Hưng Yên: Tổ chức Hội nghị Văn hóa năm 2024

Thứ ba - 27/08/2024 15:50
1
Đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại Hội nghị
Ngày 27/8, tại Trung tâm Thông tin – Hội nghị tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị Văn hóa tỉnh Hưng Yên năm 2024. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu tỉnh tới điểm cầu 10 huyện ủy, thị ủy, thành ủy với trên 3.000 đại biểu tham dự. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh có các đồng chí: Nguyễn Hữu Nghĩa, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam. Cùng dự hội nghị có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh; Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các ban, sở, ngành của tỉnh cùng nhiều chuyên gia, nhà khoa học, văn nghệ sỹ, nghệ nhân dân gian...

Nằm ở tả ngạn sông Hồng, trung tâm của đồng bằng Bắc Bộ, Hưng Yên là vùng đất có truyền thống văn hiến từ lâu đời. Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của cha ông ta đã tạo nên Hưng Yên thành vùng đất “địa linh nhân kiệt” với đầy đủ các giá trị đạo đức cao đẹp, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Thế kỷ XVI, XVII, vùng đất Hưng Yên là trung tâm của trấn Sơn Nam, có thương cảng Phố Hiến - một thương cảng lớn nhất ở Đàng Ngoài nổi tiếng với câu ca “Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến”, từng được ví như một “Tiểu Tràng An” của Việt Nam.
3
Chương trình nghệ thuật do diễn viên Nhà hát Chèo Hưng Yên biểu diễn
Hưng Yên là nơi sinh dưỡng nhiều nhân tài gắn với lịch sử vẻ vang của dân tộc. Hòa cùng dòng chảy của văn hóa dân tộc, hiện nay, Hưng Yên còn lưu giữ, bảo tồn được hệ thống di tích lịch sử văn hóa đa dạng, phong phú với 1.802 di tích, có 03 di tích - cụm di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt; 176 di tích xếp hạng cấp quốc gia; 272 di tích - cụm di tích xếp hạng cấp tỉnh, 567 lễ hội truyền thống mang đậm văn hóa, phong tục Việt; các di sản văn hóa phi vật thể như hát Ca trù, hát Trống quân, hát chèo và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, cùng với hàng trăm làng nghề truyền thống; là vùng đất có nhiều đặc sản nổi tiếng, góp phần tạo nên nét bản sắc văn hóa riêng của tỉnh.

Sau hơn 27 năm tái lập, văn hóa, con người Hưng Yên không ngừng lớn mạnh cả về số lượng nguồn nhân lực, chất lượng hoạt động. Các thiết chế văn hóa, nhất là ở cơ sở từng bước được đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa đồng bộ hơn. Các sự kiện, hoạt động văn hóa ngày càng phong phú, đa dạng góp phần quảng bá mảnh đất và con người Hưng Yên đến với bạn bè trong nước và quốc tế, các sản phẩm văn hóa phong phú, đáp ứng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân; Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trọng tâm là xây dựng Gia đình văn hóa, Làng, Tổ dân phố văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội lồng ghép với các phong trào thi đua yêu nước được phát động rộng khắp, từng bước thấm sâu vào ý thức của người dân được đông đảo các tầng lớp nhân hưởng ứng tham gia; truyền thống văn hóa gia đình, dòng họ, cộng đồng được khôi phục và phát huy; nhiều phong tục, tập quán, lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh được nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng; các hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội từng bước được ngăn chặn, đầy lùi. Các giá trị mới về văn hóa, con người của thời kỳ công nghiệp hóa, hội nhập dần được hình thành và khẳng định.

Tại hội nghị, cùng với các ý kiến tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo sở, ngành của tỉnh, các đại biểu đã nghe đồng chí Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá cao tiềm năng, lợi thế về văn hóa và con người Hưng Yên.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định Hội nghị Văn hóa năm 2024 là dịp quan trọng để nhìn nhận, đánh giá sâu sắc, toàn diện về thực trạng và giải pháp xây dựng, phát triển văn hóa, con người Hưng Yên trong giai đoạn mới; chỉ rõ hạn chế, khó khăn, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm đồng thời nhận diện thời cơ, thách thức và những vấn đề đặt ra trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hưng Yên hiện nay; tiếp tục nâng cao nhận thức, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn quân và toàn dân phát huy tinh thần đoàn kết, khơi dậy mạnh mẽ khát vọng cống hiến vì mục tiêu đưa Hưng Yên trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là thành phố thông minh, giàu đẹp, văn minh, văn hiến, giàu bản sắc văn hóa, phát huy đầy đủ những giá trị cốt lõi của văn hóa Phố Hiến xưa.
PV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây