Lưu Quang Vũ yêu nước và thương nước

Thứ bảy - 15/05/2021 20:41

“Trên mái nhà, cao vút rừng cây/ Trên rừng cây, những đám mây xô dạt/ Trên ngày tháng, trên cả niềm cay đắng/ Thơ tôi là mây trắng của đời tôi” (Mây trắng của đời tôi). Qua những câu thơ đậm chất tự bạch ấy, Lưu Quang Vũ dường như muốn nói với người đời rằng, hơn bất cứ một thể loại nào khác, thơ chính là miền để ông ký thác tình yêu, lẽ sống, và cả sinh mệnh tinh thần của mình. Với thơ và bằng thơ - chứ không phải kịch, cho dẫu đó là cái thể loại đã khiến tên tuổi Lưu Quang Vũ nổi như cồn hồi những năm 1980 - ông cho thấy một cách đầy đủ nhất diện mạo của một con người đắm đuối. Đắm đuối trong niềm vui và nỗi buồn, đắm đuối trong hy vọng và cay đắng, đắm đuối trong tình yêu muôn thuở của đàn ông đàn bà. Và, với một thi sĩ được chúng khẩu đồng từ coi là “sớm già” như Lưu Quang Vũ, không thể không nói tới một nét khác, rất trội bật, trong sự đắm đuối thơ ca của ông: Đó là tình cảm với đất nước Việt Nam, với dân tộc Việt Nam. Là yêu nước và thương nước.

111
Nhà thơ Lưu Quang Vũ (1948-1988) và bút tích bài thơ Tiếng Việt của ông
Trước hết hãy nói về một Lưu Quang Vũ - người yêu nước. Yêu nước là cảm hứng, là phẩm chất xuyên suốt toàn bộ cuộc đời thơ Lưu Quang Vũ. Nhưng nếu hiểu yêu nước theo nghĩa là tình cảm gắn bó thiết tha với đất nước, là niềm tự hào to lớn trước lịch sử đẹp đẽ vẻ vang của dân tộc, là sự khâm phục trước tài năng, trí tuệ, nhân cách của cha ông, là ý nguyện dâng hiến tất cả cho Tổ quốc... thì đó mới chỉ là một phần của thơ Lưu Quang Vũ. Cần phải nói ngay rằng, phần này cũng có những biến đổi theo thời gian. Yêu nước trong những bài thơ được Lưu Quang Vũ viết ở cái tuổi 17, 18 là một thứ chủ nghĩa yêu nước hồn hậu, khá giản đơn, và không tránh khỏi có phần nào đó công thức. Bài Gửi tới các anh (1965) và bài Qua sông Thương (1966) là những ví dụ. Cảm hứng yêu nước ở đây là thứ cảm hứng yêu nước đã được nhuốm màu và vị của hội hè, nó vượt lên trên và không hề quan tâm tới những nghịch cảnh, những thách thức khốc liệt của thực tế. Phải “già” hơn, trải nghiệm nhiều hơn với đời sống và sách vở, cảm hứng yêu nước trong thơ Lưu Quang Vũ mới đạt tới chiều sâu của suy tưởng và triết lý. Lấy đất nước và nhân dân làm đối tượng cho sự trầm tư thơ, những tác phẩm tiêu biểu theo hướng này của Lưu Quang Vũ là Đất nước đàn bầuNgười cùng tôiTiếng ViệtGió và tình yêu thổi trên đất nước tôi. Trong Đất nước đàn bầu, ông để trí tưởng tượng phong phú và mãnh liệt của mình khởi đi từ thuở hồng hoang của dân tộc, cái thuở: “Những con chim Lạc mỏ dài/ Bay qua vầng trăng lớn/ Cánh sừng sững tắm hoàng hôn đỏ rực/ Cất tiếng kêu hoang dại dưới đêm nồng”. Lướt đôi cánh tưởng tượng trên dặm dài lịch sử, ông đã phác họa, vừa rất cụ thể vừa giàu sức khái quát, một trong những đường nét cơ bản của diện mạo dân tộc: “Dân tộc tôi bốn ngàn năm áo rách/ Những người chết đặc trong đất/ Những mặt vàng sốt rét/ Nhưng bộ xương đói khát vật vờ đi/ Vó ngựa lao dồn dập/ Giặc phương Bắc kéo về/ Bao đền đài bị đốt thành than/ Bao cuốn sách bị quăng vào lửa/ Bao đầu người bêu trên cọc gỗ/ Con trai chinh chiến liên miên/ Con gái mong chồng hóa đá”. Nhưng ông cũng nhận ra ở dân tộc đau thương ấy, bằng sức sống bất diệt, lại chính là những người làm nên một bức tranh văn hóa đẹp đẽ khắc tạc vào thời gian: “Nón quai thao, áo màu bay rực rỡ/ Những lò rèn phập phù bễ lửa/ Phường chạm bạc, phường đúc đồng/ Phố Hàng Hài thêu những chiếc hài cong/ Những cô gái dệt the và phất quạt/ Những Hàng Điếu Hàng Buồm Hàng Bát/ Rùa trao gươm, chim lạ đến Tây Hồ/ Lụa làng Trúc, rượu Kẻ Mơ/ Phố Tràng Thi ngựa hí/ Phố Tràng Thi những thầy khóa trẻ/ Giấy hồng điều phấp phới bút hoa”. Dân tộc ấy, để tồn tại phải chiến đấu, và từ sự tồn tại của mình, đã nêu bật giá trị trường cửu của ý chí vệ quốc: “Vọng quanh thành tiếng trống thúc xa xôi/ Muôn cờ xí trập trùng đuốc lửa/ Những đề đốc, những tướng quân áo đỏ/ Những Đông Bộ Đầu, Chương Dương Độ, Hàm Tử Quan/ Thanh gươm cũ với câu thơ giữ nước/ Ngựa đá bao phen phải lấm bùn”. Với một giọng thơ đắm đuối đến mê hoặc, không phải Lưu Quang Vũ chỉ tha thiết với đất nước Việt Nam, yêu thương và khâm phục nhân dân Việt Nam, mà thực ra là ông si mê. Ông nhận lấy, từ chiều sâu lịch sử - văn hóa của dân tộc, hình ảnh của một “Người nô lệ da vàng bất khuất/ Vươn giữa trời thơm ngát tấm lòng son”. Ông nhận lấy sức sống mãnh liệt ấy để giữ cho mình một cái nhìn ấm áp và vững tin vào tương lai: “Hồn dân tộc dậy ta làm thi sĩ/ Quá khứ nhiều mà ta chẳng già nua/ Mọi tai ương khủng khiếp đã qua/ Gà đã gáy xôn xao chào buổi sớm/ Mai gắn lại những vết thương xé thịt/ Dân tộc mình mở tới một trang vui”. Tuy nhiên, có thể nói, ở bài Đất nước đàn bầu - cũng như ở các bài Tiếng ViệtNgười cùng tôiGió và tình yêu thổi trên đất nước tôi - Lưu Quang Vũ đã viết về đất nước và nhân dân chủ yếu bằng giọng ngợi ca. Và như vậy, cho dẫu có nỗ lực cá thể hóa đến đâu chăng nữa, Lưu Quang Vũ vẫn rất dễ lẫn vào giọng ngợi ca chung của cả nền thơ ở thời điểm ấy. Để Lưu Quang Vũ thực sự là Lưu Quang Vũ, để cảm hứng về đất nước trong thơ ông thực sự mang dấu ấn của cá nhân ông, có lẽ phải căn cứ một biến thể khác của tình cảm yêu nước, đó là lòng thương nước. Thương, theo nghĩa là thương xót đất nước, là dũng cảm đối diện với những bi kịch, những đau khổ, những thiếu hụt của đất nước và nhân dân, trong quá khứ và trong hiện tại. Là chấp nhận đau đớn bởi những nhận thức đúng. Theo nghĩa ấy, thương nước chính là một sự phản tỉnh của yêu nước trong thơ Lưu Quang Vũ.

Ngay ở bài Đất nước đàn bầu vừa dẫn trên, Lưu Quang Vũ đã hơn một lần thấm thía cái đau khổ, cái tủi nhục dường như là truyền kiếp của nước Việt, dân Việt. Ông nghe thấy từ tiếng đàn bầu nức nở: “Cái nỗi buồn dân tộc/ Cái nỗi buồn bị đọa đầy lăng nhục/ Của người quét đường, xẩm chợ, đò ngang/ Của mom sông đánh giậm, đỉnh rừng đốt than/ Đập đá sườn non, đi phu đi ở”. Ông thấu hiểu sự còi cọc của những thứ hoa trái tinh thần mọc lên từ đất này: “Màu áo đen của đêm, màu của đất áo nâu/ Luôn đánh vật với tai ương trước mắt/ Đất chỉ sinh những bàn tay làm lụng/ Không có những nhà ảo mộng đăm chiêu/ Đất tả tơi trong định mệnh đói nghèo/ Trong độc ác, trong dối lừa sỉ nhục”. Trong bài Người cùng tôi, Lưu Quang Vũ dùng đại từ Người để gọi đất nước, gọi nhân dân. Và trong tiếng gọi ấy, bên cạnh âm hưởng ngợi ca Người như là một chủ thể sáng tạo văn hóa đầy tài năng, còn có một âm hưởng khác, âm hưởng phê phán căn tính ba phải, nông cạn của Người: “Lời ngọt ngào người dễ dàng tin/ Chuyện không đâu người cũng cười thích thú... Người đẻ con đàn nheo nhóc/ Mụn vải, mẩu đinh người đều nhặt nhạnh/ Mất nắm rơm cũng cãi vã kêu ca”. Nhưng đó chưa phải là tất cả. Quyết liệt hơn trong nhận thức, Lưu Quang Vũ nhìn ra một sự thực khác, một sự thực mà không phải ai cũng nhìn ra, hoặc nếu nhìn ra thì không phải ai cũng có đủ can đảm thừa nhận, nhất là trong bối cảnh xã hội đang cần huy động sức mạnh toàn dân: “Người mài mực cho Nguyễn Trãi viết Bình Ngô, người cùng Quang Trung đi đánh giặc/ Quang Trung ngồi trên bành voi, người cầm giáo xông lên phía trước/ Quang Trung lên làm vua, người về nhà cày ruộng/ Bị lão trương tuần quát nạt cũng run”. Theo tôi, nét nghĩa mà tác giả chủ ý nhấn mạnh ở đây, là tính chất vật liệu, là sức mạnh vật chất của thực thể được gọi là nhân dân trong tiến trình lịch sử. Nói chung, trong giai đoạn sáng tác ngắn, nhưng khá đặc biệt - chỉ từ 1971 đến 1972 - Lưu Quang Vũ luôn cho thấy ông có một cái nhìn riêng, độc lập, không bị cuốn vào trường nhìn phổ biến khi đứng trước các đối tượng đất nước, nhân dân. Vì thế mà nhiều lúc nó trở nên lạc lõng. Vì thế mà thơ ông khó được phổ biến trên sách báo ở thời điểm này. Ví như ở bài thơ có cái tên khá dài và thấm đượm phong vị của cổ thi, Đêm đông chí, uống rượu với bác Lâm và bác Khánh, nói về những cuộc chia tay thời loạn, Lưu Quang Vũ đã viết những câu rất lạ: “Nước Pháp khôn ngoan nước Nhật giàu/ Nước Mỹ lắm bom mà cực ác/ Nước Nga hiềm khích với nước Tàu/ Nước Việt đói nghèo thân cơ cực/ Đất hẹp trụi trần vạn khổ đau/ Tối đen thành phố đêm lưu lạc/ Máy bay giặc rít ở trên đầu/ Ba đứa da vàng ngồi uống rượu/ Mặt buồn như sỏi dưới hang sâu”. Cái lạ thứ nhất ở đây là giọng điệu ngang tàng cứng cỏi rất hiếm khi xuất hiện trong thơ Lưu Quang Vũ. Cái lạ thứ hai là cách nhìn về vị trí và thân phận của dân tộc trên bàn cờ thế giới đương đại: Nó hằn nỗi xót xa, nó như một sự cân bằng lại với cái huyền thoại chói ngời về một nước Việt Nam anh hùng, biểu tượng của thế giới về sự bất khuất trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc.

Đó là nhìn toàn cảnh, còn khi nhìn ở cận cảnh, biết bao chi tiết của đời thường đã đập vào mắt Lưu Quang Vũ, làm dấy lên trong ông lòng thương nước. Viết lại một bài thơ Hà Nội là bài thơ ông viết Hà Nội, “trái tim của những cuộc chiến đấu ở Đông Dương”, cũng chính là ông viết về đất nước Việt Nam thu nhỏ với những vấn đề hiện tồn của nó. Ông nhận ra Hà Nội như một bức tranh của những mảng màu đối chọi, mà - theo thị giác thông thường - những màu ấn tượng nhất là những màu nghịch mắt: “Nơi tôi vào đời cùng với cuộc chiến tranh/ Những năm khó khăn/ Hè phố đầy hầm, tường đầy khẩu hiệu/ Quần áo và mặt người màu cỏ héo/ Thiếu ăn thiếu mặc thiếu nhà/ Người đợi tàu ngủ chật sân ga/ Trẻ con thiếu nơi học hành dạy dỗ/ Các cô gái trở nên suồng sã/ Những năm già trước tuổi/ Những năm thương Hà Nội trăm lần hơn”. Thật ra, đây là những thực tế có thể đập vào mắt bất cứ ai, nhưng nếu với những người khác nó không trở thành vấn đề, thì với Lưu Quang Vũ nó là vấn đề, vấn đề nhức nhối: vấn đề về cuộc sống hạnh phúc của nhân dân như là kết quả phải có sau khi bao nhiêu máu đã đổ ngoài chiến trường. Ông kêu gọi sự nỗ lực vì một trách nhiệm lớn lao: “Người ta không thể sống bằng niềm tin đẹp/ Bằng áp phích trên tường, bằng những lời đanh thép/ Phải mang cho mọi người áo mặc cơm ăn/ Phải có nhà trường cửa sổ trời xanh/ Những bàn tay dám làm, những tấm lòng dám thật”.

Có thể nói, bằng cảm hứng thương nước như nó được thể hiện trong tác phẩm, so với hầu hết các nhà thơ cùng thế hệ, Lưu Quang Vũ có dáng vẻ của một nhà “tiên tri thấu thị”. Là vinh quang, song cũng là thiệt thòi cho ông, bởi suốt một thời gian dài, người đọc chỉ biết tới Lưu Quang Vũ như là tác giả của Hương cây, tập thơ đầu tay trong trẻo được xuất bản ở tuổi 20 của ông mà thôi. Xét đến cùng, như đã nói, thương nước chính là một biến thể khác của yêu nước, là biểu hiện của cái mà chúng ta vẫn quen gọi bằng cụm từ “ý thức công dân”. Phải là công dân yêu nước thì mới biết thương nước. Phương diện này của ý thức công dân nơi Lưu Quang Vũ phải nằm im trong hộc tủ bao năm, dưới dạng bản thảo, nếu muốn tìm nguyên do, có lẽ đành phải đổ lỗi cho “hoàn cảnh lịch sử” chăng?
 

Tác giả: Hoài Nam
Nguồn Văn nghệ số 20/2021

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THƯ VIỆN ẢNH ĐẸP
5.jpg 66.jpg 29.jpg 49.jpg 20.jpg 42.jpg 13.jpg 37.jpg 6.jpg 67.jpg 31.jpg 50.jpg 22.jpg 43.jpg 15.jpg 38.jpg 7.jpg 68.jpg 33.jpg 52.jpg 24.jpg 45.jpg 16-1.jpg 39.jpg 40.jpg 9.jpg 71.jpg 34.jpg 63.jpg 27.jpg 48.jpg 19.jpg 41.jpg 12-qn1.jpg a-T.jpg 36.jpg 8a334df96fbbb3e5eaaa.jpg ec1643b261f0bdaee4e1.jpg 75528951ab13774d2e02.jpg 740f0438267afa24a36b.jpg 9e931db13ff3e3adbae2.jpg eef9d3a2f1e02dbe74f1.jpg ac94b8a49de641b818f7.jpg ae0f6bdb499995c7cc88.jpg 895e11f733b5efebb6a4.jpg 27c48a2ea86c74322d7d-1.jpg f7b945c06782bbdce293.jpg 0f6e3f741c36c0689927.jpg c23927250467d8398176.jpg 906029e10ba3d7fd8eb2.jpg 32b8e242c0001c5e4511-1.jpg f774eba794e548bb11f4.jpg 7a0a8baca9ee75b02cff.jpg dcd1d242f0002c5e7511.jpg 23289506b7446b1a3255.jpg 66d134e644a498fac1b5-1.jpg 1389b67fa302625c3b13-1.jpg f69297bc83c1429f1bd0-1.jpg 33f61d080875c92b9064-1.jpg e71f3a932feeeeb0b7ff-1.jpg 3b4258344c498d17d458-2-1.jpg aecc18440d39cc679528-1.jpg 01b53b002e7def23b66c-1.jpg 7536f22be75626087f47-1.jpg f87058784d058c5bd514-1.jpg 48dd535d4620877ede31-1.jpg ea6a58024d7f8c21d56e-1-1.jpg 4f0be64af33732696b26-1.jpg b673068913f4d2aa8be5-1.jpg 1d4bb15da420657e3c31-1.jpg 35021b9c0ee1cfbf96f0-1.jpg ffc69024855944071d48-1.jpg 87e8e87cfd013c5f6510-1.jpg f7a58a679f1a5e44070b-1.jpg 5b9e981a8d674c391576-1.jpg dfefc79bd2e613b84af7-1.jpg 02ac9b4b8e364f681627-1.jpg 142989b99cc45d9a04d5-1.jpg fe3d1d75bf087e562719.jpg 94d3461b53669238cb77-1.jpg f38c46ee539392cdcb82-1.jpg 7f5885f9908451da0895-1.jpg e5c4472a52579309ca46-1.jpg 3b20a26fb712764c2f03-1.jpg 0506885d9d205c7e0531-1.jpg d203ce4d69c0a29efbd1.jpg b91ad73673bbb8e5e1aa-1.jpg 520c873d23b0e8eeb1a1.jpg 8f815695f21839466009.jpg d9977394d7191c474508.jpg b94a739fd4121f4c4603.jpg 2799f500528d99d3c09c-1.jpg 0905f0a2572f9c71c53e.jpg 0b4698843f09f457ad18.jpg d5502603818e4ad0139f.jpg c364cdd36a5ea100f84f.jpg 4126eb8e4c03875dde12.jpg 35b9c64f61c2aa9cf3d3.jpg eb2c4421e0ac2bf272bd.jpg cd43fd4859c5929bcbd4-1.jpg
  • Đang truy cập24
  • Hôm nay5,357
  • Tháng hiện tại132,708
  • Tổng lượt truy cập3,233,463
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây