Tàn Tuyết được coi là đại biểu của văn học phái tiên phong, là nữ tác gia Trung Quốc có tác phẩm được dịch in ở nước ngoài nhiều nhất. Tiểu thuyết của bà là tác phẩm văn học được giảng dạy ở các trường Ðại học Harvard, Cornell, Columbia ở Mỹ, và Ðại học Chuo Tokyo, Ðại học Kokugakuin, Nhật Bản. Ðồng thời, ở Mỹ và Nhật Bản, tác phẩm của bà cũng nhiều lần được tuyển chọn vào tuyển tập truyện ngắn ưu tú Thế giới. Tàn Tuyết được giới văn học Mỹ và Nhật Bản nhận định là “một trong những nhà văn sáng tạo nhất trong văn học Trung Quốc kể từ giữa thế kỷ XX lại đây”.
Bà hiện là một trong những tác gia tiên phong, có phong cách sáng tạo cá tính hóa rõ ràng, là tác gia đương đại Trung Quốc được biết đến nhiều trên thế giới. Có người nói rằng Tàn Tuyết là nhà văn Trung Quốc tiếp cận tới gần Lỗ Tấn nhất hiện nay, xét từ mọi tầng ý nghĩa. Nhà văn Mỹ Susan Sontag nói: “Nếu buộc tôi phải nói ra ai là nhà văn hay nhất Trung Quốc, tôi sẽ không do dự nói ngay: đó là Tàn Tuyết! Nhưng có thể chỉ có một phần vạn người Trung Quốc từng nghe nói đến bà ấy.” Còn Goran Malmqvist – Viện sĩ học viện Thụy Ðiển thì gọi Tàn Tuyết là “Kafka của Trung Quốc”.
Trong hai năm 2019, 2020, Tàn Tuyết đều được đề cử trao giải Nobel Văn học. Tàn Tuyết từng đánh giá về tác phẩm của mình rằng: “Tác phẩm của tôi là viết cho tương lai; sau hai ba mươi năm nữa, mọi người sẽ hiểu những tác phẩm của tôi.”
DỪNG LẠI Ở KINH NGHIỆM BỀ NGOÀI VÀ VẾT THƯƠNG CHÍ MẠNG CỦA NHÀ VĂN TRUNG QUỐC
Trong quan niệm của tôi, tác phẩm vĩ đại là một tác phẩm có tính vĩnh hằng. Tức là, những tác phẩm văn học loại này bất luận trải qua bao nhiêu thế kỷ xoay vần, vẫn không ngừng được hậu thế tìm hiểu lý giải, khiến cho họ nảy sinh những cảm nhận mới về nó. Những tác gia loại này là những người có “thần tính”, có một chút giống với tiên tri. Còn nói về lượng độc giả, thì những tác phẩm loại này không thể đong đếm bằng số lượng độc giả trong một phạm vi không gian nào đó, ở một đoạn thời gian nào đó. Thậm chí có lúc, do sự hạn chế của điều kiện, khi vừa mới ra đời nó đã bị vùi dập, nhưng cuối cùng thì độc giả của nó lại vượt xa, rất xa những tác giả thông thường khác. Nhân loại vẫn có một dòng sông ngầm bí ẩn về lịch sử văn học. Dòng sông ấy chảy ở nơi sâu nhất, tăm tối nhất dưới lòng đất, được làm nên bởi những nhà văn viết về bản chất. Nó là tấm gương phản chiếu sự kiếm tìm tinh thần thuần khiết mà bao nhiêu thế kỷ nay nhân loại đang thực hiện.
Tôi không thích cách đề cập đến một “tiểu thuyết Trung Quốc vĩ đại”. Nội hàm trong đó rõ ràng vô cùng hẹp hòi. Nếu như tác phẩm của nhà văn có thể phản ánh được bản chất sâu sắc nhất, phổ biến nhất của con người (cái này vừa giống như thức ăn, bầu trời, lại cũng giống như đá núi và đại dương), thì bất luận con người của chủng tộc nào cũng đều thừa nhận đó là một tác phẩm vĩ đại. Đương nhiên, việc thừa nhận như thế thường chẳng phải là lấy hiệu ứng trong một thời gian ngắn mà đong đếm được. Đối với tôi mà nói, tính địa vực của tác phẩm không hề quan trọng. Có ai lại chú ý đến tính đặc sắc Anh Quốc của Shakespeare, hay tính đặc sắc Italia của Dante chứ? Nếu như anh đã đạt tới sự thưởng thức ở một tầng sâu, thì địa vực hay chủng tộc hoàn toàn có thể bỏ qua không cần kể tới. Nói đến cùng, văn học chẳng phải là một hoạt động bậc cao được thực hiện để nhận thức về chính bản thân mình khi con người là một con người ư? Nhà văn có thể từ trải nghiệm địa vực mà cất cánh lên (đại khái bất cứ người nào cũng không thể tránh khỏi việc làm như vậy), nhưng quyết không nên dừng lại ở kinh nghiệm bề ngoài của địa vực. Những nhà văn nên có những tìm kiếm sâu hơn nữa, rộng hơn nữa. Trong khi, việc dừng lại ở kinh nghiệm bề ngoài chính là vết thương chí mạng của nhà văn Trung Quốc (cũng như những nhà văn Mỹ hiện nay). Vì quá tôn sùng truyền thống của dân tộc mình, họ không nhìn thấy hoặc không có năng lực tiến vào lĩnh vực tinh thần ở một tầng sâu hơn. Điều ấy đã khiến cho tác phẩm bị dừng lại ở tầng mức được gọi là “tả thực”, “kinh nghiệm dân tộc”. Sức sống của những tác phẩm loại này tất nhiên là ngắn ngủi, mức độ phê phán cũng đáng ngờ (điều này chỉ cần nhìn vào sự tụt lùi và lạc hậu một cách phổ biến của những người hoạt động văn hóa ở Trung Quốc đại lục hiện nay, nhìn vào sự cuồng nhiệt của đa số người dân Mỹ đối với cuộc chiến tranh Iraq, cũng như các cuộc chiến trước nay là có thể chứng minh được.)
TÁC PHẨM VĨ ĐẠI TỰ PHÊ PHÁN
Những tác phẩm vĩ đại đều là tác phẩm tự xét, tự phê phán. Trong danh sách những “ngôi sao” của tôi có các tác gia như: Homer, Dante, Milton, Shakespeare, Cervantes, Goethe, Kafka, Borges, Calvino, Saint-Exupéry, Tolstoy, Gogol, Dostoevsky, .v.v. Trong danh sách ấy chủ yếu là người phương Tây, các nhà văn có quan niệm phương Tây, vì tôi cho rằng đầu nguồn của văn học là ở phương Tây, trong khi ở Trung Quốc, từ khi bắt đầu xuất hiện tới nay, văn học đã không tồn tại với vai trò là một sản phẩm tinh thần độc lập.Văn học Trung Quốc từ xưa đến nay đã thiếu đi đặc trưng cơ bản nhất của văn học: nhận thức tự giác của con người đối với bản chất tự thân của mình. Cũng tức là nói, văn học Trung Quốc hoàn toàn thiếu đi sự tự mâu thuẫn, cũng như năng lực và kỹ thuật diễn dịch đến cùng mâu thuẫn này. Văn học truyền thống trước nay đều là nương dựa và hướng ngoại (tức là dừng lại ở tầng bề mặt). Dẫu cho là tác phẩm vĩ đại như “Hồng lâu mộng”, thì ngày nay nhìn lại, ở một trình độ lớn, cũng đã hết thời, bởi vì nó không thể thúc đẩy con người tự thức tỉnh và phấn phát tiến lên, đối với sự miêu tả tâm hồn con người cũng hết sức nông cạn, không đề cập tới được sự mâu thuẫn của nội tâm, tương đương với văn học về thời thơ ấu của con người. Lỗ Tấn tiên sinh cũng từng viết những tác phẩm vĩ đại (toàn bộ tác phẩm “Dã thảo” và một số trong tập “Chuyện cũ viết lại”), nhưng số lượng vẫn còn quá ít. Sự áp bức của văn hóa đối với ông khiến ông chưa kịp phát triển thiên tài của mình. Trên ý nghĩa này, nền văn học của Đại lục, trước sau vẫn nằm trong nguy cơ; những tác phẩm thăm dò đến tầng sâu của tính người, nâng cao tính quốc dân còn rất lâu nữa mới có vẫn chưa hình thành trào lưu.
Như tôi thấy, nếu nhà văn Trung Quốc không thể chiến thắng được tình cảm “dân tộc tự luyến” của chính mình, thì sẽ không có cách nào để tiếp tục tìm kiếm lý tưởng văn học được. Cho nên, trên văn đàn Đại lục, rất nhiều nhà văn đến tuổi bốn mươi trở ra là bắt đầu thoái hóa, nào là viết không ra tác phẩm, nào là dùng hàng giả để phu diễn, lừa dối độc giả.Căn nguyên nảy sinh ra hiện tượng này là ở tâm lý dân tộc tự đại. Văn hóa của chúng ta đã phá hủy, đầu độc thiên tài của chúng ta. Sự khuyết thiếu tinh thần trong văn hóa Trung Quốc đã khiến cho văn học Đại lục không thể sinh trưởng, phát triển, cũng giống như những ông già tí hon với khuôn mặt trẻ thơ, mãi mãi sành sỏi lõi đời như thế, mãi mãi có thể tự bào chữa cho mình, có đủ sự tinh minh của một người thợ xuất sắc nhất trên thế giới, duy chỉ không có sự tự xét, không có sự phê phán chính mình.Ở tất cả những phương diện có sự đề cập đến bản thân, đại bộ phận nhà văn Đại lục đều hoặc là lấy những giấc mơ giữa ban ngày mà mỹ hóa thêm, hoặc là dùng chủ nghĩa hư vô mà văn hóa cổ đại đề xướng để hóa giải mâu thuẫn.
TÁC PHẨM VĨ ĐẠI LÀ TÁC PHẨM CÁ NHÂN HÓA TRIỆT ĐỂ
Văn học không có sự truy cầu tinh thần là ngụy văn học. Văn học miêu tả kinh nghiệm bề ngoài thì chỉ là văn học ở tầng nông. Điều này, trong sự phát triển của văn học hiện nay, dường như là một vấn đề mang tính thế giới. Sự phát triển phi tốc của thế giới vật chất đã khiến cho đại bộ phận nhà văn càng ngày càng lười biếng, càng ngày càng thỏa mãn với một số kinh nghiệm bề ngoài. Trong khi, người đọc sách cũng ngày một ít đi. Nghe nói, những tiểu thuyết Thực nghiệm ở những nước như Nhật Bản đã rất khó có thể được xuất bản, mà những sự kiện tự sát tập thể ở nước này lại liên tục phát sinh. Lại nghe nói, ngay ở Đức – đất nước cha đẻ của các tư tưởng, người ta cũng không đọc tiểu thuyết Thực nghiệm nữa. Cảm giác vỡ mộng giống như một một con linh hồn u ám vất vưởng trên thế giới. Nhưng tôi vẫn tin rằng, con sông ngầm bí ẩn ấy sẽ chẳng bao giờ nghẽn dòng, dẫu cho lịch sử có cao trào cũng có đáy sâu. Bất kỳ thời đại nào cũng luôn có một bộ phận nhỏ những con người, dùng lao động thầm lặng của mình truyền những sức sống mới vào dòng sông ấy. Những lý tưởng đã liên tục mấy ngàn năm sẽ còn tiếp tục được nối dài, đối kháng lại với thế giới nóng vội, nông cạn mà ồn ào này.
Tác phẩm vĩ đại đều là những tác phẩm cá nhân hóa một cách triệt để. Bởi vì, con người chỉ có thể đạt đến tự do trong những sáng tác thực sự cá nhân hóa. Trong những giây phút sáng tác, nếu không gạt bỏ tất cả những lụy phiền của vật chất, không vạch rõ một ranh giới với vật chất, thì linh cảm không có cách nào bay lên được. Và, điều mà sức hoạt động ấy mong muốn đạt được chính là nhân cách độc lập của cá nhân. Muốn làm được điều này, đối với một nhà văn Trung Quốc đại lục, đó là một việc đặc biệt khó khăn, đặc biệt cần có dũng khí. Thực tiễn của văn học chính là một sự rèn luyện như vậy.Ở Đại lục, những nhà văn có nhận thức, tự cứu vớt chính mình, và coi những điều ấy là mục tiêu cao nhất giống như các tác gia phương tây Dante hay Goethe là vô cùng ít. Cứ nói đến văn học, mọi người đều đánh đồng nó với một kinh nghiệm bề ngoài, có liên quan đến hiện thực “chung” như một lẽ tất nhiên, tiếp theo đó dĩ nhiên là chỉ có thể đề cập đến các vấn đề như làm thế nào để hoàn thiện “kỹ xảo” biểu đạt, làm thế nào để trình bày ngôn từ, vận dụng tình điệu để có được “tân ý”. Trên văn đàn, luôn có những nhà lý luận cao giọng, đề xuất phải làm trong sạch những ảnh hưởng văn học thuần túy, ra sức đề xướng cái gọi là “quan tâm đến hiện thực”. Kiểu trình bày ngôn từ, vận dụng tình điệu ấy chúng ta đã nghe suốt mấy chục năm rồi, thực sự nó không liên quan gì đến văn học chân chính cả. Chỉ có cá biệt một số nhà văn chú ý đến việc ngoài thế giới kinh nghiệm của chúng ta, còn tồn tại một thế giới khác rộng lớn hơn nhiều đang đợi chúng ta tới gặp gỡ, tới khai thác. Tôi cho rằng, là một nơi có nền văn minh cổ xưa nhất trên thế giới, các nhà văn Trung Quốc, về phương diện này, nên biết rằng mình đã được ông trời hậu đãi đặc biệt. Vấn đề ở chỗ là, anh có thể chiến thắng được sức ỳ trong văn hóa của mình không, để từ một kiểu văn hóa khác giành được công cụ khai thác ấy. Chúng ta không tới khai thác, thì vùng đất rộng lớn vô biên ấy căn bản sẽ không thuộc về chúng ta. Một nhà văn, bất luận anh ta dùng cách nào để sáng tác, chỉ cần anh ta có sự hiếu kỳ trong việc nhận thức bản ngã, có xung động cải tạo bản ngã, có tấm lòng rộng mở, thì nhất định sẽ tiến vào được vùng đất tầng sâu trong việc kiếm tìm nhân tính, đem khối mâu thuẫn xưa cũ ấy tiến hành một sự diễn giải chưa từng có trong lịch sử của chúng ta, cùng với việc tự cứu mình mà ảnh hưởng tới độc giả, cải tạo tính quốc dân của chúng ta.
Văn học vĩ đại hoàn toàn không phải là một cái gì quá cao đến nỗi không thể với tới được; nó thuộc về nhà văn tha thiết tìm kiếm nó; hạt nhân của nó chính là bản chất của con người. Mỗi một nhà văn có thể hết sức phát huy lý tưởng trong sáng tạo văn học đều là một nhà văn vĩ đại trong khoảnh khắc sáng tác của mình. Những tác phẩm được viết ra như vậy chính là một tác phẩm vĩ đại. Tất nhiên, khả năng thiên bẩm của mỗi người là khác nhau, có thể trở thành một ngôi sao sáng hay không, không phải là điều quan trọng, chỉ cần hoàn thành được chính mình trong cảnh giới tìm kiếm vĩ đại ấy, thì đó chính là hạnh phúc lớn nhất. Tôi muốn dùng một câu của Shakespeare để kết thúc bài viết này: “Thượng đế tạo ra chúng ta, cho chúng ta bao nhiêu trí tuệ như vậy, là để chúng ta có thể trông trước nhìn sau, tuyệt không phải là muốn chúng ta, đem trí tuệ ấy, đem lý trí sáng láng ấy để mục nát mà không sử dụng.”
Châu Hải Đường dịch
________
(*) Các tựa đề nhỏ là do Văn nghệ đặt.
Nguồn Văn nghệ số 32/2021
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên