Những kỷ niệm khó quên

Thứ năm - 24/06/2021 10:40

Thế hệ chúng tôi thuộc lòng thơ Tế Hanh khi còn ngày hai buổi đến trường, nhất là bài Nhớ con sông quê hương được học đi học lại ở các cấp…

Năm 1986, sau khi chuyển từ Trường ĐHSP Quy Nhơn về Nhà xuất bản Đà Nẵng làm công việc biên tập sách, chủ yếu là sách văn học nghệ thuật, tôi mới có cơ duyên được gặp gỡ, làm việc với nhiều nhà văn nhà thơ, trong đó có cả những tên tuổi mình yêu mến ngưỡng mộ từ hồi còn đi học, những tên tuổi lớn của nền Văn học Việt Nam hiện đại từ giai đoạn khởi đầu trước 1945: Khương Hữu Dụng, Huy Cận, Xuân Diệu, Tế Hanh, Nguyễn Tuân, Tô Hoài… Và những ngày gặp gỡ, làm việc với nhà thơ Tế Hanh thực sự là những ngày hạnh phúc, để lại trong tôi những kỷ niệm nhỏ mà khó phai mờ…
111
… Cuộc gặp gỡ đầu tiên của chúng tôi với nhà thơ Tế Hanh là vào đầu những năm 90 thế kỷ trước. Khi ấy, Nhà xuất bản Đà Nẵng chủ trương biên soạn và xuất bản bộ Văn Thơ Lý luận phê bình Văn học Miền Trung thế kỷ XX. Nhà thơ Huy Cận làm Chủ biên Tuyển tập Thơ, các nhà thơ Tế Hanh, Ngô Thế Oanh, Thanh Quế, Nguyễn Trọng Tạo, Xuân Tùng, Thanh Thảo là thành viên Hội đồng tuyển chọn.

Khi bản thảo đã tập hợp tương đối đầy đủ, một ngày cuối năm 1994, Nhà xuất bản mời các nhà thơ trong Hội đồng Tuyển chọn về Đà Nẵng để họp thống nhất bài vở lần cuối. Khi vào các cuộc họp, nhà thơ Tế Hanh ngồi lim dim mắt lắng nghe không sót bài nào, ý kiến nào, và khi lên tiếng là cả Hội đồng phải chăm chú lắng nghe. Cụ có những nhận định chí lý, luôn chỉ ra ngay bản chất nghệ thuật cốt lõi nhất của một tác giả, một bài thơ, và kỳ lạ là có một trí nhớ tuyệt vời. Khi nhắc đến tên tuổi ai đó, rất lâu rồi, cùng thời với cụ, cụ lại đọc vanh vách một mạch những bài thơ đã đi vào dĩ vãng gần nửa thế kỷ, không quên một từ một chữ nào, với một giọng say mê, hào hứng, truyền cảm đến kỳ lạ…

… Một chiều tối sau thời gian làm việc, tôi đưa nhà thơ đi dạo hóng gió tại bờ sông Bạch Đằng. Sau một hồi chậm rãi đi dọc bờ sông, hai chú cháu ngồi xuống ghế đá nghỉ chân. Tôi gọi hai lon nước ngọt, chưa kịp uống thì có một em bé bán vé số lem luốc đến. Nhà thơ liền đưa ngay cho đứa bé lon nước ngọt mới mở nắp:

- Ngồi xuống đây uống ly nước cho mát đi cháu, đi bán cả ngày chắc mỏi chân, khát nước lắm!

Rồi quay sang bảo tôi:

- Hai chú cháu uống một lon đủ rồi, chú không thấy khát mấy!

Năm 1995, biết tôi đang chuẩn bị đứa in tập thơ đầu tay, Thơ từ yên lặng, nhà thơ bảo tôi gởi bản thảo để ông đọc cho và có thể thì viết vài dòng kỷ niệm. Năm đó mắt nhà thơ đã kém thêm nhiều, không đọc được nữa, nhưng ông vẫn bảo cụ bà ngồi giở từng trang đọc cho nghe, rồi lại nhờ cụ bà viết cho đôi dòng nhận định gởi để tôi in vào bìa 4 tập thơ. Thật cảm động khi tôi gọi điện thưa có nguyện vọng muốn có bút tích nhà thơ, Tế Hanh liền gượng dậy ngồi viết cho tôi một bức thư với nét chữ ngả nghiêng xiêu vẹo không hàng lối mà mãi tôi mới đọc ra được nhà thơ viết những gì.

Nhà thơ đã viết cho tập thơ đầu tay của tôi những dòng đầy chân tình ưu ái: “Nguyễn Kim Huy viết những bài thơ đầu tay trong một hoàn cảnh thơ ca đang có những chuyển động mạnh mẽ. Từ những bài thơ nói về mối tình đầu đến những bài thơ gợi nhớ quê hương, thơ Nguyễn Kim Huy như đang tìm tòi một cách nói riêng cho mình…”.

Một điều rất lạ là trong tập bản thảo tôi gởi nhà thơ đọc, có một bài tôi viết trong hoàn cảnh riêng, rất thực của mình trong một đêm mưa bão. Bài thơ có tên là Bão, lời lẽ giọng điệu và mạch thơ có khác, nhưng không ngờ tên bài thơ và tứ thơ trùng lặp y như một bài thơ của Tế Hanh. Nhà thơ đọc bài thơ mà… điềm nhiên không nói gì, Đến khi đọc lại lần cuối bản thảo tập thơ của tôi trước khi đưa in, nhà thơ Thanh Quế phát hiện ra ngay, bảo: - Em bỏ bài này ra đi, bài thơ trùng tứ với bài thơ nổi tiếng của cụ Tế Hanh đấy!. Tôi ngạc nhiên: - Sao em không nhớ bài thơ của cụ nhỉ? Mà em gởi cụ đọc, cụ cũng không nói gì?... Nhà thơ Thanh Quế cười: - Tế Hanh là Chân thi sĩ! Em có lấy thơ của cụ in, cụ cũng không nói gì đâu, huống chi bài thơ chỉ trùng ý tứ còn lời lẽ giọng điệu vẫn khác!

Năm 1996, khi biên tập tập thơ Gửi Miền Bắc (tái bản) của nhà thơ Tế Hanh, tôi mới có dịp đọc lại tường tận bài thơ và hú hồn vì mình suýt mang tội… vô tình đạo thơ của nhà thơ mình yêu quý!

Những năm cuối đời, khi nhà thơ Tế Hanh lâm trọng bệnh phải nằm một chỗ rất nhiều năm tại căn gác nhỏ ở số 10 Nguyễn Thượng Hiền - Hà Nội trong sự chăm lo tận tình của cụ bà, mỗi khi có dịp đi Hà Nội, tôi vẫn luôn đến thăm nhà thơ. Lần cuối, trong dịp Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 8, tôi cùng nhà thơ Thanh Quế và nhà văn Nguyễn Tam Mỹ tranh thủ lúc nghỉ chạy đến thăm ông... Nhà thơ nằm đó, trên chiếc giường nhỏ, rất lặng lẽ đối diện cùng hư vô… Chúng tôi cùng đứng im, lặng lẽ nhìn, lặng lẽ tiễn biệt một tâm hồn thi ca đích thực đang trở về với con sông quê hương…


Tác giả: Nguyễn Kim Huy
Nguồn Văn nghệ số 25/2021

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây