Nhớ về Phố Hiến Hưng Yên

Thứ tư - 22/09/2021 10:46
Cứ 3 năm một lần, vào mùa thu hoạch nhãn, nhóm bạn chơi chúng tôi có mặt tại Phố Hiến Hưng Yên, nhưng năm 2021 này, do covid nên chúng tôi không thể trở lại với mảnh đất mang danh “thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến” được. Nhớ Phố Hiến Hưng Yên quá, xin ghi lại đôi dòng cảm xúc của chuyến đi Hưng Yên lần trước, chia sẻ cùng bạn bè về vùng đất  nghĩa tình, bình yên này.
111
Nét thơ mộng trên hồ bán nguyệt Hưng Yên
Nạp năng lượng cho chuyến thăm thú lần ấy, chúng tôi chọn một quán ăn sáng gần hồ Bán Nguyệt. Thực đơn là mỗi người một bát bún thang. Nhìn thấy bát bún nóng hổi, dậy mùi thơm phức của mắm tôm do nhân viên của quán bê đến, một người trong nhóm nhanh nhảu lên tiếng, phở ở Hưng Yên đặc biệt nhỉ, có cả lươn, trứng rán và mắm tôm. Cô bạn người Hưng Yên lên tiếng rồi tranh thủ giới thiệu luôn; đây là bún thang chứ không ai gọi là  phở. Nguyên liệu chính làm lên bát bún thang gồm có lươn đồng to, to như vế néo, giò lụa, thịt ba chỉ luộc, trứng rán đều thái nhỏ..., thêm chút gia vị là mắm tôm, tương ớt, dấm chua, nửa quả chanh tươi, rau thơm các loại, tất cả hòa quyện vào nhau tạo nên nét ẩm thực bún thang độc đáo của người Phố Hiến. Khách ở xa có dịp về Phố Hiến Hưng Yên ăn sáng họ đều chọn bún thang để thưởng thức loại đặc sản nổi tiếng này. Đã 3 năm rồi, đang ngồi viết bài này, nghĩ đến bát bún thang đậm đà, béo ngậy, ăn cách đây mấy năm về trước, tôi lại thấy thèm được đến Phố Hiến Hưng Yên.

Cũng như nhiều du khách khác, chúng tôi chọn ngôi Đền Mẫu linh thiêng nằm trên đường Bãi Sậy, phường Quang Trung thành phố Hưng Yên, là điểm đến đầu tiên. Tại đây, người của sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Hưng Yên cho biết Đền Mẫu được xây dựng từ thế kỷ thứ XIII, thời nhà Nguyễn, thờ bà Dương Quý Phi vợ vua Tống Đế Bính. Vào năm 1279, quân Nguyên xâm lược nước Tống, vua Tống cùng một số phi tần không chịu khuất phục quân Nguyên đã nhảy xuống biển tuẫn tiết. Xác Dương Quý Phi trôi vào bờ cát, được nhân dân chôn cất chu đáo rồi lập đền thờ. Năm 1990, Đền được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Bởi linh thiêng, nên nhiều du khách ở Hà Nội Hải Phòng, Quảng Ninh... năm nào cũng chọn đền Mẫu là điểm du xuân đầu năm để cầu cho gia đình, người thân, công việc, làm ăn buôn bán được nhiều  thuận lợi, may mắn, bình an. Ngoài sự linh thiêng, Đền Mẫu còn nổi tiếng có cây cổ thụ ba thân gồm đa, xanh, si kết hợp với nhau tạo nên thế chân kiềng vững chắc ngay trước cửa đền, mang đến cảm giác được che chở, bình an cho du khách mỗi lần đến viếng thăm Đền Mẫu.

Rời đền Mẫu, bạn tôi bảo, đã đến Phố Hiến Hưng Yên thì mọi người nên vào thăm cây nhãn tổ, nằm trong khuôn viên chùa Hiến cổ kính thuộc phường Hồng Châu thành phố Hưng Yên. Có hai lý do chính để đến thăm cây nhãn tổ; đây là cây cổ thụ có tuổi đời lên đến trên 300 năm, cho quả sai, to, cùi dày, thơm ngon, ngọt sắc từng là đặc sản được chọn để “tiến vua”. Từ cây nhãn này, sau khoảng 300 năm, giờ đây Hưng Yên trở thành vùng đất trồng nhãn nổi tiếng của cả nước với diện tích lên đến gần 5000 ha ta, đạt sản lượng hàng chục nghìn tấn/năm. Cũng từ một vài giống nhãn truyền thống ngon nổi tiếng là nhãn lồng, nhãn đường phèn... đến nay Hưng Yên còn có hàng chục giống nhãn ngon khác như nhãn Hương Chi, Miền Thiết, T1,T6, nhãn siêu ngọt...Nếu như trước đây, nhãn được trồng chủ yếu ở vườn nhà, bên đường giao thông thôn, xóm, thì nay nhãn đã theo chân người nông dân ra đồng, trở thành vườn đồng những nhãn là nhãn, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người trồng. Giờ đây, việc sản xuất, thâm canh nhãn ở Hưng Yên có nhiều tiến bộ, nhãn được trồng, chăn sóc theo tiêu chuẩn VietGap, chất lượng quả nhãn được nâng cao, không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu bán sang các nước, Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Pháp, Đức ...Do được áp dụng tiến bộ, kỹ thuật, vài năm gần đây Hưng Yên có những trà nhãn sớm cuối tháng 4, đầu tháng 5 đã cho thu hoạch, ngược lại những trà nhãn muộn cho thu vào cuối tháng 10 hàng năm. Thu hoạch vào những thời điểm này, nhãn ở Hưng Yên được bán với giá khá cao.

Gần trưa ngày hôm ấy, bạn dẫn chúng tôi đến thăm một vườn nhãn ở xã Hồng Nam thành phố Hưng Yên. Lần đầu tiên được đi dưới vườn nhãn, cây nào quả cũng sai trĩu cành đã cho chúng tôi một cảm giác thú vị tuyệt vời. Không thú vị sao được khi nhìn đâu cũng thấy những chùm nhãn to như cái giỏ bắt cua treo dày đặc trên đầu cành. Quả nhãn nào cũng tròn vo, vỏ hanh vàng màu nắng đang nép mình vào những tán lá xanh xanh. Được chủ vườn cho phép, tôi bóc vỏ một trái nhãn ăn thử. Ôi cái vị ngọt, thơm của trái nhãn lồng vừa đọng nơi đầu lưỡi đã khiến tôi nghĩ rằng có lẽ bao nhiêu tinh túy của đất, nước, nắng, mưa vùng phù sa châu thổ sông Hồng đã kết tinh vào trái nhãn nên nó mới ngọt, thơm đến vậy. Ăn một quả nhãn rồi muốn ăn hai, ăn ngon quá nên chúng tôi đã không tiếc tiền, mỗi người mua hàng yến quả về làm quà cho gia đình, người thân. Nhẹ nâng chùm nhãn to bự trên tay, tôi cảm giác có được niềm vui của người “trồng cây đến ngày hái quả”, bao nhiêu mệt nhọc trong người dường như tan biến hết, nhường chỗ cho khoái cảm, thảnh thơi.

Trước khi dời Phố Hiến chúng tôi dành thời gian nhất định để đến một hồ câu nằm gần cánh đồng thuộc xã Liên Phương để câu cá rô đầu vuông. May mắn thay, vừa mới buông mồi câu được một lát, phao câu đã nháy rồi bị kéo đi, giật mạnh cành câu lên tôi thấy tay mình nặng trĩu, cành câu bị uốn cong, sau giây lát nhũng nhẵng, giằng co, một chú cá rô đầu vuông to gần bằng bàn tay được giật lên khỏi mặt nước, trong tôi trào dâng nỗi niềm hả hê vui sướng. Mấy người bạn cùng đi với tôi cũng liên tục giật được những chú cá rô béo vàng, vui vẻ cười nói. Với tôi chuyến đi dân dã ấy thật là thú vị, nhớ mãi đến giờ. Phố Hiến ơi, hết dịch covid  chúng tôi sẽ lại về Hưng Yên.
                                                              

 
Nguyễn Đản

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây