Văn chương với cảm hứng Covid 19
Thứ hai - 24/05/2021 17:15
Trong lịch sử nhân loại, hiếm có hiểm họa nào tác động sâu rộng đến toàn cầu như Covid 19… Không đứng ngoài cuộc chiến chống dịch, nhiều tác giả đã nói nên quan điểm và nỗi niềm của mình để lan tỏa nhiều thông điệp nhân văn, tình yêu thương giữa con người trong những hoàn cảnh khó khăn…
Ngay từ giai đoạn đầu trong cuộc chiến chống dịch, khi người dân còn ngỡ ngàng trước sự xuất hiện bởi một loại Virus mới - Sars covi 2. Nhà thơ Từ Nguyên Thạch đã cho ra đời truyện dài “Tình người trong khu cách ly” lấy bối cảnh khu cách ly tập trung ở TP HCM trong những ngày đầu dịch bệnh xâm nhập vào nước ta. “Tình người cách ly” trước tiên về một câu chuyện tình yêu, nhưng vượt lên trên tình cảm nam nữ, tác phẩm đã tô đậm cuộc sống trong khu cách ly, những con người sống ân cần và yêu thương trong hoàn cảnh khó khăn…
Dần dần, dịch bệnh trở thành đề tài chính ở khắp mọi nơi, từ công sở, cơ quan, nhà trường… đến tận mâm cơm trong gia đình. Đặc biệt, trong những ngày giãn cách xã hội theo chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính Phủ, thậm chí nhiều nơi là ổ dịch bị phong tỏa: thôn với thôn, xã với xã, huyện với huyện. Cuộc sống chậm lại, buồn tủi, nhiều giá trị phải thay đổi. Bản chất của văn chương là phản ánh của cuộc sống, Covid 19 cũng trở thành cảm hứng của nhiều tác giả. “Những ngày cách ly - Nguyễn Quang Thắng” là tiểu thuyết hư cấu, được tác giả viết rất nhanh chỉ trong 12 ngày. Tác phẩm không chỉ nói hoàn cảnh của mỗi gia đình trong cuộc chiến chống dịch, mà qua đó là quá trình nhận thức của từng thành viên trong nhà. Dường như, nếu nhìn ở góc độ lạc quan, Covid 19 cũng có phần nào đó tích cực, ta buộc phải sống chậm và nhìn nhận lại những giá trị nhân văn tưởng chừng đã bị quên lãng và chôn vùi, bỗng nay được khai phá trong quá trình chiêm nghiệm, níu giữ lại nhiều giá trị tốt đẹp trong con người… Cuốn “Cô Vy tự sự - Gió và tình yêu” là tập hợp những truyện ngắn, tản văn của nhiều tác giả khác nhau. Ta có thể dễ dàng chạm tới những “miền” cô đơn và hồi ức sống dậy rất rõ ở mỗi tác giả. Biên độ cuốn sách được mở rộng tới mọi miền: từ làng quê, thành thị đến nước Mỹ xa xôi cách chúng ta nửa vòng trái đất. Những tác giả đã thổi hồn vào từng diễn biến chuyện, từng mẩu thoại, từng chi tiết ấm áp, để rồi cái kết bao giờ cũng là những cái kết có hậu, gửi gắm niềm tin về một cuộc sống tốt đẹp… Cũng có cái nhìn khách quan, nhiều chiều, tập thơ “Mùa nhớ - những ngày giãn cách” với 44 bài thơ của 33 tác giả. Mỗi người một phương thức biểu hiện khác nhau, một cái “tôi” riêng… được kết tinh từ trái tim người nghệ sĩ. Ta thấy được góc nhìn phong phú của mỗi số phận con người khi đối diện với Coivd 19: lo sợ, cô đơn, bất an, tỉnh táo, lạc quan, hay có niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống. Ta biết quý trọng những giây phút bình thường, yêu những nét giản đơn mỗi ngày mà đôi lúc ta không để ý tới: “Tôi đã sống trong phố phường lạ lắm/Những con đường quạnh quẽ mưa rơi/Đến lá úa cũng rụng vào im lặng/ Mặt hồ buồn như mắt bạn tôi/ Chợ rất vắng, quán hàng xa nhau lắm/ Thế giới mênh mang khép chặt tim người/Những biên giới như hàng rào cửa đóng/ Tháng tư này - tôi nhớ - tháng tư ơi” (Tháng Tư). Trước hiểm họa dịch bệnh, dù người giàu hay người nghèo, là nguyên thủ quốc gia hay người vô gia cư… thì con người đều bình đẳng như nhau, tài sản lớn nhất của con người là sức khỏe. Covid 19 có thể làm ta chia cách bởi không gian, nhưng Covid không thể chia cắt nổi tình yêu: Gắng gỏi dìu nhau qua mùa Covid/ Anh hôn em qua chiếc khẩu trang dày/ Nghe tình dậy trong mùi cồn, hương sả/ Ta cách ly trả nợ kiếp lưu đày… Nhiều bài thơ đã chạm đến nơi sâu thẳm nhất trong lòng ta, đặc biệt những khoảnh khắc cần phải sống chậm.
Trong cuộc chiến chống dịch, những người đã hi sinh và xông pha nơi tuyến đầu là bác sĩ, y tá, điều dưỡng… “Đi qua hai mùa dịch - Dy Khoa” đã khắc họa rõ nét chân dung của những y bác sĩ, họ phải mang những trách nhiệm nặng nề. Họ cũng là những con người bình thường, nhưng phải đánh đổi nhiều thứ riêng tư của bản thân để tận tụy hết mình vì sức khỏe cho người bệnh, vì sự an toàn cộng đồng… Mới đây nhất, bác sĩ Ngô Đức Hùng (Bệnh viện Bạch Mai) đã ra mắt cuốn “Nhật ký Covid 19 và những chuyện chưa kể”, cuốn sách là nhiều câu chuyện rất “đời” của những người trên tuyến đầu chống dịch. Giọng văn hài hước châm biếm, tác giả đã cho ta thấy được nhiều góc nhìn nhiều chiều, phong phú. Vượt lên trên những khó khăn, vất vả và áp lực công việc, ta không chỉ thấy tình cảm giữa bác sĩ với bệnh nhân, mà thấy được tình người giữa những bác sĩ với nhau, điều đó đã chạm tới tim người đọc. Ta thêm quý trọng họ và thấu hiểu được những áp lực mà họ vẫn đang mang trên mình.
Văn chương không chỉ góp thêm những tiếng nói trong cuộc chiến chống dịch, mà cho ta những cái nhìn nhiều chiều với từng con người, từng thân phận trước Covid 19. Trong tương lai, Covid 19 vẫn là cảm hứng cho nhiều ngòi bút, còn nhiều vấn đề mới mà ta chưa được khai thác, nhiều câu chuyện chưa biết tới. Chúng ta cùng chờ đợi…
Nguyễn Đức Cầm