Văn Đắc được trời phú cho tài văn chương, sớm bộc lộ, được học hành bài bản, hệ thống từ tiểu học, trung học lên đại học văn khoa rồi trở thành thầy giáo dạy văn khi còn rất trẻ. Thành ra mọi thứ cứ như là lẽ tự nhiên để ông trở thành một “gã lãng tử tình si”, đam mê thơ phú trong đời. Đọc thơ Văn Đắc ta bị cuốn hút trong mọi cung bậc, trạng huống của tình yêu. Người đọc thấy ở ông một tâm hồn lạc quan, khát khao yêu thương, một trái tim nhân hậu, đa cảm. Chỉ là một ánh nhìn, một câu chào mời, một cử chỉ thân tình… trong lần đầu gặp gỡ có khi đã tạo nên trong ông những rung cảm xốn xang, dan díu: “Từ biệt người cứ ngỡ họ nhìn theo/ Tự mình nhớ rồi đem lòng xao xuyến” (Tự cảm)
Cao hơn là trạng thái “phải lòng”. Nhà thơ đã tỏ ra yếu đuối trước ma lực của tình yêu:
“Giọng nói của nàng mãi tận đâu cũng làm ta rối rít
Ngôi sao nào cũng ngỡ mắt xa xôi”
(Giải thoát)
Và khi đã là “của nhau” tình yêu vang lên những thanh âm và giai điệu huyền diệu vô cùng. Giây phút đến với nhau ngập tràn hạnh phúc: “Nàng ào đến ta cơn gió biển mùa hạ”, “Bên nàng một nhành lá xanh hóa thành lá đỏ/ Và bao nhiêu loài cây ra hoa” (Thoáng hiện)
Những trạng huống tình yêu thật đa dạng. Và ở mỗi trạng huống ta đều bắt gặp một Văn Đắc yêu đương chân thành, sôi nổi, nhiều khi nông nổi. Vừa vui đấy nhưng đã xa xôi buồn: “Sẽ có lúc mùa đông rụng hết/ Ta như cây thưa thớt lá trong đời/ Cánh chim xé đường đi xao xác/ Em có chờ vun gốc mảnh trời rơi” (Xa xôi buồn)
Đại thi hào Pablo Neruda ngợi ca người yêu: “Đời em tạo đời anh ngọn lửa gỗ cháy diệu kỳ” còn nhà thơ của chúng ta thì tự ví mình là “ngọn đèn ngắn bấc/ Em đã khêu lên những lúc cạn dầu”. Không em khêu lên và tiếp dầu thì ngọn đèn kia sẽ tắt. Anh không thể nào tồn tại, không thể nào phát sáng nếu thiếu em.
Lại có lúc nhà thơ bần thần như đang trong giấc mơ giữa ban ngày, giấc mơ đi tìm em. (Mới hay nhà thơ lúc nào cũng như kẻ lãng du đi tìm Tình Yêu của mình, cả lúc tỉnh, cả khi mơ). Trong giấc mơ đó:
“Tôi đeo chiếc túi vải hoa màu tím
Đựng sách, bút, thơ và mấy đồng tiền
Còn dành nhốt em kín đáo trong ấy
Thế là tôi đi cuối đất cùng trời
Bỗng em trốn đâu hay kẻ nào đánh cắp
Tôi chạy tìm em”
(Trước biển tìm em)
Hình ảnh nhà thơ ngơ ngác, hớt hải trên bãi tắm đông người tìm em là một hình ảnh thơ đặc sắc, có sức lay động lớn… Cũng có lần ông mơ thật, một ác mộng. Trong ác mộng ấy nhà thơ bỗng dưng trở thành hiệp sỹ cứu nàng thoát khỏi cuộc truy sát đẫm máu: “Một lưỡi dao/ Lạnh sắc/ Lách ra khỏi áo/ Chém/ Ta lao vào/ Chắn/ Xốc em lên vai/ Chạy!/ Máu chảy/ Ta ngã khụy/ Đặt em trong vũng trăng đầy” (Ác mộng)
Thần, Phật đã ra tay trong thời khắc hiểm nghèo phù trợ cho nhà thơ chăng, hay chính là tình yêu đã cho chàng sức mạnh, lòng dũng cảm. Người ta bảo giấc mơ cũng là phản chiếu của đời sống hiện thực. Đây là giấc mơ của một người đang yêu, say đắm với tình yêu!
***
Văn Đắc viết về vợ không nhiều nhưng những bài thơ viết tặng vợ của ông rất cảm động. Vợ ông, một cô giáo quê lúa Thái Bình nết na hiền thục, thờ chồng chăm con, một phụ nữ truyền thống tiêu biểu trong xã hội đã nhiều biến đổi ngày nay.
“Áo em” thường được các nhà thơ dùng làm biểu tượng gửi gắm tình thương yêu, bởi nó lưu giữ dáng hình, sự nhọc nhằn, vất vả, cả “mùi hương” và những nét đẹp tâm hồn của em nữa. Đã có nhiều “áo em” đi vào thi ca. Với nhà thơ biệt danh Ông hoàng thơ tình Xuân Diệu: “Áo em để lại dáng hình/ Treo lên mắc áo cho mình thấy thương”. Còn với nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh: “Với anh/ Em là sự túng nghèo trinh bạch nhất/ Cái áo phin hoa mặc nửa đời người”. Nhà thơ Văn Đắc thì bồi hồi, thương và yêu vợ hơn khi người vợ mặc chiếc áo bông cũ đã 10 năm, sờn, rách:
“Chiếc áo bông đỏ của em thường mặc
Chiếc áo bông đỏ mười năm đã rách
Mà dáng đi áo - đỏ - nắng hanh vàng
Vẫn như thuở ban đầu anh gọi em sang”
(Áo đỏ)
Cuộc sống nghèo khó của gia đình nhà thơ - nhà giáo thời bao cấp đè nặng lên vai người vợ. Dẫu là người chịu thương, chịu khó nhưng cũng đôi khi tủi thân, than thân trách phận. Bài thơ có tiêu đề Sự thật đã kể về một lần như vậy: “Một lần gặp/ Một người tay đeo nhẫn vàng, quần áo sang trọng/ Đi bên một người tay trần, quần áo bạc hơi sương/ Em chợt nhớ một câu ca cũ/ Chao ôi cũng một kiếp người”… / Một lần đến chơi một nhà giầu có/ Trên đường về em ước ao, tấm tức/ Đổ nỗi niềm nóng nực vào tôi”.
Trước “sự thật” như vậy nhà thơ đã nghĩ về vợ như thế nào? Thật bất ngờ khi nhà thơ viết tiếp:
Một đêm tôi mơ
Mang đến cho em vàng, thật nhiều vàng
Và lặng lẽ ngoảnh mặt
Em vội thả vàng
Ôm choàng tôi
Em khóc…
Có nghĩa là nhà thơ không giận vợ mà đã cảm thông sâu sắc. Điều đặc biệt ở đây là: bài thơ đã rất khéo léo nói lên rằng: ông luôn tin tưởng ở vợ mình, trong bất cứ hoàn cảnh nào, ngay cả trong mơ, rằng: nếu phải chọn một trong hai, vợ ông luôn chọn ông chứ không chọn vàng (dù vàng nhiều đến bao nhiêu đi nữa).
Nhưng có lẽ bài thơ hay nhất của Văn Đắc về đề tài này là bài có tiêu đề Vợ:
“Khi anh đang lả tay với gió
Thì tay em đang sàng gạo
Khi anh đang nhấp chén trà như nhấp mật ong
Thì mồ hôi em ướt hai đầu vú
Em có ghét anh không
Mà sáng nào em cũng dậy sớm
Rúc vào anh như con chó con”.
Tác giả đã tái hiện không gian sinh hoạt đời thường của 2 vợ chồng với cảnh tượng bất bình đẳng và một câu hỏi. Nghịch cảnh mà êm đềm, ấm áp. Câu hỏi mà tự nó đã trả lời. Chỉ ngắn gọn thế thôi. Với lời thơ bình dị như câu nói thường ngày mà tình thơ sâu sắc, chan chứa, nhà thơ đã ngợi ca đức tính hy sinh vì chồng của người vợ yêu quý. Câu thơ cuối bài như một bức tranh đẹp về hạnh phúc, tình yêu.
***
Thơ tình Văn Đắc, như đã nói ở trên, là thơ tình của “gã lãng tử tình si”. Điều đặc biệt là ông chỉ có những bài thơ, như cách nói của ông, để “tấn công” và “chiếm đoạt”, hay nói nôm na là để “ tán gái”. Ông không có thơ thất tình, mặc dù cũng có nhiều bài thơ buồn, nhưng chỉ là nỗi buồn qua nhanh. Văn Đắc là vậy, ông có thất tình đâu mà phải cố tưởng tượng để viết những bài thơ sầu đau, khổ não! Dẫu thế, “thơ tán gái” của ông rất quyến rũ người đọc bởi tấm lòng chân thành khao khát yêu thương, bởi sự hồn nhiên trong trẻo, ngôn ngữ thơ bình dị, gần gũi với ca dao, bởi sự giàu có nhạc điệu, nhiều thi ảnh đẹp và những tứ thơ bất ngờ. Tuy nhiên những đóng góp nổi bật của Văn Đắc đó là những thử nghiệm khá thành công về phương diện đổi mới hình thức thể hiện thơ như: thơ “phóng sự”, thả chữ theo dòng cảm xúc, cách nói “phiêu” trong thơ. Chính những điều này đã góp phần quan trọng tạo nên phong cách và giọng điệu thơ Văn Đắc.
Trong những bài thơ được ông tổ chức như một phóng sự, câu thơ ngắn gọn có khi chỉ một, hai từ, nhịp thơ nhanh, tình tiết mau lẹ đẩy tới cao trào và cuối cùng là một hình ảnh bất ngờ hoặc một lời cảnh tỉnh, một triết lý nhân sinh sâu sắc. Có thể kể ra ở đây các bài: Ác mộng, Mỹ nhân, Hoa lộc vừng… Nếu bài Ác Mộng là “phim hành động” cực ngắn về hiệp sỹ cứu mỹ nhân thoát khỏi cuộc truy sát, thì bài Mỹ nhân là “phim phóng sự” về cái chết của Cái Đẹp trước hôn quân bạo chúa thông qua câu chuyện mỹ nhân hầu rượu Nhà Vua. Câu kết bài thơ: “Từ đó/ Rượu tràn trên mặt đất/ Những con đường lạo xạo mảnh thủy tinh” như một lời nhắc nhở và cảnh tỉnh loài người về sự tàn bạo và hậu quả khôn lường của cường quyền ác bá
Ở một số bài khác Văn Đắc sử dụng nghệ thuật thả chữ theo dòng cảm xúc. Bài thơ đọc lên dòng cảm xúc dâng trào. Lời thơ trôi trong “nhạc” của thơ. Như các bài Mùa hoa, Cây mùa xuân, Ngọn Đèn… “Đã hết mùa hoa rồi/ Ta say/ Vẫn cứ mong mùa hoa/ Nở đầy/ Búp lá, Xuân chưa kìa/ Búp lá/ Cây đợi chi mà cây/ Vẫy tay/ Đời chi mà như/ Áng mây/ Vườn chi mà bờ/ Tóc bay…” (Mùa hoa)
Văn Đắc cũng đã để lại dấu ấn tài hoa của mình trong cách nói “phiêu”, tạo nên những câu thơ “phiêu” tình, ngộ nghĩnh. Ở bài Giải thoát: “Ta không đủ sức để quên/ Thế là nàng giết ta rồi/…/ Khi ta nhận ra nàng ơi/ Thì mật ngọt ngấm vào ta sực nức/…/ Nàng tìm cho ta một giải pháp/ Là/ Nàng phải ngoảnh mặt/ Ta chỉ nhìn phía sau câm lặng của nàng”. Trong bài Cây sống đời: “Nhiều bậc vua chúa ngày xưa ước cây sống đời/ Thì nàng tìm ra đấy/ Nhưng mà…/ Nàng chỉ đậu trên tay ta/ Ghé mỏ vào ta mà hót/ Cho cây sống đời xanh lên”. Còn trong Bài thơ tặng: “Hơn hai nghìn năm trôi qua/ Người gái đĩ ở Giê ru xa lem/ Hóa thân vào Em/ Đi tìm đáng cứu thế/ Đấng cứu thế xa vời/ Mà ta gần em quá thể/ Em chợp ngủ/ Trong vườn hoa/ Nhà ta”.
Thơ tình Văn Đắc có hạn chế nào không? Trả lời câu hỏi này thật không dễ. Nhưng, có lẽ hạn chế lớn nhất nằm ngay ở tính hai mặt trong thơ: Một Văn Đắc khao khát tình yêu, hăm hở “Ta lén khỏi tuổi ta/ Tìm lại vườn tuổi trẻ” với một Văn Đắc chạy trốn “Ta về cõi ta kẻo trời bắt tội”
Vẫn biết rằng các bài thơ tình của Văn Đắc chủ yếu được viết sau 1986, tức từ thời kỳ đổi mới, khi ông đã luống tuổi. Những chuẩn mực đạo đức cũ kỹ trói buộc ông và ông không đủ bản lĩnh để vượt lên. Ông thường nhắc mình đã già: “Ở cái tuổi không được quyền trẻ mãi/ Nghĩa là phải chống chọi với mọi ham hố/ Tóc che vai làm mái nhà bình yên”. Thành ra Văn Đắc cứ dùng dằng nửa muốn xé “lồng” để “bay lên” với tình yêu, nửa muốn co mình lại để tránh những điều tiếng. Sự dùng dằng rất “đời” này đã cho ông nhiều bài thơ hay nhưng trong một số bài ông “luấn quấn” phân bua làm người đọc nhất là người đọc trẻ tuổi cụt hứng ít nhiều.
Tác giả: Trương Văn Thành
Nguồn Văn nghệ số 12/2021
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên