Chất thơ ấy thế này, tôi xin trích mấy câu trong bài Búi tóc in trong tập Họa mi năm ngoái, xuất bản cách đây 14 năm (2007):
Đi qua những giấc mơ bom dội
những trưa bồ kết
búi tóc ngày một lỏng
cái nhìn ngày một xa
tấm áo cũ chiết mấy lần không hết rộng
Chúng ta thấy nhân vật: người đàn bà đã đi qua chiến tranh (những giấc mơ bom dội), đã đến thời tóc rụng (búi tóc ngày một lỏng), da thịt vơi hao (tầm áo cũ rộng dần). Thấy tâm trạng: âm thầm tiếc nuối tuổi trẻ đi qua với nhiều u ẩn trong hoài niệm ở những câu thơ không mang thông tin vật thể mà là những thông tin phi vật thể - những hoài niệm (những trưa bồ kết, cái nhìn ngày một xa). Chính những thông tin này tạo nên chất trữ tình cho bài thơ. Đấy cũng là chất thơ, chất tâm hồn đậm nữ tính của tác giả này. Mười năm trước, con mắt xanh của Hội đồng thơ Hội Nhà Văn Việt Nam đã giới thiệu vào giải thưởng hàng năm của Hội tập Họa mi năm ngoái của Trần Kim Hoa cùng với một tập của một tác giả khác. Có thể năm ấy Ban chấp hành Hội, giữ vai trò chung khảo, muốn nâng cao chất lượng giải thưởng. Cũng có thể chất thơ vừa nói ở Trần Kim Hoa khi ấy còn lẩn khuất, chưa dễ để “nắm trong tay bày lên mắt”, Hội đồng thơ chưa thuyết phục được Ban chấp hành. Năm ấy thơ không có giải nào. Tiếc cho cả hai tác giả. Cả hai đều có phong vị. Năm nay, tập thơ mới Bên trời của Trần Kim Hoa đã đủ tài sắc làm siêu lòng Ban chung khảo. Vẫn một chất tâm hồn nhiều mơ mộng, giàu hoài niệm, luôn có cái nhìn ảo hóa hiện thực. Chúng ta cùng đọc bài thơ thứ hai trong tập: Gió mùa đông bắc. Ngót thế kỷ trước, đề tài này đã thành chất thơ đầy khêu gợi nhưng hiện diện trong văn xuôi. Văn xuôi Thạch Lam, truyện ngắn Gió đầu mùa. Thế kỷ này, hồn vía khác, tâm trạng khác, tinh tế và tinh ranh, e lệ và cởi mở, thực ảo lơ mơ đánh thức nhiều miền tưởng tượng. Lạnh ấm, vui nhớ song hành, đồng hiện:
Hà Nội gió mùa đông bắc
những con phố phong phanh
ta và em như khăn mỏng
Theo ý tứ và văn phạm thì ta và em là người và phố. Nhưng cứ lơ mơ hiểu là người cả thì thơ cũng không tổn hại về ý và còn nguyên sức gợi: phố phong phanh như người và người (với phố) thì như khăn mỏng. Một cảm giác đầu mùa. Thơ Trần Kim Hoa phong phú cảm giác. Tác giả ham phát hiện cảm giác. Cảm giác làm thơ giàu lên tính chủ thể, luôn luôn phảng phất ý vị nội tâm. Thấy mưa bụi li ti đồng thời thấy nó cám dỗ. Thấy cây chiều qua, khi trời còn ấm, hớn hở thể mà nay so vai. Thấy những ô cửa sổ kín bưng như cái nhìn của em, như nụ cười của anh ngày chúng ta còn lạ nhau. Hình ảnh cửa sổ khép lại trong cơn gió đầu mùa thành chi tiết thứ yếu, điều nó tác động vào bạn đọc lại là nỗi hoài niệm tình yêu của chủ thể, rồi nỗi hoài niệm lại dấn sâu vào riêng tư của người trong cuộc, chỉ có họ mới biết,. Cay cay ngọn khói là thuộc thế giới riêng của họ, đánh dấu vào tâm hồn họ một mùa đông năm nào. Còn mùa đông năm nay, nó lại đánh dấu một cách khác, cũng rất riêng tư, ấy là lời yêu, là cái phập phù sắp tắt của mùa thu trên vòm lá đỏ, là tấm áo có tính từ phù dung (sớm nở tối tàn? cũng gợi ý đổỉ thay) sắp tuột khỏi bờ vai thiếu phụ. Tôi có nói đến một phẩm chất vừa thuộc tâm hồn vừa trong bút pháp tác giả: tinh tế và tinh ranh là xuất phát từ các tình huống kiểu này. Bài thơ đầu tập, mang tên Phố, là bài đã có trong tập trước, in lại vào đây chắc để lưu ý một sức gợi của chủ thể trữ tình ẩn trong bài thơ ngỡ như chỉ tả ngoại cảnh, dễ bị người đọc lơ đễnh lướt qua trong tập trước. Một nét bút vẽ, hiện hai bức tranh. Bức thực có cô gái từ xe xích lô chở đầy hoa bước xuống (một cô gái làng hoa ngoại thành mang sản phẩm vào chợ phố). Đồng hiện một bức ảo bước xuống từ tranh lụa mà vạt áo dài cô còn lưu thấp thoáng một chiều dĩ vãng của thời tố nữ ôm cây tì bà. Trần Kim Hoa thường tìm thơ như vậy. Bài thơ có lợi thế về nội tâm, một khám phá nội tâm lãng đãng thực mơ giàu nữ tính. Ở bài thơ phố này, chất thơ rải ra khá đều trong từng câu hơn là chụm lại vào chủ đề. Rải ra nhưng không gây cảm giác dàn trải, bằng bặn, đều đều, dễ chán là nhờ sức liên tưởng phong phú và thơ mộng của tâm hồn. Tác giả nhìn ngắm hôm nay nhưng trong tâm trí lại thấy cả ngày xưa. Hoài niệm đan luôn vào hiện thực. Tác giả quả có hơi đắm đuối trong cách chọn chi tiết gợi về truyền thống, về những vẻ đẹp từng là hình mẫu thẩm mỹ tinh hoa của nền văn hóa xưa, được lưu giữ âm thầm và thường trực trong bảo tàng tâm hồn một lớp người vốn trân trọng giá trị dân tộc. Trần Kim Hoa là cô tân thời thiên ái nét xưa:
âm âm tường rêu
tiếng rao khuya mềm đêm ngói mỏng
mắt đen tóc tết ơi
phố dài ngô nếp nướng
Bài thơ viết năm 2004, nhưng các chi tiết trong khổ thơ trên lại là một hồi cố, một cơn hoài niệm: tường thì tường rêu, tiếng rao thì cô lẻ trong đêm vắng, mái thì mái ngói mỏng, rồi mắt đen tóc tết, rồi mùi ngô nướng bay dọc phố dài...Nguyên liệu ấy thường được Trần Kim Hoa vận dụng. Chị nhìn nay mà gợi xưa chứ không để mình chìm vào cõi xưa mà nệ cổ. Lấy cái gợi xưa, lấy tinh hoa của xưa làm sang trọng, đàì các cho nay, quá khứ tạo trữ tình cho đương đại. Sau nhiều năm làm báo, giờ đây chị được phân công làm giám đốc bảo tàng báo chí, gìn giữ nét xưa (bảo tàng) làm giá đỡ cho đương thời (báo chí) rất hợp với phẩm chất tâm hồn chị.
***
Hiện thực xã hội hiện trên trang thơ Trần Kim Hoa là thứ hiện thực lọc qua tâm hồn tác giả. Chị có nhiều bài thơ ca ngợi Hà Nội, một Hà Nội bây giờ, có sớm mai lộng gió, có những chiều bát ngát trắng mây bay...những quang cảnh thời nào cũng có, nhưng cũng không thiếu những chi tiết đặc hiệu của thời ta sống:
Hà Nội nửa phố nửa làng
phố nửa Á nửa Âu
…
bữa cơm chiều ngày một thưa
quán cà phê chật ních
đêm hiếm khi gặp ánh trăng ngần
Hà Nội đầu thế kỷ hai mốt
như người đẹp bước ra từ tiệm làm đầu
tóc nhiều màu nhưng mắt cứ là đen
Ở đoạn thơ kết tác giả trưng ra cái tiện lợi của hiện tại, cái giàu đẹp của tương lai, nhưng điều đọng lại trong hồn ta, lạ thay, lại là cái đã vời xa, đã không còn:
Hà Nội ngày mai biết là đẹp lắm
ngoại thành gần hơn
chỉ tiếng mẹ vời xa, nhà cũ không còn
Tưởng như người viết muốn so sánh nét đẹp Hà Nội của hôm nay, của ngày mai với nét đẹp Hà Nội của xa xưa. Hóa ra không phải. Chị không so đẹp với đẹp. Mà chị so đẹp với xưa, so đẹp với thân yêu, thân thuộc. Những yếu tố không đồng chất. Phía thắng tất yếu thuộc về phía được quy luật tâm lý thiên vị. Ai chả tha thiết khi đọc hồi ký của chính mình. Thơ Trần Kim Hoa thường man mác nỗi u hoài xa vắng là vậy. Chị nắm bắt khá tinh vi những cung bậc cảm xúc ây. Lắng nghe trong lòng mình tiếng vọng xa vời và hư ảo của nó để cố định thành thơ. Thơ như một trạng thái e lệ của tuổi đầu đời vừa muốn khoe vừa muốn giấu mối tình sương khói thuở học trò. Thi vị là nét e lệ ấy thực chất lại là những chiêm nghiệm được tinh chế nhiều lần trong ký ức lịch lãm của lứa tuổi đã làm bà
Đến tập Bên trời này, Trần Kim hoa tỏ ra thuần thục trong hướng tìm thơ đặc hiệu. Chị tạo riêng cho mình một thế giới hiện thực mờ và nhòe. Mờ là không rõ sáng. Nhòe là không rõ nét. Nhưng không là hư ảo. Mà là cách nắm bắt một hiện thực đang liên tục đổi thay. Đổi thay vật thể: nông thôn, thành phố, đường xá, cầu cống, nhà cửa cho đến hình sông thế núi... Và đổi thay phi vật thể như lối sống, quan niệm, đạo lý, tình cảm, cho đến cả mơ ước… Đổi thay rộng khắp và lay vào tận gốc từng lĩnh vực. Thơ không thể đuổi theo để chụp ảnh rồi bình tán vân vi như thời Xuân Diệu viết Ngói mới. Thơ phải đúc kết. Trần Kim Hoa đúc kết bằng tâm trạng hóa hiện thực. Do vậy, đúc mà không khô cứng, kết mà không giáo điều. Đúc kết bằng cảm và nhận, hồn nhiên như đang hô hấp. Có thể như thế này, lại có thể như thế kia. Tác giả không khẳng định như cho đáp số mà chỉ thu lại những khả năng về đích. Nó là một sự chia sẻ, dẫn dụ. Như trong bài Thu về muôn một. Trong muôn kiểu thu về, thơ lưu lấy một. Cái một ấy, nó là duy nhất neo vào lòng chị, thành thơ. Nhưng nó vẫn cứ là ngẫu nhiên. Cảm hứng nhị nguyện. với Trần Kim Hoa đã thành một kiểu bình giá của tâm hồn, mở cho không gian tư duy những khoảng thoáng:
như một thiết tha
trong nghìn hờ hững
nét buồn sừng sững
trong nghìn heo may
thu về trên tay
bóng hình muôn một
Sức gợi trong thơ Trần Kim Hoa truyền nhiễm sang bạn đọc có phần thuận lợi do kiểu tư duy này. Hơn nữa chị có quán tính quay về một miền cố tích yếm đào, xe chỉ, bến đò nước chảy, mùa thu heo may... Không rậm, chỉ thấp thoáng bóng hình xưa đồng hiện trong không gian hiện tại. Có khi còn mỏng manh hơn cả bóng, chỉ là một dáng vẻ của cách nói, của tích xưa như hoa có thì, hay nghi ngút sông Ngân chẳng một bóng đò... Nhưng thế là đủ, đủ để chị mượn được ở đó cả nguyên liệu lẫn nhiên liệu cho cảm hứng. Cảm hứng về một hiện thực lãng đãng giữa ngoại cảnh với hồn người, tạo nên một thương hiệu Trần Kim Hoa thơ dịu dàng e lệ đầy nữ tính.
Không biết do hồn nhiên tự phát hay một chủ định nghệ thuật, Trần Kim Hoa hay nương tựa vào thiên nhiên để biểu hiện nội tâm. Chị vào thơ thường qua cánh cửa của mùa màng, thời tiết, tạo vật thiên nhiên:
gió thổi đến quên mất mình đang vấp ngã
cuối con đường mạng nhện
nào ngờ tôi cũng quên mất mình từng mỏng manh
như tơ rối ren như tơ đứt gãy như tơ trước gió
nào ngờ tháng mười hai nhu mì như cúc họa mi
ngoại thành về phố
thoáng chốc đẹp đẽ rồi ra đi
Tìm ý , lập tứ cũng thiên nhiên. Cái chi tiết cúc họa mi ở đoạn trích trên có hai thuộc tính, tác giả như tiện bút mà nêu ra, như một đường viền nhỏ của bức tranh cuối năm, đó là nét nhu mì và vẻ đẹp thoáng chốc của hoa. Đẹp nhưng chỉ thoáng chốc, lơ đễnh một chút là thôi. Vĩnh viễn qua. Cách tìm ý như trễ nải trong lý sự nhưng khêu gợi liên tưởng thẩm mỹ rất dư ba.
Cảm xúc thơ vận động cũng nhịp với thiên nhiên suốt cả lộ trình. Tôi xin trở lại với bài thơ đang nói, bài Tháng mười hai hao khuyết của tôi.
Tác giả thêm so sánh sự ra đi vội vã của hoa:
tựa những mặt trời ngày đông óng ả bừng lên rồi mất hút
tháng mười hai tự biết mình là ai trước khi rớt xuống
những tờ lịch cuối cùng
…
Bài thơ tả thiên nhiên cứ thế chìm sâu vào giọng độc thoại nội tâm. Ý thơ phát triển từ tốn mà bất ngờ, tự biết mình là ai đâu phải chỉ riêng với tháng mười hai. Và nữa, rất ý nhị:
...không thể nhớ mà chẳng thể quên
những con đò, dòng sông, những hẹn hò, thề thốt
trăm năm đi qua vẫn tưng bừng như mặt trời nhu mì
như cúc trắng
có gì đâu, có gì khác, có gì sai
hiển nhiên đến trong đời rồi hiển nhiên ly biệt
tháng mười hai hao khuyết của tôi
Bài thơ mà tôi đã trích gần hết này có thể coi là một “nhãn hiệu trình tòa” của thi phẩm Trần Kim Hoa. Đôi lúc chị còn phóng khoáng, tự tin, buông bỏ cả ý, cả cảnh, chỉ còn thuần tâm trạng. Tâm không bám vào sự (để thành tâm sự) mà chỉ bám vào cảm giác (với thiên nhiên) nhưng lại rõ lắm những xao xác, những chạnh lòng dâu bể. Bài thơ Áo mỏng như là đã sang thu, ngoài nét duyên ở sự xộc xệch ngôn ngữ trong cái đầu đề, cả bài mười câu đều từ giác quan gợi vào ký ức mà hình thành tâm trạng:
ngần ấy thu sà xuống
giếng vẫn trong veo
đất vẫn như ngày ta lẫm chẫm
nhấp nhô bậc thềm rêu
ngàn năm nữa cỏ vẫn non màu cỏ
gốc gạo bờ đê lẫn thẫn già
gió vẫn thổi dọc chiều lông ngỗng
mây bên trời lững thững sang sông
đồng xanh thẳm cánh cò như cổ tích
áo mỏng như là đã sang thu.
Tất cả như không đổi thay, thì cổ tích vẫn nguyên là cổ tích, cỏ vẫn non, bậc thềm thời xa ấy vẫn lên rêu. Nhưng cây gạo có già đi. Và người nữa chứ. Sự sống sinh lão bệnh tử không bất biến được. Thơ không nói đến người, nhưng áo mỏng sang thu lại có gì như nhắc nhở một thân phận, một tình thế. Sức níu kéo của hoài niệm như đang trội lên trong lòng những “cố nhân” đã ở nửa sau của đời người, giữa một thời cuộc mà sự đổi mới cả vật thể lẫn tinh thần đang phấn khích lao đi, ký ức trong mỗi lòng người đang mất dần dấu tích bám víu ngoài hiện thực. Đó cũng chính là hiện thực, một hiện thực xã hội lặn vào chiều sâu tâm hồn con người.
Nền thơ chúng ta cũng đã đủ trưởng thành và bản lĩnh để lắng nghe, để nâng niu, chia xẻ những xao xuyến tế vi, những run rẩy thoáng nhẹ trong tâm hồn con người. Đó là phẩm chất trữ tình, là thiên lương nhân văn của thơ. Trần Kim Hoa thuộc lứa nhà thơ được tiếp nhận nhiều thành quả của quốc sách Đổi Mới, hướng tìm thơ này là một kết tinh đáng mừng của nỗ lực cá nhân và dấu ấn tự tin của thời ta đang sống. Thành công của chị có thể còn rụt rè và...nghe ngóng (nghe chiều hướng bạn đọc tiếp thu, nghe chính lòng mình nữa) nhưng tôi chắc hướng tìm ấy sẽ còn đánh thức nhiều miền cảm hứng rộng lớn phong phú cho thơ.
Hà Nội, 16-5-2021
Tác giả: Vũ Quần Phương
Nguồn Văn nghệ số 28/2021
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên