trong khu vực đã đạt được thành tích khá tốt khi tham gia Giải báo chí Quốc gia như: Thái Bình, Quảng Ninh, Hưng Yên, mỗi Hội đã đạt từ 7 đến 9 Giải BCQG và nhiều giải báo chí chuyên ngành khác. Nhưng, thành tích đó là không đồng đều giữa các tỉnh trong khu vực, và đối với từng tỉnh thì cũng chưa có sự bền vững. Do đó, từng cơ quan báo chí cần có sự chỉ đạo bài bản động viên các nhà báo tham gia Giải BCQG, đồng thời mỗi nhà báo hãy dấn thân để có tác phẩm hay nhất, tốt nhất dự giải.
111
 
111
Nhà báo Đỗ Ngọc Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Quảng Ninh
Nhà báo Đỗ Ngọc Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Quảng Ninh tham luận với chủ đề “Hội Nhà báo Quảng Ninh tạo nhiều sân chơi nghiệp vụ để lựa chọn các tác phẩm xuất sắc dự Giải BCQG”. Nhà báo Đỗ Ngọc Hà cho biết: Giải báo chí tỉnh Quáng Ninh do Hội Nhà báo tỉnh là cơ quan thường trực đã qua 4 lần sửa đổi quy chế gồm 5 loại hình báo chí với tổng cộng 77 giải. Trên cơ sở giải tỉnh, Quảng Ninh lựa chọn các tác phẩm dự Giải Quốc gia. Hội Nhà báo Quảng Ninh đã từng 2 lần đạt giải A Quốc gia, nhưng một vài năm gần đây, thành tích đang bị chững lại. Hội Nhà báo Quảng Ninh đã chỉ đạo các chi hội nhà báo cho nhóm phóng viên đăng ký đề tài, các Ban Thư ký góp ý với phóng viên nhằm nâng cao chất lượng các tác phẩm dự giải. Cũng theo nhà báo Ngọc Hà, Hội Nhà báo Quảng Ninh còn phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin & Truyền thông, Ban Xây dựng Nông thôn mới tổ chức một số giải báo chí trong tỉnh, để các nhà báo trong và ngoài tỉnh tham gia...
111
Nhà báo Bích Thảo, Chi hội trưởng chi hội nhà báo Đài Ninh Bình tham luận với chủ đề “Nâng cao chất lượng các tác phẩm tham dự Giải báo chí Quốc gia ở Hội Nhà báo Ninh Bình”. Theo nhà báo Bích Thảo, Chi hội Nhà báo Đài Ninh Bình thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt nghiệp vụ để nâng cao tay nghề cho phóng viên, đồng thời Chi hội tổ chức bài bản việc tuyển chọn các tác phẩm tham gia các giải báo chí... Kết quả là Đài Ninh Bình những năm gần đây đã đoạt 3 giải BCQG và nhiều giải báo chí chuyên ngành khác.
111
Nhà báo Trần Đức Long, Chủ tịch Hội Nhà báo Nam Định
Nhà báo Trần Đức Long, Chủ tịch Hội Nhà báo Nam Định thẳng thắn nêu vấn đề báo chí Nam Định hiện tại đang thua kém đàn anh của chính mình, nên ít có Giải BCQG. Nguyên nhân là do đời sống còn khó khăn, nên phóng viên phải viết nhiều, chạy theo số lượng, một bộ phận phóng viên chưa say nghề, ít sâu sát cơ sở, làm báo kiểu “ngồi sa lông”, viết theo báo cáo, thể loại báo chí nghèo nàn, thường là bài phản ánh đơn điệu, ít có bài phóng sự hoặc điều tra, nên chất lượng các tác phẩm dự thi thấp... Nhà báo Đức Long nêu một vài giải pháp mang tính tình thế như tăng cường tập huấn nghiệp vụ, Hội phối hợp hiệu quả hơn với các cơ quan báo chí trong tỉnh trong việc tổ chức tuyến bài báo chí dự thi...

Nhà báo Hùng Xướng, Phó Giám đốc Đài Hưng Yên tham luận về cách thể hiện tác phẩm - điểm mấu chốt của một tác phẩm dự thi. Nhà báo Hùng Xướng nêu vấn đề, khi đã có đề tài tốt thì khâu quyết định chính là quá trình thể hiện, người phóng viên cần sáng tạo trong cách thể hiện như khi làm các chương trình tọa đàm dự thi, Đài Hưng Yên đã đưa “trường quay” về cơ sở để tăng tính tương tác. Nhà báo Hùng Xướng đúc kết: Muốn có tác phẩm dự thi thì phải có con người - đó là những nhà báo say mê yêu nghề, lăn lộn với cơ sở, trăn trở tích lũy từng khuôn hình... nhờ đó, một đài nhỏ và mới được tái lập đã giành được 6 Giải BCQG, trong đó có 1 giải A. Nhà báo Hùng Xướng cho biết thêm: Ban Giám đốc Đài Hưng Yên đã chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ cho hội viên, đồng thời tăng cường đầu tư cho phóng viên dự thi.
111
Nhà báo Bảo Lâm, Chủ tịch Hội Nhà báo Thái Nguyên
Nhà báo Bảo Lâm, Chủ tịch Hội Nhà báo Thái Nguyên đặt vấn đề: để có một tác phẩm tốt dự thi thì cần có những phóng viên có tay nghề và say nghề, đồng thời cần những Tổng Biên tập dám chịu trách nhiệm, nhất là dám chịu trách nhiệm trước các vấn đề “gai góc”. Báo chí cần thông tin đa dạng, nhiều chiều với kĩ năng làm báo trong không gian mạng, cùng với vấn đề và đề tài tốt thì khâu biên tập cho ngắn gọn, hấp dẫn. Nhà báo Bảo Lâm cũng nêu những khó khăn về biên chế đang có nguy cơ làm cho Hội Nhà báo mất đi những phóng viên có năng lực.
111
Nhà báo Nguyễn Anh Tú, Phó Chủ tich Thường trực Hội Nhà báo Hải Phòng tham luận về “Khắc phục những hạn chế trong quá trình sáng tạo tác phẩm báo chí”, và cho rằng, các nhà báo không nên chỉ mải phản ánh những vấn đề tiêu cực của địa phương, mà cần chú trọng viết về những gương cá nhân, những mô hình tiên tiến cách làm hay. Nhà báo Anh Tú cũng nêu một số hạn chế trong cách thể hiện như chưa tìm hiểu đầy đủ quá trình của sự kiện - vấn đề, chưa đủ tầm khái quát, thiếu sự dấn thân, thiếu dấu ấn lao động nghề nghiệp trong tác phẩm... Và nhà báo Anh Tú khẳng định, Giải BCQG không chỉ là vinh dự cho cơ quan báo chí, cho phóng viên, mà đó là vinh dự cho mỗi địa phương.
111
Nhà báo Nguyễn Thế Vĩnh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Hà Nam
Nhà báo Nguyễn Thế Vĩnh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Hà Nam tham luận về quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện sáng tạo tác phẩm. Nhà báo Thế Vĩnh cho rằng: tỉnh Hà Nam địa bàn nhỏ, đề tài ít, do đó chọn được tác phẩm xứng tầm là rất khó khăn. Hội Nhà báo Hà Nam đã phối hợp với các cơ quan báo chí trong việc xây dựng kế hoạch dự thi của các chi hội, trong đó chú ý tới lực lượng chủ công của báo viết, báo nói, báo hình... Nhà báo Thế Vĩnh đề nghị các cấp hội cần tạo môi trường dự thi cho phóng viên, mặt khác, cần chú ý các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho hội viên.

Nhà báo Kim Thoa, Phó TBT Báo Thái Bình nêu vấn đề các Ban Biên tập cần tạo điều kiện về kinh phí và thời gian để phóng viên yên tâm tham gia sáng tạo tác phẩm dự thi các Giải BCQG. Theo nhà báo Kim Thoa, mỗi loại hình báo chí đều có những nỗi vất vả, khó khăn riêng, do đó cần quan tâm thỏa đáng cho phóng viên, đó cũng là trách nhiệm của các nhà quản lý...

Nhà báo Nguyễn Hình, Trưởng phòng Chính trị Báo Thái Bình tham luận về “Kinh nghiệm để báo Thái Bình đạt nhiều Giải BCQG”. Nhà báo Nguyễn Hình cho biết trong 5 năm trở lại đây, Báo Thái Bình đã đoạt 7 giải BCQG. Để làm được điều đó, Báo Thái Bình hàng năm chú trọng đầu tư cho các tác phẩm tham gia giải thông qua việc định hướng gợi mở một số đề tài cụ thể, đồng thời phân công cho nhóm phóng viên có năng lực làm tác phẩm dự thi. Nhà báo Nguyễn Hình chia sẻ cần chọn những thời điểm thích hợp để đăng phát nhưng tác phẩm báo chí mang tính phản biện...

Nhà báo Vũ Văn Úy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Hải Dương cho rằng: các Ban Biên tập, Ban Giám đốc cần quan tâm chỉ đạo các phòng khối nội dung về đề tài, cách thể hiện và có cơ chế đầu tư khuyến khích cho hội viên. Về phía hội viên, cần sâu sát cơ sở, xây dựng các tuyến bài, loạt bài mang tính chất tổng kết thực tiễn, hoặc nêu những vấn đề cần tiếp tục giải quyết...

Nhà báo Nguyễn Hồng Dương, Phó TBT Báo Hải Phòng cho rằng việc đoạt Giải BCQG là một dấu ấn quan trọng và vinh quang trong cuộc đời làm báo của bất cứ nhà báo nào. Muốn làm được điều đó, thì các phóng viên phải năng động phát hiện đề tài. Đối với bài báo mang tính phản biện, thì đòi hỏi bản lĩnh của Tổng Biên tập... Bài báo phải tạo được tiếng vang. Và có nhiều đề tài hay cũng như các thể tài báo chí quan trọng như phóng sự, phóng sự điều tra đang chờ các nhà báo, cùng với những gương người tốt việc tốt, các điển hình tiên tiến... các lĩnh vực đất đai, quản lý xã hội, công tác xây dựng Đảng cũng đang chờ đợi những đề xuất về mặt chính sách từ góc nhìn của nhà báo...

Nhà báo Trần Ngọc Anh, Trưởng phòng Thư ký Biên tập Đài PT&TH Hưng Yên - phóng viên đoạt giải A Quốc gia năm 2018 tham luận với tiêu đề “Nâng cao chất lượng tác phẩm tham dự Giải BCQG: Cần lắm một chữ tâm”. Nhà báo Ngọc Anh đề nghị Hội Nhà báo tỉnh và các cơ quan báo chí cần thống nhất và định hướng kế hoạch trong việc tổ chức các giải báo chi; cần giao nhiệm vụ cụ thể cho một hoặc một nhóm phóng viên; đồng thời có sự đầu tư khen thưởng kịp thời. Nhà báo Ngọc Anh cho rằng cần có sự vào cuộc thật sự của các Ban Thư ký chi hội cũng như của cán bộ quản lý các phòng khối nội dung, để Ban Thư ký và quản lý phòng luôn đồng hành cùng nhóm phóng viên trong quá trình sáng tạo tác phẩm. Đồng thời nhà báo Ngọc Anh cũng nêu vai trò quan trọng của nhóm phóng viên thực hiện tác phẩm, và yêu cầu những người tham gia dự thi phải có tâm và có tầm để dại diện cho báo chí Hưng Yên...

Nhà báo Nguyễn Văn Đông, Phó TBT Báo Ninh Bình phát biểu tham luận cho rằng: Giải BCQG là trách nhiệm tâm huyết và vinh dự lớn lao cho mỗi nhà báo cũng như từng cơ quan báo chí. Theo nhà báo Nguyễn Văn Đông, để có một tác phẩm tốt, cần phải nâng cao chất lượng báo chí thường ngày, gắn với nâng cao đời sống của phóng viên, cần có sự chọn lọc và thể hiện đề tài của người phóng viên cộng hưởng với sự chỉ đạo của Ban Biên tập, có như vậy mới nâng cao vai trò vị thế của báo chí.


 
Nhà báo Công Đán
Chủ tịch HNB Hưng Yên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây