Trong bài “Một mình” đầu tập thơ, có câu “Tiếng thở dài day dứt khôn nguôi”, nhà thơ, nhà văn, kể cả nhà báo...không day dứt đâu có tác phẩm? Tâm hồn Vương Tâm hơn cả day dứt, nhưng ông luôn biết tự cân bằng, tiếng thở dài cũng giá trị: “Mười thương bởi tiếng thở dài/ Ngủ ba canh dở còn hai canh buồn”, (Mười thương). Biết bằng lòng, nâng niu điều mình có, đó là bí quyết nhưng không dễ thực hiện.
...
Có những lúc nhắm mắt lắng nghe
Thời gian trôi sần sùi già cả
Với ta như cỏ cây hoa lá
Hồn nhiên và thanh thản mỉm cười
(Niệm khúc tháng sáu)
Cuộc sống cứ tác động vào trái tim thơ của Vương Tâm. Đau khổ là đâu dễ lên tiếng. Có những lúc tựa như trái tim nhà thơ tan nát, thương số phận, cũng thương mình. Cuộc sống bây giờ là vậy, nhiều khi cứ phải giả ngu đi, giả điếc, giả mù đi... mới mong được yên thân. “Sự sợ hãi run trong ánh mắt/ Niềm thương tôi phải đóng quan tài / Chôn giấu xuống sâu ba tấc đất / Sống làm sao tan nát lòng người”, (Ám ảnh). Con người đang sống nhang nhác con người, yêu không dám nói yêu, ghét không dám bày tỏ ghét, cứ phải đóng kịch trong những thứ thớ lợ, nhưng làm sao khác được? Người tốt có thể bị “đánh úp”, “giương bẫy”... ở cái thời dân gian đã tổng kết “Thạch Sanh thì ít Lý Thông thì nhiều”, mấy ai dám “bộc lộ” mình? Dấu đi cảm xúc, học nói dối trước tập thể may ra là người tốt, được lên chức, lên lương, quy hoạch, cất nhắc. Đó cũng là một trong những đặc điểm của thời đại ta đang sống. Chỉ bốn câu thơ trong “Ám ảnh” đã có sức mạnh tố cáo.
Trong cái xã hội hỗn mang con người luôn thờ phụng đồng tiền, săn đuổi, chiếm đoạt để thỏa mãn cái tôi. Để thỏa mãn, con người sẵn sàng bức tử “không gian sống”, hủy hoại môi trường sông, biển, ruộng đồng, không khí, nước ngầm đô thị; sắn bắt, tận diệt các loài muông thú, phá rừng, làm cạn kiệt thảm thực vật...Không chỉ thế, để ve vuốt cái tôi, con người “tấn công” đồng loại, dễ thấy là cung cấp thực phẩm bẩn, bảo quản bằng hóa chất độc hại; khó nhận diện là lừa gạt nhau bằng các chiêu trò từ trong cơ quan ra ngoài xã hội. Ngày xưa, tôn ti trật tự trong dòng họ, gia đình thuộc thuần phong mỹ tục, giá trị bất biến về văn hóa; nhưng ngày nay, anh em, cha con, vợ chồng có thể làm hại nhau, giết nhau chỉ vì mấy tấc đất có sổ hồng, sổ đỏ. Ở đâu cũng thấy thủ đoạn: “Le lói trong ánh mắt tỏ vẻ yêu thương/ Là bóng mây đen tối/ Hiện lên cùng bàn tay tội lỗi/ Của con tim tím bầm/ Chiếm đoạt”, (Chiếm đoạt).
Trong bài thơ “Tự họa” mở đầu cho “Thơ chọn Vương Tâm”, nhà thơ Vương Tâm tự thấy mình giống hình ảnh cha, có lúc giống mẹ. Thời thanh niên, ông thấy “tôi thật giống con trai”. Thì chả con trai là gì, không nhẽ lưỡng tính? Đó là lúc “Khát khao miền đất trời cao rộng/ Bay khắp nơi nuôi ước mơ sống/ Sao cho đáng một kiếp người”. Chữ “người” ông viết hoa. Nhưng thật khó. Về cuối đời “Cứ như thế cuộc sống ngược xuôi/ Dồn dập khổ đau và cay đắng/ Đốt thời gian cuối cùng trầm lặng/ Khoanh tay chờ nỗi tuyệt vọng lên ngôi”.
“Thơ chọn Vương Tâm” là tập thơ dày dặn 250 trang in, gồm 170 bài thơ. Đây là tập thơ Nhà nước đặt hàng. Đã gọi là thơ chọn, có nghĩa là tác giả giới thiệu những “đứa con tinh thần” ưu tú nhất của mình. Nhà thơ Vương Tâm sắp xếp thơ chọn thành 3 phần, phần 1 có tiêu đề “Nỗi đời xanh”, phần 2 có tiêu đề “Độc ẩm”, phần 3 có tiêu đề “Tiếng kèn cọng rơm” là phần thơ thiếu nhi. Phần 2 “Độc ẩm” là thơ tình, tình ở đây gồm tình yêu đôi lứa, gia đình, quê hương đất nước. Phần 1 “Nỗi đời xanh” chắc chắn là phần thơ thế sự, dẫu nhiều bài ở phần này, thế sự là tầng cảm xúc chìm được che dấu sau tầng nổi về tình yêu.
Có một điều lạ là ngay phần thơ dành cho tình yêu, nhà thơ Vương Tâm cũng lấy tiêu đề “Độc ẩm”. Độc ẩm là uống trà một mình, uống rượu một mình (nếu rượu rót vào ẩm). Nói như thế để thấy rằng nhà thơ luôn chơi vơi giữa niềm vui và nỗi buồn, giữa không và có, bộn bề như chính cuộc sống và ông là người bị hiện thực chà xát, đầy lên cảm xúc, bắt ông vắt kiệt cảm xúc.
..
Một đời mê mải kiếm tìm
Một đời khát vọng cánh chim tang bồng
Tuổi già như có như không
Trái tim vẫn trẻ tận cùng buồn vui
(Nỗi đời còn xanh)
Dù có 3 phần rõ rệt, nhưng chắc chắn rằng, phần 1 “Nỗi đời còn xanh” tạo nên tư thế của “Thơ chọn Vương Tâm”, phần nào phản ánh tư thế của nhà thơ trong việc thực hiện trách nhiệm của một nghệ sỹ.
***
Vương Tâm vốn là phóng viên của báo Hà Nội mới. Thường nhà thơ nào hoạt động trong môi trường báo chí là quen với việc đi lại. Ngồi một chỗ rất khó chịu. Nhà văn Y Ban có lần nói ví von: “Trong ngôn từ của Vương Tâm không có hai từ sợ đi. Hỏi ông có phải thế không, ông cười khá duyên, cái duyên chúm chím hoa rau muống của ông đã cưa đổ bao cô gái, không đi được ngứa ngáy lắm, với lại báo nọ báo kia họ đặt bài nhận lời rồi thì phải đi”.
Nhà thơ Vương Tâm bộ dạng hiền nhưng hóm. Ông tự ví mình suốt ngày chạy rông như chó ngoài đường, ông tuổi Bính Tuất. Ngoài đời, nhiều người khen ông đào hoa, lắm nhan sắc, lắm thơ tình, ông chỉ tặc lưỡi: “Giời đầy ấy mà, báu gì!”. Chả trách “Thơ chọn Vương Tâm” phân nửa là thơ tình. Thơ tình đến say đắm và dại dột.
Vương Tâm là người theo “Chủ nghĩa xê dịch”, máu làm báo ngấm vào, cuối đời vẫn không sửa được. Năm 2020, ông tham gia Trại viết ở Đà Lạt cùng với nhiều nhà thơ như Nguyễn Linh Khiếu, Trần Quang Đạo... Mấy nhà thơ, nhà văn tham gia Trại tranh thủ giao lưu, rượu chè...Vương Tâm thì không. Ông lặn lội gặp nhân vật này, nhân vật khác tìm tài liệu cho các sáng tác. Với ông, bỏ qua cơ hội nào cũng thấy tiếc.
Ngay cả nơi ở, không biết có phải vì mệnh Tuất vận vào người không, Vương Tâm liên tục di chuyển chỗ ở. Tân Mai, Bách Khoa, Kim Mã, Núi Trúc, Trần Hưng Đạo, Trung Tự, Linh Lang... Vương Tâm Viết như để giải tỏa những ẩn ức trong mình. Mấy năm nay ông mới có chỗ ở mới, ổn định lâu dài. Đó cũng là lúc ông viết khá nhiều và khỏe. Nhiều chi tiết trong cuộc sống hằng ngày có thể với người khác nó sẽ bỏ qua, nhưng Vương Tâm luôn níu giữ nó và tạo nên những hình tượng thơ ca, với bao yêu thương nhân ái.
Ở tuổi ngoài 70, Vương Tâm vẫn mê đi, say viết. Ông tới tận những vùng đất nhiều người chưa đến để viết phóng sự về con người, thân phận. Ông cưỡi trên chiếc xe máy từ sáng tới đêm để có thể đi tìm tư liệu. Có những chuyến đi ông kết hợp viết bài làm từ thiện. Có lần, ông bị tai nạn dọc đường may nhờ người qua đường tốt bụng đưa vào viện cấp cứu kịp thời. Khỏe lại đi.
Làm báo nhưng Vương Tâm đi vào văn chương tự nhiên, như chính văn chương chọn ông. Thơ Vương Tâm giàu cảm xúc. Ông là một trong ba người đoạt giải A thơ báo Văn nghệ cuộc thi thơ 2 năm 2006 - 2007. Cho đến nay, Vương Tâm đã có đầy đủ các tác phẩm với đủ các thể loại từ truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký, thơ ca, ký chân dung... với hơn 40 tác bản phẩm.
Ngoài đam mê văn chương, đi lại, nhà thơ Vương Tâm còn thú vui tao nhã là sưu tập ấm và tem về các loài chó. Trung nhà ông, từ cầu thang lên đến thư phòng ngổn ngang, la liệt ấm to, ấm nhỏ. Nghe đâu có đến 500 cái ấm lớn nhỏ, niên đại, xuất xứ khác nhau.
"Tôi cầm tinh con chó, một con vật đã trở thành một biểu tượng cho lòng trung thành, tính cẩn thận, chi chút. Nên tôi có thể đi và viết những điều tỉ mẩn trong chặng đường làm báo. Tuổi của tôi, cũng có những cái được và cái mất, những niềm vui và nỗi buồn. Cuộc sống là những tháng ngày nỗ lực vươn lên, tự lao động để kiếm sống và nuôi sống gia đình nên mọi nếm trải ở đời là rất thực. Nhiều niềm vui, nhiều nỗi buồn, nhiều sự thất bại nhưng luôn tự biết cách làm lành vết thương, và tự chuyển hóa đau khổ thành hạnh phúc, an vui. Cuộc sống vô thường là ở lẽ đó", nhà thơ Vương Tâm trải lòng.
Trong “Thơ chọn Vương Tâm” có hai bài thơ cùng tên “Tự họa”, tự họa chân dung trước thân phận khác tự họa trước tình yêu. Hẳn nhiên như thế.
...
Tôi là một gã thật thà
Theo em chẳng ngại đường xa điệp trùng
Đã yêu một dạ nhớ mong
Như hoa thơm với sắc hồng long lanh
(Tự họa)
Chúc mừng nhà thơ Vương Tâm luôn có “em” để vụng về, khờ khạo. Tâm hồn Vương Tâm vẫn trẻ, luôn trẻ, “chẳng ngại đường xa điệp trùng”. “Nàng thơ” chưa hẹn ngày buông tha ông./.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên