- Thành mở cánh cửa sổ nhìn xuống đường. Bốn giờ sáng, thành phố như một cô gái ngái ngủ mới lộ ra một phần dưới tấm chăn đắp. Giấc ngủ giấu những vui buồn lo toan vào đêm còn Thành và Dậu thì đang thức. Mệt, thất vọng, như đi trong đêm chưa bắt gặp một tia sáng. Một đêm đã qua, một ngày mới lại bắt đầu.
- Thủ trưởng dậy sớm thế?
Không để ý đến câu hỏi của Dậu, Thành đang dõi theo những cử động chậm chạp dưới lòng đường, khối đen cứ nhích lại mỗi lúc một gần cùng với tiếng động loẹt quẹt: Chị lao công! Hàng sấu cổ thụ chạy dài theo con phố đang vào mùa thay lá, như tẩy đi những mụn nhọt, tàn nhang trên khuôn mặt để rồi trưng ra những vòm lá xanh đậm, non tơ.
- Anh nghĩ gì thế?
Thành quay đầu lại thấy Dậu đã gấp chăn màn ngồi thu lu ở góc giường. Cái khuôn mặt chữ điền vốn trắng trẻo giờ như sạm đi, gầy đi. Anh tin vào Dậu, một đội trưởng trọng án mưu trí, sắc sảo, có lúc còn giúp anh xốc lại tinh thần anh em khi vụ án gặp những tình huống “câu dầm”. Mười mấy năm làm việc cùng nó anh biết cả nết ăn, nết ngủ, cái nóng nảy “ ruột ngựa” đến thẳng tưng của nó, làm cho anh và nhiều người có lúc giận. Nhưng nó chân thành tình cảm. Ba mươi bảy tuổi rồi chưa lấy vợ. Cái nóng nảy bột phát có phải vì lý do gì trong đấy không?
- Anh định họp anh em xem có thông tin gì mới không?
- Đang định xin anh nghỉ bù, mấy tháng nay em chưa về nhà.
Cuộc họp với cán bộ đội án thêm nhiều thông tin mới. Cuộn chỉ rối đã tìm được đầu mối và bây giờ là giai đoạn lần mối truy tin.
Chuyên án mà Thành và đồng đội thực hiện đang đi vào thời điểm quyết định. Nguồn tin về đối tượng cầm đầu lén lút về Đường Hào móc nối tàn dư chế độ cũ, số bất mãn chống đối để phát triển tổ chức, nhằm tiếp tục hoạt động. Nhưng Đường Hào một huyện rộng lớn mà đối tượng thì có nhiều thủ đoạn xảo quyệt để che giấu tung tích. Lưới đã giăng, làm sao để phát hiện quy luật đi lại, quan hệ và nơi ở của đối tượng, để cất mẻ lưới cuối cùng? Đường Hào cái huyện có hơn hai mươi ki lô mét đường 5A chạy qua. Tuyến đường bộ huyết mạch Hà Nội-Hải Phòng nổi danh với “Tiếng sấm đường 5” thời chống Pháp.
- Thành về đến nhà thì ông Quân đã yếu lắm. Ông đang nằm trên ghế xếp kiểu nửa ngồi, nửa nằm. Hai bàn tay gầy guộc đầy gân xanh, run run lần tìm cái gì đó trong chiếc cặp để trên bụng. Gian khổ ác liệt trong hai cuộc kháng chiến, không quật ngã được ông. Chỉ có nỗi đau, lòng trắc ẩn về thân phận con người cứ hiển hiện qua lời ông kể. Thành! Lại đây con!
Trên tay ông một mẩu giấy cuộn như sâu kèn đã vàng xỉn. Mở ra chi chít những hình vẽ và con số. Rồi ông kể việc có được tờ giấy, sử dụng nó để bộ đội quét sạch một số đồn bốt địch, người đàn ông cung cấp cái sơ đồ ấy tên là Mỹ không biết bây giờ ra sao?
- Thưa cha mấy chục năm rồi còn gì! Bao đợt rà soát kê khai, với lại con ở ngành công an!
- Bố là bộ đội, con là công an. Bộ đội, công an cũng vì nhân dân con hiểu không ?
Đón tờ giấy từ tay cha Thành hiểu được nỗi dằn vặt trăn trở của bố, như một di vật gửi gắm lại mình.
Sơ kết đánh giá các giai đoạn của chuyên án. Hôm nay Thành xuống huyện Đường Hào thống nhất một số công việc với công an địa phương. Dậu cũng xin theo xe, tiện thể về thăm nhà. Trước khi đi anh cẩn thận đút mẩu giấy mà trước đây bố anh trao vào túi ngực. Trong đầu cứ vẩn vơ về công việc, những nút thắt mỗi khi gặp phải. Để rồi lại có được niềm vui.
Đường Hào một huyện lớn trong tỉnh ngang dọc gần ba mươi cây số. Con đường 5A như một nét vạch chia phần phía Bắc, phía Nam huyện nối hai đầu Hà Nội. Hải Dương xa hơn là thành phố cảng Hải Phòng. Nhìn con đường bây giờ thênh thang, nườm nượp xe cộ. Anh hiểu thêm phần nào tính huyết mạch của nó. Những trận tập kích. Những trận càn, con số thiệt hại, thương vong… được ghi lại trong những trang sách.
Công việc ở huyện xong. Thành hỏi đường về nhà ông Mỹ, qua cửa kính ô tô làng xóm như một thị tứ thu nhỏ, san sát những ngôi nhà cao tầng. Bên trong đó là những cảnh đời, những số phận với tất cả nỗi vui, buồn, lo toan.
Thành giật mình khi xe vào đường cua, con đường mở tránh một lô cốt. Màu bê tông đã chuyển thành xám ngoét trên nóc còn nguyên tháp súng Đại liên. Những lỗ châu mai như những hố mắt đen ngòm đầy chết chóc. Cái hình ảnh vừa thoáng gặp đưa Thành trở về thực tại. Ông Mỹ còn sống không? Nếu gặp thì vào chuyện thế nào nhỉ?
Liệu người ta có mặc cảm, cảnh giác với mình không? Khi tự nhiên có một ông Đại tá công an đến nhà, có lính tráng đi cùng, có ô tô đợi sẵn..?
- Cháu chào chú ạ !
Người đàn ông trạc ngoài bảy mươi đang lúi húi làm việc gì, ngẩng lên khi khách vào tới cổng nhà.
- Dạ xin mời! Xin mời ông vào nhà.
- Cháu tên Thành, con bố Quân tiểu đoàn trưởng. E42 xưa về đánh bốt Vĩnh Thịnh đây!
- À…à ông Quân!
Đang đi ông Mỹ sững lại nhìn vào mặt Thành. Trên khuôn mặt khắc khổ hai gò má cứ giật giật. Đôi lông mày nhíu lại như suy nghĩ về một cái gì đó của một thời đã xa… Sau một tuần trà, đáp ứng ý nguyện của Thành, ông Mỹ đã kể lại một giai đoạn trong cuộc đời mình.
… Năm 1948 các xã phía Nam huyện Đường Hào địch đã bình định xong. Chúng chà đi, xát lại hòng biến nơi đây thành vùng trắng bảo vệ con đường 5 Hà Nội-Hải Phòng. Lớp thanh niên chúng tôi đứa bị bắt lính, đứa trốn lên chiến khu, đứa ra vùng tự do. Tôi và một số người kẹt lại, tham gia đội du kích bí mật do ông Sơn làm đội trưởng, đội có nhiệm vụ trừ gian, bảo vệ cán bộ hoạt động vùng địch hậu, phối hợp với bộ đội khi đánh địch, công đồn…
Biết rõ địa thế xung yếu của cái xã Vĩnh Thịnh này, một mặt giáp sông Lực Điền, mặt kia giáp huyện Bình Giang. Hải Dương có hơn 7km đường 5 chạy qua xã. Địch đóng đến 3 đồn theo thế chân vạc. Lớn nhất là đồn Vĩnh với quân số hơn một đại đội do thằng đại úy Coóc chỉ huy.
Anh Sơn bảo: Tình hình thế này chưa biết thế nào, rủi đứa nào bị bắt thì cố mà chịu đừng có khai ra tổ chức và anh em. Tưởng chỉ nói thế thôi, ai ngờ số phận nó ám luôn vào tôi.
… Hôm ấy, thằng Coóc chỉ huy lính càn vào xã. Khi rút xuống hầm bí mật, không biết có sơ xuất gì không mà chúng phát hiện ra chỗ tôi nấp. Sau trận đòn hộc máu mũi, máu mồm tôi bị chúng bắt về bốt. Lại những trận đòn thừa chết thiếu sống. Lặp đi, lặp lại câu hỏi: “Được giao việc gì? Biết đứa nào là cán bộ, du kích?”. Tôi khai chỉ là dân thường thấy các ông vào sợ quá chui xuống hầm! Thằng Coóc chừng phát điên chĩa khẩu Col vào mặt tôi. Như một phản xạ nhiên, tôi hét lên bằng tiếng Pháp:
Tôi vô tội, nước Pháp không nhân đạo! Coóc hạ nòng súng xuống, cặp mắt xanh như mắt mèo:
- Mày biết tiếng Pháp?
- Thưa ông! Tôi học hết bậc Thành Chung.
- Ồ…tốt! Có muốn phục vụ nước Đại Pháp không?
Thấy tôi không trả lời nó cười ré lên, đôi mắt ẩn sau cặp kính đen đầy nham hiểm.
Sau này tôi mới hiểu vì sao nó không bắn tôi. Nó muốn sử dụng tôi để xét hỏi người bị bắt. Bao nhiêu người bị bắt lên đồn rồi được tha về, ai mà không biết tôi làm việc cho địch. Thể xác tôi không chết, tấm lòng tôi với tổ chức, với cách mạng không chết. Nếu còn cơ hội trở về, ai còn dám dùng đến tôi nữa. Nó thâm độc ở chỗ ấy; ly gián tôi với tổ chức ở chỗ ấy.
Gần một năm ở trong đồn địch, bao nhiêu trận địch càn quét mà tổ chức của ta không bị vỡ. Qua người bị bắt anh Sơn bí mật liên lạc với tôi động viên tôi yên tâm, rồi từ những việc nhỏ như quy luật sinh hoạt, đến việc lớn như: quân số, vũ khí trang bị, kế hoạch càn quét…qua hộp thư bí mật cung cấp cho ta để chủ động phòng ngừa hoặc đánh trả.
Không tiêu diệt được lực lượng kháng chiến, địch càng tăng cường khủng bố càn quét, gây nhiều khó khăn cho ta. Trước yêu cầu của tổ chức anh Sơn giao cho tôi vẽ sơ đồ, cách bố phòng, quân số, quy luật địch sơ hở… để chuyển ra bên ngoài.
Ngày…tiểu đoàn 24-E42 tấn công đồn Vĩnh Thịnh. Khi quân ta bí mật chiếm lĩnh xong các vị trí, địch mới phát hiện được và điên cuồng chống cự. Trận đánh kết thúc sau hơn một giờ. Ta tiêu diệt, bắt sống toàn bộ quân địch, thu nhiều vũ khí. Phía ta chỉ có 3 người bị thương một tổn thất nhỏ ngoài mong đợi.
Trong lễ mừng công sau trận đánh, tôi nghe nhắc nhiều đến người tiểu đoàn trưởng tên là Quân. Toàn bộ tù binh địch được giải đi, còn tôi sau khi anh Sơn trao đổi gì đó với anh Quân, tôi được ở lại. Thời gian sau đó, anh Sơn vào bộ đội tham gia chiến dịch Điện Biên. Hòa bình lập gia đình, ở lại trên Điện Biên cho đến nay.
Hòa bình lập lại ở miền Bắc. Trong niềm hân hoan chiến thắng mọi người được xét tặng thành tích, công lao. Còn tôi mang tiếng xấu là người ở phía bên kia. Với tâm lí mặc cảm nặng nề, tôi vẫn cố gắng tham gia hoạt động xã hội: dạy Bình dân học vụ. Làm kế toán đội sản xuất…Lòng vẫn canh cánh một điều: Liệu có ai còn sống để chứng thực cho tôi về những năm tháng sống trong lòng địch vẫn trung thành với Tổ Quốc. Cái phận người nhiều khi éo le là vậy, nỗi buồn thì chẳng giống ai! Tôi hùng hục lao động lo cho cái ăn trước đã. Thế rồi lấy vợ, sinh được hai con, một trai, một gái. May mắn các cháu đều học giỏi và có việc làm.
Năm 1971 tôi xung phong đi dân công hỏa tuyến vào tận Quảng Bình; Vĩnh Linh. Bom đạn, gian khổ nhiều lắm. Năm nào tôi cũng được Ban chỉ huy công trường 71 khen về thành tích phục vụ chiến đấu và lao động sản xuất.
Thành ngồi nghe chăm chú, không muốn làm đứt mạch câu chuyện của người đàn ông ngồi đối diện. Cái sâu kèn – di vật mà bố anh đưa ra cứ như cựa quậy trong lòng tay. Rồi như thấy không phải lúc, Thành lại đút vào túi áo. Đã thêm những manh mối nhưng chưa được xác tín. Cuốn chỉ rối đã thấy đầu mối nhưng để gỡ nó phải kiên trì. Tuy không thuộc chức năng, nhiệm vụ ngành công an nhưng tình cảm, lý trí, cái chất của người lính tiếp thêm cho anh động lực.
Sau khi hướng dẫn ông Mỹ làm đơn trình bày với cơ quan giải quyết chính sách người có công. Thành gọi lái xe mang túi quà vào biếu ông Mỹ, xin khất một dịp khác rồi ra xe.
Thấy con về, ông bà Doan mừng ra mặt, về cùng lại có cả thủ trưởng cơ quan. Linh tính có gì mới hoặc quan trọng mới như thế này.
- Em nó út ít, anh chị nó lập gia đình con, cháu, đề huề cả rồi. Em nó lớn mà chưa có khôn, trăm sự nhờ… Thành cố nhịn không dám cười. Dậu đối với anh không có gì lạ; vào ngành, qua nhiều đơn vị rồi về phòng này. Ở đâu nó cũng năng nổ, trách nhiệm. Thể hiện rõ năng lực trinh sát. Dậu được đưa vào quy hoạch cán bộ nguồn từ lâu. Chỉ có điều 37 tuổi rồi chưa lấy vợ. Mà hình thức, đạo đức của nó chả ai chê trách điều gì.
Chừng muốn khoe với Thành cơ ngơi dành cho cậu con út. Ông Doan dẫn Thành đi thăm nhà cửa, vườn cây. Vừa đến bục cửa Thành đã nghe tiếng người mẹ, giọng giận hờn:
- Tôi không cần anh trình những thứ này! Lần sau, anh trình vợ chồng tôi một cô gái, anh sẽ lấy làm vợ. Để chúng tôi có cháu bế lúc tuổi già.
Giật mình khi khách đã vào đến bục cửa. Như một phản xạ tự nhiên, bà lão đưa tấm bằng khen về sau lưng. Nét mặt đầy vẻ bối rối. Thành hiểu được nỗi lòng của bà cụ, nhất là trong hoàn cảnh này ai cũng mong sớm có dâu, có cháu.
Công việc công an hút Thành hết ngày này sang ngày khác. Nhưng mỗi khi ngơi việc, câu chuyện của ông Mỹ, những hình vẽ, con số, nét chữ trong cuộn giấy sâu kèn… lại trỗi dậy. Anh liên hệ với ban tổng kết chiến dịch về trận đánh. Tìm đến ông Sơn, để ông cho bản báo cáo và xác nhận vào tài liệu. Kinh nghiệm công tác công an cứ thôi thúc anh phải vào cuộc, khi dấu vết của nguồn tin, những nhân chứng dần mất đi. Hôm trao những tài liệu này cho ông Mỹ. Ông cứ ôm lấy Thành và khóc, rồi ông kể đời ông vẫn gặp bao người tốt. Ông như được sinh ra lần thứ hai.
Thành nghỉ hưu hơn một năm nay. Dậu điện cho mình sáng nay nó đến thăm, kèo thêm phải có chị ở nhà nữa. Khỉ! Đến thăm anh thì cứ đến sao lại cứ phải có chị ở nhà? Nó đến, dựng xe từ xa rồi đi vào. Trên tay cầm cái xắc trông ra chiều vui lắm. Vừa đặt mình xuống ghế nó đã lôi từ xắc ra, trịnh trọng đưa hai tay tờ Thiếp cưới.
Dậu lấy vợ! Nó sắp có một tổ ấm rồi. Những gì tiếp sau nữa là tiếng trẻ bi bô, cảnh ông, bà nựng cháu chờ vợ chồng nó đi làm về. Hết cả những đàm tiếu “Dậu kén ”, “Dậu hâm ”. Nhưng mà nó lấy ai?
- Vợ em con ông Mỹ, ở xã Vĩnh Thịnh, huyện Đường Hào! Thành sững người. Liệu có sự trùng hợp nào ở đây không? Hay tai mình nghe nhầm? Dậu hình như không để ý đến cái biểu hiện bất thường ấy.
… Chúng em yêu nhau đã mười năm. Khi hai đứa còn học trong trường đại học. Bao nhung nhớ, mặn nồng chỉ còn chờ làm lễ cưới thì nảy sinh vấn đề lí lịch, liên quan đến lịch sử chính trị, của ông cụ thân sinh. Hẫng hụt, buồn chán, và thất vọng. Nhưng cái men tình yêu từ hai phía khi đã đạt đến độ tuyên thông rồi khó dứt ra lắm. Em đã chủ động, động viên cô ấy bình tĩnh lại, đi tìm hạnh phúc mới, nhưng cô ấy chỉ lắc đầu. Cô ấy cũng nói lí lịch bố mình còn những uẩn khúc, biết đâu có người giúp! Thất bại trong mối tình đầu làm tâm hồn em trở nên chai sạn trong tình yêu, ngại ngần trước con gái, chưa muốn lập gia đình.
Giữa năm rồi, bạn gái mời em về nhà chơi. Ông Mỹ vui lắm mang ra các Quyết định phục hồi danh dự. Chế độ chi trả người có công. Huy chương kháng chiến. Ông bảo dưới gầm trời này vẫn có những ông Tiên, ông Phật. Bà thì tủm tỉm bảo đi xem năm nay thày bảo thêm của, thêm người. Chúng em đã báo cáo tổ chức, tổ chức đã ra quyết định…
Thành nghe mà lòng cứ lâng lâng. Cả ngạc nhiên nữa. Sao lại có sự trùng hợp tình cờ đến thế. Bố vợ thằng Dậu không phải ai khác lại là ông Mỹ, người mà ông Quân; ông Sơn và Thành đã làm được một việc có ý nghĩa. Không lãng quên những mảnh đời, những số phận, trong cuộc sống bộn bề này.