Cha tôi, nhà thơ Quang Dũng có duyên đặc biệt với mùa thu. Ông sinh ra vào mùa thu (11/10/1921), đưa vợ về chung nhà vào mùa thu và mất cũng vào mùa thu (13/10/1988).
Những dấu ấn mùa thu
Kỉ niệm tròn 100 năm sinh của cha, tôi tìm lại đúng ngày tháng năm sinh của ông. Điều này quan trọng vì các tài liệu và bài viết về ông, người ta thường chỉ nêu ông sinh năm 1921. Như Từ điển trực tuyến Wikipedia Tiếng Việt cũng ghi đầy đủ ngày, tháng, năm mất của ông, còn chỗ ngày sinh cũng chỉ ghi năm.
Cha tôi sinh năm Tân Dậu 1921, nhưng ông ghi trong bản khai lí lịch, chứng minh thư và khai sinh của các con lúc thì năm 1918, lúc thì năm 1919…
Nhà thơ Trần Lê Văn đã nói về chi tiết này ở lời giới thiệu về ông (trong tuyển tập Quang Dũng): “Quang Dũng sinh năm Dậu (Tân Dậu 1921), trên giấy tờ hành chính, anh thường khai tăng tuổi. Tăng một cách tùy hứng, khi thì sinh năm 1919, khi thì sinh năm 1918. Không phải anh có dụng ý “khai man” mà chỉ vì tính anh thích thế. Ngay trong cuộc giao tiếp thường ngày, nếu có ai (kể cả giới nữ) hỏi tuổi anh, anh cũng “khai” tăng tuổi. Tôi nói vui với anh: “Ông trái khoáy thật! Người ta khi đến cái tuổi “tà tà bóng ngả” thường thích khai rút tuổi để hòng níu lấy chút xuân. Như tôi đây, mỗi lúc có bà nào hỏi tuổi tôi, tôi chỉ ậm ừ cho qua. Thế mà ông…”. Anh tự lí giải: “Tôi khai tăng là có cái lí của tôi. Chả là tôi tự thấy mình lớn tuổi mà còn trẻ con quá. Cho nên khai tăng là để mình cảm thấy mình già… dặn chứ không phải là già… cỗi”.
Trong một cuốn sổ, cha tôi đã ghi lại một chi tiết về ngày sinh của mình, là căn cứ để gia đình tìm ra ngày, tháng sinh của ông: ngày 11 tháng 10 năm 1921 (ngày 11 tháng 9 Tân Dậu). Vậy là thời gian cha tôi chào đời và mất cùng vào tháng 10 (tháng 9 ta), tháng cuối mùa thu, chỉ chênh nhau vài ngày.
Tôi thật vui vì tìm được ngày, tháng sinh của cha, một chi tiết không mấy được quan tâm trước đây.
Mùa thu kỉ niệm
“Người đừng mong mỏi một kho tàng
Đừng ước lầu cao giấc mộng sang
Tôi về chỉ một hồn đơn chiếc
Ngọc vàng là những nét phong sương”
Đó là những câu thơ mà chàng thanh niên Quang Dũng viết gửi cho cô gái Bùi Thị Thạch (mẹ tôi sau này) trước khi tạm chia tay nhau vào đầu những năm 1940 ở Yên Bái. Cô Thạch có dáng người cao dong dỏng, da trắng hồng và mái tóc đen dài, thích văn chương và đặc biệt có tâm hồn đồng điệu với Quang Dũng. Chẳng biết xa cách bao lâu nhưng cô Thạch chẳng ngần ngại mà đáp: “Tôi không mong mỏi một kho tàng/ Không ước lầu cao giấc mộng sang/ Người về xin một hồn đơn chiếc/ Ngọc vàng là những phút bên nhau”. Hai người đã nên duyên chồng, vợ sau rất nhiều cách trở và như mong mỏi từ thanh xuân, những phút bên nhau trong cuộc sống, cùng vượt qua muôn phần gian khó, cực nhọc được ví như ngọc, như vàng. Nàng thơ ngày nào cần cù đan len thuê, cùng người thơ nuôi dạy năm người con, đến lúc chia xa vẫn hẹn nhau nhưng ở một cõi khác: “Bến nào cát bụi ai thương nhớ/ Mỉm cười thầm hẹn: cõi hư không! (Trách ai - Bùi Thị Thạch).
Cha tôi là người trọng tình nghĩa, có những kỉ niệm trong cuộc đời gây thương nhớ, xót xa. Ông viết: “Mùa hoa phượng đỏ là mùa mà hai người gặp nhau nên chọn một ngày làm kỉ niệm và một ngày về mùa thu làm kỉ niệm về ở hẳn với nhau”, mong muốn thật giản dị vì một đám cưới dềnh dang của cha mẹ tôi vẫn chỉ là mơ ước. Không biết cha mẹ tôi có cùng chọn được một ngày nào không nhưng với tôi, tất cả những ngày trong mùa thu đều thật thiêng liêng.
Mây, trời, nắng, gió mùa thu cứ quẩn quanh bên cuộc đời ông như một định mệnh được sắp đặt.
Người ưa rong ruổi trên những dặm đường
Cuối xuân năm 1947, cha tôi về quê Phùng từ giã gia đình, để gia nhập đoàn quân Tây Tiến với nhiệm vụ Đại đội trưởng Võ trang tuyên truyền Lào - Việt. Lúc đó, mợ tôi mới sinh anh cả chưa được đầy tháng và phải bốn năm sau, hai cha con mới gặp mặt nhau. Cha tôi đã lấy tên của con trai là Quang Dũng làm bút danh cũng phần vì thương nhớ con. Vì cha lấy tên nên anh tôi được đổi tên là Quang Vĩnh. Mợ tôi có lần nói với nhà thơ Trần Lê Văn: “Cứ sểnh ra là ông ý đi, có lúc đi đến vài ba tháng, đi mãi rồi tôi cũng quen”. Là mợ tôi không trách việc hay đi của chồng vì bà đã biết đến sự xa cách từ thời tuổi trẻ của ông: “Mấy gã thanh xuân lòng bốn cõi/ Nhẹ nhàng thân gửi kiếp ra đi” (Giang hồ - Quang Dũng, 1942). Trong chuyến đi thực tế Bắc Hà năm 1973, gợi nhớ chuyến đi Vân Nam năm 1943 của ông, cha tôi viết: “Tôi ngủ đêm cùng chăn và cùng đệm với giáo Giản (VHK). Lúc ấy Vũ Hồng Khanh độ 40 tuổi còn tôi độ 23. Một thanh niên mới đi hải ngoại để tìm hiểu cứu nước. Đi phiêu lưu cho thỏa chí giang hồ bốn phương”. Tuổi trẻ đầy nhiệt huyết của cha tôi đã qua những trải nghiệm đầy phiêu lưu, là kí ức theo ông đến những năm cuối đời.
Ngày 17 tháng 2 năm 1979, khi chiến tranh biên giới Việt - Trung xảy ra, đài báo đưa tin từng giờ. Hai hôm sau, trong bữa cơm gia đình, cha tôi trầm giọng nói: “Nếu quân đội có lệnh tổng động viên, bố sẽ tham gia mặt trận biên giới phía Bắc”, rồi cha tôi cho cả nhà xem tấm thẻ sĩ quan dự bị. Mấy mẹ con tôi không ngạc nhiên khi nghe ông nói vậy vì tinh thần yêu nước, lòng dũng cảm của những người lính Tây Tiến luôn trong tâm khảm ông.
"Tôi vẫn đọc đi đọc lại những trang văn, đi vào chữ nghĩa của cha và thêm hiểu tình yêu cuộc sống, quê hương, đất nước mãnh liệt trong tâm hồn ông. Ở một thế giới khác, cha tôi chắc vẫn say mê làm thơ, vẽ tranh và viết những bút kí mình yêu thích. Năm nay thì những tác phẩm của cha tôi đã được gom gần hết vào một tuyển tập, niềm an ủi lớn, là dấu ấn cho kỉ niệm 100 năm sinh nhà thơ Tây Tiến và xứ Ðoài".
Bùi Phương Thảo
Năm 1983, cha tôi tự nguyện vào khu kinh tế mới Hà Nội ở Lâm Đồng. Ông tìm hiểu cách làm ăn, sinh sống của người Hà Nội trong vùng đất mới, ghi chép tỉ mỉ cho bút kí “Đất rồng lửa” 350 trang và dự định gửi Nhà xuất bản Hà Nội. Dự định của cha tôi đã không thành, bị thấp khớp mãn tính nhưng ông vẫn đi bộ quanh vùng, leo những con dốc trơn trượt để lấy tư liệu. “Cái ngã sấp hôm ấy ở dốc Máy Kéo là một bài học. Phải ngồi thụp xuống chống đập mặt xuống đất”- ông ghi trong một cuốn sổ. Những cú ngã ở dốc Máy Kéo, dốc Bà Mão nhiều dần và cơn tai biến tái phát khiến ông phải trở ra Hà Nội. Cũng tại đây, cha tôi đã kịp viết những bài thơ cuối cùng: Bạn cũ sư đoàn, Bữa rượu sáng trăng, Tháng sáu ở Tây Nguyên, Đêm Cao nguyên. Xôi nếp đen và bó hoa chung thủy - Tây Nguyên thành điểm dừng chân cuối cùng trong cuộc đời cha tôi, một người ưa rong ruổi trên những chặng đường.
Bút kí, những trang viết tâm huyết
Bên cạnh việc làm thơ, cha tôi viết khá nhiều văn xuôi. Ngoài 43 truyện kí được đưa vào tuyển tập Mây đầu ô do Nhà xuất bản Văn học in trong năm nay, vẫn còn một số bản thảo bị thất lạc chỉ còn tên. Cha tôi có thói quen ghi chép rất tỉ mỉ các tư liệu trong những chuyến đi thực tế ở bất cứ đâu. Những truyện kí “Rừng về xuôi, Về Tân Phong, Ông đại tướng và ruộng bí ngô, Chạy bè thác cát, Mùa quả cọ, Những căn nhà đi, Hoa lại vàng tháng chạp, Cống Trắng Khâm Thiên”…và vài chục bút kí khác ra đời sau những tâm huyết mà ông dành cho thể loại này.
Ông viết: “Xin nói về kỉ niệm đầu tiên của tôi lúc làm tờ báo Quân miền Tây số tết xuân 1947, lúc ấy, trung đoàn tôi đóng ở Vang Vó. Tôi viết bài bút kí nói về các cảnh ban chính trị của trung đoàn chuẩn bị ra số báo tết. Tôi còn nhớ có những đoạn viết về cuộc họp mặt những chiến sĩ biên tập của số báo tết ấy, có anh đã về đến xóm của Ban chính trị, viết được bài báo nộp cho thư kí tòa soạn xong thì kéo chăn đắp liền vì bị cơn sốt rét hành từ lúc đang leo dốc. Bài bút kí của số báo Quân miền Tây ấy lại được giải thưởng bích báo của liên khu. Tiếp đó là những bài hành quân của quân miền Tây đi lên biên giới…Tôi được anh em trong tờ Quân Bạch Đằng, tờ báo của Liên khu III vừa sáp nhập với báo Chiến đấu khu II cũ khuyến khích nên tôi cũng thấy yêu cái thể loại kí. Những bài bút kí đầu tiên ấy đã hướng hẳn ngòi bút tôi vào thể loại kí mà tôi gắn bó mãi mãi. Cuốn “Đường lên Châu Thuận”, bút kí được giải thưởng Văn học năm 1954 cũng là một khuyến khích to lớn đối với tôi trong việc đi hẳn vào thể loại này… Tôi thấy một bút kí có thể giúp cho ngòi bút đi sâu vào chuyên đề nhưng đồng thời cũng tìm ra những khía cạnh nên thơ của chuyên đề ấy. Trong số những bài kí tôi viết về chuyên đề lâm nghiệp, tôi có thích bài “Chạy bè thác cát”, “Hội cánh kiến” và “Có cây có người”.
Thể loại kí này tôi ưa vì nó rộng rãi, chấp nhận cho ngòi bút tác giả đà đậm, khi thì đi sâu tìm hiểu mọi chi tiết của vấn đề, khi thì lại dừng lại và phát triển những khía cạnh mà chính vấn đề đã có lúc gợi cảm viết được những trang khá hào hứng và bay bổng nhờ sự chắp cánh kia, lúc thì người viết lại có thể dừng lại mà đi vào dĩ vãng của vấn đề như muốn trình bày lịch sử của vấn đề…Chúng tôi hay nói chúng ta đi làm một cái bút kí… Công việc ấy là một niềm thích thú của người đi làm bút kí. Đi để tìm hiểu và để cho cái mới thấm tâm hồn mình. Sở dĩ tôi ưa viết bút kí là cũng do tôi chỉ mơ ước là sẽ làm người tiên phong ghi chép cho tường tận công việc mới của thời đại chúng ta: ghi, sống, cảm động, chọn lọc, sau này biết đâu những bút kí ấy lại có ích.
Có nhiều sự suy nghĩ khác nhau về thể loại này nhưng tôi vẫn nghĩ rằng kí có một vị trí cần thiết trong văn học. Nó mang tính thời sự của công việc nhưng không mất cái tính vĩnh cửu của vấn đề nếu có cả chiều sâu ý nghĩa”.
Tôi vẫn đọc đi đọc lại những trang văn, đi vào chữ nghĩa của cha và thêm hiểu tình yêu cuộc sống, quê hương, đất nước mãnh liệt trong tâm hồn ông. Ở một thế giới khác, cha tôi chắc vẫn say mê làm thơ, vẽ tranh và viết những bút kí mình yêu thích. Năm nay thì những tác phẩm của cha tôi đã được gom gần hết vào một tuyển tập, niềm an ủi lớn, là dấu ấn cho kỉ niệm 100 năm sinh nhà thơ Tây Tiến và xứ Đoài.
Theo Bùi Phương Thảo/Tiền phong
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên