- Biết anh có một khoảng thời gian khá dài chưa trở về Việt Nam vì đại dịch Covid-19. Cảm xúc khi ấy của anh thế nào, thưa nhạc trưởng Lê Phi Phi?
+ Cảm xúc của tôi đầu tiên là rất buồn, rất căm thù Covid-19, một căn bệnh “từ trên trời rơi xuống” cướp đi bao sinh mạng, làm đảo lộn trật tự của cả thế giới… Tâm lí của tôi lúc đầu cũng rất hoang mang, sợ hãi… Sau một năm trời chung sống với dịch bệnh ở châu Âu thì tôi đã tìm ra phương pháp để phòng tránh cho bản thân và người thân, cũng tìm cách trị liệu về tâm lí được ổn định hơn bằng các hoạt động thể thao như đi bộ, leo núi, đạp xe đạp để tăng cường thể lực. Tôi vẫn dạy học online hàng ngày cho các em sinh viên, học sinh. Cuộc chiến đấu với đại dịch vẫn còn kéo dài lắm… Phải chung sống với hoàn cảnh mới, tin tưởng vào nền y học, khoa học thế giới và hi vọng cho một tương lai tốt đẹp đang đến!
- Theo anh, tình hình hiện tại ảnh hưởng ra sao tới cảm hứng sáng tác của nghệ sĩ và lĩnh vực anh đang hoạt động chịu những tác động cụ thể thế nào? Bên cạnh mặt tiêu cực đã nhìn thấy rõ thì trong khó khăn, chúng ta có cơ hội không?
+ Tình hình hiện tại có ảnh hưởng rất lớn đến toàn nhân loại, trong đó có giới văn nghệ sĩ. Người ta có thể sáng tác, biểu diễn trong chiến tranh không nề hà chết chóc - vì họ có một lí tưởng và lí trí chiến thắng. Nhưng trong thời bình, thế kỉ XXI, kỉ nguyên của 4.0 mà chỉ một đại dịch Covid-19 làm tê liệt toàn cầu về chính trị, kinh tế, y tế, văn hoá… thì người nghệ sĩ cũng khó mà tránh khỏi được tâm lí hoang mang, lo sợ, mất tinh thần… Người nghệ sĩ biểu diễn thì phải hủy bỏ các cuộc biểu diễn, tìm cách biểu diễn online - nhưng cũng chỉ để sống qua ngày, chờ mong may đại dịch qua đi. Sáng tác ra tác phẩm, biểu diễn trên sân khấu là để phục vụ công chúng, mà do tình hình thì không được có công chúng. Bi kịch nào hơn thế cho ngành nghề của chúng tôi? Cuộc sống ngoài mặt giá trị về vật chất thì còn giá trị về tinh thần, mà đời sống tinh thần hiện nay trên toàn cầu đang rơi vào thảm hoạ! Nhưng chúng tôi vẫn sống bằng hi vọng, vẫn sáng tác, vẫn biểu diễn online… hi vọng cho một tương lai gần sáng sủa hơn. Còn sức khoẻ, còn hi vọng là còn tất cả.
- Nhiều năm qua, anh đều góp mặt trong hầu hết các chương trình hòa nhạc lớn của đất nước. Khoảng cách địa lí, công việc… có vẻ chưa bao giờ gây khó cho anh, vì trái tim anh luôn thuộc về Tổ quốc mình?
+ Không gì là không thể, nếu mình biết sắp xếp thời gian, công việc, cuộc sống! Tôi luôn luôn cảm thấy mình là người Việt Nam, mặc dù không thường trú trong nước. Hằng năm tôi luôn thu xếp để có thể về Việt Nam tham gia vào các chương trình biểu diễn. Không chỉ trong khuôn khổ nhạc cổ điển, mà còn rộng rãi hơn với nhiều thể loại khác nhau. Tôi muốn cùng chia sẻ, đóng góp cùng các đồng nghiệp, bạn bè… trong sự nghiệp phát triển âm nhạc cổ điển tại quê nhà. Một nghề nghiệp đòi hỏi tốn rất nhiều thời gian, công sức, khổ luyện để thành tài, và sau đó khi ra đời thì chỉ có một lượng khán giả nhất định yêu thích nó. Tôi muốn đóng góp sức lực nhỏ bé của mình để phổ cập âm nhạc cổ điển gần gũi tới người nghe hơn, tạo lượng fan đông đảo hơn với mọi lứa tuổi. Tôi muốn cùng đồng nghiệp của mình ở Việt Nam khẳng định chỗ đứng cho nền âm nhạc cổ điển - một món ăn tinh thần không thể thiếu trong kỉ nguyên 4.0 này.
- Trong lĩnh vực nhạc cổ điển, thường thì sau khi các nghệ sĩ du học, họ sẽ ở lại nước ngoài. Có phải bởi Việt Nam không có môi trường, điều kiện thuận lợi cho lĩnh vực này?
+ Việt Nam sau những cuộc chiến tranh là sự nghiệp xây dựng đất nước. Thời gian đó thực sự khó khăn, không có “đất dụng võ” cho những người làm nhạc cổ điển. Người dân còn phải lo về cơm áo gạo tiền, sự giải trí cũng dừng ở mức hạn chế cho phép. Nhưng từ những năm 2000 trở lại đây, tình hình đất nước đã phát triển rất nhanh về mọi mặt, trong đó có kinh tế, nên văn hoá cũng đi lên. Nhu cầu thưởng thức, học tập về âm nhạc hàn lâm cũng tăng lên. Theo nhận định cá nhân của tôi thì âm nhạc cổ điển đang có một chỗ đứng ổn định trong sự phát triển chung của xã hội ta. Tuy nhiên, về đời sống kinh tế của những người làm nghề này thì vẫn chưa thực sự đáp ứng với những công sức mà họ phải bỏ ra. Tôi hi vọng nhà nước sẽ chú ý đầu tư hơn nữa, tạo điều kiện cho cuộc sống của họ được tăng cao hơn, như vậy sẽ thu hút được nhiều hơn nữa lượng sinh viên theo học ngành cổ điển trong nước sẽ ở lại làm việc tại nước nhà, và những sinh viên du học thì sau khi tốt nghiệp sẽ trở về nước làm việc. “Có thực mới vực được đạo” - chơi nhạc cũng là một nghề để kiếm sống, nếu bạn có thể kiếm được để nuôi sống gia đình mình thì chả ở đâu bằng quê cha đất tổ. Nhận định của cá nhân tôi thì đã tới lúc những người làm âm nhạc cổ điển có thể làm việc, tồn tại tại Việt Nam, ngoài hệ thống nhà nước ra thì còn chế độ xã hội hoá rất đa dạng để có thể đảm bảo cuộc sống. Về đãi ngộ kinh tế, tiền lương đối với những người làm nhạc cổ điển thì vẫn chưa xứng đáng để họ có thể yên tâm luyện tập, trau chuốt và phát triển bản thân để cống hiến ở mức cao nhất cho nghệ thuật. Họ vẫn phải bươn chải kiếm thêm bằng những nghề khác để đủ sống nên không còn đủ sức lực, thời gian… để toàn tâm cho nghề chính. Vì yêu nghề nên mỗi buổi diễn họ đã mất rất nhiều công sức, thời gian để tập luyện với mục đích mang tới một sản phẩm tốt nhất trong điều kiện cho phép tới khán giả của mình. Rất nhiều cuộc biểu diễn đã bán hết vé thay vì như ngày xưa phải mang vé đi biếu, đi cho… Nếu chúng ta khắc phục được những vấn đề trên thì tôi tin rằng những bạn sinh viên trẻ sau khi tốt nghiệp sẽ tiếp tục muốn theo đuổi làm nghề mà mình đã mất bao nhiêu công sức, tuổi trẻ để khổ luyện.
- Anh thường xuyên biểu diễn ở nước ngoài, vậy khi về Việt Nam biểu diễn, anh thấy điều kiện trong nước, đặc biệt là môi trường thưởng thức của khán giả có bị hạn chế so với thế giới không? Nếu có, thì cụ thể là gì?
+ Việt Nam ta đang phát triển rất nhanh về mọi mặt. Tuy nhiên về văn hoá và đặc biệt là âm nhạc cổ điển thì vẫn tiến lên một cách chậm rãi, đặc biệt về mặt cơ sở. Ở Hà Nội, Nhà hát nhạc giao hưởng và Nhà hát nhạc vũ kịch vẫn chưa có phòng hòa nhạc của mình, mỗi khi biểu diễn vẫn phải thuê địa điểm duy nhất là Nhà hát Lớn Hà Nội - nhiều khi không đáp ứng được hết yêu cầu về kĩ thuật cho những buổi hoà nhạc cổ điển. Duy nhất Học viện Âm nhạc Quốc gia đã có một phòng hòa nhạc đạt được tiêu chuẩn của phòng hòa nhạc quốc tế. Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố với số dân lớn nhất trong cả nước, có một nhà hát nhạc vũ kịch duy nhất thì thậm chí còn chưa có nổi địa điểm tập luyện hàng ngày cho các nghệ sĩ, phải đi thuê. Để biểu diễn thì Nhà hát nhạc vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh phải thuê Nhà hát thành phố - một địa điểm không phải dành cho loại hình nghệ thuật này nên cũng có rất nhiều bất tiện, hạn chế về mặt kĩ thuật khiến cho chất lượng đêm diễn không thể đạt yêu cầu hoàn toàn như công sức của các nghệ sĩ đã bỏ ra để tập luyện. Lấy một ví dụ nhỏ để so sánh: Tôi đang sống và làm việc ở nước Cộng hòa Bắc Macedonia (Nam Tư cũ), một nước nằm trong bán đảo Balkan về phía Nam của châu Âu với dân số chỉ khoảng 2 triệu dân. Ở thủ đô là Skopje với số dân 800 ngàn người họ có hai nhà hát nhạc vũ kịch và dàn nhạc lớn, mỗi nhà hát có phòng hòa nhạc của mình với khán phòng có sức chứa trên khoảng 1.000 người. Phòng hòa nhạc của dàn nhạc giao hưởng mới xây dựng xong năm 2017 với số vốn là trên 43 triệu euro - một con số không quá lớn cho ngân sách của một quốc gia. Thiết nghĩ, đã đến lúc Nhà nước ta cũng nên có chiến lược và chính sách đầu tư xây dựng những phòng hòa nhạc mới có tiêu chuẩn thế giới cho một số nhà hát âm nhạc cổ điển quốc gia để đáp ứng nhu cầu thưởng thức âm nhạc cổ điển đang dần nâng cao của khán giả Việt Nam.
- Có những ý kiến cho rằng, có thể còn khá lâu nữa, công chúng trong nước mới bắt kịp được xu thế thưởng thức nghệ thuật của thế giới. Quan điểm của anh thế nào?
+ Tôi không đồng ý hoàn toàn với suy nghĩ trên. Ở nước nào trên thế giới thì loại hình nghệ thuật hàn lâm là âm nhạc cổ điển cũng có một số lượng khán giả nhất định của mình vì tính phổ cập của nó không như các thể loại âm nhạc giải trí khác. Không phải công dân Mĩ, Pháp, Đức nào cũng yêu thích và đi nghe nhạc cổ điển thường xuyên. Phải có một trình độ văn hóa nhất định, hiểu biết về nhạc cổ điển thì mới thưởng thức được nó như là một món ăn tinh thần và giải trí. Ở Việt Nam ta, chừng 15 năm trở lại đây phải công nhận là đã có một số lượng khán giả nhất định yêu thích, tìm hiểu về nhạc cổ điển. Họ gồm đủ các ngành nghề, lứa tuổi. Họ cũng tranh thủ những dịp đi nước ngoài để xem những buổi hòa nhạc tại các trung tâm âm nhạc lớn thế giới. Đây thực sự là dấu hiệu đáng mừng cho các nghệ sĩ sáng tác, biểu diễn. Khán giả nhạc cổ điển Việt Nam ngày càng đông hơn, tinh tế hơn trong thưởng thức. Tuy nhiên do sự giáo dục chung về phong cách đi nghe hòa nhạc vẫn chưa phổ biến rộng rãi cho công chúng nên nhiều khi trong khán phòng vẫn làm ảnh hưởng đến không khí biểu diễn, thưởng thức chung như: đi muộn, nói chuyện riêng, chụp ảnh, quay video - điều mà ở nước ngoài thì hoàn toàn không cho phép!
- Chúng tôi từng rất xúc động và nhớ mãi câu chuyện anh kể về những cái tết ấu thơ ở phố Hàng Thùng với chiếc thùng phuy luộc bánh chưng ám khói, những trò chơi tuổi nhỏ ríu rít tiếng cười. Và trong kí ức đó, có cả phố nhà binh Lý Nam Đế, hình tượng những người lính nữa…
+ Phố Lý Nam Đế trong tuổi thơ của tôi những năm 70-80 là một phố vắng vẻ, với những hàng cây xà cừ cao to. Con phố tạo cho tôi cảm giác “sờ sợ” của một đứa trẻ với doanh trại bộ đội, những bức tường cao và ít dân cư, không có các cửa hàng nhộn nhịp. Lớn hơn chút nữa thì huyền thoại “Quân khu Lý Nam Đế” cũng ảnh hưởng đến tôi với những “thành tích” (tốt và chưa tốt) của các thanh, thiếu niên con nhà lính ở đó, vừa ngưỡng mộ và vừa “ngại” (cười). Rồi “phong trào” mặc quần áo lính cũng lan sang tôi, một cậu bé chỉ biết ngồi tập đàn piano. Tôi nhớ là cũng xin bố mua cho một bộ quần áo lính “quần dõng, áo ga, dép cao su đúc” khi đang đi học cấp hai trường Trưng Vương.
Hình tượng người lính Quân đội nhân dân Việt Nam trong tôi được nuôi dưỡng, giáo dục về lòng dũng cảm, anh hùng… trước hết là qua những tác phẩm của bố tôi là Nhạc sĩ Hoàng Vân. Ông đã viết rất nhiều ca khúc ngợi ca người lính như: Hò kéo pháo, Chiến thắng Tây Bắc, Người chiến sĩ ấy, Bài ca giao thông vận tải, Nhớ, Không cho chúng nó thoát, Chào anh giải phóng quân, chào mùa xuân đại thắng… Nhưng để thực sự cảm nhận được cái hào hùng của người lính trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc có lẽ là những năm 1979-1984 trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Lúc đó tôi đang học cấp hai phổ thông và đã đủ lớn để cảm nhận cái không khí hừng hực ra trận của toàn dân ta. Nhưng nếu nói về sự cảm phục các chiến sĩ quân đội, tự hào là người con của đất Việt thì phải nói đến những cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, hai cuộc chiến tranh biên giới; những cuộc chiến tranh mà cho đến bây giờ vẫn để lại trong tôi rất nhiều cảm xúc về lòng anh hùng, yêu nước của các chiến sĩ và nhân dân Việt Nam. Hình tượng người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn rất cao quý trong tôi!
- Anh đã yêu Hà Nội, yêu Tổ quốc mình bằng tình cảm mặc nhiên và giản dị. Từ chiếc tủ khảm trai, đồ đạc lớn bé trong nhà được gửi theo đường thủy sang đất nước xa xôi cho tới những món ăn Việt Nam vợ anh nấu, những giọt nước mắm nguyên chất mà cậu con trai luôn dùng… Chắc hẳn, ngoài sự mặc nhiên, tình yêu cũng cần được vun đắp, truyền cảm hứng mỗi ngày?
+ Tôi sang Liên Xô học Đại học Âm nhạc từ năm 1987, khi đó tôi tròn 20 tuổi. Sau khi tốt nghiệp năm 1993 tôi đã được mời sang làm việc tại Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Macedonia (Nam Tư cũ). Sau đó tôi đã định cư tại đây cùng với gia đình nhỏ của mình. Vợ tôi là người nước ngoài, một nghệ sĩ violon, cô bạn sinh viên từ thời đi học ở Moscow đã rất mê những món ăn Việt Nam do chính tay tôi nấu. Cậu con trai duy nhất từ nhỏ cũng đã được bố mẹ cho ăn rất nhiều món ăn Việt và thường xuyên được về Việt Nam thăm ông bà, đất nước. Trong ngôi nhà nhỏ của tôi, văn hóa Việt luôn hiện hữu. Qua các tác phẩm nghệ thuật như tranh, tượng của các bạn họa sĩ, nghệ sĩ Việt Nam tặng. Toàn bộ đồ gỗ trang trí nhà được chính tay bố tôi mua chọn tại Hà Nội rồi gửi sang tặng con cháu với ý định giáo dục về thẩm mĩ văn hóa Việt luôn hiện diện trong nhà. Các món ăn Việt Nam như cơm, nem, phở, bún, miến, xôi… luôn có trong các bữa cơm hàng ngày. Ngoài chương trình tivi của Macedonia, tôi cũng thường xuyên bật các chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình Hà Nội để giới thiệu cho cả nhà về tình hình trong nước trên mọi lĩnh vực. Và điều không thể thiếu, đó là âm nhạc của Hoàng Vân luôn vang lên trong ngôi nhà nhỏ của chúng tôi, trong xe ô tô trên những chặng đường xa… Tôi luôn chia sẻ với vợ con mình những công việc mà mình đang làm cho ông nội như lập trang web, số hóa toàn bộ các tác phẩm, in các tuyển tập âm nhạc, tổ chức những đêm nhạc Hoàng Vân… Ông nội cũng là niềm tự hào của gia đình nhỏ của chúng tôi đối với họ hàng, bạn bè bên Macedonia.
- Anh và chị gái - Tiến sĩ âm nhạc Lê Y Linh đều không sống gần bố mẹ. Song, dường như, ở gia đình anh luôn có sự gắn bó như thể khoảng cách không bao giờ tạo nên mối chia cắt. Quan điểm về giáo dục, sự nghiệp của cha mẹ anh khá tiến bộ và khác số đông?
+ Mỗi con người, mỗi gia đình một số phận… Khi tôi và chị gái tốt nghiệp ngành học của mình về âm nhạc cổ điển thì trong giai đoạn đó để phát triển sự nghiệp, trau dồi kiến thức và tiếp tục học hỏi thì lựa chọn lập nghiệp ở châu Âu - cái nôi của âm nhạc cổ điển là hợp lí. Mặc dù phải xa hai đứa con, nhưng với tình yêu các con, sự cảm thông về sự nghiệp, bố mẹ tôi đã hi sinh tình cảm riêng tư của mình để mong cho các con trưởng thành, vững vàng trên thế giới. Tuy nhiên, sự xa cách thì không thể bù đắp, mặc dù tôi và chị gái luôn cố gắng thu xếp thời gian một năm vài lần về với bố mẹ, hàng ngày giữ liên lạc qua mạng… Từ nhỏ, bố mẹ tôi giáo dục con cái hết sức dân chủ trong suy nghĩ, độc lập trong cuộc sống - tạm gọi là một cách giáo dục tân tiến.
- Trong đời sống thường nhật và cả âm nhạc, nhạc sĩ Hoàng Vân luôn thể hiện tinh thần lạc quan, hi vọng. Ông có ảnh hưởng thế nào tới thế giới nội tâm và con người nghệ sĩ của anh?
+ Bố tôi đã truyền cho chúng tôi tính cách lạc quan trong cuộc sống. Chỉ cần nghe những giai điệu và lời ca tươi mát, tình cảm, vui vẻ được ông viết ra xuyên suốt các cuộc chiến tranh ác liệt giành độc lập của dân tộc thì bạn có thể thấm đẫm được tính lạc quan, hi vọng trong đó. Phong cách sống của ông cũng vậy, suốt đời cho âm nhạc, không bon chen, bi sầu… trong mọi hoàn cảnh, ông đã ảnh hưởng tích cực đến thế giới nội tâm và sự trưởng thành của các con mình.
- Nhắc tới nhạc sĩ Hoàng Vân, mọi người thường nhớ những ca khúc đi cùng năm tháng. Nhưng qua “bảo tàng âm nhạc” của ông do gia đình anh tạo dựng thì khối lượng tác phẩm còn rất đồ sộ gồm cả ca khúc, hợp xướng, giao hưởng, nhạc phim, nhạc kịch, khí nhạc… Anh nhận định thế nào về những mảng âm nhạc cha mình sáng tạo mà có thể công chúng còn chưa biết tới?
+ Nhạc sĩ Hoàng Vân đã để lại một kho tàng âm nhạc đồ sộ trong lịch sử âm nhạc Việt Nam. Khi ông còn sống, chỉ khoảng 1/3 kho tàng âm nhạc của ông được biểu diễn, thu âm và phổ biến rộng rãi. Điều đặc biệt là tất cả các tác phẩm này đã đi vào lòng người, sống với thời gian cho đến ngày hôm nay. 2/3 lượng tác phẩm còn lại, do nhiều lí do khách quan mà chưa thể công bố hết được. Tôi và chị gái mình đang trong quá trình hệ thống hóa, số hóa toàn bộ kho tàng âm nhạc của ông để lại. Tiếp theo là sẽ tổ chức dưới nhiều hình thức để những tác phẩm chưa công bố của ông đến được người yêu âm nhạc và đặc biệt là âm nhạc của Hoàng Vân. Mảng âm nhạc mà công chúng chưa được biết tới của ông bao gồm các ca khúc thiếu nhi, ngành nghề, địa phương, tình yêu; rồi các tác phẩm khí nhạc thính phòng, giao hưởng, hợp xướng… Nhiều lắm!
- Hoạt động nghệ thuật ở nước ngoài đã hơn 20 năm, anh có dự định gì về việc giới thiệu sáng tác của cha mình ở môi trường rộng lớn hơn, nơi những người Việt sống xa quê hương mong mỏi nghe những ca khúc, giai điệu về Tổ quốc?
+ Đại hợp xướng “Hồi tưởng” của nhạc sĩ Hoàng Vân trong đó có đoạn nhạc cho hợp xướng thiếu nhi nổi tiếng “Trời cao trong xanh, sương sớm long lanh, mặt nước xanh xanh, cành lá rung rinh…” của ông đã được vang lên cho kiều bào ta ở Paris. Bản giao hưởng thơ “Thành đồng Tổ quốc” của ông đã được in tại Nga, Hungari, Bungari như một tác phẩm tiêu biểu đại diện cho nền âm nhạc cổ điển hàn lâm của Việt Nam; tôi đã từng dàn dựng tác phẩm này tại Macedonia và Bungari cho cộng đồng người Việt ở đó. Trong sự nghiệp biểu diễn hơn 20 năm của mình, tôi đã dàn dựng rất nhiều tác phẩm không những của bố mình mà của nhiều nhạc sĩ Việt Nam khác trên thế giới, một phần để giới thiệu với bà con kiều bào xa quê, nhưng cũng là niềm tự hào lớn lao đối với khán thính giả quốc tế về trình độ chuyên nghiệp, sáng tạo… của các nhạc sĩ Việt Nam.
- Kể từ khi anh du học tới nay, đã bao giờ anh nghĩ sẽ về Việt Nam sinh sống và hoạt động âm nhạc? Nhạc sĩ Hoàng Vân có đặt nhiều hi vọng vào điều đó không?
+ Khi tốt nghiệp Nhạc viện danh tiếng Tchaikovsky (Liên bang Nga) tôi đã được Dàn nhạc giao hưởng Quốc gia nước Cộng hòa Macedonia mời về làm việc. Đây là một cơ hội hiếm có cho một sinh viên mới tốt nghiệp chuyên ngành chỉ huy, một nghề rất khó xin việc mà lại được một dàn nhạc châu Âu muốn cộng tác. Lúc đó tôi chỉ nghĩ đến việc duy nhất là “đâu có việc thì ta cứ đi”. Hơn nữa giai đoạn đó (những năm 90 của thế kỉ trước) nền âm nhạc cổ điển chưa thực sự là đất dụng võ cho những người có ý chí tiến thủ trong sự nghiệp. Sang sinh sống và làm việc tại Macedonia, lập gia đình, nhiều khả năng công việc khắp nơi được mở rộng hơn nên tôi cũng ít có thời gian để có thể về làm việc trong nước. Sau năm 2000, khi công việc, cuộc sống ở nước ngoài đã thu xếp ổn định, tôi bắt đầu dành thời gian thường xuyên hơn để về Việt Nam cộng tác với tất cả các dàn nhạc, nhà hát, đơn vị nghệ thuật một cách mật thiết. Những năm cuối cùng trở lại đây có thể nói công việc của tôi đã chia 50/50 cho quốc tế và trong nước. Bố tôi là người hiểu và tôn trọng nghề nghiệp, cuộc sống của tôi hơn ai hết nên ông luôn để con mình tự sắp xếp cuộc sống và công việc với lòng mong mỏi được thấy con nhiều hơn trên sân khấu của Nhà hát Lớn Hà Nội những năm cuối đời của ông. Vì bố, vì mẹ, năm nào tôi cũng thu xếp về nước làm việc ít nhất 3,4 tháng để được gần ông bà hơn.
- Trong một bài báo viết về anh cách đây chừng sáu năm có tựa đề “Vẫn đinh ninh một cuộc trở về”, ngày đó cho tới bây giờ, nhiều người vẫn luôn tin anh sẽ trở về Tổ quốc bằng cách riêng của mình?
+ Ngày đó sẽ không xa... Bây giờ cuộc sống của tôi một nửa phần hồn là Việt Nam. Gia đình nhỏ của tôi cũng rất yêu quý Việt Nam vì hàng năm tôi đều tạo điều kiện cho vợ, con trai về thăm ông bà nội, thăm Tổ quốc để thấy những đổi thay hằng ngày, sự tiến lên về mọi mặt của xã hội, trong đó có văn hoá. Con trai sau khi tốt nghiệp cao học, nếu có thể tôi sẽ hướng nghiệp cho cháu về Việt Nam làm việc. Nếu thực hiện được điều này thì hai vợ chồng tôi cũng sẽ thu xếp về Việt Nam sống, theo đúng câu ngạn ngữ thời nay “Con đặt đâu cha mẹ ngồi đó”! (cười).
- Mong được anh chia sẻ dự định của anh trong năm 2021, nhất là các dự định dành cho Hà Nội, cho Việt Nam?
+ Tôi đã có rất nhiều dự định trong năm 2021 với các dàn nhạc, nhà hát tại Việt Nam như Nhà hát nhạc vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh, Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam, Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội… và một số dự án cộng đồng khác. Tuy nhiên, rất buồn là ở thời điểm Covid-19 vẫn tiếp tục hoành hành khắp thế giới này thì chưa thể chắc được điều gì, không biết những kế hoạch sẽ thực hiện được đến mức nào. Tôi chỉ mong cho mình, cho gia đình mình, cho toàn bộ bạn bè, đồng nghiệp… tại Macedonia, Việt Nam và trên toàn thế giới có sức khỏe thật tốt để trước hết chiến thắng được bệnh dịch. Hết dịch “Ta sẽ về chung một nhà” (lời bài hát Quảng Bình quê ta ơi của nhạc sĩ Hoàng Vân).
- Xin trân trọng cảm ơn nhạc trưởng Lê Phi Phi về cuộc trò chuyện này!
Đoàn Văn Mật (thực hiện)
Nguồn VNQĐ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên