Khắc phục những hạn chế trong quá trình sáng tạo tác phẩm báo chí

Thứ năm - 12/05/2022 11:37
 
Nhà báo Nguyễn Anh Tú
                                  Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Hải Phòng

Giải báo chí Quốc gia là giải thưởng danh giá, cao quý nhất về nghề mà bất cứ nhà báo nào cũng mong muốn được một lần được vinh dự nhận Giải. Tuy nhiên, để được đứng trên bục vinh quang này không hề dễ, đây cũng là trăn trở chung của các hội viên nhà báo thuộc Hội Nhà báo Hải Phòng. Vậy đâu là những hạn chế trong quá trình đầu tư và sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng để tham dự Giải báo chí Quốc gia hằng năm?
111
Nhà báo Nguyễn Anh Tú, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Hải Phòng tham luận tại Hội thảo
Mới đây, Hội Nhà báo Hải Phòng cũng đã tổ chức Tọa đàm cũng về chủ đề này, tại hội nghị, nhiều đại biểu đã bày tỏ suy nghĩ về những hạn chế trong quá trình sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng. Mặc dù, hàng năm Hội Nhà báo Hải Phòng  đều có kế hoạch tổ chức cụ thể, bài bản, có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các chi hội, liên chi hội nhà báo tham mưu lãnh đạo cơ quan báo chí động viên, khuyến khích hội viên nhà báo tham dự Giải báo chí Quốc gia, nhưng kết quả vẫn chưa như mong muốn. Thực tế cho thấy, trong nhiều năm qua, số hội viên nhà báo ở Hải Phòng đạt Giải cao tại Giải báo chí Quốc gia chưa nhiều, mới đạt đến Giải C, Giải Khuyến khích và có tác phẩm lọt vào vòng Chung khảo, trong khi đề tài của Giải báo chí Quốc gia không giới hạn về chủ đề, cho phép phản ánh tất cả các lĩnh vực đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Có suy nghĩ cho rằng: tham dự Giải báo chí Quốc gia phải là những tác phẩm báo chí, phát thanh truyền hình viết về những đề tài chống tiêu cực, mà xem nhẹ những tác phẩm viết về những gương cá nhân, mô hình tiêu biểu có thành tích trên các lĩnh vực công tác Đảng, xây dựng chính quyền, hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng…

Theo đó, nếu nhà báo chỉ chú tâm đi tìm những đề tài chống tiêu cực: như tham nhũng, lãng phí ở địa phương cũng không hề dễ, bởi ở cơ sở có rất nhiều rào cản, chi phối bởi những mối quan hệ chằng chịt trên dưới, ngang dọc…nên để có tư liệu viết về đề tài này không dễ dàng. Trong khi tác phẩm báo chí biểu dương gương cá nhân, mô hình tiêu biểu trên các lĩnh vực đời sống xã hội thì phải có đề tài hay, đáp ứng đủ 3 tiêu chí: Đúng – Trúng – Hấp dẫn.

Theo nhà báo Trần Bá Dung: Đúng là đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, đúng đặc trưng nghiệp vụ. Chỉ cần đọc đầu đề bài báo, biết là có đúng hay không. Trúng là trúng chỉ đạo của Trung ương, của Bộ, ngành, của cấp ủy địa phương. Trúng ở đây cũng có nghĩa là trúng với điều mong đợi của công chúng bạn đọc, bạn nghe đài, xem truyền hình muốn được biết, được hiểu, được tham gia. Còn hấp dẫn ở đây được hiểu là đề tài có tính mới, lạ, tính thời sự cao, có tính thiết thực, đáp ứng ngay nhu cầu bức thiết của công chúng, được diễn đạt một cách lôi cuốn.

Vì vậy, giải pháp để khắc phục những hạn chế đối với các hội viên nhà báo trong quá trình sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng tham dự Giải báo chí Quốc gia là gì? Theo quan điểm của chúng tôi, trước hết phải là khâu tổ chức lựa chọn đề tài đến triển khai thực hiện, kiểm tra tiến độ công việc, duyệt tác phẩm hoàn chỉnh trước khi gửi dự Giải. Tiếp đó là vai trò của Chi hội, Liên Chi hội nhà báo cũng rất quan trọng, cần phải đặt ra mục tiêu rõ rệt, tổ chức tọa đàm, sinh hoạt nghiệp vụ, rút kinh nghiệm các kỳ tham dự các giải báo chí trước đó, đề xuất các giải pháp về chuyên môn nghiệp vụ nhằm hướng tới các tác phẩm chất lượng cao hơn. Bên cạnh đó, vai trò của lãnh đạo cơ quan báo chí rất quan trọng, chỉ cơ quan báo chí nào thật sự quan tâm đầu tư cho các tác phẩm báo chí có chất lượng để có sự chỉ đạo, sát sao đầu tư công phu cho sáng tạo tác phẩm ngay từ đầu năm và có những chiến lược bài bản trong công tác này mới có thể đoạt giải.

Để có tác phẩm báo chí tốt dự GBCQG có nhiều khâu, nhiều yếu tố cấu thành. Đó là năng lực của tác giả, nhóm tác giả trong khâu tổ chức thực hiện, nắm bắt phản hồi của công chúng… Tác phẩm có thể do một tác giả, nhóm tác giả... nhưng phải hội tụ, kết tinh sức mạnh tập thể, để sáng tạo tác phẩm có nội dung thiết thực, chân thực và giàu chi tiết báo chí.

Qua rà soát, lựa chọn những tác phẩm báo chí từ cơ sở gửi tham dự Giải báo chí Quốc gia, chúng tôi nhận thấy có nhiều tác phẩm có tiêu đề hay, đề tài hay, nhưng nội dung lại nghèo nàn, sơ lược, không sát với tiêu đề, không thiết thực với mong mỏi của công chúng. Có tác phẩm có đề tài hay, nội dung ăn khách, sát với đầu đề tác phẩm, nhưng nội dung lại thiếu chân thực, thiếu độ tin cậy, nội dung tác phẩm có tính thiên vị, định kiến, áp đặt, thiếu chứng cứ chắc chắn, cho dù tên bài có hấp dẫn, thu hút. Nhiều tác phẩm thiếu chi tiết báo chí sinh động, ít chi tiết đắt, chưa có tính đại diện, khái quát cao…, không có chiều sâu và không đi hết vấn đề đặt ra, không đề xuất được các giải pháp để hiến kế cho công tác hoạch định chính sách, cơ chế vận hành của từng lĩnh vực đời sống.

Có tác phẩm dự Giải tuy đã có tính phát hiện, nhưng việc xử lý thông tin  và đề ra giải pháp khắc phục lại chưa có tầm ảnh hưởng xã hội, chưa đại diện chung cho những vấn đề quan tâm trên bình diện cả nước. Nhiều tác phẩm có đề tài tốt, đầu đề hay, giới thiệu hấp dẫn, nhưng tác giả lại không đào sâu được vấn đề, không đẩy hết tầm của vấn đề.

Những hạn chế nêu trên là do tác giả chưa đủ năng lực, chưa đủ tầm khái quát và đào sâu chủ đề, chi tiết, thiếu đi những dấu ấn lao động của nhà báo, cảm giác thiếu sự dấn thân của nhà báo trong quá trình sáng tạo tác phẩm báo chí. Có tác phẩm phát hiện được đề tài, nêu được hướng giải quyết, nhưng lại chưa thể hiện được đặc trưng ngôn ngữ thể loại, chưa phù hợp loại hình báo chí. Có tác phẩm ghi là phóng sự, nhưng chỉ là bài phản ánh đơn thuần, thiếu chất phóng sự, không có câu chuyện nhân vật và chi tiết sinh động... Có tác phẩm ghi là điều tra, nhưng thực ra lại là phóng sự, vì không có bất cứ dấu hiệu lao động điều tra nào của nhà báo. Có những tác phẩm ghi là phỏng vấn, nhưng không thể hiện đầy đủ đặc trưng một tác phẩm phỏng vấn (là câu chuyện hỏi - đáp có chủ đề giữa hai người, do phóng viên làm chủ, dẫn dắt…), mà chỉ là biên tập ghép câu hỏi gửi trước với câu trả lời. Nhiều tác phẩm cho thấy khả năng sử dụng ngôn ngữ văn học và báo chí  chưa thành thục, thiếu đi sự biểu cảm, chân thực, sinh động, cụ thể, còn sáo rỗng… Trong những tác phẩm phát thanh truyền hình, tác giả, nhóm tác giả chưa tích hợp và phát huy hiệu ứng tiếng động, nhạc nền, khiến người nghe, người xem dễ nhàm chán; những tác phẩm báo chí còn thiếu ảnh minh họa hoặc có nhưng không ăn nhập với chủ đề bài viết, thiếu box dữ liệu, thiếu sapo…Nhiều tác phẩm nhiều kỳ, nhưng đến các kỳ cuối cảm giác như bị hụt hơi, thiếu chiều sâu nội dung và chưa đi đến cùng sự việc. Hiện nay, còn ít tác phẩm báo chí sử dụng các công cụ đa phương tiện (như video clip, audio, ảnh, các dạng thức mới như mega-story, long-form…) để tăng độ hấp dẫn và tương tác.

Khắc phục những hạn chế nêu trên, các nhà báo mới có được những tác phẩm báo chí chuyên nghiệp, bài bản, có tính phát hiện vấn đề, có tầm ảnh hưởng xã hội, có thông tin đa chiều, phản biện hơn, thông điệp rõ và sát thực tế hơn. Quan trọng nhất là dù có trùng đề tài với vấn đề báo chí Trung ương phản ánh, nhưng các nhà báo ở địa phương vẫn giải quyết vấn đề đến nơi đến chốn, có mức độ khái quát, có đề xuất, hiến kế giải quyết, góp phần bổ sung, điều chỉnh trong hoạch định, cơ chế, chính sách để tháo gỡ những điểm nghẽn, cản trở sự phát triển đất nước. Bên cạnh đó, việc tổ chức xét chọn tác phẩm tham dự giải báo chí công tâm, khách quan, không thiên vị cá nhân, quy chế khen thưởng rõ ràng, kịp thời cũng sẽ là nguồn động viên, khích lệ, cổ vũ các tác giả, nhóm tác giả hăng hái tham dự Giải báo chí quốc gia, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi trong cơ quan báo chí và các cấp Hội Nhà báo ở các địa phương./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây