(Tường thuật của người chứng kiến chuyến thăm quê tác giả Nobel 2012 của tác giả Nobel 1994. Một nhà văn Nhật Bản và một nhà văn Trung Quốc sóng đôi, kể cho nhau về tuổi thơ của họ - những đối thoại nhỏ ngoài văn chương thật sự thú vị… 5 năm sau câu chuyện diễn ra vào ngày Tết ấy, Mạc Ngôn đoạt giải Nobel Văn chương.)
Tôi đưa nhà văn lớn của Nhật Bản từng đoạt giải Nobel Văn học Oe Kenzaburo tới thăm quê hương của nhà văn Trung Quốc Mạc Ngôn: huyện Cao Mật, tỉnh Sơn Đông. Kenzaburo bay thẳng từ Tokyo đến Bắc Kinh, sau đó Mạc Ngôn đón ông để cùng bay từ Bắc Kinh tới Thanh Đảo, rồi đi ô tô tới nhà của Mạc Ngôn ở Đại Lan. Trên quốc lộ rộng thoáng, xe lướt như ru, hai bên đường là rừng cây, đồng cỏ…, thi thoảng lại gặp một chiếc xe trâu, xe ngựa, những đóa hoa bụi quấn quýt bánh xe, tung lên như những cuộn len biết bay. Oe Kenzaburo vừa đưa mắt nhìn xa xăm vừa nói với Mạc Ngôn: “Tôi nghĩ đường chân trời có thể giải thoát cho nỗi phiền muộn của con người”.
Mạc Ngôn đáp: “Hồi nhỏ tôi đi chăn trâu, lúc nào bụng cũng đói, đi mệt bèn nằm dài ra đất ngơ ngẩn nhìn mây trắng trên trời, bởi vì tôi cảm thấy đám mây trắng kia dường như sẽ lập tức biến thành cái bánh bao rơi vào mồm tôi. Giờ nhìn thấy đường chân trời, tôi lại nhớ tới thời niên thiếu nghèo khó của mình.”
Oe Kenzaburo nói: “Tôi cũng từ nhà quê mà ra. Quê tôi ở sâu trong một cái khe, bốn bề là rừng rậm, mỗi lần mưa là tưởng cả trời sập xuống, đợi đến khi trời trong nắng ấm trở lại, lá cây trong rừng như được hát ca nhảy múa, đẹp lắm, chỉ có điều tôi chưa bao giờ được nhìn thấy đường chân trời”.
Xe tiếp tục chạy, từ trong xe nhìn ra ngoài cửa sổ, tầm mắt của con người gặp ngay đường chân trời phía xa. Vào đến thôn Đại Lan, huyện Cao Mật, Mạc Ngôn chỉ sang con đê bên đường nói: “Đây là sông Giao Thủy, là nơi hồi xưa tôi chơi trận giả, kia là cầu Thạch Bàn, nơi bọn chúng tôi trần như nhộng nhảy loạn xạ xuống sông.”
Oe Kenzaburo hỏi: “Từ cái cầu này cũng có thể thấy đường chân trời ư?”
Mạc Ngôn tiếp: “Phải, con đê này có lẽ là nơi cao nhất trong vùng.”
***
Hôm ấy là ngày 30 Tết, nhà nhà trong thôn Đại Lan đều dán đôi câu đối đỏ, treo đèn lồng đỏ trông đến nao nức. Kenzaburo nói: “Ở xóm núi của tôi, những ngày tết mừng năm mới đầy ắp tiếng cười nói, khác hẳn sự yên tĩnh thường nhật. Nhà nào cũng ra bên sông đốt lửa nấu nướng và ăn ngay ở đây, tưởng như linh hồn tổ tiên đang về đâu đó trong làn nước”.
Mạc Ngôn dường như đang nghĩ lung lắm, nhưng ông không nói gì. Chúng tôi xuống xe, men theo đê về phía trước; trước mắt là vùng đất rộng tít tắp, thẳng cánh cò bay. Ngày lạnh giá, cây không có màu xanh đã đành, đến những cành khô cũng nhuốm một lớp dày hoàng thổ, trông như những cánh tay đất đang vươn ra.
Kenzaburo đi bên phải tôi, ông hỏi: “Làm phiên dịch cho tiểu thuyết gia, anh thấy thế nào?”
Tôi trả lời: “Có lẽ không được chuẩn xác, tôi cảm thấy mình như một cái máy lọc ngôn ngữ. Ví dụ, thôn Đại Lan của Mạc Ngôn và thôn Đại Lai quê ông chỉ khác nhau có một chữ, nhưng chữ “Lai” nghĩa là nơi nước chảy xiết, còn chữ “Lan” nghĩa là cái hàng rào, hai sự cảm thụ khác nhau, có thể nói một bên là ướt, một bên là khô. Đương nhiên, đây chỉ là điều tôi nghĩ đến, giả như ông không hỏi, tôi cũng chỉ giữ để trong lòng thôi”.
Nghe xong, Kenzaburo cười: “Xem ra, ngôn ngữ với anh giống cái máy nổ hơn”.
Mạc Ngôn dẫn chúng tôi từ trên đê xuống con đường nhỏ dẫn vào thôn. Những viên đá dăm nệm lấp ló dưới lớp thổ nhưỡng, lắm khi khiến bạn không thể phân biệt được đâu là khoảnh đất, đâu là viên đá. Nếu Kenzaburo, và cả Mạc Ngôn nữa, chỉ là khách du lịch, thì cảnh tượng đó hết sức bình thường, bởi vì đó là không gian rất dễ gặp ở nông thôn phương Bắc Trung Quốc. Nhưng đối với các nhà tiểu thuyết thì khác; họ như đang ở ngắm nhìn một cảnh tượng văn học, đưa họ về ký ức không thể nào quên của thời niên thiếu, đồng thời có lẽ cũng là những nắm bắt nhiều tầng đối với một hiện thực.
Mạc Ngôn vừa đi vừa nói: “Trước kia, lâu lắm rồi, đây là vùng đất hoang, địa thế thấp, trũng, người dân thích đem trâu, bò, dê… tới đây thả. Hồi đó tôi chỉ mới 6 tuổi, ấn tượng lớn nhất về nỗi sợ hãi của tôi chính là nước, bức tường sau nhà tôi có một cánh cửa sổ bằng gỗ, mỗi lần mở ra là gặp ngay dòng nước cuồn cuộn chảy về đông. Mùa lũ lụt, nước ngập cả mái nhà tôi, tất cả người lao động bất kể nam nữ đều ôm chăn, ôm gạch, thậm chí cả quả hồ lô lên đê, chỉ trực chỗ nào trống là len vào ngồi. Tôi đứng bên cửa sổ, nhìn dòng nước lớn lừng lững trôi mà cảm thấy vừa rợn ngợp vừa tráng lệ. Một ấn tượng sâu đậm nữa chính là tiếng kêu của hàng trăm ngàn con ếch, inh tai nhức óc, có khi ngay trong đêm khuya, nghe như tiếng ma quỷ. Nước lũ và tiếng ếch kêu là hai nỗi ám ảnh lớn nhất quanh tuổi thơ tôi.”
Tiếp lời Mạc Ngôn, Kenzaburo nói: “Tôi hoàn toàn có thể tưởng tượng được cảnh một cậu bé đang nhìn dòng nước mùa lũ ngoài cửa sổ bằng ánh mắt vừa hãi sợ vừa hưng phấn. Có điều, nước và bình nguyên đều có thể nhìn được rất xa. Quê tôi là một xóm núi ở Tứ Quốc, Nhật Bản, mỗi chạng vạng, khoảng không phía trên khe núi lại xuất hiện đám sương chiều bảng lảng, đỏ như máu tươi, có lúc tôi nghĩ cảnh tượng này như là một vũ trụ, một vũ trụ trong quả trứng nhỏ. Nhưng lúc đó, bên ngoài vũ trụ này, chiến tranh vẫn tiếp diễn, bất kể là ngoài đại dương, bình nguyên hay miền núi, khói lửa thời chiến không ngừng. Tôi cảm thấy những áng mây buổi tịch dương như máu người từ chiến trường trôi tới, suốt đời tôi nhớ như tạc dạ hiện thực như giả tưởng này. Một trong những hình ảnh tạo nên sức tưởng tượng của tôi chính là những gợn mây như bầy cá sắp chết, là mênh mang màu đỏ buổi tịch dương, dần dần biến thành những sĩ binh tử trận. Suy nghĩ ấy bám đuổi tôi không ngừng nghỉ, mãi như là một cảnh tượng đang chuyển động trước mắt”… Kenzaburo nói như nhập đồng, đôi mắt ông đắm trong nỗi suy tưởng.
***
Mạc Ngôn mở một bữa tiệc quê để đãi Kenzaburo. Họ ngồi trên giường đất đàm luận văn học, sau đó lại xuống bếp uống rượu, uống mãi tới nửa đêm, tiếng pháo nổ ngoài cửa sổ ngày càng lớn, mùa lễ Tết đón một năm mới vui tươi đã thực sự bắt đầu trong tiếng pháo vang rền...
Kenzaburo kết thúc chuyến thăm riêng quê nhà Mạc Ngôn. Sau khi từ biệt Mạc Ngôn tại huyện Cao Mật, chúng tôi bay từ Thanh Đảo về Bắc Kinh; suốt đường đi, Kenzaburo liên tục viết gì đó. Cuối cùng, khi tôi đưa ông ra sân bay về Nhật Bản, ông nói với tôi: “Được nhìn thấy đường chân trời là giấc mơ thời thơ ấu của tôi; lần này tôi đã nhìn thấy rồi, mà lại là một đường chân trời vĩnh viễn. Chính văn học đã đem đến cho tôi những người bạn và những khoảnh khắc đáng quý trong cuộc đời.” Nói xong, Kenzaburo nắm chặt tay tôi: “Hãy gửi lời cảm ơn tận đáy lòng của tôi tới ông Mạc Ngôn; ở Tokyo, tôi sẽ chờ ông ấy tới thăm trong một ngày gần nhất”.
Nhuệ Anh (dịch)
Mới đây, trả lời cho câu hỏi: “Nhà văn có hạnh phúc không?”, Mạc Ngôn nói: “Tôi không biết nữa, từ trước đến nay tôi chưa suy nghĩ về điều này!”. Theo quan niệm của ông, hạnh phúc là có một tâm hồn thư thái, nhẹ nhõm, sức khoẻ tốt, không bị đè nặng áp lực tinh thần, nhưng đáng tiếc “hiện nay tôi đã bị áp lực đè nặng, phải lo nghĩ đủ thứ, như thế có hạnh phúc không?”, chủ nhân giải Nobel Văn học 2012 chia sẻ.
* Xuất thân từ một gia đình nông dân tại làng Bình An Trang, huyện Cao Mật, tỉnh Sơn Đông, nhà văn 57 tuổi này tên thật là Quản Mạc Nghiệp nhưng lấy bút danh là Mạc Ngôn - nghĩa là im lặng.
Cha và anh trai của Mạc Ngôn cho biết ban đầu họ đã không tin ông được giải Nobel văn chương danh giá vì ông chỉ là người con từ một làng quê nghèo hẻo lánh.
Nhiều tác phẩm của ông lấy bối cảnh từ chính làng quê này, như Cao lương đỏ, một tác phẩm đã được đạo diễn Trương Nghệ Mưu dựng thành bộ phim cùng tên, giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes năm 1994.
Ông cũng từng được các giải thưởng văn học như Mao Thuẫn của Trung Quốc và Man Asia tặng cho tác giả châu Á.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên