Những con sóng gồm 76 bài, được chia làm 2 phần: Phần I: Gần gũi, 58 bài; Phần II: Xa cách, 18 bài thơ được viết từ những năm 1981-1982, và đây là là lần đầu tiên chị công bố. Chính vì vậy mà tập thơ đánh một dấu mốc quan trọng trong hành trình dài từ buổi đầu chị cầm bút cho đến hôm nay.
Đọc thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát, cái tôi đời tư của nhà thơ được soi rọi ở nhiều phương diện và góc độ khác nhau nhưng hầu như đều mang âm hưởng buồn đau, xa xót. Bài thơ Trả duyên viết cho người chồng quá cố, đọc lên nghe nghèn nghẹn: Hôm anh mất/ Em không thể khóc/ Bảy năm đầu đời bên nhau em đã khóc hết rồi.../ Ba mặt con ra đời.../ Trong cay đắng/ 36 năm ta đã không đi cùng nhau/ Mỗi người mỗi ngả/ Xa - đã quá xa.../ Bao người đàn bà/ đến tiễn anh trong ngày anh mất/ Người đàn bà cuối cùng - kết thúc/ Một cuộc đời như một cuộc chơi... Trái tim người đàn bà Nguyễn Thị Hồng Ngát từng bị tổn thương, chà xát, từng sống trong cảnh chật vật để nuôi 3 con nhỏ. Và trong bước khốn cùng của cuộc sống, đôi lúc chị cũng “thù hận”, nhưng không vì thế mà chị không có sự bao dung: Thù hận cũ đã thả hết xuống sông.../ Đau đớn cũ đã nhờ sông khỏa lấp/ Ai nỡ giận một người đã khuất/ Cho dù khi sống anh luôn thay mặt đổi màu.
Trong mảng thơ viết về cái tôi đời tư - thế sự, Nguyễn Thị Hồng Ngát bao giờ cũng dành sự trân trọng đặc biệt đối với những người thân yêu của mình. Viết cho đứa con gái út, chị dành tình cảm của một người mẹ đã thấu hiểu lẽ đời nên luôn cảm thông và chia sẻ hết mình với con. Bao con người chị gặp cũng đều để lại trong lòng ngổn ngang nhiều nỗi niềm thương nhớ. Nhưng có lẽ, những người đàn ông đi qua đời chị mới làm cho chị tốn nhiều nước mắt, làm chị nhung nhớ gấp bội phần. Và nhất là tình cảm chị dành cho người đàn ông vào những năm tháng chị đang học ở Liên Xô. Giờ đây, đọc 18 bài thơ chị viết cho “anh” thuở ấy, lần đầu công bố, sau gần 40 năm chị “cố giữ” cho riêng mình, bài nào cũng đẫm đầy nước mắt, nước mắt của tình yêu trắng trong, cao đẹp, vị tha nhưng kết cục lại bất thành, dang dở. Đêm xuống khi mọi người đã yên giấc ngủ/ Em dường như vẫn thấy được tim mình/ Đập từng nhịp một cô đơn/ Hao gầy như bóng nắng (Trò chuyện cùng anh). Rồi có những mong chờ, rồi có lời oán trách… Rồi “Tự nói với chính mình”: Cuộc đời qua đã tạo được thói quen/ Buồn chẳng khóc và khi đau chẳng nói/ Ngồi yên lặng nghe lòng mình buốt nhói/ Tự tay mình xoa dịu nhẹ con tim// Muốn có anh ở bên mà anh ơi chẳng được/ Thôi, em tự nói với mình và em nói cùng thơ...
Những nơi đã đi qua cũng đều để lại trong chị những tình cảm thân thương đến lạ. Một Quảng Trị gió lào cát trắng, vùng đất bị đạn bom cày xé, với 72 nghĩa trang còn đó chập chùng, dòng sông Thạch Hãn là nhân chứng cho bao nhiêu vật đổi sao dời... Nhà thơ chạnh lòng da diết: “Nhớ đất Quảng từng bữa ăn nhịp thở/ Mỗi lần qua ta ngã mũ kính chào” (Quảng Trị). Vùng đất Tây Nguyên, quê nhà xứ nhãn (Hưng Yên), Nha Trang, Tuy Hòa, đất nước Lào tươi đẹp... đi vào thơ chị như sự trải lòng. Hãng phim Truyện Việt Nam - nơi chị có một thời gian dài gắn bó ở đó, giờ đã nghỉ hưu nhưng mỗi lần đi ngang qua chốn cũ, bao ký ức xưa lại ùa về. “Mỗi lần ngang qua ngõ/ Mắt chẳng dám nhìn vào/ Sợ tim mình lại đau/ Trước khu nhà xập xệ// Đã hơn nửa thế kỷ/ Xưa nườm nượp bóng người/ Bao gương mặt rạng ngời/ Nay đã đi đâu cả// Ríu rít từng con chữ/ Long lanh từng thước phim/ Nụ cười và nước mắt/ Giờ ở đâu mà tìm” (Vàng son một thuở).
Thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát càng về sau càng hướng về cuộc sống đời thường với nhiều suy tư, trăn trở. Nếu cái tôi đời tư - thế sự đem đến cho người đọc sự cảm thông thì cái tôi chiêm nghiệm - triết lý giúp độc giả hiểu đầy đủ, thấu đáo về hồn thơ chị. Nhìn đời bằng con mắt của một người đã thấu hết mọi nông sâu của cuộc đời: Thế giới nhiều xô lệch/ Sao ta cứ đòi hỏi cân bằng? Câu hỏi thấm đẫm nỗi đau nhân tình thế thái, song vẫn chứa đựng niềm tin yêu và khát vọng sống ở tương lai.
Cảm thức về thời gian luôn trở thành nỗi khắc khoải, nuối tiếc và cả sự ngậm ngùi. “Tiếc những năm tháng thanh xuân không biết toan tính là gì/ Tiếc tình yêu vô tư mà không gặp được người cũng vô tư như thế”. Nhà thơ “đi tìm” thời gian đã qua, tuổi trẻ đã mất: “Tôi đi tìm/ Tuổi đôi mươi rơi ở đâu rồi/ Tuổi ba mươi/ Bốn mươi/ Và năm mươi nữa”. Và chị hốt hoảng nhận ra: “Năm tháng cứ xếp chồng lên nhau/ Ngộp thở/ Từ một cô gái/ Rồi thiếu phụ/ Rồi người đàn bà/ Tóc đã hoa râm/ Ôi thời gian/ Không kịp nhớ - đã đêm/ Không kịp quên - đã sáng/ Tôi ơi” (Tìm xuân). Nhưng rồi chị tự thức bằng sự bình tĩnh, tự tin của một người đàn bà từng trải: hiểu đời, hiểu người, hiểu những quy luật bất biến của tạo hóa…
Đã đi qua những năm tháng thăng trầm, nếm đủ vị mặn - ngọt, đắng – chát, giờ ở vào tuổi thất thập cổ lai hi, Nguyễn Thị Hồng Ngát “tổng kết” đời mình bằng những câu thơ hóm hỉnh nhưng cũng hàm chứa nhiều điều đáng suy ngẫm:
Trong cuộc đời tôi đã được đóng rất nhiều vai/ Khi là cô bé chăn trâu/ Lúc cô thôn nữ phù dâu bê trầu rót nước/ Rồi theo bọn con trai xông pha trận mạc/ Rảnh, hát chèo í a/ Váy áo mớ bảy mớ ba/ Nón thúng quai thao theo chú hề đi chợ/ Lúc đóng vai mẹ mõ/ Rao “Chiềng làng chiềng chạ í ơ”/ Chẳng biết tự khi nào tôi làm thơ/ Rồi lại thêm nghề viết kịch// Cuối đời ngồi tổng kết/ Thấy vai nào cũng vui/ Nhưng vui nhất có lẽ là - Tôi/ Tung tẩy theo chú hề đi chợ... (Đóng vai).
Chất triết luận, nỗi suy tư về con người, cuộc đời luôn là nỗi ám ảnh và trở thành yếu tố chủ đạo xuyên suốt hành trình thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát. Cuộc đời nhà thơ đã đi qua là cả một chuỗi dài những buồn - vui, được - mất, hạnh phúc - khổ đau. Chị chứng kiến bao cảnh đời trớ trêu, bao nghịch lý tồn tại, và hơn hết chị lại là người trong cuộc. Do vậy, chị am tường nhiều thứ, hiểu rõ mọi ngóc ngách trong chiều sâu tâm hồn. Cái quan trọng là phải sống, sống theo đúng nghĩa giá trị của một con người. Bởi: Đời dài hay ngắn/ Cũng chẳng quan trọng gì/ Hạnh phúc hay đau khổ/ Vào ai nấy chịu thôi/ Đau bầm gan tím ruột/ Âu cũng là số trời/ Chẳng cho ta như nguyện/ Thì cũng phải đành thôi (Hỏi và đáp).
Tác giả: Nguyễn Văn Hòa
Nguồn Văn nghệ số 14/2021
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên