Tôi thấy trong lĩnh vực văn học nghệ thuật của Việt Nam, thì đi chậm nhất nếu không nói là đang “lần mò” tìm đường, chính là điện ảnh. Kịch bản “lành”, đạo diễn “lười”, diễn viên “biếng”… đã làm cho người xem Việt Nam lảng tránh phim Made in Vietnam.
Nhìn sang các nước bên cạnh như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc thấy họ có những bộ phim làm không ít người Việt săn lùng bằng mọi cách để được xem. Hiện thực của đời sống của các nước nói trên có sống động và phong phú hơn hiện thực đời sống của Việt Nam hay không? Tất nhiên là không. Việt Nam có quá nhiều hiện thực mà biết kể lại một cách giản dị đã có thể làm người xem xúc động và ám ảnh. Ngay phim làm về cuộc chiến tranh chống ngoại xâm của chúng ta hay phim về các nhân vật lịch sử, các sự kiện lịch sử chúng ta cũng không làm hay được. Một sự thật chúng ta phải thừa nhận rằng: hầu hết các phim được đặt hàng của Nhà nước gần như làm để có chương trình, có thành tích nhưng lại mờ nhạt. Nhiều bộ phim như thế, sau khi quay xong, chiếu “chiêu đãi”, chiếu báo báo, chiếu ngiệm thu… là nhanh chóng dưa vào kho cất giữ.
Một ví dụ rất đáng suy nghĩ là điện ảnh Iran. Một đất nước ít dân, không phải là quốc gia giàu có nhưng đã có một nền điện ảnh đáng kinh ngạc. Với những bộ phim được giải thưởng quốc tế uy tín của điện ảnh Iran mà người Việt Nam được xem, chúng ta nhận ra rằng: các nhà làm phim Iran đã không lợi dụng bất cứ thứ gì “bất thường” và quá dị biệt. Họ dựng lên một đời sống với những câu chuyện bình dị nhưng lại chạm tới trái tim người xem. Đạo diễn Rouhollah Hejazi của Iran cho rằng: “Chúng tôi đã làm những bộ phim với ngân sách rất thấp, với những diễn viên không chuyên nghiệp, kỹ thuật cũng không cao siêu nhưng chúng tôi làm tất cả bằng tình yêu với điện ảnh”.
Những năm gần đây, chính sách đổi mới của Đảng đã mở ra một cánh cửa rất rộng cho sự phát triển mang tính đa dạng của các lĩnh vực văn học nghệ thuật. Theo cách nhìn của tôi, văn học và hội họa có lẽ là hai lĩnh vực có nhiều đột phá nhất. Không có bộ phim nào được lùng xem như đi lùng một số tác phẩm văn học và không có bộ phim nào được những nhà kinh doanh nước ngoài săn lùng như săn lùng các tác phẩm hội họa Việt Nam. Thế nhưng, điện ảnh Việt vẫn khiêm tốn “im lặng”.
***
Trong những ngày này, dư luận đang bàn tới bộ phịm Vị của đạo diễn Lê Bảo. Báo Vnexpress viết: “Hồi tháng 5, êkíp từng bị phạt 35 triệu đồng sau khi đoạt giải tại Liên hoan phim Berlin vì chưa xin phép phát hành. Đơn vị vi phạm đã nộp phạt ngay sau đó, nhà sản xuất nói họ chưa có kế hoạch chiếu trong nước nên không làm hồ sơ. Sau đó, họ lại làm thủ tục xin giấy phép phổ biến phim”.
Họa sỹ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ VHTTDL, nói: “Tôi quý mến tài năng, khao khát tìm tòi nghệ thuật của đạo diễn Lê Bảo, nhà sản xuất Đồng Thảo. Nội dung phim truyền tải bức bối của người lao động, không có gì đáng phê phán, nhưng cảnh nude quá dài, không phù hợp văn hóa Việt. Tôi có trao đổi với êkíp về phương án sửa nhưng họ cho biết không quay đủ cảnh để lấp vào các trường đoạn khỏa thân”
Đổi mới điện ảnh hay nói chung là đổi với văn học nghệ thuật Việt Nam thực sự là sự sống còn. Bởi thời đại mới đã mang đến nhiều tầng tư duy sáng tạo khác nhau. Như thế cần nhiều cách tiếp cận khác nhau. Sáng tạo như mấy chục năm trước đã có nhiều điều không còn phù hợp với sự phát triển của đất nước và cách tiếp cận các tác phẩm văn học nghệ thuật cũng phải được thay đổi. Chính vì sự không thay đổi cách tiếp cận mới hoặc thay đổi chậm đã gây lên những cuộc tranh luận tới mức vượt qua cả giới hạn của văn hóa tranh luận, trở thành sự xúc phạm nhau, thậm chí chứa cả tính độc ác và trở thành vật cản khủng khiếp cho sự phát triển, đổi mới tư duy sáng tạo, tư duy tiếp nhận.
Một câu hỏi của nhiều người đọc thông tin trên báo chí về vấn đề của bộ phim Vị cho thấy nguyên nhân chính mà bộ phim này không được hội đồng thẩm định cấp phép phát hành là vấn đề “nude” bị “lạm dụng” quá mức. Họ đặt câu hỏi : Nude có phải là yếu tố quan trọng trong đổi mới điện ảnh không? Nude có phải là điều cấm kị trong các tác phẩm văn học nghệ thuật không? Theo quan điểm của tôi là KHÔNG. Vấn đề là xử dụng nghệ thuật, mức độ, ý nghĩa của NUDE như thế nào trong các tác phẩm văn học nghệ thuật, đặc biệt là điện ảnh mà thôi.
Tác giả: Phạm Hiền
Nguồn Văn nghệ số 31/2021
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên