Đi để lòng mình tĩnh lại

Thứ ba - 20/04/2021 16:54
Cuộc sống không ngừng dịch chuyển. Không ai có thể thống kê được hết các chuyến đi trong cuộc đời mình. Khoác ba lô lên rồi đi! Khẩu lệnh quen thuộc, kích thích cho bước chân thêm phiêu du. Đi để khám phá vẻ đẹp trên mỗi chặng đường, để mở rộng nhãn quan... Còn với Hoài Khánh, đi để lòng mình tĩnh tại hơn. Điều đó được thể hiện qua tập thơ Đi cùng thương nhớ. Như Hoài Khánh từng tâm sự trong bài thơ Viết cho tuổi mình, tuy cuộc sống “Còn lắm nhọc nhằn không thể gọi tên” nhưng vẫn “Thản nhiên băng bó nỗi khát khao”, hay “Cứ hài lòng với những gì đã mất”, điều đó chỉ có được ở những người biết chia sẻ, tin tưởng ở tương lai bằng “Gom ngọt bùi sắp đặt thành khúc hát.
111

Là nhà báo, Hoài Khánh phải đi nhiều: “Đừng hỏi anh biền biệt xa nhà/ Có nhớ phố gày đất cảngLà nhà thơ, anh có nhiều xúc cảm sau mỗi chuyến đi: “Một áng mây bảng lảng/ Đủ làm rỗng khung trời” (Trước ngày đi công tác). Bước chân Hoài Khánh mải miết đi từ Trà Cổ, nơi địa đầu Tổ quốc: “Đình uy nghiêm trước biển khơi/ Tâm hồn người Việt sáng nơi địa đầu” (Đình Trà Cổ), đến vùng núi cao Tây Bắc: “Nhịp trống chiêng căng tròn áo cỏm/ Ché rượu cần nhóm lửa đêm nay” (Vòng xòe bản Đêu), qua miền Trung nắng lửa: “Đêm Đồng Hới nỏ tày gang/ Gió hầm hập nóng dở dang canh chầy” (Sáng sớm trên sông Nhật Lệ), tới nồng nàn mảnh đất phương Nam: “Vắt ngang sông Đồng Nai nhịp cầu Ghềnh thề hẹn/ Nồng nàn đêm tê lịm bưởi Tân Triều” (Cà phê tối ở Biên Hòa)… Bước chân phiêu du không chỉ đưa Hoài Khánh đi khắp mọi miền đất nước mà còn đưa anh vượt biên giới tới một số quốc gia khác như Trung Quốc, Malaysia, để khám phá thêm tầng sâu của tĩnh tại. Những câu thơ ngỡ như được viết bằng trực cảm ít nhiều giới thiệu chân thực điểm đến của Hoài Khánh, khiến người đọc thấy mình như được đồng hành cùng tác giả.

Đan xen giữa cái nhìn trực quan, cụ thể là cái nhìn dưới dạng tư duy biện chứng giữa cảnh và tình, Hoài Khánh đã khéo léo xử lý ngôn từ bằng những biện pháp tu từ thể hiện được xúc cảm nghệ sĩ của mình. Chẳng hạn: “Bốn đầu đao gắn hình rồng/ Mang niềm kiêu hãnh vút cong lên trời” (Đình Trà Cổ), hay: “Gió sông Hồng vuốt nhẹ lên trăng mờ” (Dạo phố Thủy Hoa). Những câu chữ mang tính biểu cảm cao: “Tôi đi về xuôi/ Nhớ thương lại ngược” (Một thoáng Tuyên Quang). Những câu thơ với hình ảnh khiến người đọc quặn siết cảm xúc cùng tác giả: “Như chiếc lưỡi cưa ngoằn ngoèo/ Muốn cứa đứt đôi bầu trời xanh/ Đây/ Vạn Lý Trường Thành” (Cảm tác về Vạn Lý Trường Thành).

Vậy sự tĩnh tại sau mỗi chuyến đi của Hoài Khánh ở đâu? Phải chăng đó là tư tưởng và triết lý nhân sinh mà nhà thơ nhận ra qua mỗi chuyến đi. Về Bắc Giang Thắp hương trước mộ Nguyên Hồng, Hoài Khánh cảm nhận được những nhọc nhằn trong cuộc đời của một nhà văn bậc thày, gắn cả nghiệp bút với những người lao động: “Sương mờ khói lạnh thấu trời/ Bút văn rướm máu phận người đa đoan. Để rồi nhận ra, cuộc đời trong sáng của nhà văn Nguyên Hồng đã lay động được đất trời và lòng người: Giờ ông nằm giữa gió nhàu/ Vàng au núi Án, xanh màu ruộng dưa/ Khói hương tạt ngửa ban trưa/ Bốn bề Yên Thế chợt đưa nắng về. (Thắp hương trước mộ Nguyên Hồng).

Trong bài thơ Bên mộ cụ Nguyễn Du, Hoài Khánh thấy: “Bạch đàn ngả bóng cho chiều nghỉ chân”. Viếng thăm ngôi chùa nổi tiếng ở Châu Đốc – An Giang, nhà thơ nhận ra: “Đường xa còn lắm sương mù/ Gập ghềnh giảm bớt, oán thù nhạt tan” (Lên chùa Hang). Tĩnh tại trong quan niệm của Hoài Khánh còn là: Vui thì đi đón bình minh/ Buồn thì tay nắm tay mình xót xa/ Mong ngày mai giống hôm qua/ Mỉm cười gửi hết thiết tha lên trời. (Dạo phố Thủy Hoa)

Nhưng điều tĩnh tại lớn nhất nhà thơ có được đó là được ở bên gia đình: Chẳng đâu bằng nhà mình, em ạ/ Giọt nước nhỏ cũng thành biển cả/ Bởi tinh lọc từ bao giọt mồ hôi (Trước ngày đi công tác).

Được sống hết mình với nơi mình sinh ra và lớn lên: Hải Phòng ơi/ Tôi nâng niu hình bóng Người cẩn thận/ Như con sông mùa lũ vẫn đỏ ruột phù sa/ Nguồn cảm xúc về Người bất tận/ Thoáng nhìn trời xanh đã hát ca (Hải Phòng của tôi).

Mỗi người viết đều chọn cho mình con đường riêng. Mảng thơ viết cho thiếu nhi đã định danh cho nhà thơ Hoài Khánh, còn thơ viết cho người lớn tưởng rằng khác biệt trong phong cách thể hiện nhưng không hẳn như vậy. Anh vẫn trung thành với các thể thơ truyền thống. Viết cho người lớn anh không bận tâm với những pha trộn với nhiều trào lưu thơ cách tân và chủ động mã hóa cho thơ của mình với lối nói dí dỏm, dùng các trạng từ, tính từ để nhân cách hóa cho thi ảnh. Tập thơ Đi cùng thương nhớ chính là sự tiếp nối liền mạch với tập Sưởi ấm những ngày xa của anh đã xuất bản trước đó. Hoài Khánh miệt mài trải lòng mình trên từng cây số để rồi thấy tĩnh tại hơn trong cuộc sống. Đọc hai tập thơ này của Hoài Khánh, người ta biết anh đã từng đi đâu, làm gì và nghĩ gì. Có thể coi hai ấn phẩm này là những cuốn nhật kí cuộc đời bằng thơ của riêng anh. Được như vậy là mừng, vì ta đều biết, nếu văn chương không có nét riêng là sự thiệt thòi lớn…


Tác giả: Nguyễn Quốc Hùng
Nguồn Văn nghệ số 16/2021

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây