Văn chương phải nâng đỡ con người, nâng cao phẩm giá dân tộc

Thứ sáu - 12/03/2021 11:33

 1. Gần đây, trên thế giới, lý thuyết mô hình về tác phẩm văn học có tính ứng dụng khá rộng rãi cho rằng, về bản chất văn học sáng tạo ra một “cuộc sống thứ hai” thoát thai từ đời sống thực.
111
Nhưng đó chỉ là mô hình về đời sống chứ không phải bản thân đời sống. Có bao nhiêu tác phẩm là có bấy nhiêu mô hình, có cái giống, có cái khác, có cái xa lạ, thậm chí ngược với đời sống. Tác giả là người có quyền năng tuyệt đối trong việc thiết kế, thi công cái mô hình ấy. Thước đo nhà văn là tác phẩm thì thước đo tác phẩm chính là mô hình tức là cả một thế giới do nhà văn tưởng tượng ra, rộng lớn hay nhỏ bé, xôn xao sinh động hay vắng lặng, u ám... Đã hết cái thời coi mô hình tác phẩm phải giống với bản thân đời sống, tức sự sao chép nguyên si hiện thực. Xu hướng chung của văn chương hôm nay là đa dạng hóa cách tiếp cận để tạo ra sự đa dạng hóa về mô hình tác phẩm. Trong các giáo trình văn chương hầu như ít đề cập đến phương pháp sáng tác bởi sự hỗn dung, giao thoa, trộn lẫn, phối hợp, khó tìm ra dòng chủ lưu. Ngày nay người ta nói nhiều đến “liên văn bản”, “liên văn hóa”... là có lý do ấy.


Tiếp nhận văn học nghệ thuật vốn đã phức tạp, nay càng phức tạp hơn. Vì mỗi cá nhân, bằng vốn sống, sự trải nghiệm, quan niệm và trường tri thức khi tiếp nhận cũng tạo cho riêng mình một mô hình về tác phẩm. Sự đồng sáng tạo này góp phần tạo ra sự đa dạng, làm phong phú giàu có thêm ý nghĩa cho văn chương. Tác phẩm nào có tranh luận, có phủ định, khẳng định tức là có biểu hiện bước đầu của một sức sống, một ý nghĩa, một đóng góp. Còn gì buồn hơn cho những tác phẩm không có độc giả quan tâm.

Nhưng cũng vì thế mà có mô hình tác phẩm bị ngợi ca vô lối, có mô hình bị hiểu sai, có cái bị lợi dụng. Không ngẫu nhiên, không chỉ ở ta mà cả thế giới, tiểu thuyết/văn xuôi lịch sử, văn chương phi hư cấu đang lên ngôi.

2. Dù phức tạp thế nào thì con người vẫn có một hướng đi tích cực nhất. Người ta nhận thấy, dù muôn nghìn hiện trạng của mô hình tác phẩm thì con đường ký hiệu học là khả dĩ. Nói tới ký hiệu là nói tới biểu tượng, mà biểu tượng là sự kết tinh giá trị mang bản sắc văn hóa. Trong thời buổi hội nhập toàn cầu, biểu tượng mang tính thông điệp rất rõ. Chỉ một ký hiệu biểu tượng trên bàn tay của một vị đại sứ nước nọ trên diễn đàn Liên Hiệp quốc cũng gây ra sự chia rẽ của cả thế giới, đồng tình, ủng hộ hay phản đối, cự tuyệt...

Là thành tố cơ bản, là hạt nhân của văn hóa nên tìm hiểu, nghiên cứu biểu tượng người ta sẽ thấy một cách toàn vẹn, trung thực, rõ ràng hơn bản sắc văn hóa. Thế giới sẽ biết và hiểu Việt Nam hơn qua biểu tượng nón lá, áo dài, qua mái đình làng, qua cây đa cổ thụ... Người ta cũng dựa vào biểu tượng, một phạm trù đã ổn định để cắt nghĩa, lý giải ý nghĩa hình tượng văn chương. Hiểu sâu sắc biểu tượng, người ta sẽ tránh bị sa vào tranh cãi không hồi kết thế nào là một tiểu thuyết lịch sử, phải hư cấu bao nhiêu phần trăm, sự thật bao nhiêu phần trăm...Vì làm sao mà định lượng được? Tha hồ tưởng tượng mà viết về Quang Trung nhưng làm sao phải để bạn đọc nhận thấy đấy vẫn đích thực là vua Quang Trung-một biểu tượng của quyết chiến quyết thắng, của lòng yêu nước, của tinh thần tự chủ... Có nhà văn tưởng tượng ra chi tiết với dụng ý miêu tả Quang Trung cũng là con người bình thường, nhưng không tương ứng nên chi tiết ấy lại tạo ra sự vi phạm cấu trúc biểu tượng. Độc giả phản ứng là hợp lý. Có một so sánh thi vị cho rằng, tiểu thuyết lịch sử như con chim đại bàng có hai cánh khỏe khoắn là sự thật và hư cấu bay theo đường bay lịch sử hướng người đọc về chân trời sự thật và cái đẹp. Đó là một ý rất đáng tham khảo!

Gần đây, một tiểu thuyết lại có ý “giải thiêng” hai chữ “đồng bào” với cái nhìn phản truyền thống. Đưa ra một quan niệm mới, cái nhìn mới tiến bộ là điều đáng khuyến khích. Nhưng theo hướng cực đoan thì rất đáng bàn để làm rõ. Theo Từ điển Hán-Việt của Thiều Chửu thì “đồng bào” có nghĩa cùng là con cháu một ông tổ sinh ra. Nhiều ý kiến nhận định truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ xuất hiện từ thời Xích Quỷ. Khoảng 2.200 năm trước công nguyên, do nhà Hạ lấn chiếm, nhà nước Xích Quỷ tan rã, bộ phận người Việt vẫn giữ nguồn gốc “đồng bào” của mình. Hiểu theo lối chiết tự vẫn phổ biến hơn, đồng nghĩa là cùng, bào nghĩa là bọc. “Đồng bào” gắn liền với thần thoại cổ xưa ca ngợi nòi giống cao quý của tổ tiên dân tộc Việt: Lạc Long Quân giống rồng kết duyên cùng Âu Cơ giống tiên. Truyền thuyết nhắc nhở cháu con dù nơi miền biển, dù trên núi cao đều là con Hồng cháu Lạc chung một nguồn cội. Để rồi Việt Nam hôm nay tự hào là nước duy nhất trên thế giới có tín ngưỡng thờ vua Tổ: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba”. Nhờ tinh thần đoàn kết “đồng bào” muôn người như một mà dân tộc Việt đã viết nên những trang sử chói lọi bằng vàng. Trong những ngày này, nhờ truyền thống cố kết cộng đồng ấy mà chúng ta vượt qua đại dịch Covid-19 như một kỳ tích được thế giới nể phục.

Thế mà trong một tiểu thuyết vừa xuất bản gần đây, bạn đọc lại thấy “đồng bào” sao lại dã man thế, có thể hại nhau, giết nhau... một cách bình thường như vậy? Liệu có phù hợp với biểu tượng lớn lao đáng ca ngợi, đáng tôn thờ không?

3. Hiểu sâu sắc nền văn học nhân đạo nước nhà, cụ Đồ Chiểu có câu thơ nổi tiếng: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm”. Con thuyền văn chương có chở bao nhiêu đạo lý yêu nước và đạo lý làm người thì cũng không bao giờ chìm đắm. Vừa mang tính tổng kết khái quát vừa mở ra một sứ mệnh, câu thơ xứng đáng là viên ngọc sáng soi đường cho văn học hiện tại và mai sau. Thời đại Cách mạng 4.0 là thời của vi điện tử, của kết nối vạn vật, của người máy..., con người đứng trước cơ hội được thụ hưởng những văn minh mới mẻ nhưng cũng phải đối mặt với những thử thách ghê gớm: Nạn thất nghiệp, ô nhiễm môi sinh, dịch bệnh... Trước sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế ngày càng lớn, con người càng phải cần đến nhau hơn, để đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ, san sẻ. Chưa kể, đứng trước sự can thiệp lạnh lùng của máy móc, công nghệ, của văn minh phi truyền thống, con người phải đối mặt với trạng thái stress, sự vô cảm, chai lỳ cảm xúc..., dễ phát sinh những hành động khó kiểm soát. Đấy cũng là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng đạo đức suy thoái, và sẽ nguy hiểm hơn nếu không có sự chung tay ngăn chặn của toàn xã hội. Trong đó, trách nhiệm của đội ngũ văn nghệ sĩ là rất lớn lao và nặng nề.

Thiên chức cao quý của văn học, xét đến cùng là nhân đạo hóa con người. Bên cạnh dòng chủ lưu viết về cái tốt đẹp nhân văn để khẳng định, ngợi ca để nhân lên và lan tỏa thì văn chương cần phải viết về cái ác để con người hiểu, cảnh giác, đề phòng, bài trừ. Văn học hiện thực phê phán 1932-1945 với những đỉnh cao Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao... đã dựng lên cả một thế giới của những con người xấu xí, con người vô luân, con người phi nhân tính... Nhờ cái gốc là tình yêu thương con người sâu nặng, các nhà văn viết về cái xấu cái ác để phơi bày, tố cáo, lên án trạng thái phi nhân tính, qua đó đòi cho con người phải có một trạng thái có nhân tính để con người được đích thực là người. Đọc những trang văn ấy người ta muốn nóng lòng hành động để góp phần thay đổi cả một hiện thực bất công của xã hội.

Trong tiểu thuyết nói trên cũng viết nhiều về cái ác nhưng lại chỉ làm cho độc giả thêm bi quan, ghê sợ về con người. Tại sao vậy? Có thể vì ngược với quan niệm nhân văn truyền thống “Thương người như thể thương thân”? Có thể vì cái nhìn của nhà văn không thấy trạng thái xã hội hôm nay, về cơ bản là trạng thái có nhân tính? Dù vẫn có cái xấu này, các ác kia nhưng không phải là phổ biến. Trân trọng sức lao động nghệ thuật miệt mài, công phu, khổ ải; ghi nhận tâm huyết thiết tha sự đổi mới của các nhà văn nhưng độc giả cũng đòi hỏi ở họ sáng tạo ra những áng văn chương đích thực hướng tới những ý nghĩa phổ quát vì con người, nâng đỡ con người.

Nghệ thuật hiện đại quan niệm nhà văn là người sáng tạo ra các mã văn hóa (tác phẩm). Nếu hình tượng nghệ thuật-mã hạt nhân, đạt tới mẫu số chung của văn hóa nhân loại thì tác phẩm sẽ trở thành “sứ giả” trong cuộc giao lưu hội nhập toàn cầu. Đào sâu tri thức văn hóa truyền thống dân tộc, chắt lọc những giá trị tinh hoa của nhân loại để xây những bệ đỡ văn hóa đưa con người bước vào bầu trời văn minh là sứ mệnh cao cả, lớn lao của mỗi văn nghệ sĩ.

 

PGS, TS Nguyễn Thanh Tú
Nguồn QĐND 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây