Nhớ thầy Phạm Hoa

Thứ sáu - 28/05/2021 14:51

Sáng ngày 23/5, tin nhắn từ máy quen: “Em là Nga vợ anh Phạm Hoa, nhà em mất rồi anh ạ”. Bật khóc, gọi lại trong tiếng nấc nghẹn méo mó. “Anh Hoa… mất khi nào?” - “Tối qua, lúc 6 giờ…”. Không thể nhớ được số lẻ phút giây. Chỉ nói được câu “Chị cố bình tâm lo công việc anh cho anh ấy nhé!”, rồi gọi cho anh Hữu Thỉnh. Không được lại gọi cho anh Nguyễn Quang Thiều. Không tin nên hỏi lại: “Ai báo?” - “Chị Nga, vợ Hoa báo…”
111

Mấy hôm trước còn nói chuyện với nhau. Hoa bảo, vợ mình phản đối ông gọi tôi là Thầy. Bảo: “Ông đưa máy cho bà ấy” - “Học thày không tày học bạn! Tôi học được ở nguyên Cục Phó Tư tưởng văn hóa Tổng cục Chính trị nhiều lắm mà. Chị Nga!

Không nhớ lần đầu quen nhau như thế nào. Trong câu chuyện, khi anh nói mình là lính lái xe, hỏi, “Thế có biết ông Nguyễn Đôn không?” - “Thủ trưởng, chính xác là Phó chính ủy Trung đoàn của tôi. Giảng Chính trị cho lính mê lắm! Người hay lắm đấy. Thế sao quen?” - “Cùng dạy một trường, ông ấy dạy chính trị vợ tôi. Rồi đi bộ đội từ 1964! Tôi ra trường năm 1962, mãi 1972 mới nhập ngũ”. Ông ấy hơn tôi 10 tuổi. Hoa kém tôi 9 tuổi. Tôi lại là bạn với Tiến sĩ ngôn ngữ Phạm Văn Hảo, anh ruột Hoa. Không biết có phải khoảng cách tuổi tác ấy mà anh gọi tôi là “cụ” xưng “chú”. Nhưng trong câu chuyện ngồi với nhau, tôi thật kính nể tầm hiểu biết của anh, đúng là ở tầm lãnh đạo cục của Tổng cục, đứng thứ hai chỉ sau Tham mưu (Tham - Chính - Hậu).

Anh viết không nhiều. Mà tôi đọc anh thì ít. Đến bài ký về giao thông quân sự trên đường Trường Sơn mới thấy ít mà tinh hơn nhiều mà tạp. Đến cuốn tiểu thuyết Nhốt con chim Bắt cô (giải nhì Bộ Quốc phòng năm 2018) thì mới hiểu quan niệm sáng tác của anh: “Cái đồng hồ càng nhỏ, càng tinh vi, càng đòi hỏi người chế tạo phải có tay nghề cao”.

Tôi nhận xét, dạo còn ở cục Thầy dồn nhiều công sức vào công việc cơ quan quá nên thời gian vật chất cho sáng tác không nhiều. Giờ, thời gian đã là của mình, nên đầu tư cho việc viết đi. Không biết có phải nghe lời khuyên của bạn mà anh có Nhốt con chim... hay nó đã có trong kế hoạch sáng tác của anh? Chỉ biết điều này: Đã ngồi với nhau là chuyện văn chương, chuyện Hội, chuyện đời…. Chuyện gì đã trao đổi đều cùng một hướng nhận xét đánh giá mới lạ. Thế nên lại càng thích ngồi với nhau, mặc dù tôi ở xa anh lắm, xe máy phải già nửa tiếng mới đến với nhau. Mà đã ngồi với nhau thì không dứt ra được. Không chỉ một lần vợ anh chuẩn bị bữa, kéo luôn tôi vào mâm.

Anh Hữu Thỉnh biết tiềm năng của anh, nhiều lần đề nghị đảm trách việc này, việc kia. Đều nhận được lời từ chối nhã nhặn. Lần Đại hội Nhà văn ở trường Nguyễn Ái Quốc là Đại hội toàn thể cuối cùng mà kết quả bầu cử, ai cũng thấy là có vấn đề. Vì thế đến đại hội IX không biết vận động tha thiết thế nào để Phạm Hoa vào cuộc, làm trưởng ban kiểm phiếu. Với cách thức làm việc nghiêm cẩn, chu đáo, bài bản vốn có của mình, kết quả bầu được có 6 người vào Ban chấp hành. Ai cũng thấy con số ấy là đích thực. Sau đó bổ sung một người nữa cho đủ cơ cấu vùng miền là hoàn hảo. Với anh có thể là việc nhỏ. Với tổ chức là việc không nhỏ.

Ban chấp hành bầu anh làm Phó, rồi sau đó là Chủ tịch Hội đồng Văn xuôi. Tôi được bầu làm Phó cho anh. Chính thời gian ngắn ngủi này (chỉ hai năm rưỡi) càng nhận ra bản chất, tư chất, phẩm chất của một nhà văn đích thực trong việc nhận xét, đánh giá một tác phẩm văn chương. Có chuyện cả hai đều bị quấy rối, khủng bố, nhưng đều vượt thoát được là nhờ về tổng thể đã thống nhất và về cụ thể, chi tiết cũng đều thống nhất. Mà văn chương thì chi tiết, chi tiết và chi tiết là quan trọng bậc nhất. Vốn sống, trải nghiệm của người lính lái xe, cộng với trình độ nhận xét đánh giá của cái đầu cỡ Cục, lại rất hòa đồng thống nhất với tôi làm “đối tượng” chịu cứng! Chịu cứng về lí lẽ, lập luận, nhưng vô cùng vì nể về thái độ thể tất nhân tình. Thế nên với anh, cả trình độ và thái độ đều làm tôi nể phục.

Chỉ tiếc… sức khỏe của anh… Nằm bệnh viện suốt nên vợ anh phải vào phục vụ chồng. Chắc chắn anh chị có quy ước riêng về việc nghe điện thoại. Chỉ những người này, người này mới nghe. Hẳn tôi nằm trong số ấy nên lần nào gọi cũng được trả lời, hoặc sau đó gọi lại “vì đang truyền dịch” như anh giải thích. Cũng có lần lên được phòng bệnh thăm anh. Có lần được ra viện một thời gian, về nhà con gái. Anh đồng ý để tôi đến thăm. Vừa thăm vừa đề nghị anh giải quyết công việc của Hội đồng. Anh bảo “Cụ cẩn thận quá, việc này cụ quyết được mà!” - “Không, đấy là nguyên tắc. Trên ra trên, dưới ra dưới chứ, sao tôi tùy tiện được?

Cứ nằm bệnh viện 108 suốt. Thế nên tôi phải thay mặt anh tiến hành công việc. Anh động viên: “Cụ cứ làm đi. Tôi với cụ là một, cái gì chả thống nhất. Việc gì phải lo!” - “Không lo sao được”. Tôi chưa đủ chín nên không tự tin là phải. Về bệnh tật của mình, anh có vẻ nản. Tôi bảo “Thầy nhớ là phương pháp tư tưởng quan trọng lắm đấy. Phải tin là bệnh sẽ chữa khỏi, thầy thuốc 108 vào loại nhất nước đấy. Tôi cũng huyết áp, tiểu đường…” - “Nhưng tôi là tiểu đường biến chứng cụ ạ!” và vào hơn 18 giờ thứ 7 ngày 22/5 anh tức ngực, khó thở lắm, chị Nga vội gọi bác sĩ cấp cứu… không kịp nữa rồi!

Không thể ngờ anh đi đột ngột đến thế. Nhà phê bình Bùi Việt Thắng nhắn tin: “Thế là một người hiền tài đã ra đi”. Dĩ nhiên cục Tư tưởng Văn hóa là trưởng ban tang lễ và đọc điếu văn vì anh về hưu từ đấy. Nhưng chị Trịnh Thị Nga bảo tôi, cũng muốn Hội Nhà văn tham gia. Tôi nói lại với anh Nguyễn Quang Thiều. Anh bảo: “Em sẽ làm Phó trưởng ban Lễ tang và sau điếu văn của Trưởng ban em sẽ có một bài ngắn tiễn biệt anh ấy”. Thông tin này làm gia đình yên lòng.

Anh tự bạch: “Viết văn là một cuộc đi tìm mình. Tôi tìm mãi, tìm mãi mà không rõ mình là ai… cứ mỗi khi cầm bút lại đắn đo…”

Nhưng ban đọc và giới văn chương nước ta thì biết rõ chân giá trị của một người nắn nót từng câu văn mình viết ra, mà mỗi câu văn là chắt lọc từ máu thịt, tim óc đời mình.


Tác giả: Nguyễn Bắc Sơn
Nguồn Văn nghệ số 22/2021

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây