Với sự ra đi mà mình không thể không đến chia tay này, tôi thường đến sớm hơn.
Sân Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông vắng lặng. Hình như mấy cụm lá vàng, lá đỏ ươm ươm xanh và gió có hẹn nhau, nên chúng cũng vừa chạy vừa dừng chờ nhau rồi ào đến mấy gốc cây đằng kia. Con trai Nguyễn Huy Thiệp từ đâu hiện ra:
- Chú đến rồi à? Đây, bố cháu nằm ở đây.
Theo tay Khoa chỉ, theo bước Khoa đi, tôi đến căn phòng nhỏ phía sau sảnh mà lát nữa, mọi người sẽ đến ghi danh sách vào từng tờ giấy để vào viếng Thiệp.
Thiệp, Nguyễn Huy Thiệp đấy, ông đang nằm trong chiếc quan tài bình thường, trên đó, có mấy cây nến đang bập bùng bình thường, và quanh ông, cũng bình thường và lặng lẽ là hai con trai, hai con dâu và hai cháu gái còn bé. Thương tiếc và đau buồn vô hồi vô hạn, chúng tôi nói với nhau bằng cái nhìn. Con trai cả của Thiệp là Bách đón tôi, cũng nói một câu gần như câu của em trai:
- Chú, chú vào đi.
Tôi cùng hai con trai Thiệp đi một vòng quanh quan tài một lần nữa. Con dâu cả của Thiệp thắp thêm hương, con dâu thứ sửa lại vòng hoa, hai cháu bé vừa chạy ra ngoài giờ đã vào phòng chăm chú nhìn người lớn. Không rõ lúc đó thơ ngây đang muốn nói gì và nghĩ gì.
Bách nhìn tôi, cố nén thổn thức, thầm thì:
- Chúng cháu muốn lát nữa chú đứng cạnh anh em vợ chồng chúng cháu…
Tôi nhìn cháu, nhận rõ bổn phận của mình, cũng chả nói được gì, chỉ gật đầu, rơm rớm một ý nghĩ: Có nhà nào như nhà Thiệp - Trang này nữa không? Tiếng Khoa nhẹ như gió, mà vẫn rành rọt đủ nghe giữa tiếng thút thít của vợ và em dâu:
- Em đưa khăn cho chú đi.
Vợ Bách nâng hai tay dải khăn tang trắng lên đầu tôi, cháu Bách và cháu Khoa cùng đỡ và chít sửa cho tôi vành khăn tang ấy.
- Các cháu cố gắng nhé, cố bình tâm nhé. Tôi chỉ nói được thế, rồi yên lặng.
Nhìn ra ngoài sân rộng, lác đác đã có người đi lại. Lúc này đã gần 9 giờ sáng.
Tang lễ sắp bắt đầu.
Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Quang Thiều và nhiều người khác nhìn tôi, vẻ ngạc nhiên. Riêng Hữu Thỉnh nhìn như ngắm tôi rồi tiến lại bắt tay:
- Nguyên An làm thế là phải.
Ngừng một tí, ông vỗ nhẹ vào lưng tôi, nói tiếp:
- Thiệp là một giá trị. Chú để tang Thiệp… thế chú là họ hàng với Thiệp à?
Tôi định nói với ông: Nhiều người quý và thương Nguyễn Huy Thiệp, từ lâu rồi. Những chợt nghĩ là chưa phải lúc, nên thôi. Song, tự nhiên lại nhớ:
Có lần Trần Thị Trường nói mà như dặn: Ông Thiệp thương đời bằng tình yêu da diết… Nhưng nghe ông ấy nói chuyện thì cứ chủng chẳng như đang mải nghĩ gì, chẳng thiết tha gì. Mà đến với Thiệp thì nên đến một mình thôi nhé!
Trước đó, ông Hoàng Ngọc Hiến bảo: Nguyễn Huy Thiệp có cốt cách… Tôi hỏi: Lúc trò chuyện, Thiệp cũng nhìn vào mắt vào miệng người đối thoại chăm chú, nhưng chính mắt của Thiệp lại bồn chồn, bâng khuâng thế nào, là sao? Ông Hiến nghiêm trang bằng lời mà chan chứa cười bằng mắt, rằng: Hỏi Nguyễn Đăng Mạnh may ra mới rõ.
Có hôm tôi quên lời Trần Thị Trường mà đưa một anh bạn là dân chuyên Toán hồi trẻ đến nhà Thiệp - Trang. Thiệp như thăng hóa, ông bạn chuyện Toán ngày nào cũng như Picatxô hay Rútxô sống lại. Đã trưa, bà Trang vợ Thiệp mang đĩa khoai luộc ra mời, thêm một câu:
- Có lẽ món này lạ miệng, mời các ông.
Thiệp tủm tỉm:
- Bà Trang rất chiều tôi, nhất là món này, lát nữa sẽ là đậu phụ luộc với rau lang cũng luộc.
Tôi chen vào một câu:
- Thì ra ông chuyên Toán cũng đọc nhiều truyện ngắn, còn ông “Tướng về hưu” cũng biết nhiều định lý định luật của khoa học tự nhiên nhỉ.
Thiệp nhìn ra ngoài sân nắng đang có mấy con bướm vàng bướm nâu chập chờn trên giàn mướp, thủng thẳng như Trần Thị Trường nhận xét, nói:
- Cái mỏng manh vi vút ở đẩu đâu khi nhập vào mình mà mình không biết thì sinh ra văn chương. Văn chương là kiếm sắc, là rỉ ri mạch nước… lại cũng là quy luật sắt đá thép gang đố mà cưỡng lại. Đạo sinh ra văn, mà văn đôi khi cãi lại đạo, thế mới là văn hay văn đổi mới…
***
Từng đoàn người từng tốp người trật tự và lặng lẽ vào viếng Nguyễn Huy Thiệp. Có mấy người như Văn Chinh, đã đi cùng nhóm/ đoàn người này, lúc sau, lại đi cùng nhóm/ đoàn người khác vào viếng nữa. Cúi xuống tôi, Văn Chinh hỏi: “Thông gia với Thiệp à?”. Tôi ậm ừ.
Người đi, người đi, chậm rãi và nhẹ nhàng.
Sự yên tĩnh yên lặng này rất phù hợp với Nguyễn Huy Thiệp - một nhà văn tự nhiên gây ra ồn ào náo động từ bản tính thầm lặng ít lời. Mà có lúc hăng hái, được thăng hoa, thì lại trở nên lập cập, thậm chí là dùng từ hơi khó hiểu. Lần ấy, Thiệp hỏi: Tôi nói thế, Phương nó dịch, ông thấy mấy tay người Pháp thế nào? Tôi đùa: Họ thích văn ông rồi, nay chỉ muốn diện kiến ông, thì cần gì phải dịch cho sát ván? Thiệp ngập ngừng cười như thiếu nữ gặp bạn trai: Thật thế à? Thụy Phương sau đó nói với tôi: Con dịch cho chú Thiệp toát mồ hôi, có lúc con chả biết rõ là mình nói gì, thế mà mấy ông bà ấy càng phục chú Thiệp, lại còn hẹn là nhà văn Nguyễn Huy Thiệp hay nhà văn Việt Nam nào sang đây, thì Thụy Phương dịch hộ nhé!
Dịch giả - nhà nghiên cứu văn chương Trần Thiện Đạo bảo: Tôi bắt đầu dịch một tuyển tập truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Được tin, nhà văn của chúng ta lại tần ngần: Dự kiến hay. Nhưng lấy tiền từ đâu?
Tôi có lý do để động viên Thiệp và Trang: Cứ dịch, vừa làm vừa tìm tiền. Thiệp ngẫn ngờ: Tôi bán một ít tranh gốm có được không? Chưa nên, vấn đề là phải có một tổ chức, một danh nghĩa… Nghe tôi bảo thế, Thiệp ta ờ nhỉ.
Một ông vốn là công chức cấp cao về quê thuyết trình về bảo hiểm tiền tệ - ngân hàng mà nhinh nhỉnh đủ ăn, một ông là nhà văn xịn sinh trưởng từ hồn quê chính hạng, từng là giáo viên và biên tập viên sách giáo dục nước ta mà thế vậy thôi, Trời Đất ạ. Nay thì người đã là muôn năm cũ, người đang chia tay ta!
Tôi chưa bao giờ dám cho là mình đã theo kịp sự phức tạp phức hợp trong quá trình vận động của tư tưởng, tâm lý… ở một nhà văn, nhất là với những nhà văn lớn như Nguyễn Huy Thiệp, dù đã có thật nhiều lần “tay đôi” với ông như Trần Thị Trường lưu ý. Vài ba chục năm trước chúng tôi cũng uống rượu. Nhưng mới sang chén thứ ba mà đã chực lơ mơ gần giống Trúc Cương, Thiệp kêu lên: Phải có đạo chứ! Đạo này như của Đồ Chiểu, như Sóng Hồng bảo Nhiều khi ý nghĩ lớn/ Chợt đến lúc đi đường… Thế Nguyễn Đình Thi viết: Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng nói về… rồi Nguyễn Khoa Điềm bảo: Khi ta đến gõ lên từng cánh cửa/ Thì tình yêu chân thật đón ta vào…, cũng là Đạo ông muốn nói phải không? Thiệp trầm ngâm: Phải. Rồi nói sang Đồng Đức Bốn chăn trâu đốt cỏ lạy trời xin một cơn mưa để được về với mẹ. Bản chất của Đạo trong văn chương là phải biến hóa… Đang hào sảng thế, đột nhiên, Nguyễn Huy Thiệp hạ giọng lập bập: Mà tôi thấy ông là thằng cũng lạ, ông có xác tín và bài bản lắm. Đoạn, lại thêm một câu: Có xác tín là có đạo riêng, nhưng bài bản quá thì chúng nó ngại đấy.
Thú thực, ngồi với Nguyễn Huy Thiệp, đôi khi ta đâm ra ngờ ngợ chính mình. Lẽ ra tôi chẳng nên kể ra chuyện này, nhưng lỡ viết ra rồi…
Trong trầm lắng của một dịp một lần chững lại suy tư, đám tang của Nguyễn Huy Thiệp dần dần trôi đến phút chót. Khi Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam bước lên bục đọc Điếu văn, cả khối người im lặng hơn. Xúc động, ưu tư và có chút bay bổng, Nguyễn Quang Thiều vẫn điềm tĩnh nhắc lại sự xuất hiện ngỡ như bất ngờ của Nguyễn Huy Thiệp rồi khẳng định tài năng đột xuất, cùng sự độc đáo và những đóng góp to lớn của ông đối với văn đàn Việt… Từ khối đông như im lặng tuyệt đối có tiếng rì rào nho nhỏ. Tôi đặt tay vào lưng con trai Nguyễn Huy Thiệp đang rung lên, mong cháu bình tâm lại. Nghệ sĩ tài danh Quyền Văn Minh đĩnh đạc bước ra, đúng vào chỗ Nguyễn Quang Thiều vừa rời đi, ông cúi chào mọi người, rồi bản nhạc Một cõi đi về được ông cất lên, da diết, mênh mang và trìu mến nữa.
Lại nhớ hơn một năm trước, lúc nói với tôi về Nguyễn Huy Thiệp, Khuất Quang Thụy xót xa bồn chồn như một cán bộ quân lực hồi chiến tranh: Thêm một Canh Dần sắp đi rồi ông ạ…
Không biết có sự sắp xếp gì không mà lúc sắp nâng quan tài Nguyễn Huy Thiệp lên xe tang, tôi nhìn sang trái, thấy có Nguyễn Quang Thiều. Buồn đau mà vẫn điềm tĩnh, Thiều nói: Em với anh cùng nhấc lên nhé. Hai chúng tôi cùng bốn nhân viên Nhà tang lễ vừa khiêng, nâng, rồi vịn vào quan tài mà đi. Nặng ghê gớm. Thiệp ơi, tôi thầm kêu khe khẽ. Ngoái lại phía sau, thấy Phạm Xuân Nguyên đầu bạc trắng xập xõa ngơ ngác khác hẳn mọi ngày.
Xe chở quan tài Nguyễn Huy Thiệp từ từ rời khỏi cổng Nhà tang lễ, hòa vào dòng người vô thường.
Một đám tang khác đang chuẩn bị.
- Ông đến chia buồn với đám tang sắp diễn ra à?
Có tiếng hỏi, tôi nhìn sang người bên cạnh, chưa kịp nói gì, đã nghe ông tiếp tục:
- Tôi vừa dự đám tang ông nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Mấy hôm nay tôi mới đọc Nguyễn Huy Thiệp. Tiếc quá! Vâng, tôi nghe nói có đám tang một nhà văn lớn, thì mới tìm đọc thôi, vâng, trước tôi chỉ đọc Kim Lân, Bùi Hiển, Nguyễn Minh Châu… Chúng tôi ra quân, nghỉ hưu thì mới có thì giờ ông ạ.
***
Theo lời hẹn với các cháu Bách và Khoa, 15 giờ 30 tôi có mặt ở Nghĩa trang gia đình Nguyễn Huy ở thôn Tằng My xã Nam Hồng huyện Đông Anh, Hà Nội. Mộ bạn tôi - bà Trang, vợ Nguyễn Huy Thiệp chưa xanh cỏ. Nơi Nguyễn Huy Thiệp sẽ an nghỉ thì đang được múc đất lên để đưa lọ cốt xuống.
Hai phụ nữ vận đồ nhà Chùa đang rền rĩ và hối hả đọc kinh tiễn đưa, hai người đẩy - kéo xe đất mới và hai người xúc đất đang cặm cụi làm việc, người con gái và con rể của anh trai Nguyễn Huy Thiệp từ thành phố Hồ Chí Minh ra với Thiệp và các cháu cùng mấy người làng đang thắp hương khấn vái. Các con của Thiệp và Trang tất bật hơn…
Gọn ghẽ và tươm tất, trang trọng thành kính mà không ồn ào, bà con gần xa đã đưa Nguyễn Huy Thiệp vào lòng đất ấm mềm cạnh vợ ông. Chừng 17 giờ 40 cúng xong, tôi đứng lên sau cùng. Lao đao và thờ thẫn. Phải làm gì bây giờ cho đỡ cho qua trạng thái này bây giờ? Tôi chợt nhớ ra: Ông Phạm Đông Hưng làm thơ và viết truyện trẻ em từng muốn vào Hội Nhà văn Việt Nam cũng ở xã này, tôi đã mấy lần tìm thăm mà hỏi không ai rõ. Ngước nhìn ảnh Nguyễn Huy Thiệp, tôi nói: Ông Thiệp ơi, việc ông ra đi coi như đã ổn. Đám tang ông không đông như người ta tưởng, nhưng là đám tang của 100% trang trọng, tiếc thương, quý mến, cảm thông. Nói theo cách ông Hiến thì cũng là đích đáng và phải lẽ. Bây giờ tôi muốn đi thăm ông Phạm Đông Hưng, ông chỉ dẫn tôi đi.
Mới gần 6 giờ chiều mà nắng đã gần tắt hết. Khói hương và hơi đất hơi nước trong nghĩa trang trên cánh đồng dâng dâng lên. Một chút mờ ảo đang đến. Tôi lên xe. Hỏi đường. Thật may mắn sao, người thứ nhất: Có, có một ông như thế; mươi phút sau, qua ba khúc rẽ, người thứ hai: Ông Hưng làm thơ chứ gì? Có, ông ấy mới về đây ở hơn năm nay chứ không phải hai ba năm đâu… Tôi không phải hỏi đến người thứ ba thì đã chạm ngõ nhà Phạm Đông Hưng rồi.
Không thể nói được là Nguyễn Huy Thiệp khi sống đã khôn hay dại. Nhưng giờ đây, với tôi và một số bạn khác, hẳn là Ông cũng thiêng thật rồi.
Tác giả: Nguyên An
Nguồn Văn nghệ số 17/2021
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên