Từ giải Nobel Văn học năm 2021: Văn chương Việt Nam học hỏi được gì?

Thứ hai - 11/10/2021 16:32

Ngày 7.10, cả thế giới đều bất ngờ khi đón nhận thông tin nhà văn Abdulrazak Gurnah, người gốc Tanzania, hiện đang sống tại Anh giành Giải thưởng Nobel Văn chương danh giá. Giới văn học và người đam mê văn học đều có chung một câu hỏi, đó là, Abdulrazak Gurnah là ai?

111

Abdulrazak Gurnah, nhà văn 73 tuổi đoạt giải thưởng Nobel văn chương năm 2021

Ông có 10 tác phẩm, trong đó có “Paradise – Thiên đường” lọt vào vòng rút gọn của giải thưởng Booker. Tuy nhiên, rõ ràng so với những tên tuổi như Haruki Murakami, văn sĩ người Nhật có các tác phẩm được hàng triệu người mến mộ, hoặc Bob Dylan, nhà soạn nhạc giành giải Nobel năm 2016, thì Gurnah có phần “lép vế”. Không ít ý kiến trái chiều nhận định rằng, Ủy ban Nobel đang “vào thế khó” khi phải tìm và chọn những nhà văn ít nổi tiếng, nhằm tránh tranh cãi sau khi trao giải.

Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên để làm rõ vấn đề kể trên.

* Thưa ông, ông có nhận định gì khi nhà văn ít tên tuổi Abdulrazak Gurnah nhận giải Nobel Văn chương danh giá?

– Đầu tiên, ta phải khẳng định, giải Nobel Văn chương là một giải thưởng rất cao quý, có giá trị. Hàng năm, đây là giải thưởng được giới văn chương và độc giả yêu văn chương chờ đợi. Chờ đợi một cái tên quen thuộc xứng đáng mà khi nhận giải ai cũng phải đồng tình, hoặc chờ đợi một cá nhân mới lạ, mang làn gió mới cho giải thưởng vốn dĩ lâu đời này.

Cần phải làm rõ rằng, thứ nhất, giải Nobel Văn chương thường được trao cho người còn sống. Thứ hai, Ủy ban Nobel sẽ đánh giá cả sự nghiệp của tác giả, chứ không đơn thuần chỉ nhìn vào duy nhất một tác phẩm nào.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên. 

Trong sự chờ đợi của cả thế giới, giải Nobel năm nay thuộc về nhà văn Abdulrazak Gurnah là một sự bất ngờ. Điều này hoàn toàn nằm ngoài sự phỏng đoán của giới yêu văn chương và các nhà cái. Nhà văn gốc Tanzania, tị nạn và sinh sống tại Anh. Giải thưởng Nobel năm nay đã “trưng bày” ra một tên tuổi mới, một góc mới của thế giới mà chưa được nhiều người nhìn thấy.

* Văn sĩ Abdulrazak Gurnah hoàn toàn xa lạ với công chúng, tại Việt Nam, chưa có tác phẩm nào được dịch. Quyết định chọn lựa nhà văn 73 tuổi này của Ủy ban Nobel theo ông có xác đáng?

– Ở Việt Nam, những tác giả Nobel trong những năm gần đây đã có tác phẩm tại Việt Nam, người đọc được tiếp cận sẽ cảm thấy tác giả rất xứng đáng khi đoạt giải. Thế nhưng, với tác giả Abdulrazak Gurnah thì người yêu văn chương ở Việt Nam hoàn toàn bất ngờ.

Sự bất ngờ này có xác đáng hay không, sự lựa chọn của Ủy ban Nobel có đúng hay không thì cần phải có thời gian để giới văn chương thẩm định. Ủy ban Nobel cũng nói rõ rằng, những vấn đề thời sự trước mắt sẽ không ảnh hưởng tới quyết định chọn lựa người nhận giải.

Nhà văn Abdulrazak Gurnah tập trung vào đề tài những tác động của chủ nghĩa thực dân và số phận của những người tị nạn. Tiếng mẹ đẻ của Abdulrazak Gurnah là Swahili, nhưng tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ văn học của ông. Vấn đề di dân tại Châu Âu được nhắc tới nhiều, thế nhưng di dân tại các nước thuộc địa cũ thì ít khi được bàn.

Di dân là vấn đề lớn của nhân loại trong thế kỷ 21. Di dân là xoay quanh di dời về chỗ ở, là sự giao thoa giữa quá khứ và hiện tại, là nơi đang sống và gốc rễ của một con người, sự đối lập, khác biệt giữa các nền văn hóa.

Vì vậy, lời tuyên dương của Ủy ban Nobel trao giải cho Abdulrazak Gurnah vì sự thâm nhập không khoan nhượng là hoàn toàn xác đáng. Những người di cư, luôn mang trong mình câu hỏi bản thân là người nước nào, thuộc về nơi mình đang sống, hay thuộc về quê hương, nơi đã dứt áo ra đi.

* Từ việc Nobel được trao giải cho một nhà văn ít tiếng tăm, ông có liên hệ gì với nền văn học Việt Nam?

– Nhà văn Gurnah thực hiện các tác phẩm của mình thông qua kinh nghiệm cá nhân, bản thân ông chính là một người di cư từ một nước hậu thuộc địa. Việt Nam cũng là một nước hậu thuộc địa, vậy các nhà văn tại Việt Nam có ý thức được điều này, có viết được về điều này hay không?

Nhưng hình như các nhà văn của Việt Nam chưa tập trung, chúng ta trải qua những vấn đề liên quan tới thuộc địa nói chung. Nhưng có thể nói tâm thức của người Việt, đặc biệt là trong văn chương, chưa đề cập nhiều tới đề tài này. Như vậy, chúng ta đang hời hợt.

Tới đây, các tác phẩm của nhà văn Gurnah sẽ tới Việt Nam qua các nhà xuất bản. Người yêu văn chương tại Việt Nam được tiếp cận các tác phẩm của ông, đặc biệt là tác phẩm chính của ông “Paradise – Thiên đường”. Tôi nghĩ rằng, sau khi đọc, nghiên cứu, chúng ta sẽ có thể rút ra được kinh nghiệm, bài học cho văn học Việt Nam.

* Ông có cho rằng văn học hiện đại Việt Nam đang tập trung vào cái tôi mà thiếu đi cái phổ quát?

– Chúng ta phải nhìn ra được cái “tầm” về mặt tư tưởng của tác giả. Nhà văn Gurnah xuất thân chính là một người tị nạn từ nước hậu thuộc địa, sau đó, ông học tập, nghiên cứu và làm việc tại Anh. Ngoài kinh nghiệm thực tiễn của cá nhân, ông lại là một giáo sư đại học, như vậy đó là sự đan xen giữa thực tiễn và nghiên cứu, để từ đó, Gurnah mới có được cái nhìn phổ quát đối với đề tài tị nạn, hậu thuộc địa.

 

Phương Việt (thực hiện)
Nguồn DanViet

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây