Chuyện một người lính Trường Sơn

Thứ năm - 20/05/2021 10:41
1.
- Ê, mấy cậu làm gì ở đấy thế?

Ngẩng nhìn lên, đập vào mắt hai anh em là một anh bộ đội quần áo lấm lem dầu mỡ, đen đúa bụi bậm, đôi mắt khá tinh anh đứng ngay trước mặt.

- Chúng em đi tìm chút rau rừng cải thiện, lâu lắm không được ăn rau xót ruột lắm. Tôi nhanh nhảu trả lời.
Anh bộ đội mới đến nhoẻn cười:

- Ở đây mà các cậu tìm rau thì hơi khó đấy. Mùa này rau tàu bay cũng nhẵn rồi. Măng thì chưa có đâu.

Nhìn quần áo chúng tôi đang mặc trên người anh hỏi:

- Các cậu ở đoàn nào vào vậy?

Anh Bản đáp:

- Chúng em Đoàn 20…, Hải Hưng anh ạ.

Anh vồn vã:

- Ô thế ở Hải Hưng thì các cậu ở huyện nào?

Anh Bản đáp ngay: - Em ở Minh Hoàng, Phù Cừ, còn cậu này ở Dốc Lã, Kim Động.

Anh lính thợ reo lên:

- Vậy hả? Tớ cũng ở Minh Hoàng. Mình cùng quê rồi!

Vậy là giữa rừng Trường Sơn đồng hương gặp nhau. Anh Thất - vâng, chính anh lính dầu mỡ ấy tên Thất, cùng xã Minh Hoàng với anh Bản, hai thôn giáp nhau. Anh Bản tiểu đội trưởng của tôi quê thôn Hoàng Tranh, còn anh Thất thì ở Ngọc Trúc. Chỉ có điều anh Thất nom khá lớn tuổi, gần bằng tuổi anh cả tôi. Anh nhập ngũ khá lâu, trước chúng tôi gần 10 năm, là lính lái xe, chở quân lương, vũ khí cho chiến trường thường xuyên qua lại đoạn này nên thông thạo địa bàn. Gặp nhau ở đây mừng lắm, anh bảo:

- Tớ đang chở vũ khí vào Đức Phổ, Quảng Ngãi. Nghỉ đây từ nửa đêm qua đến giờ, chiều lại đi tiếp. Các cậu ngồi đây anh em mình làm hớp nước nhé.111

Chưa kịp trả lời anh đã đứng phắt dậy lủi vào rừng. Chưa đầy hai phút đã thấy anh quay lại với chiếc ba lô con cóc. Anh mở ba lô lấy ra một gói đường, một túi hạt đen đen và chiếc bi đông, đoạn trút đường, hạt đen đen vào trong chiếc cốc bi đông. Xong xuôi anh mở nắp bi đông dốc nước vào đầy ca, lấy thìa ngoáy đưa chúng tôi:

- Đãi các cậu cốc nước đường. Rừng mùa này chỉ có lá khô, nước suối. Nào, mời các cậu.

Nhìn vào ca nước, thấy trăng trắng đen đen nhầy nhầy y hệt trứng cóc, tôi kinh quá quay mặt đi. Anh cười ha hả:
- Uống đi, hạt é đấy mà! Ngon lắm mới mang đãi các cậu đấy!

Nhắm mắt tôi hụm một chút nhỏ để sẵn sàng nhổ ra. Nhưng thật bất ngờ là nó mát và ngon thực sự. Anh cười: - Thấy chưa!

Sau một hồi hàn huyên chuyện quê hương, cũng đến lúc phải chia tay, anh bảo:

- Ráng sống chiến đấu tốt nghe! Sau này hòa bình về quê gặp nhau nói chuyện nhiều. Giờ tớ phải đi đây. Nhớ một điều là trên đường dây này phải tuyệt đối tránh những thứ lạ lẫm đấy. Bom bi, mìn lá, mìn cây máy bay nó thả đầy rừng, lớ xớ là dính ngay. Kể cả phải cảnh giác với chất độc hóa học nữa, không được chủ quan, chớ ăn uống linh tinh gì nhé, nhìn thấy gì hay hay mắt phải tránh xa ra, nguy hiểm đấy. Đã khối anh què cụt, banh xác rồi. Thôi, chào các cậu!

Vừa dứt câu anh nhảo đi cũng nhanh như lúc đến. Tôi thấy có thiện cảm với anh đến lạ, mặc dù chưa biết gì về anh cả.
***
2.
Nhưng đấy là chuyện của gần mấy chục năm trước, còn giờ thì khác và là lý do để tôi viết tiếp chuyện này. Đó là một lần tình cờ gặp lại anh Bản trong một lần được mời ăn cưới con một người bạn đồng ngũ ở huyện Phù Cừ. Mấy chục năm mới gặp lại nhau, mừng kể đâu cho xiết. Thuở đầu xanh tuổi trẻ cùng chiến đấu sống chết có nhau, giờ gặp lại tóc đã đổi màu, nhưng tính cách thì vẫn nguyên nét cũ. Anh Bản hỏi tôi:

  - Cậu còn nhớ anh Thất không?

Tôi lắc đầu:

- Em chịu, không nhớ ra ai.

- Cái anh lái xe Trường Sơn ấy, mình gặp hôm đi lấy rau ở Trạm 9 ấy mà, cùng quê Minh Hoàng với tớ.

Tôi nhớ ra:

- A, có phải cái anh cho anh em mình uống hạt é ấy không nhỉ?

- Đúng rồi, anh ấy đấy!

Ký ức vụt hiện về. Một thoáng chốc thôi cũng để lại dư âm, hình ảnh đẹp về tình quê hương, đồng chí đồng đội trên một nẻo đường chiến tranh. Tôi nôn nóng hỏi anh Bản về tình hình của người lính ấy giờ ra sao, gia cảnh, sức khỏe thế nào. Giọng anh Bản chùng xuống:

- Anh ấy vất vả lắm! Cậu có nhớ lần gặp nhau ở Trường Sơn anh ấy dặn dò gì anh em mình không?

Tôi gật đầu. Hỡi ơi, dao sắc không gọt được chuôi. Anh ấy bị phơi nhiễm chất da cam. Hoàn cảnh bây giờ vất vả lắm. Anh Bản ngậm ngùi.

Bằng một giọng đượm buồn, anh kể cho tôi nghe về hoàn cảnh của gia đình anh Thất. Khi chúng tôi vào chiến trường Đông Nam bộ chiến đấu thì anh Thất vẫn ở Đoàn xe của đường dây 559 cho đến ngày giải phóng. Công việc của anh là vận chuyển lương thực, vũ khí cho miền Nam. Hòa bình lập lại thiếu úy Phạm Ngọc Thất vui vẻ khoác ba lô chuyển ngành về làm việc tại Ty giao thông Vĩnh Phúc. Nơi làm việc của anh không xa lắm, hằng tháng đôi ba lần có điều kiện gần vợ con chứ không còn biền biệt năm tháng như trước kia. Vợ anh - chị Nguyễn Thị Bé, cô thôn nữ mảnh dẻ, nết na cùng thôn kém anh một tuổi làm ruộng tại quê nhà tần tảo nuôi đàn con thay chồng đi công tác. Ngày anh nhập ngũ, anh chị đã có một cháu trai đầu 3 tuổi, sau này lớn lên lấy vợ sinh con, làm ruộng tại quê nhà.

Rồi cũng đến một ngày, do tình hình sức khỏe, do hoàn cảnh gia đình, vả năm công tác cũng đã mãn, ông Thất được cầm trong tay quyết định nghỉ hưu trí tại quê hương. Nhưng, nhìn vào hoàn cảnh kinh tế của gia đình ông những năm ấy thật hết sức khó khăn. Hai vợ chồng với bầy con nhỏ 6 đứa, quả là một gánh nặng cơm áo thời bao cấp, tem phiếu. Những năm 80 của thế kỷ trước, gạo châu củi quế, chỉ một suất lương cộng với tem phiếu ít ỏi của ông làm sao lo được cho ngần ấy miệng ăn? Khi ông đi công tác, ở nhà chỉ có người vợ tần tảo và đứa con lớn là lao động chính. Nếu chỉ vậy thôi thì khả dĩ chịu khó cày cuốc, nuôi dăm ba con gà, con lợn, vắt mũi bỏ mồm còn đắp đổi qua ngày, sống tạm. Đằng này, trong số 6 đứa con thì có tới 4 đứa bị phơi nhiễm chất độc da cam từ người bố. Đau khổ tột cùng, hai vợ chồng không ít đêm nằm ôm con khóc mà nước mắt chảy ngược vào trong. Năm 1994 cháu Lương (sinh năm 1969) qua đời, gia đình còn lại 7 khẩu. Trong số ba đứa con bị phơi nhiễm chất độc da cam còn lại thì có hai cháu nằm đâu nằm đấy, mọi sinh hoạt cá nhân đều trông vào sự chăm sóc của bố mẹ, cuộc sống hết sức khó khăn. Tuy được hưởng trợ cấp nạn nhân chất độc da cam, nhưng so với yêu cầu tối thiểu của gia đình thì quá ít ỏi. Ngoài cháu gái đã mất, còn ba cháu: Quý (sinh năm 1967), Lý (sinh năm 1971) và Luân (sinh 1977) đều bị phơi nhiễm chất độc da cam. Tàn dư chất độc tội lỗi không cho các cháu được vận động đi lại như mọi người. May cháu cuối cùng tên Bảy sinh năm 1981 thì được bình thường.

- Hoàn cảnh anh ấy thế, cậu bảo làm thế nào được? Anh Bản ngẩng đầu lên như vừa hỏi vừa trả lời.

Tôi nín lặng vì không biết phải nói thế nào. Và cùng anh Bản đến nhà thăm ông Thất. Tôi không khỏi bâng khuâng nhớ lại những điều ông Thất nói với chúng tôi lúc chia tay ở Trạm 9. Một con người như thế, năng động, linh hoạt mà sao phải chịu nhiều cay đắng? Đành rằng ông đã có cảnh giác, nhưng vì sống trong vùng bị rải chất độc hóa học quá nhiều, khí trời, nước sông suối ô nhiễm làm sao tránh? Mới chỉ nghe chuyện anh Bản kể nhưng tôi thấy được cái cơ cực của những người bị di chứng chất độc da cam. Ở xóm tôi có một trường hợp, nhưng nhà này chỉ có một đứa con bị phơi nhiễm, chỉ một đứa thôi mà đã bại hoại cả tinh thần. Hai vợ chồng suốt ngày phờ phạc bên con như người mất hồn. Đằng này ông Thất có tới 4 đứa con bị phơi nhiễm, quả thực là quá vất vả. Nghe mà buồn quá cho ông ấy.

Được biết, khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng rồi được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước; sự chăm lo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương; sự giúp đỡ của các ban ngành, đoàn thể; sự đùm bọc của xóm làng, tạo điều kiện bằng vật chất, tinh thần đã đến với gia đình ông Thất. Những khó khăn qua năm tháng dần dần được đẩy lùi, đời sống gia đình ngày một ngày được cải thiện. Gọi là cải thiện thôi, vì chỉ nhìn cảnh hai ông bà già trên tám chục tuổi đầu vẫn phải ngày ngày tắm rửa, lau dọn vệ sinh cho mấy đứa con đã trên dưới năm mươi mà vẫn như những đứa trẻ ngây ngô nằm đâu nằm đấy ai mà không khỏi thắt lòng. Nỗi niềm của vợ chồng ông Thất bây giờ là khi cả hai nằm xuống thì các cháu sẽ thế nào. Cũng còn một đứa không nhiễm nhưng biết có tin tưởng được không? Chúng cũng đều khó khăn cả...
***
3.
Tâm sự với chúng tôi, ông Thất không giấu nổi nét buồn trên gương mặt già nua một sự xót xa cay đắng. Có phải do số phận ông phải thế, ông trời bắt phải thế, hay có là gì ông cũng không phán xét nữa. Ông bảo, buồn cũng không buồn được nữa, cứ chai sạn dần đi. Tạo hóa đã cho ông làm người thì phải sống như mọi người, dù có chút tiếc nuối điều gì xa xôi lắm. Và ông đã động viên bà, vẫn thường xuyên động viên bà, hãy vui lên để sống vì những đứa con dù chúng có tật nguyền. Ông nói với bà: Lỗi này không phải do vợ chồng mình gây ra mà do tàn khốc của chiến tranh để lại. Cũng không phải chỉ có mình ông, chỉ riêng gia đình ông, mà trên đất nước này và ngoài kia thế giới, ở đâu đó Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Niu Di Lân… đều không ít gia đình cũng có chung thảm cảnh. Vui lên để sống, đó tâm sự của ông với những người đang công tác trong tổ chức chăm sóc nạn nhân chất độc da cam của tỉnh Hưng Yên khi họ về thăm, tặng quà và một chiếc xe lăn cho gia đình ông cách đây nhiều năm. Được biết, mặc dù tuổi cao nhơng ông vẫn hăng hái tham gia nhiều tổ chức đoàn thể ở địa phương như chi hội cựu chiến binh, hội cán bộ hưu trí, chi hội người cao tuổi thôn Ngọc Trúc, xã Minh Hoàng.

Không cam chịu khó khăn, không thể đắm chìm mãi trong nỗi buồn và sự âu lo, ông Thất luôn động viên vợ con vượt lên số phận để sống, tích cực hòa nhập cộng đồng. Vì vậy hàng ngày vợ chồng ông luôn nhận được những lời thăm hỏi ân cần từ bà con xóm giềng, lãnh đạo đoàn thể địa phương nơi cư trú. Cũng vì vậy cuộc sống gia đình ông dần dần bớt khó khăn hơn. Gương vợ chồng ông Thất giàu nghị lực vượt lên số phận đã lan tỏa tại địa phương. Không chỉ thôn Ngọc Trúc mà cả xã Minh Hoàng, không ít người ở huyện Phù Cừ và cả tỉnh Hưng Yên biết ông. Tại nơi sinh sống, gia đình ông tích cực tham gia các hoạt động xã hội, thực hiện tốt mọi nghị quyết của địa phương cũng như các nhiệm vụ được giao. Các cuộc vận động do địa phương phát động như phong trào thi đua xây dựng các hội đoàn thể, xây dựng làng văn hóa, xây dựng nông thôn mới vv… gia đình ông thực hiện đầy đủ và đều phấn đấu đạt tiêu chuẩn đề ra. Các cuộc vận động tham gia ủng hộ đồng bào vùng bị thiên tai bão lũ, ủng hộ Quỹ bảo trợ nạn nhân chất độc da cam, Quỹ chăm sóc thiếu niên nhi đồng, Quỹ vì người nghèo, Quỹ người cao tuổi vv… dù ít dù nhiều gia đình ông đều chấp hành nghiêm chỉnh.

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp ủy chính quyền, sự chăm lo của xã hội, sự giúp đỡ của các ban ngành đoàn thể, địa phương, bà con thôn xóm…, từ những khó khăn tưởng như không gượng dậy nổi ấy dần dần gia đình ông Thất đã vượt qua, đã đứng lên cùng bà con quê hương Ngọc Trúc chung tay xây dựng cuộc sống ngày một tốt hơn. Tin vui nhất mới đây: Ông Phạm Ngọc Thất vinh dự là một trong số 3 đại biểu của tỉnh Hưng Yên được cử đi dự Đại hội điển hình tiên tiến “Vì nạn nhân chất độc da cam” toàn quốc lần thứ IV năm 2021. Chúc ông chân cứng đá mềm, thượng lộ bình an và chuyện ông sẽ kể ở đại hội tiếp tục lan tỏa tình người!


Hoàng Quân
(CLB nhà báo cao tuổi)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây