Dưới bóng những cây nhãn ấy…

Chủ nhật - 05/09/2021 07:11

Mới nắng cháy đó mà đã sang Thu. Trái đất, bốn mùa hẳn là vẫn quay vòng như muôn thuở, nhưng năm nay, “ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi” hình như có ấn tượng hơn. Vì hàng mấy chục triệu người vừa trải qua những ngày hè nắng nóng 38-39 độ cộng với Dịch Covid-19 bùng phát khiến không khí hầu khắp đất nước càng thêm bức bối...

111
Cây nhãn bên nhà thờ cụ Phan Bội Châu (Huế)


Đi dọc một số đường phố, có thể thấy dưới bóng mát những cây nhãn, các em nhỏ vô tư chơi đùa, mấy cụ già mải mê đấu cờ tướng, khoái chí “nhảy pháo”, “chiếu song xe”… Có điều, ngày nay, những gia đình sống an nhiên giữa các khu vườn xanh um cây lá ấy ít hơn xưa. Đáng tiếc là có một thời bị cảnh báo bởi cái quy định tương tự như “hạn điền”, nhiều nhà có vườn rộng phải cắt bán bớt hay chia cho con cháu, đành “hy sinh” không ít gốc nhãn đã thành cổ thụ, chứng kiến bao nỗi buồn vui của đời người.Vậy nhưng ở Huế lại có gia đình hầu như chẳng bận tâm đến cái nắng ấy nhờ có những cây nhãn quanh nhà xòe tán lá xanh sẫm quanh năm như chiếc ô khổng lồ che chắn ánh mặt trời thiêu đốt. Cũng may, cả dải đất Bình Trị Thiên phía trong Đèo Ngang từng gánh chịu nhiều mất mát trong hai cuộc chiến tranh, chẳng biết có phải vì “đang nghèo”, ít mầu mỡ, nên con Covid mới chỉ có vài tên “biệt kích” mò tới. Cũng nhờ đang tạm yên lành, nên chỉ mấy ngày cuối tháng 7 và đầu tháng 8, hàng vạn người từ các vùng dịch phía Nam, bất chấp mọi gian khó, đã tràn về Bình Trị Thiên, tạm sống dựa vào người thân ở quê nhà.

Cũng may gia đình cạnh nhà tôi còn giữ được gốc nhãn. Tôi không được hưởng bóng mát ấy nhưng vài tháng một lần, lại sang xin... một nắm lá. Cũng hơi lạ, xin lá, chứ không xin quả - thứ trái cây ngon ngọt đến mức vừa trông thấy đã… chảy nước miếng vì thèm! Đó là chưa nói đến món chè sen Tịnh Tâm - long nhãn, một đặc sản nổi tiếng ở Huế, ăn một bát nhớ cả đời! Chè sen vốn đã ngon, lại công phu và tinh tế lồng long nhãn bọc mỗi hạt sen, trông vừa đẹp mắt, vừa là món ăn bổ vô cùng… Giáo sư - Dược sĩ Đỗ Tất Lợi, trong công trình đồ sộ nổi tiếng Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, còn cho biết “long nhãn” (gọi thế vì giống mắt con rồng) là một vị thuốc “dùng để bồi bổ, chữa các bệnh hay quên, thần kinh kém, hay hoảng hốt, không ngủ được…”; cả hạt cũng có giá trị để “chữa các chứng chốc lở, bị đứt tay, chân (tán nhỏ rắc lên), gội đầu…”. Vậy nhưng tôi lại xin lá để làm… nước tương theo phương pháp “cổ điển”, ngày nay là của hiếm. Chính vì một dạo có tin nước tương pha chế “hiện đại” mất vệ sinh, có khi còn nhiễm hóa chất độc hại, tôi tự chế nước tương theo cách mẹ tôi làm ngày xưa ở quê. Công đoạn đầu tiên là nấu xôi, ủ trong rổ, đậy kín bằng lá nhãn 7 ngày để lên men; sau đó trộn với đậu nành rang, xay nhỏ và nước muối trong vại rồi đem phơi nắng, sau khoảng 1 tháng là thành nước tương ngon lành!... Điều thú vị là tại sao lại dùng lá nhãn để ủ xôi? Có phải dùng xấp lá nhãn ủ xôi vừa kín, vừa thông khí, lại không bị nát, khiến xôi dễ lên men? Cũng dược sĩ Đỗ Tất Lợi, khi tả cây nhãn, ông viết: “… lá um tùm, xanh tươi luôn, không hay héo và rụng như các cây khác…”. Có đặc tính này, hẳn là nhờ lá nhãn chứa một tố chất đáng quý cho nhân loại và thiên nhiên; ít ra nhờ thế mà vùng đất nào có nhãn phủ bóng luôn được im mát, cây không cần bón phân, quả vẫn trĩu cành hàng năm. Chợt nghĩ, ngày nay, khi môi trường sinh thái khắp nơi đang bị đe dọa, thì đây cũng đáng gọi là “vị thuốc quý” để cứu chữa những vùng đất đang lâm nguy vì hóa chất và bị khai thác cạn kiệt…

Tôi “say mê” nhắc cái vại nước tương “cổ điển” với chùm lá nhãn vì nó gợi nhớ những kỷ niệm tuổi thơ không thể nào quên quanh hai cây nhãn tỏa bóng mát 4 mùa trên khoảnh sân ngôi nhà ở quê hương. Mẹ tôi xây dựng khu nhà - vườn khi bố tôi còn làm việc ở Huế. Hẳn là từng sống dưới bóng mát những cây nhãn sum sê cành lá và “thưởng” món chè sen - long nhãn ở Huế, nên bố mẹ tôi đã “ưu tiên” dành khoảnh đất đẹp nhất trước nhà trồng hai cây nhãn. Tôi lớn lên thì nhãn đã đơm hoa đón ong về ngày Xuân và sang Thu, những chùm quả tròn căng mọng lúc lỉu “nhem thèm” lũ trẻ suốt ngày. Nhưng được ăn trước hết lại là bầy dơi, khi quả nhãn chưa đủ lớn để có thể che chắn chúng trong những lồng đan bằng nứa hoặc dùng mo cau xếp lại. Mẹ tôi hù dọa đuổi chúng bằng cách treo cái thùng sắt tây rỗng trên cao; đêm đêm, khi bầy dơi đập cánh loạt xoạt sà xuống hai cây nhãn, chúng tôi giật sợi dây khiến cái thùng kêu xủng xoảng. Tôi thường được giao “canh” dơi đầu đêm, nhưng nhiều lúc ngủ quên, mẹ tôi nhẹ bước lại, vừa giật dây, vừa bảo: “Ngủ chi lắm rứa! Dơi ăn hết nhãn rồi tề!” Tôi bừng tỉnh, trong khi bầy dơi hốt hoảng vỗ cánh bay đi nhưng chú tâm hơn đến tiếng những quả nhãn rơi lộp bộp trên sân gạch với chút thích thú là sáng mai, mình có thể “kiếm” được dăm quả đầu mùa cho đỡ thèm…

Đó là những ngày Thu đã xa… Những ngày Thu ấy, cũng là Mùa Thu Cách Mạng 1945, chị tôi là nữ sinh Đồng Khánh thuộc nhóm thức thời (là bạn các nhà văn Cẩm Thạnh, Nguyệt Tú…) sớm biết yêu thơ Tố Hữu, náo nức “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu”, rời Huế về quê rủ anh tôi – một “cậu Tú” đang phân vân giữa ngã ba đường… - đi theo Việt Minh! Dưới bóng hai cây nhãn ấy, những “lời có cánh” diễn tả lý tưởng cao đẹp sẽ đưa nhân loại tới thiên đường cùng biết bao nhiêu điều tâm tình sâu kín đã được bày tỏ… Và khi những trung đoàn chủ lực tập trung luyện quân, chuẩn bị tiếp sức cho “Bình Trị Thiên khói lửa” thì dưới bóng hai cây nhãn ấy, đã bao lần rộn ràng tiếng hát của các chú bộ đội ghé nghỉ lại, trước khi ra trận. Cả tướng Nguyễn Sơn lừng danh cũng đã từng in dấu chân nơi đây, khi ông ghé lại thăm bố tôi và cùng đàm đạo về Truyện Kiều… Thời ấy, mẹ tôi đang là Hội trưởng Hội Mẹ chiến sĩ của xã; còn bố tôi là Ủy viên Ủy ban Liên Việt Liên khu Tư…

***

Cũng dưới bóng hai cây nhãn rợp bóng trước sân, những ngày đầu thu 1953, bố tôi đã thong thả dạo bước và khẽ ngâm: “Tết Trung Thu tới/ Gió mát trăng trong…”. Đó là hai câu mở đầu bài thơ mà ít ngày sau được lan truyền trong làng xóm…

Bố tôi từng ngồi ghế Tư nghiệp Quốc Tử Giám, Phủ Doãn Thừa Thiên, Giám khảo nhiều khoa thi Triều Nguyễn (khoảng từ năm 1910 đến 1940), đỗ Hoàng Giáp (Đệ nhị giáp Tiến sĩ) năm 1907 là học vị cao nhất thời đó. Thơ phú của các vị đậu đại khoa thường dùng rất nhiều điển cố khó hiểu, nhưng bài thơ trên lại rất dung dị, như một bài vè dân gian, dễ thuộc, dễ nhớ. Và điều đặc biệt là tác giả - một đại quan cuối Triều Nguyễn, vẫn chân thành dành những dòng chữ đẹp nhất khi viết về cụ Hồ. Điều đó gợi chúng ta nghĩ đến những vấn đề rất có ý nghĩa về lòng yêu nước của tầng lớp trí thức, hữu sản cũng như đặc điểm mối quan hệ trí thức và lãnh đạo ở Việt Nam, về chính sách đại đoàn kết dân tộc vì nghĩa lớn của Cụ Hồ, nhất là trong thời kỳ đầu sau cách mạng Tháng Tám.

Ngay khi Cách mạng mới thành công, bố tôi biết rõ Cụ Hồ đã đối đãi tử tế với nhà vua và Hoàng tộc như thế nào. Hầu như năm nào, bố tôi cũng nhận được thiếp chúc Tết của cụ Hồ. Hơn thế, Cụ Hồ đã hơn một lần ngỏ ý mời bố tôi ra Việt Bắc tham gia việc nước. Nhà văn Sơn Tùng, trong bài Còn (sách Nguyễn Ái Quốc qua hồi ức của bà mẹ Nga - NXB Thanh niên, 2008) cho biết cụ thể hơn: Một lần, cụ Phạm Khắc Hòe, đặc phái viên của Hồ Chủ Tịch vào Mặt trận Liên Việt Khu Bốn đưa thư cụ Hồ mời một số nhân sĩ như cụ Phó Bảng Phan Võ (thân sinh giáo sư - dịch giả Phan Ngọc), cụ Cử Nguyễn Đình Ngân… Riêng với cụ Hoàng Giáp thì đặc phái viên về thăm quê Đức Thọ, sẽ đến đưa trực tiếp. Lần khác, đầu năm 1948, ông Trần Đăng Ninh vào Khu Bốn công tác, cũng đã đến Hà Tĩnh trao thư của cụ Hồ cho cụ Hoàng Giáp… Thật tiếc là ý tưởng đại đoàn kết dân tộc thể hiện qua những mối liên hệ tốt đẹp giữa lãnh tụ và tầng lớp nhân sĩ, trí thức đã không thành do những biến thiên của thời cuộc và sự can thiệp từ bên ngoài…

***

Hơn một “lục thập hoa giáp” đã qua, kể từ những ngày đó. Nay thì đã lại là Thu. Những tờ lịch tháng 7 đã rơi hết và ngoài trời thỉnh thoảng “thánh thót giọt Thu” rồi hửng nắng. Năm nay, nhãn không được mùa, nhưng nhìn mấy cây nhãn tỏa bóng xanh mát quanh nhà thờ cụ Phan trên dốc Bến Ngự cảm thấy những bất an trong cuộc sống như vơi nhẹ đi. Từ nơi đây, có thể nhìn thấy tấm biển bên kia đường ghi dấu ngôi nhà cụ Võ Liêm Sơn từng ở trước khi ra Bắc tham gia kháng chiến. Cụ Võ Liêm Sơn (1888-1949) từng đỗ cử nhân Hán học, tham gia cách mạng từ thời Đảng Tân Việt, Chủ tịch Mặt trận Liên Việt Liên khu 4. Năm 1948 ra Việt Bắc họp, được Bác Hồ mời cơm, tặng thơ… Nhắc đến cụ Võ, lại nhớ bức ảnh quý anh Nguyễn Khắc Viện trao cho tôi trước khi anh qua đời – trong ảnh, bố tôi ra họp Mặt trận Liên khu 4 đã gặp cụ Võ và tướng Nguyễn Sơn… 

 Trời đã sang Thu, những bỗng nghĩ đến một ngày Xuân hơn 90 năm trước mà nhà văn Nguyễn Thế Quang vừa cho “tái hiện” trong tiểu thuyết Đường về Thăng Long. Sáng Xuân ấy, thầy giáo Võ Liêm Sơn cùng Đạm Phương, cô Trần Thị Như Mân và một số học sinh Quốc học Huế như Nguyễn Khoa Văn, Võ Nguyên Giáp đến thăm cụ Phan. Sau khi thầy Võ Liêm Sơn đọc thơ mừng thọ cụ Phan, cụ Phan đã hào sảng đọc bài thơ chúc Tết thanh niên: “… Đúc gan sắt để dời non lấp bể/ Xối máu nóng rửa vết dơ nô lệ…”. Không biết ngày ấy cụ Phan đã cho trồng những cây nhãn hiện còn lại quanh nhà thờ Cụ hay chưa, nhưng chắc chắn những hạt giống yêu nước Cụ gieo trồng trong tâm trí lớp trẻ thời đó đã nảy nở thành những cây đại thụ - trong đó có danh tướng Võ Nguyên Giáp.

 Trong ánh chiều dịu nhẹ, tôi đi xuống chợ Bến Ngự, dừng bước trước những quầy bán nhãn lồng, từng chùm quả tròn căng, chưa nếm thử, đã phải… nuốt khéo nước bọt, để khỏi bị cô bán hàng chê cười. Ờ, nhưng còn chè sen - long nhãn không biết còn quán nào bán không? Hình như từ ngày vô Huế, chỉ một lần, tôi được “thưởng” món chè “tiến cung” này tại nhà bà Tuần Chi – cựu Hiệu trưởng Đồng Khánh Huế, một nhân sĩ nổi tiếng cùng với khu nhà - vườn An Hiên ở Kim Long, nay đã thành một một điểm du lịch được hàng triệu người biết đến, nhất là khi nó được miêu tả qua bài ký đặc sắc Hoa trái quanh tôi của Hoàng Phủ Ngọc Tường… Dưới bóng những gốc nhãn cắm sâu vào lòng đất mẹ, biết bao con người ở vùng đất khắc nghiệt đã được chở che trong những cơn nắng đổ lửa sẽ ngày một gay gắt hơn, khi trái đất đang bị nung nóng khắp nơi nơi… Ôi! Ước chi “ai đó” có phép mầu đặt những cây nhãn xanh tươi bốn mùa vào trong những khu công nghiệp chen chúc có lẽ thiếu cả không khí để thở, thì ít ra cũng sẽ chặn bớt đà tấn công nham hiểm của bọn “Covid Delta” hay “Gama”, “Sichma” nào đó nữa đang làm rối loạn cuộc sống bình yên gần khắp mọi miền đất nước…

 

Tác giả: Nguyễn Khắc Phê
Nguồn Văn nghệ số 35+36/2021

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây