Trên thực tế, đại thi hào Nguyễn Du, thông qua Truyện Kiều, đã cho nhân dân nước ta thấy được thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến Trung Hoa. Bởi Vương Thúy Kiều là nhân vật có thật trong lịch sử. Bản ghi chép sớm nhất về Thuý Kiều là Kỷ tiễu trừ Từ Hải bản mạt của Mao Khôn đời Minh. Bản này chép: “Vương Thuý Kiều là kỹ nữ Lâm Tri, đầu tiên là Kiều Nhi, giỏi hát lối mới, thạo hồ cầm. Sau tìm cách trốn khỏi nhà xướng ca, đổi tên ở bên bờ biển. Nuỵ khấu đánh Giang Nam, bắt Thuý Kiều mang đi rồi trở thành áp trại phu nhân của Từ Hải. Từ Hải rất yêu quý nàng, mọi kế hoạch đều nghe theo nàng. Quan quân phái người đến chiêu hàng, Kiều đem nhiều việc đến khuyên, Hải mới quyết tâm hàng. Quan quân bố trí kế hoạch, Từ Hải thua chết, Thuý Kiều cũng bị quan quân cướp. Sau khi bị Đốc phủ làm ô nhục, Kiều bị gả cho tù trưởng Vĩnh Thuận làm thiếp. Trên đường qua sông Tiền Đường, Thuý Kiều than: Minh Sơn hậu đãi ta, ta vì việc nước dụ chàng mà bị hại. Giết một người chồng rồi lại lấy một người chồng, còn mặt mũi nào sống nữa! Bèn nhảy xuống sông mà chết”. Sự kiện này diễn ra vào năm Gia Tĩnh thứ 35, năm 1556, đời Minh Thế Tông.
Dựa trên sự thật lịch sử đó, Thanh Tâm Tài Nhân (người Chiết Giang) đã viết thành Kim Vân Kiều Truyện. Đại thi hào Nguyễn Du nhân vua nhà Nguyễn nước ta sai đi sứ sang Trung Hoa thời nhà Thanh đã đọc được Kim Vân Kiều Truyện và ông đã xúc động viết nên Truyện Kiều.
Xã hội phong kiến Trung Hoa là xã hội phụ quyền, tồn tại hàng nghìn năm với những quan niệm bất công, khắt khe, trọng nam khinh nữ đã đẩy người phụ nữ xuống địa vị thấp kém nhất trong gia đình cũng như xã hội… Còn thực tế ở Việt Nam, thân phận của người phụ nữ khác hẳn. Gs. Trần Quốc Vượng (1934-2005) khẳng định: “Nhân dân ta vốn có truyền thống tôn trọng phụ nữ”. Bởi người mẹ đầu tiên của người Việt là Mẹ Âu Cơ. Mẹ đã đẻ trăm trứng nở trăm con. Năm mươi người con theo Mẹ Âu Cơ lên rừng đã lập nên Nhà nước Văn Lang: “Mẹ đem lên ở Tản Viên/ Sửa sang giềng mối, giữ gìn quy mô/ Bao nhiêu đồi núi đống gò/ Lũy thành bày đặt, cõi bờ chia phôi” (Thiên Nam ngữ lục). Về câu chuyện Lạc Long Quân và Âu Cơ, Gs. Vũ Đức Vượng (nguyên Giám đốc chương trình Giáo dục tổng quát ở Đại học Hoa Sen) nhận định: “Ngoài việc dạy dỗ chúng ta về nguồn gốc, nó còn là một chuyện tình rất đẹp, rất nhân bản, và là một trang sử rõ ràng nhất về bình đẳng giới của người Việt nguyên thủy”. Do đó, Gs. Vũ Đức Vượng đã khẳng định: “Câu chuyện Mẹ Âu Cơ và Bố Lạc Long, do đó, trở nên viên đá gốc của văn hóa Việt”.
Không có chuyện người đàn ông Việt Nam coi khinh người phụ nữ vì người phụ nữ chính là chủ của cái cái bếp, người nắm giữ và phân phối nền kinh tế gia đình do xuất phát từ văn hóa nông nghiệp và lối sống định cư: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Đặc biệt, người phụ nữ còn có vai trò quan trọng hơn nam giới khi đưa ra các quyết định: “Lệnh ông không bằng cồng bà”. Đặc biệt là tình cảm đôi lứa, tình cảm vợ chồng người Việt luôn có truyền thống đằm thắm, hòa dịu: “Trên đồng cạn dưới đồng sâu/ Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa” và “Râu tôm nấu với ruột bầu/ Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”. Và khi sinh con thì người Việt chuộng sinh con gái đầu lòng: “Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng”. Thậm chí, phụ nữ Việt luôn đả phá cái tư tưởng đa thê bị ảnh hưởng bởi xã hội phong kiến Trung Hoa. Vì thế họ đã nhắn nhủ nhau: “Đói lòng ăn nắm lá sung/ Chồng một thì lấy, chồng chung thì đừng”. Bà Triệu cũng đã từng khẳng định: “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang san, cởi ách nô lệ, chứ tôi không chịu khom lưng làm tì thiếp người ta”.
Luật Hồng Đức của nhà Lê ở nước ta đã đảm bảo cho con gái được hưởng quyền thừa kế tài sản bình đẳng như con trai. Con gái, cháu gái có quyền hương khói cho cha mẹ trong trường hợp trong nhà không có con trai, cháu trai (Điều 391, Điều 395); nếu con trai trưởng còn nhỏ thì bà quả phụ có quyền thay con mà tế tự tổ tiên. Trong hôn nhân, luật dành cho người phụ nữ có quyền từ hôn nếu thấy vị hôn phu chẳng may bị ác tật, phạm tội hay phá sản (Điều 322). Điều 308 cho phép người vợ có quyền bỏ chồng nếu trong 5 tháng người chồng bỏ rơi vợ, không đi lại. Khi ly hôn, tài sản của ai có trước khi kết hôn được trả về cho người đó, còn tài sản chung do hai vợ chồng làm nên thì chia đều cho mỗi người một nửa.
Trong Tuyên ngôn Độc lập của nước ta (2/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh không trích dẫn nguyên văn từ bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776. Bản tuyên ngôn của nước Mỹ viết “that all men are created equal”, nghĩa là “mọi đàn ông sinh ra đều bình đẳng”. Còn Người viết: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng”*.
Tại Điều thứ 1, Điều thứ 9, Điều thứ 18, Hiến pháp 1946 của nước ta đã quy định: “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện”. Còn trong Bản Hiến pháp năm 2013 của nước ta, nữ giới không những được bình đẳng với nam giới mà còn được ưu tiên như: “Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội” (Khoản 2 Điều 26); “Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em” (Khoản 2 Điều 36); “Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người mẹ, trẻ em, thực hiện kế hoạch hóa gia đình” (khoản 2 Điều 58).
Trở lại vấn đề Truyện Kiều. Cái tài của Nguyễn Du là đã dùng quan niệm về người phụ nữ của dân tộc ta để đả phá quan niệm về người phụ nữ trong Nho giáo từ Trung Quốc. Những tư tưởng coi khinh người phụ nữ như xem phụ nữ như món hàng để mua bán, xem trọng trinh tiết… đã bị đại thi hào Nguyễn Du lên án trong Truyện Kiều. Đặc biệt, chữ “Trinh” của Kiều trong tâm thức đại thi hào Nguyễn Du chính là “lấy hiếu làm trinh”… Như vậy, câu “Đau đớn thay phân đàn bà” của Nguyễn Du trong Truyện Kiều là nói đến Đạm Tiên, một phụ nữ Trung Hoa tận đáy xã hội Trung Hoa với nghề kỹ nữ! Vương Thúy Kiều là kiếp sau của Đạm Tiên, cũng vướng vào nghề kỹ nữ. Nhưng khác với sự thật lịch sử bên Trung Hoa, Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du cuối cùng cũng tìm được hạnh phúc chân chính, chứ không phải là cái chết do nhảy xuống sông tự vẫn. Đặc biệt, sau khi Kiều đã 15 năm lưu lạc thì Kim Trọng vẫn thủy chung chờ đợi và tìm kiếm nàng. Và lạ lùng thay, trong đêm tân hôn, Kiều đã xin đổi duyên vợ chồng với Kim Trọng thành duyên tri kỷ và Kim Trọng cũng đã đồng ý! Chỉ có văn hóa Việt Nam mới sinh ra được câu chuyện kỳ lạ như thế! Nghĩa là người phụ nữ quyết định được cuộc sống của chính mình.
Bởi vậy, có thể khẳng định Nguyễn Du không dịch Kim Vân Kiều Truyện ra tiếng Việt mà chỉ dựa vào cốt truyện để viết nên một truyện thơ mới thuần Việt, một truyện thơ mang tư tưởng nhân văn sâu sắc của người Việt Nam. Chính vì vậy, Truyện Kiều mới có sức sống mãnh liệt trong lòng dân tộc ta như thế! Nó chính là một thái độ của dân tộc ta trước lễ giáo và quan niệm xã hội cổ hủ của Nho giáo Trung Quốc. Vào thời kỳ Pháp thuộc, Phạm Quỳnh từng nói “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn”. Tuy nhiên, nước ta còn không phải là do tiếng nói văn tự như Phạm Quỳnh nhận định mà chính là tiếng nói từ lương tri dân tộc đã tạo nên bản sắc Việt Nam trong hàng ngàn năm, không lẫn lộn vào các nền văn hóa mang tính nô dịch từ phong kiến Trung Quốc hay từ phương Tây thời thực dân tràn đến!
Năm 1965, tức 200 năm năm sau khi đại thi hào Nguyễn Du được sinh ra, trong bài thơ Tổ Quốc bao giờ đẹp thế này chăng, nhà thơ Chế Lan Viên (1920-1989) đã nhận định: “Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hoá thành văn”. Cũng trong năm này, nhà thơ Tố Hữu đã viết bài thơ Kính gửi cụ Nguyễn Du. Bài thơ có đoạn: “Tiếng thơ ai động đất trời/ Nghe như non nước vọng lời ngàn thu/ Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du/ Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày”. Truyện Kiều của Nguyễn Du đã chinh phục các thế hệ công chúng trong hơn 200 năm qua, được chuyển ngữ sang hơn 20 thứ tiếng khác nhau trên thế giới như Anh, Nga, Pháp… với trên 35 bản dịch, góp phần để tác giả của nó được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) vinh danh là “Vĩ Nhân Văn hóa” (Great Personalities).
Hiện nay, phim cổ trang Kiều do đạo diễn Mai Thu Huyền sản xuất có nội dung liên quan đến Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du đang được trình chiếu ở các rạp. Nhưng quan điểm của đại thi hào đối với nữ quyền trong tác phẩm này như thế nào, đoàn làm phim có “thấu hiểu/ đồng cảm” không? Bởi sinh thời ông đã cảm thán “Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như” (Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa/ Người đời ai khóc (thấu hiểu/ đồng cảm) Tố Như chăng?).
_______
*. Hồ Chí Minh toàn tập, t.1, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 1.
Tác giả: Nguyễn Văn Toàn
Nguồn Văn nghệ số 16/2021
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên