Nơi hội tụ của những danh sĩ một thời*

Thứ hai - 14/06/2021 11:35

Một thời gian khá dài tư liệu, tác phẩm văn học viết về các phong trào yêu  nước thời kỳ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 diễn ra trên các tỉnh miền Trung, nhất là Quảng Nam – Đà Nẵng khá nghèo nàn.

Vì thế, tiểu thuyết lịch sử Vầng trăng ban ngày của Vĩnh Quyền xuất hiện năm 1984 khiến dư luận rất chú ý. Lại là tác phẩm đầu tay của một nhà văn trẻ. Vốn kiến thức quý giá từ những năm học đại học sư phạm (và đại học văn khoa) ban Việt Hán cùng niềm say mê nghiên cứu và dịch văn thơ, tư liệu Hán Nôm đã giúp nhiều cho Vĩnh Quyền trong việc viết tiểu thuyết lịch sử về vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng này. Hai năm sau, Mạch nước trong, tiểu thuyết viết về Trần Quý Cáp và những người cùng thời của ông ra đời. Đó là một nỗ lực đáng khâm phục của Vĩnh Quyền. Hơn thế nữa, Vĩnh Quyền đã sớm khắc phục nhiều nhược điểm mà nhà văn Nguyễn Văn Bổng đã chỉ ra: “Tư liệu dồi dào hơn Vầng trăng ban ngày, tránh nhược điểm “làm văn chương” và hình như Vĩnh Quyền cũng dành cho tiểu thuyết này nhiều thời gian, công sức hơn”.111

Nhân vật chính của Mạch nước trong là Trần Quý Cáp. Không chỉ dừng lại ở đó, nhân vật Trần Quý Cáp được “phục dựng” lại để trở thành tâm điểm của sự kết nối các trào lưu yêu nước thời ấy. Đồng thời lại là sự kết nối của các danh sĩ lừng lẫy một thời: Từ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng đến những người gắn bó phong trào yêu nước vùng Thuận Quảng như: Nguyễn Duy Hiệu, Trần Văn Dư, Tiểu La Nguyễn Thành, Lê Bá Trinh, Mai Dị, Phan Thúc Duyện, Phan Thành Tài v.v…

Tư tưởng của Trần Quý Cáp giống nhiều nhà nho thức thời khác, không chịu nghe theo cách học từ chương khoa cử lạc hậu với mục đích thi đỗ rồi ra làm quan. Đã có sự thay đổi khi Trần Quý Cáp gặp quan đốc học Mã Sơn Trần Đình Phong, người yêu thương Trần Quý Cáp hết mực và là người đổi tên gọi từ Trần Nghị sang Trần Quý Cáp. Trần Quý Cáp thi lần nào cũng hỏng nhưng tâm ý ông khác với mọi người. Sau này, trong một lần về kinh ứng thí ông đã gặp Phan Bội Châu. Cụ Phan Sào Nam khuyên ông: “Không chỉ chán ngán (lối học hư văn và cách chọn người qua khoa cử lạc hậu) mà chúng ta còn phải chống lại lối học mục ruỗng này. Muốn vậy, anh phải thi đỗ. Đỗ càng cao càng tốt. Nếu không, người ta bảo anh vì thi mãi không đỗ mà đem lòng bất mãn” (tr.97,98). Ông đã nghe theo và đã đỗ tiến sĩ nhất khoa thi ấy, hơn nữa, bài phú Trúc thất Hoành Sơn phú còn được tấn lãm dù rằng theo ông nhiều người vẫn không thấu hiểu hết những ý tưởng ông gởi gắm trong đó. Sau này, Tây Hồ cũng thống nhất với quan điểm của Sào Nam: “Các anh đỗ tiến sĩ khoa vừa rồi tôi mừng lắm. Khi đã nắm cái chìa khóa công danh phú quý trong tay, các anh ném đi không tiếc nuối. Như vậy, lời hô hào chống khoa cử của các anh mới công hiệu” (tr.122). Như thế, từ sự thức thời qua việc đọc các tân thư, từ việc phản đối kiểu khoa cử hư danh một cách cực đoan đến thực hành tư tưởng duy tân qua mọi việc là một bước tiến khá dài trong hành trạng của Trần Quý Cáp.

Hầu hết các sự kiện lịch sử giai đoạn ấy đã thể hiện qua Mạch nước trong. Từ sự kiện kinh thành thất thủ 1885 đến cuộc khởi nghĩa của Nghĩa hội Quảng Nam khởi sự từ Trần Văn Dư sau đó là Nguyễn Duy Hiệu.  Và khá nhiều sự kiện khác xảy ra trong những năm tháng đặc biệt sau khi kinh thành Huế thất thủ.

Sau khi phong trào Nghĩa hội Quảng Nam thất bại, nhờ Nguyễn Duy Hiệu đứng ra nhận hết tội nên tán tương quân vụ Tiểu La Nguyễn Thành được Pháp tha và về mở trang trại Nam Thịnh chuẩn bị các điều kiện cho một cuộc đấu tranh mới. Cuộc gặp gỡ với Tiểu La Nguyễn Thành ở trại Nam Thịnh đã giúp Trần Quý Cáp nhận ra rõ hơn tình hình thời cuộc và có cách ứng xử thích hợp. Đó là cuộc gặp thú vị giữa hai danh sĩ Quảng Nam: một văn, một võ danh tiếng một thời.

Cuộc gặp gỡ với Phan Bội Châu, ngoài chuyện trao đổi, bàn bạc về thơ văn họ còn trao đổi về thời cuộc, về các loại tân thư. Từ cuộc gặp này Trần Quý Cáp có điều kiện tiếp nhận nhiều loại tân thư mà khi ở quê nhà ông không có điều kiện để đọc. Họ bàn về thơ của vua Thành Thái, cảm nhận về tấm lòng của nhà vua yêu nước. Về “Bản điều trần” của Nguyễn Trường Tộ hay “Thiên hạ đại thế luận” của Nguyễn Lộ Trạch… Ở đây, Trần Quý Cáp tiếp nhận “Lưu Cầu huyết lệ tân thư” và càng hiểu rõ về con đường mưu cầu việc lớn của Phan Sào Nam. Cũng ở đây, Trần Quý Cáp giới thiệu cho cụ Sào Nam một nơi để đặt đại bản doanh để dấy lên vận hội mới nhằm cứu vớt nước nhà: Quảng Nam. Với lý do thật thuyết phục: “Quảng Nam đất rộng giàu, lại nhiều nhân vật yêu nước có tài thao lược. Quảng Nam ở trung độ cả nước, dễ liên lạc. Muốn phát triển mối giao lưu vạn quốc cũng thuận tiện vì có cửa khẩu Hội An, Đà Nẵng”. (tr.98). Lại còn gợi ý, người cần gặp là Tiểu La, bởi “con người này có thể gánh vác việc lớn”.

Tương tự, cuộc gặp gỡ với Tây Hồ Phan Chu Trinh ghi lại nhiều điều thú vị. Phải chăng, với Trần Quý Cáp xu hướng nào không quan trọng, miễn là đạt được mục đích cứu nước cứu dân? Một đoạn đối đáp giữa hai người nói lên điều ấy:

Tây Hồ: Tôi với Sào Nam có chung mục đích. Nhưng cách thức, chủ trương hành động mỗi người mỗi khác. Có điều chớ thấy tôi chưa nghĩ đến võ bị mà vội cho tôi bất bạo động. Cũng chớ thấy Sào Nam tính chuyện cầu Nhật Bản mà bảo anh ấy “tiền môn cự hổ, hậu môn nghinh lang”- cửa trước đuổi cọp, cửa sau rước sói. Sào Nam từng nói với tôi “tự trợ giả thiên thường trợ”, mình tự giúp mình trời mới giúp mình.

Quý Cáp: Tôi nghĩ, trước hết chúng ta phải tính chuyện duy tân trong nước, cải thiện dân sinh, nâg cao dân trí. Mặt khác, nên ủng hộ chương trình Đông du của Sào Nam. Nền học vấn ta hiện bị cái bả khoa cử, cái chính sách của thằng Tây kìm hãm, không kinh luân nổi việc nước, việc đời nên phải đi cầu cứu nước ngoài. Việc võ bị cần thiết để đánh thằng Tây nhưng bây giờ chưa phải lúc. Người Nhật có phát binh tương trợ hay không là tùy thuộc vào tình hình cả thế giới, chớ vội tin dựa sớm” (tr.126).

Một cuộc hội ngộ ngoạn mục khác là cuộc khuấy đảo trường thi Bình Định của Trần Quý Cáp, Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng. Trần Quý Cáp và Tây Hồ đóng giả làm sĩ tử với quyển nộp gồm bài thơ Chí thành thông thánh và bài phú Danh Sơn lương ngọc ký tên Đào Mộng Giác đã làm xôn xao cả trường thi và làm thức tỉnh bao sĩ tử nhằm “từ bỏ cái học từ chương vô bổ, con đường xu ất thân bằng khoa cử lạc hậu và khơi dậy trong lòng mọi người nỗi nhục mất nước”.

Đó là cuộc gặp gỡ của những người Quảng Nam cùng  chung chí hướng: Phan Thúc Duyện, Mai Dị, Phan Thành Tài… trong việc mở ra nông trại ở Cờ Vĩ, Cẩm Nê hay lập ra nông hội ở Cẩm Nê, mở hợp thương ở Phong Thử, thương cuộc Hội An, mở các trường Diên Phong, Bảo An, La Châu… Thương cuộc thì tranh với người Tàu, trường học thì mạnh dạn đưa tân học vào nhà trường nhằm nhanh chóng khai dân trí…

Để hạn chế ảnh hưởng của Trần Quý Cáp ở thành tỉnh, bọn quan lại Nam triều chuyển Trần Quý Cáp về làm giáo thọ phủ Thăng. Ở đây, ông đã giúp đỡ Lê Cơ mở trường tân học ở Phú Lâm và trực tiếp tham gia giảng dạy. Trường Phú Lâm đã ở ra một không khí thực học mới cho cả vùng Quảng Nam.

Năm 1904, dân Quảng Nam nổi dậy cự sưu. Lúc này, Trần Quý Cáp đã bị bổ vào Khánh Hòa nhằm cách ly với phong trào ở Quảng Nam. Từ mối thâm thù có sẵn hồi Trần Quý Cáp còn là học trò trường đốc Quảng Nam, bố chánh Nguyễn Mại tìm cách trả thù Trần Quý Cáp. Từ bức thư của cử Duyện gởi cho Trần Quý Cáp bị lọt vào tay quyền tri huyện Phan Bá Hoành, chuyển lên Nguyễn Mại rồi qua án sát Phạm Ngọc Quát, công sứ Bréda ở Khánh Hòa. Cộng thêm lá thư Trần Quý Cáp gởi cử Duyện bị chúng thu được và tri phủ Điện Bàn đã chuyển vào cho Nguyễn Mại trước đó, chúng quyết định xử tội Trần Quý Cáp. Nhưng chẳng có căn cứ xác đáng nào để kết tội ông ngoài tấm địa đồ thế giới, cuốn sách Hải ngoại huyết thư, thư của ông và cử Duyện gửi cho nhau thêm lời buộc tội: Cắt tóc ngắn, mặc Âu phục, mưu ra nước ngoài…(?). Mặc kệ, một cái án “mạc tu hữu” (án không cần luận tội) “tuy hiện trạng phản loạn chưa thành hình nhưng rõ đã nuôi cái tâm phản nghịch” vẫn gieo xuống đời ông. Ông đã ngã xuống sau những lời khinh mạn: “Ta không nói chuyện luật pháp với các ngươi. Đó là thứ luật pháp của bọn cường quyền. Nhưng ta nói cho các ngươi hay, dân ta đã qua thời mắt đui, tai điếc. Dân đã biết quyền dân rồi. Sớm muộn các ngươi sẽ chung số phận lãnh Điềm, đốc Tuệ. Cái ngày trả món nợ thằng Tây xâm lăng cũng không xa nữa đâu” (tr.237). Năm ấy, ông mới ba mươi tám tuổi!

Án “yêu trảm” (chém ngang lưng) do Pháp và bọn tay sai xử chém nhà yêu nước Trần Quý Cáp tại bãi cát cạnh chân cầu Sông Cạn (Khánh Hòa) đã để lại một dấu ấn khó phai trong lịch sử nước Việt. Cuộc đời của Thai Xuyên Trần Quý Cáp như một mạch nước trong tồn tại mãi cùng hậu thế.

Cùng với một lượng lớn thơ văn và các loại trước tác của nhiều danh sĩ được đưa vào một các khéo léo, Vĩnh Quyền đã tạo nên bề sâu đáng kể cho một tiểu thuyết lịch sử có dung lượng vừa phải như Mạch nước trong.

________

* Về tiểu thuyết lịch sử Mạch nước trong của Vĩnh Quyền, Nxb Đà Nẵng (tái bản) 2020.


Tác giả: Lê Trâm
Nguồn Văn nghệ số 24/2021

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây