Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Sự đập cánh của đôi cánh tự do khác đôi chân của kẻ tùy tiện

Thứ năm - 03/06/2021 11:30
111
 
111
 
111
 
111
PV: Có một câu nói về danh hoạ Leonardo da Vinci – thiên tài toàn năng nhất của lịch sử nhân loại, như này: "Chúa đã sai Leonardo da Vinci xuống để chứng minh khả năng toàn diện của con người". Tôi từ sau khi xem tranh của anh thì rất muốn nói: Chúa có vẻ cũng đã sai Nguyễn Quang Thiều xuống…111

- Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Ồ, tôi không có diễm phúc là được ban xuống. Tôi không bao giờ dám nhận mình đã được thượng đế ban cho phúc, hay ban xuống để làm điều gì đó. Mà tôi chỉ nhận thấy rằng thiên nhiên quá kỳ vĩ và ẩn chứa bao nhiêu điều bí mật của cái đẹp và mình đã lao vào trong thế giới đó, được cái đẹp quyến rũ và mở ra. Thế thôi.

Thế thì tự định danh mình, ông sẽ nói ông là ai?

- Thực ra tôi nghĩ thật sâu một cách nghiêm túc thì tôi chỉ là một cậu bé và bị thế giới này, thế gian này, đời sống này quyến rũ. Cậu ấy chạy trên một đôi chân trần mà không ngại gì ở dưới chân mình, là gai góc hay đá sỏi hay vực sâu. Và cánh đồng, dòng sông, nếp nhà, mây bay, gió thổi, chim hót, hoa nở và những câu chuyện, tất cả đều quyến rũ cậu bé. Cậu bé chỉ là một kẻ được hưởng thụ điều đó, được chìm đắm ở trong điều đó và cất tiếng lên về những điều đó. Năm nay tôi hơn 60 tuổi nhưng vẫn có một cậu bé như vậy của mấy chục năm trước chạy trong con người tôi. Cho nên tôi bước vào cái gì cũng đầy hào hứng đầy hồi hộp và đầy niềm đam mê.

111
 
111

Tôi xem những bức tranh của ông và không tin rằng ông chưa từng học vẽ?

- Nhưng đó là sự thật, tôi không học ngày nào và cũng không dám hỏi bất kỳ một họa sĩ nào. Một người lớn tuổi không nên đi hỏi các hoạ sĩ trẻ phải vẽ thế nào. Khi tôi triển lãm tranh lần đầu tiên thì tôi đã rất ngạc nhiên khi các nhà chuyên môn các hoạ sĩ đã xem nó một cách nghiêm túc, nhìn nhận nó một cách nghiêm túc.

Sau triển lãm đầu tiên thì tôi bắt đầu nhằm đến một triển lãm thứ 2. Thực ra không phải là một triển lãm cụ thể mà mở ra một thế giới thứ 2 của mình, đó là vẽ cùng đứa cháu lên 2 tuổi. Chúng ta đều hình dung khi có một đứa bé cầm bút nó cứ vẽ lung tung trên một tờ giấy và trong sự lung tung vô định ấy thì tôi chìm vào trong đó, hoà cùng với trí tưởng tượng của cháu mình và dùng trí tưởng tượng của một cậu bé 2 tuổi, khơi mở cho trí tưởng tượng của một ông già 64 tuổi để làm nên một thế giới.

111

Có phải bằng cách lúc nào cũng nhắc tới, trong tác phẩm, trong lúc nói chuyện, trong lúc trả lời phỏng vấn mà ông đã làm cho làng Chùa quê ông trở nên quá nổi tiếng. (Hôm nay tôi là người nhắc đến trước vì tôi nghĩ là trước sau gì tí nữa trong cuộc trò chuyện này thể nào ông cũng nhắc đến làng Chùa)?

- Làng Chùa hay các làng khác đều đã sẵn nổi tiếng rồi. Cái làng của tôi cũng như cái làng của chị hay cái làng của bất kỳ ai cũng ngang bằng với cái làng của nhà văn Marques, làng Macondo ở Colombia, trong tác phẩm Trăm năm cô đơn. Mọi cái làng đều chứa đựng những câu chuyện, những vẻ đẹp, những sự bí ẩn như nhau, chỉ có điều chúng ta không có Marquez, còn họ có một Marquez. Bởi vì câu chuyện về cái làng Macondo mà Marquez viết nó cũng là câu chuyện của làng tôi, chỉ là nó hiện lên trong phong vị văn hoá khác, một hương vị khác của một nền văn hoá khác biệt, của một vùng quê khác biệt.

Tôi sinh ra và lớn lên ở cái làng bé nhỏ, những bước đi đầu tiên đứng vững trên mặt đất là trên mảnh đất làng Chùa. Vừa rồi tôi có viết 2 cuốn sách về làng tôi, một cuốn là về ẩm thực của làng Chùa mà Trung tâm văn hoá Pháp đã làm một toạ đàm về ẩm thực thông qua cuốn sách đó. Tôi chỉ kể lại một câu chuyện về những món ăn mà tôi được hưởng thụ trong những năm tháng đói khát nhất. Nhưng trong những món ăn đấy đều chứa đựng số phận những con người làm ra nó, họ là cha mẹ ông bà cô dì chú bác tôi và những người làng Chùa. Cuốn thứ 2 là những câu chuyện ma của làng Chùa, những câu chuyện mà chúng tôi đã được nghe những năm tháng tuổi ấu thơ sách vô cùng hiếm, nếu có một cuốn sách đặt trong làng thì nó như một viên kim cương. Ngày xưa không có điện và đèn dầu cũng hiếm, trẻ con phải học bài vào buổi chiều, cho đỡ tốn dầu. Buổi tối trong bóng tối mờ ảo đầy tiếng chó sủa và tiếng muỗi kêu bà nội tôi hay kể những câu chuyện. Bà nội tôi không biết chữ nhưng bà kể những câu chuyện ma của làng Chùa. Chúng tôi nghe và sau này tôi có nói bà nội tôi chính là nhà văn đầu tiên của tôi.Người dẫn tôi vào trong thế giới kỳ bí và rất xúc động. Và tôi sẽ viết một cuốn sách nữa về làng Chùa: Những nhân vật của làng Chùa. Như thế sẽ thành một bộ ba sách về làng Chùa: ẩm thực, chuyện ma và những nhân vật. Sau khi xong thì bộ sách sẽ như một hồ sơ văn hoá ở một nghĩa nào đó về cái làng nơi tôi sinh ra và lớn lên.

111

Thật thiệt thòi cho các làng khác khi không có một nhà văn Nguyễn Quang Thiều. Làm thế nào, thưa ông Chủ tịch Hội nhà văn, để mọi làng quê của chúng ta đều có thể được kể những câu chuyện hấp dẫn về nó?

- Tôi đã có lần định kêu gọi mở cuộc vận động hãy kể câu chuyện làng mình, những câu chuyện huyền bí, những câu chuyện về lịch sử, về phong tục, về ẩm thực, những câu chuyện về các nhân vật của làng. Bởi vì mỗi một làng có những nhân vật rất đặc biệt.Đến bây giờ tôi vẫn nghĩ về điều đó.Đến lúc nào đó chúng tôi có cơ sở, có một khoản tiền nhất định thì chắc chắn tôi sẽ mở cuộc vận động kêu gọi các nhà văn hãy viết những câu chuyện mà họ ấn tượng nhất về làng mình. Tôi nghĩ rằng lúc đó chúng ta sẽ có một bộ hồ sơ bằng văn chương về lịch sử văn hoá và những vấn đề khác làm nên văn hoá làng xóm Việt Nam.

Vâng, báo NTNN/Dân Việt cũng có chuyên mục "Kể chuyện làng". Rất mong nhận được những câu chuyện bất tận về làng Chùa của ông.

111
111

Ông bắt đầu viết văn khi nào?

- Tôi viết rất muộn so với những người khác.Tôi vẫn nói đùa với nhà văn thần đồng Trần Đăng Khoa là nếu tính về tuổi nghề thì tôi phải gọi anh là ông. Vì anh Trần Đăng Khoa lúc 8 tuổi đã xuất hiện rất nổi tiếng. Còn tôi 25 tuổi mới bắt đầu rụt rè cho bạn xem những bài thơ đầu tiên. Tôi đến với thơ ca rất muộn.Tôi học Đại học Ngoại ngữ khoa tiếng Anh, đi làm việc và học tiếp tiếng Tây Ban Nha ở Cu Ba.

Ngoại ngữ có phải lý do để ông tiếp cận với văn chương nghệ thuật của thế giới nhanh hơn, mạnh mẽ hơn các nhà văn khác và khiến cho thơ ca Nguyễn Quang Thiều trong những tập đầu tiên như "Sự mất ngủ của lửa" mang đậm tinh thần đương đại và xác lập một "giọng điệu mới cho thơ ca Việt"?

- Tôi lang thang trên thế giới rất nhiều. Tôi đã đi hơn 50 nước, có những nước tôi đi rất nhiều lần, tiếp xúc với trí thức, nhà văn, nhà thơ, nhà làm phim, nhà báo, những người từng đoạt giải Pulitzer, những người là ứng cử viên giải Nobel. Tôi có  những buổi đọc sách với họ, trò chuyện với họ và điều đó bồi đắp cho tôi rất nhiều. Tôi có nói đùa với một số nhà văn nếu 5 năm chỉ uống bia không làm gì thì khi quay lại chúng ta chỉ thấy một thế giới bia. 5 năm đọc sách, đối thoại, lắng nghe, chia sẻ, sáng tạo thì quay lại chúng ta thấy những ngọn đồi của tri thức mọc lên trên con đường chúng ta đi. Ngoại ngữ giúp cho tôi có thể đọc thơ bằng một ngôn ngữ khác và tôi quay trở lại hiểu sâu sắc hơn ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Ngoại ngữ làm cho nhà văn thấy chiều kích của ngôn ngữ mẹ đẻ rộng lớn hơn. Và đấy là điều quan trọng.

111

Mối tình đầu tiên của ông, trong một tâm hồn thơ ca sâu sắc, có gì khác với những đứa trẻ mới lớn của làng Chùa không?

- Năm 1964, các sinh viên sư phạm sơ tán về làng tôi.Lúc ấy tôi là cậu bé học lớp 5, còn chị là sinh viên năm thứ nhất, 18 tuổi. Lúc đó trong tôi đã rung lên một cảm giác gì đó và sau này tôi biết nó là tình yêu. Khi chiến tranh phá hoại của Mỹ kết thúc các sinh viên trở về Hà Nội. Và trong đêm ô tô tải về chở sinh viên đi, tôi chia tay chị ấy ở chân đê. Đó là một đêm trăng rất đẹp bên sông Đáy. Lúc đó tôi cảm giác lần đầu tiên trong hơi thở hương vị của người đàn bà khác mẹ tôi, khác bà tôi, khác chị ruột tôi, nó là một hương vị khác biệt nó làm tôi hoàn toàn biến động. Tôi biết là tôi sẽ đi tìm chị ấy. Nhưng có một điều rất đau buồn, sau khi chị ấy trở về Hà Nội thì chị ấy bị tai nạn mất. Đó chắc chắn là mối tình đầu tiên đẹp đẽ vang động.

Lúc ấy ông đã cảm nhận được rằng mình sớm bộc lộ tư chất văn chương hay chưa?

- Tôi là học sinh luôn được đi thi viết chữ đẹp, mẹ tôi là giáo viên và bà luyện chữ rất kỹ lưỡng.Các chị em nhà tôi đều có nét chữ tương đối giống nhau vì đó là tinh thần hay cách thức mà mẹ tôi dạy. Mẹ tôi là một bà giáo làng.

Sau đó đến cấp 2 tôi học giỏi toán. Có những bài toán thầy đưa ra hóc búa mà nếu tôi là người đầu hàng thì thầy giáo mới kết thúc buổi học, còn nếu tôi chưa đầu hàng thì thầy giáo bảo vẫn còn một người có thể giải được.

Đến cấp 3 tôi bắt đầu có cảm hứng viết, mặc dù cũng không hẳn là giỏi văn. Có lần tôi được 10 điểm văn nhưng cũng có lần chỉ được 2 điểm. Hồi lớp 5 bắt đầu phải làm bài văn có mở bài thân bài kết luận. Chính chị ấy là người đã dạy cho tôi. Nhưng tôi luôn luôn nhầm lẫn giữa mở bài và kết luận. Sau này thầy Trần Mạnh Hưởng, giáo viên dạy tôi môn văn hồi lớp 10 có nói rằng chính sự nhầm lẫn ấy mới biến Nguyễn Quang Thiều thành nhà văn, chứ nếu cụ thể quá, rành mạnh quá, đầu đuôi quá có khi lại không trở thành nhà văn.

Sau này có hình bóng người phụ nữ nào phảng phất trong các sáng tác của ông nữa không?

- Có một người vẫn thỉnh thoảng hiện lên và làm cho mình ngợp thở.Tôi có yêu một người, yêu chính thức đấy, như một chàng trai yêu một cô gái. Đó là tình yêu với một cô gái ở cùng làng tôi, làng Chùa. Nhưng không đi đến hôn nhân được vì có những lý do. Tôi là người nói vậy thôi nhưng là người sống rất nghiêm túc trong gia đình. Tôi coi mọi quyết định của bố mẹ tôi là tối cao. Khi bố tôi đã nói rằng nếu con lấy nó thì bố sẽ rời khỏi làng quê đi chỗ khác, rồi  ông chém dao vào cây cau như một lời thề vào một ngày đầu năm thì tôi đành phải viết một lá thư vào một mẩu giấy, từ hôm nay, ngày này chúng ta vĩnh biệt nhau, và tối hôm đó đưa cho cô gái ở chỗ cầu Hà Đông, là cầu Trắng bây giờ. Sau này tôi có viết về việc ly biệt ấy trong một trường ca: Cây nhân chứng trong cuộc ly biệt của chúng ta đêm đêm vẫn mở mắt trừng trừng/ Đêm nay em ở đâu/ Tóc em có còn nặng như xưa/ Hơi thở của em có phả vào mặt anh như xưa/ Những câu hỏi rền vang tiếng sấm và chìm vào trong nước/ Và anh lại mơ một ngôi nhà trong ánh sáng của cây…

Thỉnh thoảng hình ảnh ấy vẫn hiện về trong giấc mơ đẹp đẽ buồn bã và đau đớn. Nhưng có khi điều mình tưởng mất nhưng có khi lại ngập tràn trong mình cảm xúc, lớn lên già rồi mới nghĩ thế còn hồi trẻ thì không, cương quyết không, hồi trẻ thì đó là nỗi mất lớn nhất, hối tiếc nhất. Thỉnh thoảng có người biết chuyện có hỏi sau này có gặp lại cô ấy không. Chúng tôi cùng quê cùng làng, thỉnh thoảng cô ấy có trở về làng, tôi nhìn thấy cô ấy đi trên con đường nhưng chúng tôi không gặp lại.

111
111

Người ta có thể lý giải tác giả của những tập thơ như "Sự mất ngủ của lửa", "Bài ca những con chim đêm" đồng thời là tác giả của những tập truyện ngắn "Mùa hoa cải bên sông", "Hai người đàn bà ở xóm Trại". Nhưng đâu là chỗ của một Nguyễn Quang Thiều làm báo rất giỏi, người từng tổ chức những tờ báo giấy bán rất chạy ngoài thị trường hơn 10 năm trước?

- Khi làm báo tôi dùng lý trí. "Mùa hoa cải bên sông" hay "Hai người đàn bà ở xóm Trại", "Bầy chim chìa vôi", lànhững truyện ngắn mà trên thế giới người ta đã dịch rất nhiều, như ở Nhật, truyện của tôi được đưa vào giảng dạy. Tạp chí Văn học thế giới của Trung Quốc trong dịp kỷ niệm 60 năm thành lập có làm một tuyển tập chọn 101 truyện ngắn đương đại của thế giới, trong đó họ chọn truyện ngắn của tôi. Nhưng khi tôi viết văn xuôi như thế thì tôi vẫn bảo mình là người kể chuyện, kể những câu chuyện được chứng kiến, được lắng nghe suốt thời thơ ấu của tôi. Còn thơ ca là một thế giới khác.Thế giới mà nhắm mắt lại thì nó hiện lên. Tôi có cách nhìn phân định rõ giữa thơ ca, văn xuôi và lịch sử, không bị đánh tráo vào nhau. Sau này nó tạo cho tôi cái tư duy làm báo.Tôi làm An ninh thế giới, làm Cảnh sát toàn cầu theo đúng tinh thần của nó, tôi bình luận bóng đá theo cách của tôi, một số nơi vẫn mời tôi bình luận bóng đá nhưng tôi không có thời gian.

111
Khi tôi làm một tạp chí thơ, một tạp chí văn thì nó lại sang một thế giới khác. May là tôi phân định được điều đó. Trong cuộc sống cũng vậy , thơ ca chỉ dành riêng trong khi ở một mình trong một thế giới nghệ thuật, thơ ca không phải là thứ để mang vào trong hành xử hàng ngày với gia đình, với bạn bè, với đồng nghiệp. Bởi vì nó sẽ lẫn lộn, tính hiệu quả không cao, thậm chí có thể mắc sai lầm khi chúng ta ứng dụng không đúng, đáng lẽ không gian này phải chứa đựng cái này, không gian kia chứa đựng cái kia, thì chúng ta hay lẫn lộn.
111

Ngồi ghế nóng Chủ tịch Hội Nhà văn được 5 tháng, ông có thấy cảm thông hơn với người tiền nhiệm là nhà thơ Hữu Thỉnh – người từng chịu không ít tiếng bấc tiếng chì từ các nhà văn hội viên và nhà văn không phải hội viên?

- Thực ra không phải bây giờ mới thông cảm, khi tôi làm phó cho anh Thỉnh như một người giúp việc thì tôi đã thấy việc lãnh đạo Hội là vô cùng phức tạp rồi. Nhưng tất nhiên không ai có thể lường trước được mọi việc, nhất là khi anh phải chịu tất cả trong tư thế là người đứng đầu. Và cũng chưa lường hết được khi tôi mới chỉ làm Chủ tịch được 5 tháng, còn rất là dài, ít nhất là 4 năm rưỡi nữa.

Ông hình dung được những thách thức đang chờ mình?

- Tôi chia sẻ những thách thức đó nhưng điều quan trọng là phải bày tỏ quan điểm, thái độ nghệ thuật, cũng như sự sáng tạo nghệ thuật thì mới đóng góp được cho văn học nghệ thuật. Còn nếu ai đó chỉ lấy đó như một sự duy nhất đúng để áp đặt để mỉa mai để thoá mạ người khác thì anh ta là một kẻ suy đồi. Chúng ta đang rơi vào điều đó nhiều hơn là tính dân chủ. Chúng ta đang rơi vào thứ không phải tự do. Tôi vẫn nói rằng sự đập cánh của đôi cánh tự do khác với đôi chân của kẻ tuỳ tiện. Một đằng làm cho anh ta bay vào bầu trời rộng lớn hơn. Một đằng sẽ ném anh ta xuống vực sâu. Tôi phải nói thẳng một điều cho dù các nhà văn có phản đối tôi. Các nhà văn Việt Nam, những người viết Việt Nam chúng ta phải nhìn thấy cách tư duy của chúng ta đã thiếu trọng thị người khác, thiếu tôn trọng người khác. Tại sao anh bắt người ta tôn trọng cách của anh mà anh không bao giờ tôn trọng cách của người khác. Trên mạng xã hội chứng minh một điều người ta đang thoá mạ nhau chứ không phải là những phản biện mang tính khoa học, tính xây dựng.

111
111
Quả tình những cái dư luận không hay, những cái áp đặt, những cái  không thiện chí đang đe doạ một đời sống minh bạch và trong sạch trong sinh hoạt văn học nghệ thuật. Điều đó là một thách thức lớn, không phải sợ hãi nhưng là thách thức mà chúng tôi phải vượt qua. Nhưng chúng tôi trung thực với con đường chúng tôi đi bởi vì đôi khi trong một đám đông, chưa chắc đám đông đã đúng mà chỉ một người đúng. Khi tôi sai thì một đứa trẻ tôi cũng phải kính trọng còn khi tôi đúng thì toàn bộ thiên hạ cũng không có ý nghĩa với tôi. Tôi muốn các nhà văn hãy chia sẻ nhau, hoà đồng, tương tác với nhau. Trên một dàn phím piano không ai được độc quyền phím nào hết, không có phím nào quyết định bản nhạc đó mà tất cả phải hoà âm vào để làm nên bản nhạc, mặc dù mỗi một phím là một nốt nhạc khác nhau.
111

Mạng xã hội làm nhà văn dễ dàng bày tỏ quan điểm trong một cái status vài ba trăm chữ và có vẻ như điều này đang tước đi cơ hội ra đời những tác phẩm văn chương sâu sắc. Hiện thực xã hội chưa bao giờ phong phú như hiện nay nhưng lại không thấy xuất hiện những truyện ngắn và tiểu thuyết rực rỡ như đã từng có cách đây vài chục năm?

- Điều này đúng. Mạng xã hội làm cho những hiện tượng, những hiện thực đáng lẽ phải được đào sâu nhất thì lại chỉ được lướt qua những cái váng. Có một nhà văn nước ngoài nói rằng chúng tôi sống bình yên quá, nếu chúng tôi không nỗ lực tận cùng thì chúng tôi không tìm ra lý do, tìm là mẫu nhân vật, tìm ra hiện thực để sáng tạo tác phẩm của mình. Còn các ông ở đây chỉ cần bước ra cửa các ông đã có tất cả bản thảo ghi sẵn của đời sống bày ra mà các ông chỉ cần chép lại một cách logic, cộng với trí tưởng tượng và cảm hứng của nhà văn là đã có thể có được tác phẩm lớn. Nhưng chúng ta đã không làm được điều đó, mỗi một sự kiện đi qua chúng ta lao vào với dăm ba chục dòng hay vài trăm chữ facebook. Chúng ta hả hê thoả mãn vì được like, được comment. Chúng ta đã đánh mất đi rất nhiều tầng sâu dưới mỗi một hiện tượng xảy ra. Có những hiện thực xảy ra 10 năm, 20 năm mới đủ chín cho một nhà văn tư duy về nó, nhận biết nó và nhận ra cái hiện thực đó. Còn bây giờ chúng ta đã sử dụng hiện thực một cách ăn xổi.

Mạng xã hội cho thông tin cho nhiều thứ nhưng cũng lấy đi nhiều thứ của chúng ta.

111

Ông chọn cách nào để ứng xử với các hội viên trong nhiệm kỳ Chủ tịch này, lấy lòng tất cả hay…?

- Cho dù tôi đi giặt áo giặt quần và pha trà cho tất cả từng hội viên thì họ cũng không đồng ý với tôi hết. Bởi vì không phải tất cả các hội viên đều đợi chờ điều đó. Nhưng tôi nghĩ sự trung thực và việc trình bày quan điểm một cách khoa học, ứng xử trên một nền tảng cơ bản nhất thì có thể có người không hiểu mình thì đến lúc họ sẽ hiểu. Chỉ khi anh tôn trọng sự thật, tôn trọng nghệ thuật, tôn trọng cách nhìn của mỗi cá nhân trong nghệ thuật thì anh mới có thể đến gần nó và hoà đồng với nó. Chứ còn nếu chỉ đi chiều người này hay người kia, mỗi người một sở thích một cá tính thì không bao giờ chiều hết được và như thế thì không nên làm gì hết. Ít nhất là tôi có 5 năm. Có thể đến khi kết thúc nhiệm kỳ tất cả bỏ phiếu đuổi tôi ra khỏi Hội thì cũng không sao cả nhưng tôi có thể tự tin nói rằng tôi đang cố gắng cùng Ban chấp hành và những nhà văn chân chính, họ đang cùng chúng tôi, đang muốn chúng tôi, cùng chúng tôi chia sẻ để tạo ra đời sống văn chương sâu sắc hơn và có thể để lại điều gì đó lâu bền hơn.

Ông với vai trò Chủ tịch Hội đã có dự định gì để góp phần vào việc thúc đẩy sáng tác văn chương, để văn học trở về với chức năng của nó là đẩy lùi cái ác?

- Con người thấy vô cảm, độc ác, giá lạnh cũng bởi vì họ đã rời xa những quyển sách, rời xa những vẻ đẹp của nó. Hội Nhà văn mở cuộc vận động đầu tiên là viết cho thiếu nhi, mở giải thưởng văn học thiếu nhi. Chúng tôi muốn tìm mọi cách in sách dành cho thiếu nhi, sách của văn học Việt Nam viết cho thiếu nhi nhiều hơn nữa để tặng cho những đứa trẻ. Ở Hà Nội, chúng ta mua một vài cuốn sách cho thiếu nhi rất dễ. Ở nông thôn có khi phải bán nửa vườn rau mới mua được một cuốn sách.

Phục hồi văn hoá là một cuộc phục hồi rất lâu dài vì chúng ta đã bỏ qua nó, hay có thể nói là bỏ quên một phần, hay có thể nó là vô cảm với nó. Và nó phải được phục hồi lại không phải đơn giản.

Cái quan trọng là trên thế gian này tội ác không bao giờ mất đi vì bản chất nó thế nhưng nếu chúng ta dừng những điều tốt đẹp lại thì tội ác sẽ lấn sân. Còn chúng ta kiên quyết thì ít nhất chúng ta cũng giữ được một phần thế giới còn tinh sạch này.

Tôi nghĩ là chúng ta đánh mất thì chúng ta phải quay trở lại không phải 5 năm, 10 năm mà có thể rất lâu, 100 năm đối với lịch sử không phải là dài để phục hồi lại văn hoá và đạo đức. Để ném một cái rác xuống đất mất một giây nhưng để đi qua đó cúi xuống nhặt cái cọng rác đó bỏ vào thùng rác có khi mất một trăm năm vì đó là tiến trình hình thành của hành vi văn hoá.

111
111

Trong đời, ông có bao giờ thất bại không?

- Có chứ. Ái tình là một sự thất bại, không lấy được người mình yêu.Viết tiểu thuyết không thành công là một sự thất bại. Tôi đã từng viết 4 cuốn tiểu thuyết, đưa cho nhà thơ Phạm Tiến Duật đọc và ông bảo ý tưởng quá hay nhưng hơi ước lệ, có lẽ nó do phẩm chất của nhà thơ.

Tác phẩm lớn nhất của ông là cái đã có hay còn đang nằm ở tương lai?

- Chẳng phải mình tôi mà tất cả những người sáng tác đều nghĩ rằng cuốn sách ngày mai mình viết mới là cuốn sách hay nhất. Đấy không phải sự hão huyền, đấy không phải sự ảo tưởng, đấy là lòng tin và bản chất của nghệ thuật.

Nhưng tôi sợ nhất là tuổi tác thời gian, anh có thể có cấu trúc tiểu thuyết rất lớn, có tư tưởng đồ sộ nhưng lúc mệt mỏi già nua sẽ không còn thực hiện được. Chỉ còn phác thảo, sợ nhất là đến một lúc tất cả mọi thứ đều trở thành phác thảo, kể cả tình yêu cũng trở thành phác thảo, văn chương cũng trở thành phác thảo, mọi dự định đều trở thành phác thảo, phác thảo là một sự thất bại rất lớn. Phác thảo với tư cách là khởi đầu thì nó tuyệt vời.Nhưng nếu nó không thành cái gì thì nó là sự thất bại.

111
111

Nếu có một điều gì đó thượng đế tỏ ra không ưu ái với ông, thì đó là điều gì?

- Ngày xưa tôi đã một lần nói với một ông bạn ở cơ quan cũ, tại sao ông không cho tôi mượn gương mặt của ông độ một tháng hai tháng. Năm 18 tuổi thật lòng khi tôi soi gương có lúc tôi buồn và tôi hơi giận mẹ tôi là tại sao mẹ sinh con xấu trai thế. Nhưng sau này thì mình nhận ra rất may nếu tôi đẹp trai thì tôi cứ cuốn vào những cô gái mà tôi không làm gì được cả. Xấu trai cũng có lợi đấy chứ. Khi có ai đó yêu mình thì họ yêu tâm hồn mình. Nếu đẹp trai có khi họ chỉ yêu vẻ bên ngoài của mình. Mà tôi cần người ta yêu cái bên trong của tôi.

111

Ồ không, tôi nghĩ là kể cả có thật ông xấu trai thì cũng không đồng nghĩa với việc vì thế mà có ít cô gái mê. Các cụ có nói gái ham tài?

- Nhưng đẹp trai vẫn lợi thế hơn, nhất là nhà thơ thì càng cần đẹp trai.

Ông sẽ tiếp tục vẽ tranh chứ?

- Vẽ tranh là một cuộc bày tỏ và tôi được quyến rũ bởi nó. Những người khác vẽ thì vẽ hiện thực bên ngoài, nhìn vào mẫu để vẽ, còn tôi vẽ tôi vẽ hiện thực của bên trong đời sống, đó là hiện thực của thơ ca. Tôi vẽ trên tinh thần đời sống mà một bài thơ chứa đựng. Cho nên tôi có thể vẽ mãi bởi vì tôi có rất nhiều thơ. Càng vẽ tôi càng bị nó quyến rũ.Bây giờ chỉ còn 2 điều hấp dẫn là ngồi xuống làm thơ và vẽ. Rất may mắn là cuộc sống còn 2 điều đó nếu không thì không biết mình sẽ sống như nào. Như nhà thơ Exenhin viết: Nếu không làm thơ tôi sẽ thành kẻ cắp, tất nhiên cũng chả phải thế, nhưng nó sẽ có cảm giác đó.

Ông làm gì nếu có những chỉ trích về mình?

- Tôi im lặng rất lâu từ hồi trẻ, từ hồi người ta nghĩ sự bản lĩnh còn ít trong con người. Ví dụ tập thơ của tôi có những người đã viết bài phê phán từ 30 năm nay nhưng tôi im lặng không nói gì. Có những bài ca ngợi thơ tôi in trên tạp chí của Đại học Havard nhưng tôi cũng không đem điều đó để khoe khoang ở Việt Nam. Con đường thơ ca thực sự phải nói điều này, có thể có những người cho tôi là diễn, nhưng nó thực sự là nhu cầu tối thượng của tâm hồn tôi, nó không phải phục vụ cho nhu cầu người khác. Khi ở Ailen, tôi đã nhìn thấy những bông hoa nở trong bóng tối. Cũng như tôi, cũng như các nghệ sĩ họ phải tự nở hoa, phải tự dâng hiến chứ nếu họ đợi những người đến tung hô họ thì sự sốt ruột ấy sẽ giết chết nghệ thuật, giết chết sáng tạo. Tôi được sống như một bông hoa trong bóng tối, được bày tỏ chính mình, chỉ cần như thế.

Trong những lời tán dương ông thời gian qua, ông có nghĩ có cả những lời xu nịnh?

- Khi người ta đã có thể hiểu mình, đã có thể hiểu rằng cái gì là cái đích thực cho mình thì ca tụng hay nguyền rủa, đã không tác động lắm. Bởi vì tôi tin vào con đường của tôi, tôi tin vào sự sáng tạo của tôi, tôi tin vào quan điểm của tôi thì sao tôi lại để cho người khác bước vào và xoá đi cái tôi thật sự của tôi.

Xin trân trọng cảm ơn nhà văn Nguyễn Quang Thiều!

111
 
Theo Dân Việt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây