Khoảng cuối năm 1999 đầu năm 2000, tức sau khi tốt nghiệp đại học vài năm, vẫn trong tình trạng “rong rêu thất nghiệp”, tôi xin về làm biên tập viên cho NXB Công an Nhân dân (Chi nhánh TP.HCM). Ở đây tôi gặp các anh chị nhà văn nổi tiếng, như Phùng Thiên Tân, Kiều Kim Loan và biên tập viên giỏi nghề Hoàng Anh. Lúc này, các nhà văn – biên tập viên nổi tiếng của chi nhánh như Trương Nam Hương, Nguyễn Hồng Lam đã chuyển về báo An ninh Thế giới. Tôi là lính mới và là “đệ tử” của hai sếp nữ là chị Hoàng Anh và Kiều Kim Loan. Lúc này, NXB CAND, ngoài mảng sách còn có chuyên đề An ninh trật tự bán rất chạy, tôi là người phụ việc cho chị Kiều Kim Loan làm chuyên đề này.
Có một lần, trong lúc ngồi ăn cơm trưa (lúc này chi nhánh vẫn thường nấu cơm trưa cho mọi người ăn) thì chị Hoàng Anh nói: “Anh Trần Đức Tiến ở Vũng Tàu, nhờ chị hỏi em là có truyện ngắn gì mới thì gửi cho ảnh để đăng báo Văn nghệ Vũng Tàu cho vui”.
Tôi nghe, cảm động quá, bèn gửi ngay cái truyện ưng ý Phong cảnh Tây Liêu. Đó là một trong những truyện ngắn mà tôi bắt đầu có ý thức rõ rệt về nghệ thuật truyện ngắn. Dĩ nhiên, kỹ thuật đó phải hợp với cái tạng của mình. Trần Đức Tiến khi nhận truyện ngắn đã cho đăng ngay. Anh không nói gì với tôi, rằng thích hay không, rằng hay hay dở, rằng mới hay cũ… Tôi nhớ là anh không nói gì với tôi cả. Nhưng rồi sau đó, cũng qua chị Hoàng Anh, anh nói đại ý thế này: “Đọc cái truyện của thằng Thụy mới thấy mình cũ rồi, sao bọn trẻ lại viết được thế không biết”…
Một lời khen, như không khen, như bâng quơ, mà lại nói qua người khác, nhưng với một người viết trẻ thật đáng giá. Nó làm mình “sướng âm ỉ” cả năm trời.
Đó cũng là khoảng thời gian mà tôi vừa in xong tập truyện ngắn đầu tay. Tập truyện ngắn Lặng lẽ rừng mai, có vài truyện được in trên tờ Văn nghệ Trẻ gây ấn tượng, được chính Nxb CAND ấn hành, với tôi đó là một món quà quý giá mà suốt cuộc đời tôi không thể nào quên. Lúc này, thú thật tôi cũng chưa từng biết mặt mũi nhà văn Văn Phan (tức Phan Văn Thẩm - Giám đốc NXB CAND lúc bấy giờ) ra sao, nhưng cảm động khi ông duyệt cho in ngay tập truyện và công khai khen ngợi rằng: “Cây bút này viết tốt, không thua kém gì Phan Thị Vàng Anh”.
Sau này, tôi mới biết, Phan Thị Vàng Anh với chị Hoàng Anh là bạn bè thân thiết của nhau. Cũng mãi sau này tôi mới biết, chồng của chị Hoàng Anh: nhà văn Trần Quốc Huấn (tác giả của Người lính kèn về làng) với Trần Đức Tiến là đôi bạn thân. Dường như chính Trần Quốc Huấn là người “khuyến khích” Trần Đức Tiến theo con đường văn chương. Nhưng sau này, Trần Đức Tiến viết nhiều, trở thành nhà văn chuyên nghiệp thì Trần Quốc Huấn lại bỏ viết, làm quản lý (ông làm Giám đốc Cung văn hóa Lao động TP.HCM cho đến khi về hưu và mất năm 2014).
Như vậy, trong khoảng thời gian hăm hở và trong trẻo nhất trong đời viết văn của mình, tôi đã tình cờ gặp được những văn tài và nhân cách quân tử, trong đó có nhà văn Trần Đức Tiến, mặc dù lúc đó giữa chúng tôi chưa có cuộc gặp gỡ chính thức nào. Cuộc đời có những dích dắc nhưng được ngầm xếp đặt như thuyết hỗn mang (chaos theory) của Edward Lorenz vậy.
2. Có hai người đàn ông, một là dân kinh tế, một làm nghề viết lách (ngầm hiểu là nhà văn). Mỗi buổi sớm họ gặp nhau trên cung đường ven biển. Họ tập thể dục, với hai môn phối hợp: đi bộ và chạy. Chạy mệt thì đi bộ, đang rảo bộ thì vùng chạy. Thế rồi, một buổi sớm, trên con đường biển vắng, họ thấy một cô gái rất đẹp ở phía xa xa. Đó là một ả điếm về quê trở lại thành phố? Đó là một cô gái lạc đường? Hay đó là?... Là ai, không biết, không có sự giáp mặt, không có cuộc trò chuyện nào, cho đến khi cô gái khuất vào rặng dương. Cô gái khuất đi nhưng sự vân vi trong lòng tay nhà văn, hay trong lòng bạn đọc thì còn mãi.
Đó là nội dung đại khái trong truyện ngắn Đi bộ và chạy của Trần Đức Tiến mà tôi đọc từ lâu lắm rồi. Không nhớ kỹ các chi tiết, nhưng cái không khí truyện thì như còn mãi trong tâm trí.
Trần Đức Tiến là người rất giỏi trong việc tạo không khí truyện. Dường như có lần anh nói rằng: “Một truyện ngắn cũng giống như một con cá đang bơi. Chính vì nó bơi nên khó nắm bắt. Nhưng chính vì nó khó nắm bắt, nó sinh động, nên nó hay và thú vị”.
Quan niệm về văn chương của Trần Đức Tiến, vô tình cùng quan niệm với tôi. Cá nhân tôi cũng là người thích đọc và thích viết những truyện không có cốt truyện. Những dòng chữ đầu tiên của một truyện ngắn phải như một ngọn gió đẩy sau lưng người đọc, đẩy họ tới phía trước, đẩy họ đi tới dòng chữ cuối cùng của trang viết.
Nhưng thực tế thì cả người đọc lẫn người viết kiểu không cốt truyện không phải là nhiều. Thậm chí nhiều người không thích đọc văn không cốt truyện. Lý do là… không hiểu. Vậy truyện ngắn Trần Đức Tiến có thuộc loại… khó hiểu không? Câu trả lời tùy vào mỗi người. Riêng tôi thấy truyện Trần Đức Tiến không có gì cao siêu khó hiểu. Cái khó, nếu có, khi tiếp cận truyện ngắn của Trần Đức Tiến là anh phải ở trong một tâm thế tương đối tĩnh tại để tiếp cận văn bản. Cũng như khi nghe một bản nhạc, nếu trong tai còn vướng quá nhiều tiếng ồn, hoặc trong đầu còn đầy tiếng của mình, thì khó mà nghe bản nhạc cho trọn vẹn.
Trần Đức Tiến sinh năm 1953, quê Hà Nam, học đại học và sống ở Hà Nội trước khi vào Vũng Tàu sống tới tận bây giờ.
Trần Đức Tiến từng có truyện ngắn in trên Văn nghệ Quân đội và từng hai lần đoạt giải truyện ngắn Văn nghệ Quân đội. Nhưng Trần Đức Tiến không phải là nhà văn quân đội. Trần Đức Tiến cũng không phải là cây bút hậu chiến, mặc dù trong một số truyện ngắn của anh có hình ảnh làng quê miền Bắc những năm chiến tranh.
Trần Đức Tiến là cây bút của đời thường, của con người tự nhiên nhiều hơn là con người xã hội. Có lẽ anh ý thức điều đó nên từ chối khoác trên mình bất kỳ “màu áo” nào. Ngay cả không gian trong truyện của Trần Đức Tiến cũng thường là không gian giả lập, các nhân vật trong truyện của anh cũng thường là những ký tự trong bảng chữ cái tiếng Việt: K, T, M, N…
Truyện của Trần Đức Tiến thường có vẻ không thật, nhưng dù hư ảo thế nào thì rốt cuộc cũng mang lại một cảm giác rất thật, những miền cảm xúc vô cùng thật. Đó là cảm giác sống của cá thể người. Những cái gì người nhất, ở những góc nhỏ và khuất nhất, khi người ta cố tình lướt qua thì Trần Đức Tiến lại chăm chú vào. Như trong truyện ngắn Lỏng và tuột, một truyện ngắn tiêu biểu cho phong cách viết của Trần Đức Tiến, thì tình cảnh con người nó nhỏ bé, trớ trêu và hài hước như gã đàn ông quên kéo khóa quần giữa buổi họp đồng hương, thế thôi.
Tình cảnh con người, theo đúng nghĩa con người tự nhiên, là như thế nào? Có lẽ đó chính là điều mà Trần Đức Tiến quan tâm nhiều nhất.
Dĩ nhiên, tôi không phải là nhà phê bình, và đây cũng không phải là bài viết về văn chương Trần Đức Tiến. Đây chỉ là một lát cắt chân dung. Dĩ nhiên, nói về một nhà văn thì không thể cắt rời khỏi tác phẩm, cũng như nói về một cầu thủ thì không thể không điểm qua những trận đấu.
3. Run rủi thế nào, cuối cùng tôi với Trần Đức Tiến lại làm việc chung trong một cơ quan, suốt một thời gian cũng không phải là ngắn. Đó là chi nhánh miền Nam NXB Hội Nhà văn. Chuyện là, vào năm 2018, khi lãnh đạo NXB Hội Nhà văn tìm nhân sự cho chi nhánh miền Nam thì chính Trần Đức Tiến đã “đề cử” tôi vào vị trí này. Cuối cùng, khi tôi về đây thì anh cũng là biên tập viên chính thức của chi nhánh, nhưng làm việc ở Vũng Tàu.
Tôi cũng ở lâu lâu trong giới nhà văn, tôi thấy nhà văn hầu hết chỉ để chơi, chứ hợp tác làm việc thì hơi khó. Có những người chơi rất hay, nhưng khi làm việc thì lòi ra cả đống mệt mỏi vì sự không chuyên nghiệp. Thật may, Trần Đức Tiến không phải là người như vậy. Trái lại, anh còn chuyên nghiệp hơn cả tôi. Với nghề biên tập, Trần Đức Tiến lại có kinh nghiệm hơn tôi rất nhiều.
Lâu lâu thấy cơ quan không triển khai họp hành gì thì Trần Đức Tiến lại gọi cho tôi hỏi thăm tình hình. Rồi lại thấy anh xuất hiện ở cơ quan. Trần Đức Tiến thường đi xe đò từ Vũng Tàu lên Sài Gòn, thay cho những chuyến tàu cánh ngầm trước đây. Chỉ là mấy năm thôi, nhưng sao thấy như là lâu lắm, thời mọi thứ còn bình yên, thời không hỗn loạn và đứt gãy vì Covid như bây giờ.
Trần Đức Tiến thích uống bia, nhưng uống không nhiều, và giống tôi ở chỗ ít nói. Nhưng thực ra cái sự ít nói của chúng tôi thường bị “phóng đại” lên quá mức bình thường. Ví dụ, nhà văn Vĩnh Quyên ở Hà Hội hay đùa: “Ông Tiến với ông Thụy gặp nhau thì chỉ nhìn mấy con thằn lằn trên trần nhà rồi… bắt tay về”. Đó cũng là một kiểu hư cấu, giai thoại vui vẻ làng văn. Thực ra hai anh em gặp nhau cũng khá rôm rả, nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, nhưng đó là chuyện “con người tự nhiên”, chứ không phải là chuyện để đưa lên mặt báo.
Thế rồi, một ngày kia Trần Đức Tiến bất ngờ viết thư điện tử xin thôi công việc ở Nhà xuất bản. Tôi biết anh đang cần khoảng thời gian tự do, không hẳn là tự do tuyệt đối, nhưng tự do nhất có thể để dành cho sáng tác. Nhà văn, nói gì thì nói, làm gì thì làm, cuối cùng vẫn là ở tác phẩm. Đạo đức của nhà văn là làm nên những tác phẩm hay. Mà để có được nhà văn phải lao động cật lực mỗi ngày.
Tôi đã “đi bộ và chạy” cùng Trần Đức Tiến từ những ngày của tuổi hai mươi, tới nay đã “ngũ thập tri thiên mệnh”, nhưng vẫn cái cảm giác hiện sinh không cũ.
Giờ thì tôi thường về Bà Rịa, có những hôm lang thang biển Vũng Tàu, rất gần với Trần Đức Tiến, nhưng những ngày dịch dã này không muốn làm phiền anh. Lại cứ nhớ những lần hai anh em ngồi quán nước vỉa hè, nhìn ra ngoài biển, ngồi rất lâu, mà câu chuyện văn chương lần nào cũng dang dở.
Sài Gòn, đầu tháng 6-2021
Tác giả: Trần Nhã Thụy
Nguồn Văn nghệ số 27/2021
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên