Dịch giả Phạm Vĩnh Cư, văn hóa cân bằng giữa vô vàn áp lực

Thứ tư - 29/09/2021 15:46

Dịch giả Phạm Vĩnh Cư là một trong những người thầy đáng kính của chúng tôi - Trường Viết văn Nguyễn Du. Tôi học Khóa VI (1999-2003), cùng các anh chị Dương Quốc Hải, Vũ Thảo Ngọc, Đào Bá Đoàn, Nguyễn Vinh Huỳnh… sau này đều miệt mài sáng tác. Mỗi khi chúng tôi trở lại trường đều nhắc tới các thầy, nhất là thầy Phạm Vĩnh Cư.

111

Với cá tính của Phạm Vĩnh Cư cũng như vị thế đặc biệt của Trường Viết văn Nguyễn Du với những người thầy tâm huyết như nhà văn Nguyên Ngọc, thầy Hoàng Ngọc Hiến, Giáo sư Huỳnh Khái Vinh, các học viên trong đó có không ít người khi chưa vào học, trong quá trình học đã là những nhà văn nổi tiếng như Hữu Thỉnh, Nguyễn Chí Trung, Nguyễn Khắc Trường, Chu Lai, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Trọng Tạo, Trần Đăng Khoa, Bảo Ninh, Tạ Duy Anh, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Bình Phương… đã khẳng định thương hiệu một ngôi trường mà sau này không hiểu vì lý do gì, người ta nhất mực muốn xóa bỏ cái tên của nó đi một cách thiếu thuyết phục đến thế.

Nhưng điều đó thực là không dễ. Không phải anh chị em sáng tác và nghiên cứu, nhất là những người từng có quãng thời gian học tập trong Trường Viết văn Nguyễn Du tham gì danh hiệu chính thức của một ngôi trường, mà cái chính là họ lên tiếng để bảo vệ lương tri của chính mình trước những trà đạp vô lối nên một nét văn hóa đẹp và nhân văn: Đào tạo những người viết văn cho đất nước. Câu chuyện rồi cũng đi vào hồi kết. Sau khóa VI năm 2003, đã không còn tên Trường Viết văn Nguyễn Du, thay vào đó là một khoa của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.

Cùng với những người tâm huyết khác, không phải đợi đến lúc tên ngôi trường bị xóa đi, mà từ trước đó rất lâu, Phạm Vĩnh Cư dường như đã hiểu rằng, những việc như thế ở xứ ta là chuyện thường ngày ở huyện, hay như cách nói của thầy Hoàng Ngọc Hiến là cái nước mình nó thế.

Bởi vậy, như là một lẽ tất nhiên, Phạm Vĩnh Cư tiếp tục trổ sinh theo tâm can chí hướng của mình, bình tĩnh và kiên cường lấy văn hóa cân bằng giữa vô vàn áp lực. Đây cũng chính là kết quả của mấy chục năm du học, nghiên cứu và dịch thuật những tác gia Nga và thế giới nổi tiếng của ông. Chính nền văn hóa, văn học đồ sộ và nhân văn của người Nga đã là điểm tựa lớn cho dịch giả Phạm Vĩnh Cư. Ông yêu nước Nga, văn học Nga, nhân dân Nga cũng như tiếng Việt, nước Việt, dân tộc Việt. Phạm Vĩnh Cư không dấu diếm tham vọng muốn bắc một nhịp cầu văn hóa giữa hai nước Việt - Nga mà nhịp cầu đó trước tiên là những tác phẩm văn chương của hai dân tộc.

Cái khó của Phạm Vĩnh Cư chính là ở chỗ, sự đánh giá, nhìn nhận và hiểu biết về văn hóa, văn học nghệ thuật của giới chức sắc ở Việt Nam nhiều quãng dường như có vấn đề. Không phải từ lúc đất nước thiếu thốn trăm bề thời quan liêu bao cấp sau chiến tranh, mà đến tận bây giờ, khi đã có của ăn của để, đã có những tỷ phú tầm thế giới, mà những thương vụ hối lộ triệu đô cho quan chức ngành nghề truyền thông, văn hóa đã liên tiếp xảy ra khiến chúng ta đau đớn và phẫn uất đặt ra câu hỏi rằng: Tại sao sự giáo dục của thể chế, nền tảng văn hóa dày dặn của dân tộc lại đẻ ra những sâu mọt hãi hùng đến thế? Người luôn giao giảng đạo đức của Bác Hồ, về văn hóa của Việt Nam, đã làm tới Bộ trưởng, Thứ trưởng những bộ quan trọng hàng đầu của một nước lại cam tâm làm điều bẩn thỉu, lũ lượt dắt nhau vào tù là cớ làm sao? Những câu hỏi như thế có liên quan gì tới văn hóa, văn học nghệ thuật? Có liên quan gì tới thầy Phạm Vĩnh Cư?

Đã thế, Phạm Vĩnh Cư lại là người rất chỉn chu, kín đáo, thường không muốn phát biểu những gì nằm ngoài sở học của mình, rất ngại va chạm với những áp lực thị trường và chính trị, dù trong bộ óc bách khoa ấy, trái tim mạnh mẽ ấy luôn muốn làm những điều hữu lích nhất cho con người trong đời sống hôm nay.

Tôi luôn cho rằng, Phạm Vĩnh Cư có một cách riêng của mình, tôi dùng chữ trổ sinh bằng văn hóa để cân bằng giữa vô vàn áp lực. Văn hóa sinh ra văn hóa là một lẽ hiển nhiên. Văn hóa có sự cảm hóa, dẫn đường lớn lao với mọi thể chế, nhất là với những người dân còn phải chịu nhiều bất công hàng ngày trong xã hội mình đang sống. Bác Hồ từng nói: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi. Dẫu câu nói của Bác, những nhà quản lý văn hóa, thậm chí ở cương vị rất cao lại thường hết sức hay quên, nhắm mắt làm bừa, bịt tai xem chuông mới khiến những chuyện nực cười như hôm nay, bao gồm cả câu chuyện giải tán Trường Viết văn Nguyễn Du không theo một lý lẽ nào xuất hiện.

Phạm Vĩnh Cư vì thế đã trổ sinh theo hướng riêng của mình chăng? Và ngay từ ban đầu, hai nền văn hóa, văn học nghệ thuật Việt - Nga đã dẫn dụ ông vào con đường nghiên cứu, dịch thuật chuyên sâu các tác gia lớn, những vấn đề cốt yếu để làm nền tảng tri thức cho thế hệ kế cận. Các tập sách: “Lý luận và thi pháp tiểu thuyết” tập hợp, giới thiệu phân tích và chú giải những bài viết quan trọng nhất về lý luận và thi pháp tiểu thuyết của một trong những nhà khoa học nhân văn lỗi lạc nhất của Nga thế kỷ 20, Mikhail Bakhtin (1895-1975); “Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới” (của hai học giả người Pháp Jean Chevalier và Alain Gheerbrant). Đây là một công trình tra cứu rất cơ bản và có uy tín cao, được tái bản nhiều lần ở Pháp do Phạm Vĩnh Cư làm chủ biên đã chuyển ngữ và chú giải; “Triết học đạo đức”: Sách tập hợp ba tác phẩm đạo đức học của ba triết gia lớn thế kỷ 20: Vladimir Soloviev (người Nga), Karol Vojtyla (Ba Lan) và Albert Schweitzer (Đức- Pháp); Đặc biệt là: “Siêu lý tình yêu”, một tuyển tập (dày gần 1.000 trang, khổ lớn) những tác phẩm, bài viết của nhà triết học nổi tiếng của Nga - người được giới triết học thế giới coi là Platon của Nga, Vladimir Soloviev (1853 - 1900) do ông tuyển chọn, dịch, giới thiệu và chú giải đều là những công trình tiêu biểu của ông.

Với sự thông minh hiếm thấy, nhất là tinh thần lao động không biết mệt mỏi, Phạm Vĩnh Cư đã hoạch định và dẫn dắt các chương trình dịch thuật lớn, chọn dịch và viết nghiên cứu các nhà văn, học giả tiêu biểu của Nga với bạn đọc Việt Nam. Trong bối cảnh những áp lực về thị trường và chính trị (ông đã từng nhiều lần nhắc đến) vây bọc; trong khoảng thời gian đất nước nói chung, giới trí thức nói riêng chịu nhiều khốn khó về vật chất, áp lực về tinh thần mà vẫn nguyên đó một Phạm Vĩnh Cư kiên cường, mạnh mẽ và nhất mực trổ sinh theo cách của mình, không chỉ là cầu nối giữa hai nền văn hóa Việt - Nga, mà còn tạo dựng một nền tảng trong ngành nghiên cứu văn học trong tổng quan nghiên cứu khoa học xã hội - nhân văn ở Việt Nam quả là rất đáng khâm phục.

Phạm Vĩnh Cư cũng là người rất đam mê nghiên cứu triết học phương Tây và minh triết phương Đông. Ông hiểu rất sâu sắc tinh thần cũng là cương lĩnh hành động của cụ Phan Châu Trinh là: “Chấn dân khí - Khai dân trí - Hậu dân sinh” đến hôm nay vẫn đang là con đường lớn dẫn dắt chúng ta đi tới văn minh. Giới trí thức Việt Nam tự hào có những bậc đại trí đại đức như cụ Phan Bội Châu, cụ Phan Châu Trinh đã từ rất sớm chỉ ra con đường sáng cho dân tộc. Và dân tộc Việt Nam, trong đó có giới trí thức Việt Nam đã vững mạnh, trưởng thành trong sự vận động phức tạp, khó lường đến tận hôm nay chính nhờ có được những nền tảng như thế.

Những áp lực mà chúng ta, trong đó có dịch giả Phạm Vĩnh Cư phải đối mặt chưa bao giờ giảm đi. Những cản trở, gây rối, nhiễu loạn, vô đạo đức, mượn vào sự khúc khuỷu, hiểm hóc của chính trị để lừa mị, nhân danh nó để quy chụp và giễu cợt đóng góp đáng trân trọng của các bậc thầy có lúc đã khiến chúng ta lo lắng. Nhưng chúng ta cũng hiểu rằng, những kẻ bất chấp mọi quy ước đạo đức, phong tục tốt đẹp của người trí thức, chỉ yêu thích làm sư tử săn cáo bắt cầy, tham công luận chiến, tay lòe mã tấu nghênh ngang lếu láo trong chốn văn chương chắc chắn không có kết cục gì tốt đẹp. Đến đây, tôi lại nhớ tới tác gia Nguyễn Dữ với hai mươi truyện trong Truyền kỳ mạn lục đã lột mặt bọn giả thần giả quỷ, đem đám ngụy đế vương, ngụy quan quân lên giữa pháp trường chữ nghĩa để khai đao. Bởi vậy, bọn lưu manh bút mực trong khoảng thời gian ngắn nữa thôi ắt sẽ không còn đất sống.

Trong khoảng sóng gió phong ba thường nổi trên văn đàn ấy, may sao vẫn có những bậc thầy như Phạm Vĩnh Cư kiên tâm kiên định, bằng toàn bộ cuộc đời mình, dụng công đưa văn hóa, đưa những điều tốt đẹp vào đời sống để cân bằng giữa vô vàn điều phi lý, những áp lực không đáng có để chúng ta mạnh mẽ và kiêu hãnh làm người.

Trong sâu thẳm tâm tư của một người sáng tác, của một người học trò Trường Viết văn Nguyễn Du, thế hệ chúng tôi luôn tự hào đã được gặp gỡ, giao lưu, học hỏi từ những người thầy, người bạn, các anh các chị, trong đó có Phó Giáo sư - Tiến sĩ - Dịch giả Phạm Vĩnh Cư.
 

Tác giả: Nhà văn Phùng Văn Khai
Nguồn Văn nghệ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây