Nhớ ông bố quê mùa thanh tao Trần Hạnh
Từng có duyên làm con gái (vai Na) nghệ sĩ Trần Hạnh (vai ông Trượng) trong bộ phim Người yêu đi lấy chồng (đạo diễn Vũ Châu), nghệ sĩ Chiều Xuân đã khóc suốt buổi sáng 4-3 khi nghe tin "bố" qua đời trong lúc quay phim tại TP.HCM.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, nghệ sĩ Chiều Xuân cho biết khi quay phim Người yêu đi lấy chồng là vừa lúc nghệ sĩ Trần Hạnh đã nghỉ hưu ở Nhà hát Kịch Hà Nội ít năm, được tự do hơn trong các vai diễn của mình nên rất sung sức với các vai diễn trong điện ảnh và truyền hình. Đúng lúc Chiều Xuân cũng đang đầy tâm huyết với các vai diễn.
Vậy là cùng trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 11 năm 1996, Chiều Xuân và Lê Vi được trao giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất, còn nghệ sĩ Trần Hạnh cũng được trao giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất (phim Nước mắt đàn bà).
Không chỉ khâm phục tài năng diễn xuất tuyệt vời, hóa thân sâu sắc vào nhân vật, nghệ sĩ Chiều Xuân còn quý trọng vô cùng khí chất thanh tao như một cư sĩ của Trần Hạnh.
"Ông chân chất mà thanh tao, không phải cái chân chất của người bình thường, mà của một cư sĩ. Ông luôn muốn sống đằm mình vào đời sống, sống thật nội tâm để dồn hết vào vai diễn. Là nghệ sĩ lớn cả về tuổi tác lẫn tài năng nhưng đi đóng phim ông không bao giờ phiền ai chăm sóc mình, mà ngược lại còn chăm sóc mọi người", Chiều Xuân nhớ lại.
Trên màn ảnh, ông chuyên vào vai những ông bố quê mùa hoặc nghèo khó, khắc khổ nhưng vẫn luôn ở đó một tâm hồn thanh tao. Và theo Chiều Xuân, cái khí chất thanh tao ấy cũng chính nằm trong con người của Trần Hạnh, chứ không chỉ là diễn.
Chị cho rằng đóng góp của nghệ sĩ Trần Hạnh với nền sân khấu, điện ảnh và truyền hình của nước nhà là quá lớn. Ông là một gương mặt nghệ sĩ khó ai thay thế được.
Nghệ sĩ Mai Thu Huyền cũng có may mắn được "làm con gái" của nghệ sĩ Trần Hạnh trong 2 bộ phim: Tiếng sáo ly hương của cố đạo diễn Trần Phương năm 1998 và Nhà có 3 chị em gái của đạo diễn Đỗ Thanh Hải, bộ phim đã đoạt giải Cánh diều vàng năm 2007.
Nghệ sĩ Mai Thu Huyền chia sẻ trên trang Facebook cá nhân trong cả 2 phim thì nghệ sĩ Trần Hạnh đều đóng vai ông bố khó tính, nghiêm nghị nhưng ngoài đời lại rất hiền lành giản dị, luôn tận tình hướng dẫn, chỉ bảo các diễn viên trẻ.
Vẫn ở trong cõi nhớ
Đạo diễn - diễn viên Tạ Tuấn Minh (Nhà hát Kịch Việt Nam) tuy không có cơ hội được làm kịch cùng nghệ sĩ Trần Hạnh nhưng lại có may mắn được làm con của người nghệ sĩ già trong nhiều bộ phim truyền hình.
Lần này không phải là những ông bố nhà quê nữa, mà là ông bố thành thị nhưng vẫn… nghèo và chịu nhiều khổ hạnh như các vai diễn khác đã "đóng đinh" vào ông.
"Dường như các vai diễn ông lão khắc khổ mà lương thiện trên phim đã vận vào chính cuộc đời ông. Trong đời sống riêng ông cũng rất vất vả", nghệ sĩ Tạ Tuấn Minh nói.
Từng sống gần nhà Trần Hạnh nên Tạ Tuấn Minh có nhiều dịp ngồi hàn huyên với "bố" Hạnh trong gian hàng bé nhỏ phía ga Trần Quý Cáp của gia đình người nghệ sĩ già. Bởi thế anh rất hiểu những vất vả trong đời sống của nghệ sĩ Trần Hạnh.
Càng hiểu anh càng quý trọng hơn cái nhân cách tự trọng, không bao giờ lụy tới ai của người nghệ sĩ gốc Hà Nội.
Sống một đời giản dị, hết lòng vì công việc, Tạ Tuấn Minh còn nhớ "bố" Hạnh khi đã nhiều tuổi vẫn thường cưỡi chiếc xe Cup cà tàng vượt 70-80 cây số đi làm phim.
Theo đạo diễn vở Người tốt nhà số 5 (kịch bản của Lưu Quang Vũ), những nghệ sĩ như Anh Tú, Hoàng Dũng, Trần Hạnh đã làm được việc là ngay cả khi mất đi rồi vẫn tiếp tục truyền lửa cho thế hệ kế tiếp.
"Như tên một vở kịch của Lưu Quang Vũ - Người trong cõi nhớ, những nghệ sĩ ấy (Trần Hạnh, Hoàng Dũng, Anh Tú...) vẫn sẽ còn ở lại trong cõi nhớ của những người đang sống", nghệ sĩ Tạ Tuấn Minh nói.
Theo thông tin từ gia đình, NSND Trần Hạnh sinh năm 1929, đã tạ thế hồi 2h50 ngày 4-3 tại Hà Nội, hưởng thọ 93 tuổi.
Lễ viếng sẽ được tổ chức vào 9h30 ngày 6-3 tại Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ truy điệu và đưa tang vào 10h45 cùng ngày.
NSND Trung Hiếu - giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội - cho biết nhà hát sẽ chủ trì tổ chức tang lễ cho nghệ sĩ Trần Hạnh.
Từng có cơ hội đóng nhiều phim truyền hình như Ngõ lỗ thủng, Cuốn sổ ghi đời… cùng các vở sân khấu truyền hình những năm 1990 với nghệ sĩ Trần Hạnh, nay Trung Hiếu là người viết điếu văn cho người nghệ sĩ ông rất kính trọng trong nghề nghiệp và cách sống.
Vậy là chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, Trung Hiếu phải đọc điếu văn tiễn đưa hai tên tuổi lớn của Nhà hát Kịch Việt Nam là Trần Hạnh và Hoàng Dũng - những nghệ sĩ trong lòng nhân dân.
Theo Thiên Điểu/Tuổi trẻ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên