TS, NHÀ PHÊ BÌNH NGUYỄN THỊ TỊNH THY: Tôi mong nhà văn Việt Nam can đảm bước chân trần trên than đỏ của lịch sử

Thứ hai - 04/10/2021 15:19
111

Một lối phê bình đầy cá tính và lôi cuốn đã dẫn người đọc đi hết 500 trang sách của Dám ngoái đầu nhìn lại - cuốn sách điểm danh kĩ lưỡng những đóng góp của 5 nhà văn - 5 tiểu thuyết gia đương đại xuất sắc của Trung Quốc: Lý Nhuệ, Mạc Ngôn, Cao Hành Kiện, Dư Hoa, Diêm Liên Khoa. Điểm huyệt các tác gia lớn của văn đàn Hoa ngữ, Nguyễn Thị Tịnh Thy cũng không ngại ngần gọi tên những căn bệnh của nhà văn Việt với khát vọng có những tiểu thuyết gia xứng tầm, mong muốn những tác phẩm không “ăn mày dĩ vãng”. Chị bày tỏ mong muốn công trình nặng kí này như những trao gửi đến nhà văn Việt Nam, để họ “dám ngoái đầu nhìn lại” những kí ức đau thương đến cực cùng của cá nhân và dân tộc, dám đối mặt với hiện thực không khoan nhượng để có những tác phẩm chấn động, có những bứt phá và sáng tạo, chạm được vào hồn cốt của lịch sử.

 NHÀ VĂN CẦN DŨNG CẢM ĐỐI MẶT VÀ VƯỢT QUA MỌI RÀO CẢN

- Chào chị Tịnh Thy, tên những cuốn sách phê bình của chị từ Rừng khô, suối cạn, biển độc… và văn chương đến Dám ngoái đầu nhìn lại đều là những thông điệp khá mạnh, có vẻ “gây sự” và cả thời sự nữa. Trong khi sách phê bình nhìn chung đều nghiêm ngắn, đạo mạo. Chị muốn trình ra một lối đi riêng chăng?

Tôi nghĩ, người làm công việc nghiên cứu, phê bình cũng như sáng tác, luôn muốn tìm một lối đi riêng. Phê bình cũng thể hiện rất rõ cá tính của người viết. Với Rừng khô, suối cạn, biển độc… và văn chương, tôi muốn góp một tiếng nói, một thông điệp bảo vệ môi trường trong khả năng chuyên môn của mình, gắn hoạt động văn học với thực tiễn, thể hiện trách nhiệm của người nghiên cứu trước sự lâm nguy của sinh thái. Dám ngoái đầu nhìn lại là thông điệp về sự nuôi dưỡng và khai quật kí ức. Không nên cố chôn giấu những kí ức đau thương của lịch sử, nếu khai quật và đào xới nó đến tận cùng, bạn sẽ khiến người ta sợ hãi nó. Và như thế, những sai lầm của quá khứ sẽ không có dịp tái diễn trong hiện tại và tương lai.

Từ việc chọn đề tài như thế, có thể thừa nhận rằng, bạn thấy hai cuốn sách có vẻ “gây sự” và thời sự thì quả không sai. Tôi đang “gây sự” với những ai bàng quan với vấn nạn môi trường, những ai đang vô tình hoặc cố tình lãng quên những sai lầm của lịch sử lẫn quá khứ đau thương.

“Nhà văn khiêu chiến với xã hội” bằng những tác phẩm khiêu chiến, đối địch với hiện thực để có những tác phẩm lớn. Có thể nhìn ngược lại một chút, thế giới và những nền văn học lớn vẫn có những tác phẩm không cần khiêu chiến với hiện thực xã hội thì vẫn mang lại những giá trị văn chương và đóng góp cho tiến trình phát triển của văn học đấy chứ?

Đúng như vậy, có vô vàn đề tài để nhà văn chọn lựa. Khiêu chiến, đối địch với xã hội chỉ là một trong vô vàn ấy mà thôi. Hơn nữa, giá trị của văn chương không chỉ tuỳ thuộc vào đề tài, mà còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Tuy nhiên, một khi lòng còn đau, vết thương còn âm ỉ thì không nên che giấu, né tránh hay khoả lấp; một khi lịch sử còn thống thiết tiếng oán than thì không nên nghe khúc nhạc khải hoàn của hiện tại; nhà văn cần dũng cảm đối mặt và vượt qua mọi rào cản để “giải mật” hiện thực. Bởi vì, quyền sáng tác cũng như quyền tưởng tượng của nhà văn là vô biên. Nếu một nền văn chương không dám, không thể viết về nỗi đau của dân tộc, sai lầm của lịch sử thì cũng khó có đóng góp gì cho tiến trình phát triển của văn học.

Dám ngoái đầu nhìn lại cũng là để tỉnh táo và sáng suốt nhìn đi, nhìn về phía trước. Nhưng những sai lầm thì luôn xảy đến theo những cách chẳng thể giống như xưa, lịch sử có thể không lặp lại nhưng bi kịch thì thường lặp lại theo những cách khác. Chị nghĩ thế nào về điều này?

Lịch sử không thể lặp lại nhưng có thể nhắc lại. Nhắc lại những sai lầm của lịch sử cũng là một cách để tránh bớt bi kịch của hôm nay. Để, nếu như ở Trung Quốc có một cuộc Cải cách ruộng đất nữa thì người ta sẽ không đem những người vô tội ra hành quyết cho đủ chỉ tiêu, nếu như có một Đại nhảy vọt nữa thì người ta không tin rằng đất đá có thể luyện thành quặng sắt, có một Cách mạng văn hoá nữa thì người ta không đem cha mẹ của mình ra đấu tố, có một đại dịch như Covid-19 nữa xảy ra thì người ta không tìm cách bịt miệng các bác sĩ sớm tiết lộ thông tin. Ở châu Âu, người ta sẽ không thực hiện những cuộc giết người hàng loạt như Hitler trong thế chiến thứ hai. Ở Campuchia, sẽ không lặp lại nạn diệt chủng Polpot. Và ở Việt Nam cũng vậy, hậu thế sẽ không lặp lại vết xe đổ của lịch sử từ thế hệ cha anh… Những sai lầm thì luôn xảy đến theo những cách chẳng thể giống như xưa, nhưng lột trần những sai lầm cũ vẫn hơn là bưng bít nó, để ít ra, con người biết nhận chân cái ác và tránh xa cái ác.

111
TS, nhà phê bình Nguyễn Thị Tịnh Thy giao lưu, nói chuyện về văn hoá đọc với sinh viên Huế.  Ảnh: TL

VĂN CHƯƠNG CHƯA THỰC SỰ CHẠM ĐƯỢC VÀO HỒN CỐT CỦA LỊCH SỬ

Chị có đọc các nhà văn Việt Nam và có thấy một sự đồng dạng nào với các tác giả được phê bình trong Dám ngoái đầu nhìn lại ở một số trường hợp. Những “đời tư thế sự” ở Việt Nam có vẻ như vẫn chỉ là những chấm phá nhỏ nhoi, chưa phản ánh chiều kích của lịch sử hay mọi thứ của ta đều “nhỏ xinh” như vậy?

Câu hỏi của bạn đã hàm chứa câu trả lời rồi. Do tác động của giao lưu văn hoá, văn học, do sự tương đồng về lịch sử hiện đại, cho nên văn học Việt Nam cũng có một vài hiện tượng đồng dạng với các tác giả được phê bình trong Dám ngoái đầu nhìn lại. Tuy nhiên, đồng dạng không có nghĩa là đồng đẳng. Một số tác phẩm rất hay, rất hấp dẫn. Tôi thán phục sự dũng cảm của các tác giả ở thái độ và mức độ phản tư lịch sử; phản tư nhân sinh, nhân tính, nhân tình, nhân tâm cũng như tính đa nghĩa của ẩn dụ hàm chứa trong tiểu thuyết (dù có những tình tiết chưa được đẩy đến cực hạn). Nhưng tôi thấy buồn và ấm ức ghê gớm khi nhận ra bóng dáng của tự sự kiểu Mạc Ngôn lừng lững trong một vài tác phẩm mình đọc, từ người kể chuyện, sự kiện cho đến thế giới hình tượng lẫn giọng điệu trần thuật. Tại sao như thế? Tại sao những nhà văn ưu tú của Việt Nam vẫn có sự trùng hợp về bút pháp một cách đáng tiếc như thế? Sự trùng hợp đó từ trong vô thức, trong tiềm thức hay ý thức đều khiến tôi cảm thấy đau đớn. Người Nhật cũng mượn chữ Hán, cũng từng tiếp nhận văn học Trung Quốc ồ ạt; nhưng từ thuở xa xưa cho đến nay, những thành tựu lớn trong văn chương của họ vẫn luôn giữ được chất thuần Nhật đấy thôi.

Nhìn chung, như bạn nói, những “đời tư - thế sự” trong văn học Việt Nam vẫn chỉ là những chấm phá nhỏ nhoi, và quả là chưa phản ánh được chiều kích của lịch sử. Nguyên nhân thì rất nhiều, nhưng theo tôi, điều cốt yếu là chúng ta thiếu những tác gia có tầm vóc.

“Để có thể tự tin dấn bước trên con đường đi tới tương lai, cần có những cuộc đại phẫu tinh thần như thế trong văn chương”. Liệu đây có phải là một hình mẫu mà chị muốn nói qua Dám ngoái đầu nhìn lại?

Đúng thế. Tôi vẫn kiên trì với quan điểm là ở nước ta, nghệ thuật nói chung và văn chương nói riêng luôn mắc nợ lịch sử. Biến động lịch sử, sự kiện lịch sử từ xa xưa cho đến hôm nay, từ hào hùng cho đến bi thương, từ hiển lộ cho đến ngầm ẩn đều vô cùng phong phú và sâu sắc, nhưng văn chương vẫn chưa thực sự chạm được vào hồn cốt của lịch sử. Đã có những tác phẩm tái hiện chân dung một vài nhân vật hoặc giai đoạn lịch sử khá thành công. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, văn chương vẫn chưa xứng tầm lịch sử. Hơn nữa, đội ngũ biên tập mảng đề tài lịch sử của các nhà xuất bản chưa thật sự “tinh nhuệ”, chưa thực hiện được vai trò của “tỉnh táo viên” bên cạnh vai trò biên tập viên. Vì thế, họ đã để sót những chỗ cần bổ sung, chỉnh sửa của tác phẩm; khiến nhiều tác phẩm lẽ ra rất thành công chỉ dừng ở mức khá thành công. Với lịch sử hiện đại, rõ nhất là giai đoạn 1954 - 1975, nhà văn ở trong và ngoài nước vẫn còn viết theo thiên kiến chính trị, theo ý thức hệ. Chỉ khi nào họ vượt qua được sự ngăn cách của chiến tuyến, của giai cấp để nhìn lịch sử với cái nhìn nhân văn; chỉ khi nào họ thấy nỗi đau của người khác lớn hơn hoặc chí ít là bằng nỗi đau của chính mình; chỉ khi nào họ thấm thía câu “tiên trách kỉ nhi hậu trách nhân” thì mới có thể viết nên những tác phẩm lớn. Đọc tiểu thuyết Người đi dây của Colum McCann, một tác phẩm có đề cập đến chiến tranh Việt Nam của nhà văn Ireland, tôi tìm thấy được điều đó. Và tôi tiếc cho văn chương nước mình. Bằng cái nhìn nhân văn, nhà văn cần viết để đối thoại, để phê phán, để chuộc lỗi, để ăn năn, để tự trừng phạt và để sòng phẳng với lịch sử. Khi chưa trả được món nợ với lịch sử thì khó có thể gặt hái được gì ở hiện tại và tương lai. Vì vậy, có thể nói, chúng ta cần có những cuộc đại phẫu tinh thần trong văn chương.

111
TS, nhà phê bình Nguyễn Thị Tịnh Thy tham dự một sự kiện văn hóa tại Huế. Ảnh: NVCC

Như lời nhà văn Diêm Liên Khoa được trích ra bìa 4 cuốn sách của chị (hẳn có chủ ý), khi ông nói rằng đừng oán trách hoàn cảnh, điều quan trọng là năng lực và nhân cách người viết, nếu không viết nổi tác phẩm lớn thì đó là lỗi của nhà văn chứ không phải lỗi của thời đại. Có vẻ như chị muốn đặt các nhà văn Việt Nam trước những suy tư nghiêm túc về việc viết? Bằng quan sát của chị, thì nhà văn Việt Nam hiện đang ở đâu, tác phẩm của họ ở tầng mức nào?

Tôi rất tâm đắc với phát biểu trên của nhà văn Diêm Liên Khoa. Tôi cũng thừa nhận rằng khi cầm bút, các nhà văn luôn suy tư nghiêm túc về việc viết, luôn có trách nhiệm với ngòi bút của mình. Đó là ý thức tự thân, không cần ai tác động. Tuy nhiên, một tác phẩm thành công là kết quả của văn tâm và văn tài. Chỉ khi nào cả hai yếu tố ấy cùng hội tụ, chúng ta mới có những tác phẩm xuất sắc thật sự.

Bạn hỏi tôi nhà văn Việt Nam hiện đang ở đâu, xin trả lời là họ đang ở Việt Nam; tác phẩm của họ ở tầng mức nào, cũng xin trả lời là ở tầng mức Việt Nam. Có tác phẩm ưu tú không? Xin thưa là có. Nhưng cũng là ưu tú của Việt Nam. Ưu tú, xuất sắc, giải nhất, best seller… hay gì gì đi nữa vẫn chỉ là so bó đũa chọn cột cờ theo kiểu Việt Nam.

Các giải thưởng thời vụ đã làm hỏng nhân tài, đặc biệt là giải thưởng của hội từ trung ương đến địa phương. Nhiều giải thưởng phân thứ hạng chưa thuyết phục, hoặc phải chọn ra những tác phẩm đường được để trao giải “cho có”, dẫn đến hiện tượng mất mùa văn chương nhưng vẫn được mùa giải thưởng. Ban giám khảo và ban tổ chức cũng còn chọn giải tuỳ thuộc và các tiêu chí ngoài văn chương, cho nên có nhiều giải mang tính “cả nể”, mà cả nể nào chẳng “hoá dở dang”. Ngay cả giải thưởng tiểu thuyết 4-5 năm một lần của Hội Nhà văn cũng chỉ là một cuộc “diễu hành văn chương” (lời của PGS.TS. Phạm Xuân Thạch), và ban tổ chức đã chọn giải thưởng một cách an toàn chứ không mang tính gay cấn. Mà, có sự an toàn nào kích thích sáng tạo được đâu. Giải thưởng tiểu thuyết 4-5 năm một lần trong toàn quốc, lớn lắm chứ. Vì thế, nếu không có tác phẩm xuất sắc, thì cứ để trống ngôi vô địch, á địch ở đó (đã từng làm, nhưng rất ít), để các nhà văn ý thức được vị trí của mình. Nếu cứ chọn “cho có”, “cho đủ”, “cho đẹp”, cho an toàn… là ban tổ chức đang giết chết nghệ thuật, bởi vì “tiếng vỗ tay và những bó hoa thường chấm dứt tài năng”. Các nhà văn được giải to đùng như thế khó mà nghe lời góp ý, nghe những “đòi hỏi” của bạn đọc và giới phê bình. Đôi khi, họ còn cho rằng giới phê bình muốn bới bèo ra bọt.

Tôi cũng muốn nói đến khâu kiểm duyệt. Tác phẩm không được cấp phép xuất bản ở trong nước hoặc bị cấm phát hành bỗng dưng trở nên nổi tiếng, trở nên làm mưa làm gió ở thị trường “chợ đen” khiến cho tên tuổi tác giả và tác phẩm trở nên đình đám, trong khi giá trị đích thực của tác phẩm thì chưa đạt đến mức độ đó. Như thế, việc cấm đoán và kiểm duyệt đã làm nhiễu loạn giá trị của văn học nghệ thuật. Cả tặng thưởng và trừng phạt không đúng đều làm hỏng văn chương…

Tuy nhiên, những yếu tố thưởng phạt nêu trên vẫn chỉ là tác nhân bên ngoài. Suy cho cùng, “đừng oán trách hoàn cảnh sáng tác hay hoàn cảnh chính trị,… điều quan trọng là bạn có năng lực và nhân cách để viết hay không. Không viết nổi một tác phẩm lớn là lỗi của nhà văn chứ không phải lỗi của thời đại”.

TÔI CHỈ MONG CÁC NHÀ VĂN TỰ KÍCH ĐỘNG CHÍNH MÌNH

Lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa đã được nhà văn Nguyễn Minh Châu “tấu” từ năm 1987, đã hơn 30 năm trôi qua, nhưng theo như nhìn nhận của chị thì văn nghệ của ta mới chỉ chuyển mình một chút sang giai đoạn văn nghệ… phải đạo. Chị có thể nói rõ hơn về điều này?

Phải thừa nhận là văn nghệ nước ta đã có những chuyển biến đáng kể từ đề tài cho đến thi pháp kể từ năm 1987. Văn chương đã lột xác, thực sự lột xác nhưng riêng thể loại tiểu thuyết vẫn chưa có nhiều đột phá. Tiểu thuyết đã tạo nên được những rung động, nhưng vẫn chưa phải là chấn động. Bởi vì muốn tạo nên sự đột phá và chấn động thì cần phải có những cuộc “thay máu”. “Thay máu” ở đây không đơn thuần là tư tưởng chính trị, mà là vốn kiến văn, là tư duy tiểu thuyết, là tính độc sáng. Tôi cảm thấy rất nhiều nhà văn Việt Nam đang viết tiểu thuyết với tư duy của truyện ngắn. Sau mấy mươi năm đổi mới, truyện ngắn đã gây được chấn động và có nhiều tác giả, tác phẩm đạt được tầm vóc thế giới; trong khi tiểu thuyết, dù có nhiều thành tựu, nhưng số tác phẩm tạo được sự chấn động - chấn động tâm can người đọc, chấn động văn đàn... thì quá ít ỏi. Và, những cơn chấn động đó cũng không dài, dư chấn cũng không lớn lắm.

Để có được sự khác biệt và thành công, cần quyết liệt, triệt để và thậm chí cực đoan, nhưng hình như đó không phải là tính cách của người Việt, của nhà văn Việt.

Nhà văn viết phải đạo, quẩn quanh ở những phản tư và phê phán ở mức phải đạo. Nhà phê bình cũng phê bình phải đạo và an toàn. Phải chăng bằng công trình Dám ngoái đầu nhìn lại, chị muốn mọi thứ vượt ra khỏi quỹ đạo chung ấy?

Vâng, tôi muốn làm một cái gì đó khác đi. Rừng khô, suối cạn, biển độc… và văn chương hay Dám ngoái đầu nhìn lại đều là khát vọng được “độc tấu” thay vì hát đồng ca trong phê bình.

111
Bìa cuốn "Dám ngoái đầu nhìn lại" của TS, nhà phê bình Nguyễn Thị Tịnh Thy mới ra mắt năm 2021.
“Nếu nhà văn chỉ quẩn quanh với các giải thưởng chia phần và những lời bình luận phải đạo, hoặc chỉ phản tư và phê phán ở mức độ phải đạo, thì mãi vẫn chưa thực sự bước ra khỏi quỹ đạo của nền “văn học phải đạo”. Và nếu như thế, kí ức của họ vẫn là thứ kí ức phải đạo của kẻ “ăn mày dĩ vãng”, họ không thể và không nên truyền lại kí ức cho thế hệ tương lai”.
- TS, nhà phê bình Nguyễn Thị Tịnh Thy -

“Lý Nhuệ phản tư”; “Mạc Ngôn dấn thân”; “Cao Hành Kiện hồi cố”; “Dư Hoa phẫn nộ”; “Diêm Liên Khoa nghịch dị”. Năm tác giả lớn của văn học Trung Quốc đã được chị gắn với những từ khóa đắc địa trong nhận định về phong cách của họ. Và bạn đọc đã được chứng kiến chị “mở khóa” khá ấn tượng với những dây dẫn để người đọc đi theo câu chuyện của mình. Chắc hẳn chị đã nghĩ, một cuốn sách phê bình thì cũng cần hấp dẫn mọi đối tượng, cũng cần để người ta đọc hết chứ không buông sách xuống dở chừng…

Tôi rất thích câu thơ của Đỗ Phủ: “Ngữ bất kinh nhân tử bất hưu” (Lời lẽ không làm kinh động đến người khác thì chết không nhắm mắt). Đỗ Phủ viết câu đó cho sáng tác, nhưng tôi nghĩ phê bình cũng cần có ngôn ngữ riêng, phải lựa chọn, cân nhắc từ hành văn cho đến ngôn từ, từ tên đề tài (tên sách) cho đến tên các chương mục, từ lời mở đầu cho đến lời kết luận. Tôi luôn giữ cân bằng giữa văn phong khoa học và văn phong nghệ thuật để bạn đọc muốn lật những trang sách tiếp theo.

Khi xuất bản Dám ngoái đầu nhìn lại chị cũng bày tỏ muốn gửi đến những người quan tâm đến văn chương Việt Nam, đặc biệt là các nhà văn, với kì vọng những đột phá về đề tài và bút pháp ở họ. Những tác giả được phê bình trong sách, người viết và người yêu văn chương ở Việt Nam đọc cũng khá nhiều, và chắc hẳn, như chị nói, mỗi người viết cũng tự nhìn lại mình, có những phản tư cho việc viết của mình. Nhưng tôi vẫn nghĩ tác phẩm của chị là một sự “kích động” lớn. Chị có tin sự “kích động” này sẽ đem lại một điều gì đó mới mẻ trong đời sống văn chương khá tẻ nhạt ở ta trong những năm tháng này?

Có người hỏi tôi rằng, liệu chị có làm được một cuốn Dám ngoái đầu nhìn lại như thế cho tiểu thuyết Việt Nam không. Tôi rất tiếc phải trả lời là không. Bởi vì, nhà văn Việt Nam cả ở trong và ngoài nước đều chưa thực sự dám ngoái đầu nhìn lại. Nếu có chăng, thì những cái ngoái đầu ấy chưa tới, chưa mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt, triệt để và cực hạn. Đó là chưa kể đến bút pháp chưa thực sự sáng tạo. Tôi chỉ mong cuốn sách mình là một sự trao gửi chứ không phải là “kích động”. Tôi chỉ mong các nhà văn tự kích động chính mình, không thoả mãn với những thành tích được các hội đoàn trao giải, hoặc được đồng nghiệp tán dương thật cao theo lối phê bình tri âm, thù tạc. Tôi mong họ, dù “khơi những nguồn chưa ai khơi” hay khơi lại những nguồn đã có sẵn thì cũng đều phải có tính bứt phá và sáng tạo. Tôi mong họ - nhà văn Việt Nam - có can đảm bước chân trần trên than đỏ của lịch sử, có thể dùng ngòi bút của mình “đỡ dậy kí ức của một dân tộc”. Tôi mong họ chứng minh những nhận định của tôi là sai. Cuối cùng, tôi mong họ nếu có đọc những dòng này thì hãy giận tôi, và đáp trả lại với tôi, với bạn đọc và nền văn chương nước nhà bằng những tác phẩm xuất sắc… cho hả giận.

Cám ơn chị đã chia sẻ với VNQĐ!

111
Các tác phẩm phê bình đã xuất bản của TS, nhà phê bình Nguyễn Thị Tịnh Thy. 
TS, nhà phê bình Nguyễn Thị Tịnh Thy là giảng viên Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Huế. Chị đã xuất bản các tác phẩm: 
Tự sự kiểu Mạc Ngôn (Nxb Văn học & Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, năm 2013); Rừng khô, suối cạn, biển độc… và văn chương (Nxb Khoa học Xã hội, năm 2017); Dám ngoái đầu nhìn lại (Nxb Hội Nhà văn, 2021).
 

DƯƠNG TỬ THÀNH thực hiện
Nguồn VNQĐ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây