Nâng cao sức cạnh tranh từ việc cải thiện chỉ số đào tạo lao động
Thứ năm - 11/07/2024 08:08
Chỉ số đào tạo lao động là một trong 10 chỉ số thành phần cấu thành Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đây là chỉ số có ý nghĩa đo lường các nỗ lực của tỉnh để thúc đẩy đào tạo nghề, nâng cao chất lượng và cung ứng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho người lao động.
Theo kết quả khảo sát, xếp hạng và đánh giá của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2023, Chỉ số PCI của tỉnh đạt 69,09 điểm (tính theo thang điểm 100), tăng 1,18 điểm so với năm 2022, xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố. Trong đó, chỉ số đào tạo lao động là một trong 6 chỉ số thành phần tăng so với năm 2022. Cụ thể, năm 2023, chỉ số đào tạo lao động đạt 6,38 điểm, tăng 0,62 điểm so với năm 2022. Trong đó, có một số chỉ tiêu đạt kết quả tốt như: Giáo dục dạy nghề tại tỉnh có chất lượng tốt: Có 48% số doanh nghiệp được khảo sát đồng ý, tăng 15% so với năm 2022. Tỉ lệ lao động tại địa phương đáp ứng hoàn toàn/phần lớn nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp là 50%, tăng 14% so với năm 2022. Cùng với đó, chỉ tiêu về tỉ lệ chi phí tuyển dụng lao động trong tổng chi phí kinh doanh là 2%, giảm 2,64% so với năm 2022. Tỉ lệ chi phí đào tạo lao động trong tổng chi phí kinh doanh là 2,46%, giảm 3,82% so với năm 2022…
Tuy nhiên, tỉ lệ doanh nghiệp đánh giá việc tuyển dụng lao động phổ thông tại tỉnh là dễ dàng chiếm 48%, giảm 6% so với năm 2022. Tỉ lệ doanh nghiệp đánh giá việc tuyển dụng cán bộ kỹ thuật tại tỉnh là dễ dàng chiếm 23%, giảm 4% so với năm 2022. Tỉ lệ doanh nghiệp đánh giá việc tuyển dụng cán bộ quản lý, giám sát tại tỉnh là dễ dàng chiếm 25%, giảm 5% so với năm 2022…
Kết quả trên cho thấy doanh nghiệp đánh giá cao chất lượng dạy nghề của tỉnh. Chất lượng lao động đã đáp ứng hoàn toàn hoặc phần lớn nhu cầu của doanh nghiệp. Do đó, chi phí cho đào tạo lao động của doanh nghiệp đã giảm. Tuy nhiên, việc tuyển dụng lao động phổ thông, lao động có trình độ cao còn gặp khó khăn…
Thời gian qua, để cải thiện chất lượng đào tạo lao động, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, các cấp chính quyền, ngành chức năng đã chủ động phân tích nguyên nhân, từ đó xác định các giải pháp để cải thiện. Qua phân tích cho thấy, công tác dự báo, quy hoạch phát triển nguồn lao động của tỉnh còn hạn chế. Thiếu đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế. Công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp gặp nhiều khó khăn…
Để khắc phục những hạn chế trên, tỉnh đã tổ chức rà soát, sắp xếp, cơ cấu lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc phạm vi quản lý. Đến nay, toàn tỉnh có 26 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có: 10 trường cao đẳng (6 trường cao đẳng được công nhận ngành, nghề trọng điểm); 6 trường trung cấp. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 8 trường cao đẳng, trung cấp thuộc tỉnh ngoài đang thực hiện liên kết đào tạo trên địa bàn tỉnh và có 6 trường đại học trực tiếp tham gia vào việc đào tạo nguồn lao động chất lượng cao. Các cơ sở đào tạo trên 60 ngành/nghề (trong đó có 23 lượt nghề trọng điểm) với quy mô trên 60.000 người/năm.
Từ năm 2021 đến nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh, đào tạo nghề trung bình được 52.034 người/năm ở các cấp trình độ. Bên cạnh đó, các trường đại học ở tỉnh đào tạo trên 5.000 sinh viên trình độ đại học và trên đại học/năm. Đến hết năm 2023, tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 69%. Tỉ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 31%. Số lao động được tạo việc làm mới khoảng 23.500 người/năm. Kết quả này đã góp phần đáp ứng nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp trong tỉnh.
Đồng chí Đặng Văn Diên, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết: Để tiếp tục cải thiện điểm số của từng chỉ tiêu trong chỉ số đào tạo lao động, góp phần tăng sức cạnh tranh của tỉnh trong thu hút đầu tư. Thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các doanh nghiệp và toàn xã hội về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu tuyển dụng, sử dụng lao động của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Hằng năm, tổ chức các cuộc điều tra, khảo sát cung - cầu lao động nhằm hoàn thiện cơ sở dữ liệu thông tin thị trường lao động, dự báo xu hướng việc làm, nhu cầu của người sử dụng lao động; tăng tần suất các phiên giao dịch việc làm trực tuyến và trực tiếp. Tiếp tục tổ chức rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm yêu cầu về quy mô, chất lượng; đẩy mạnh tuyển sinh học nghề; mở rộng đào tạo một số ngành, nghề thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, điện – điện tử, cơ khí chính xác, tự động hóa, công nghệ ô tô... Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tăng cường liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh hợp tác, gắn kết với doanh nghiệp…
Cùng với đó, để đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh bảo đảm về số lượng, có trình độ, có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động, thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp đề ra trong Kế hoạch số 213-KH/TU ngày 1/8/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 4/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng GDNN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.