Mỗi khi rời được trang nháp tôi khẽ mỉm cười, chen lẫn tiếng thở dài như trút bỏ được một gánh nặng, trong thế đi cúi vào lòng, không nhìn thấy đường, không nhìn thấy ai, không biết có ai đang quan sát, ngạc nhiên về lối đi cơ khổ của tôi. Lối đi ấy tôi luôn bị vấp sứt đầu mẻ trán. Nếu mỗi bước đi luôn ngẩng cao đầu làm sao tôi có thể tự che gió đang hắt ngược. Tôi nhớ, đâu chừng lên chín mười tuổi, cha tôi dạy: Con ra ngõ ra đường đi đứng phải thẳng thớm, ngay ngắn, không chen lấn. Là con gái, con phải biết thong thả, dịu dàng tự trong mỗi bước đi...
Thơ ca vốn được người đời mến trọng, lại vừa khó hiểu, không tin thơ phú có thể tìm hái được bông hoa hạnh phúc đời thường, và thường nhật. Cái hạnh phúc ríu rít tiếng con trẻ cùng dáng vẻ gia trưởng đáng kính của đức lang quân.
Với nếp đi cúi vào lòng ấy, quãng đường đi bộ trên phố Đội Cấn, về nhà khi chiều muộn, tôi bước nhanh mà lòng thì dềnh dàng lắm điều vu vơ. Bấy giờ tôi đã nghỉ hưu, nhưng làm hợp đồng, là phóng viên chuyên viết tin bài về văn học nghệ thuật. Có một lần có một người đàn ông dáng vẻ tráng niên, có lẽ anh ta thường quan sát lối đi cúi vào lòng mà lộ sự cơ khổ của tôi, đầy nghĩa cảm thông và ngạc nhiên, bởi luôn thấy tôi vấp u trán trước một thân cây già khụ có cành có nạnh ba khỉu cong sà thấp, ngang tầm trán. Anh thốt kêu lên. Chị ơi, tôi hiểu chị mà. Tôi biết chị. Chị bỏ lối đi cơ khổ này đi. Chị xứng đáng làm người đi ngẩng cao đầu mà chị. Tôi gật đầu biết ơn và cảm ơn tiếng kêu khẩn báo của anh. Nhưng khó bỏ được lối đi cúi mặt vào lòng. Bởi lẽ, chỉ năm bảy trăm bước nữa là rẽ vào ngõ khu tập thể cơ quan có căn hộ nhỏ của tôi ở tầng 4, nơi tôi vừa viết chưa ráo mực hai trường ca, Lửa mùa hông áo và Tự khúc ánh sáng. Hai tác phẩm này nằm trong cụm tác phẩm được Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật trao vào tháng 1 năm 2017.
Hằng ngày, trước khi bước ra khỏi nhà, bước ra khỏi ngõ là tôi đã chuẩn bị đủ mọi thứ cho bữa cơm trưa của ông xã, và được quyền làm chủ soái thời gian, trong tám giờ viên chức. Còn mỗi quãng đường đi bộ qua các phố là con đường thơ ca, thế giới thơ ca của riêng tôi. Chúng tôi vốn ngầm thỏa thuận, ai cũng được tự khép kín thế giới riêng, cùng được phép, quên nhau, trước trang tư liệu, trang nháp, trang viết…
***
Con đường thơ bắt đầu từ các bản nháp để đến được việc xuất bản các tập thơ. Nghĩa là từ cảm xúc đầu tiên, dòng nháp đầu tiên, lớp lớp, ẩn giấu tâm tình, gửi gắm nỗi lòng từ tuổi mười chín đôi mươi nay đã tuổi bảy mươi, bảy mốt. Bấm đốt tay, năm tháng chậm rãi trôi qua cũng đã hơn năm mươi năm. Năm mươi năm cũng xem là một mùa thơ, một mùa trăng mong chờ, bắt đầu từ nửa tập thơ in chung đầu đời và cho đến bây giờ, tôi có hơn 30 đầu sách gối đầu giường. Với ngần ấy tác phẩm kể trên, tôi đã nhiều lần làm tuyển… Sau vệt các tuyển tập này, từ các tập bản thảo ẩn khuất trong tủ sách, giá sách, các góc văn bản tài liệu chuyên môn, khi tìm thấy, tôi mừng, vừa thấy ngợp. Ngày tháng trôi qua luôn có những ẩn khuất kỳ diệu từ các vệt bản nháp…
Thức ngủ đau đáu với thơ, cảm xúc bất chợt đến tôi thường chộp viết ngay, bởi không sẽ mất trắng, trôi qua trong chớp mắt. Đấy là những trang nháp tươi nguyên, phập phồng cảm xúc, cũng xem những dòng ghi chép ấy là trang nhật ký thơ... Lại có dạo, có kỳ cảm xúc được nung nấu, kéo vệt, hình thành nên cả một tập thơ, một mạch chủ đề. Nhiều hay ít bài trong mỗi tập thơ tôi không mấy bận tâm, mà cứ phải đi cho hết mạch. Cứ phải chộp bắt cho hết tứ… Với dòng bản nháp tưởng chỉ năm bảy tệp tìm thấy, đâu ngờ hóa ra nó nhiều, càng lật tìm ngó nghiêng nó càng reo xiết, chảy xiết, đóng thành vỉa không sai. Tôi dần nghĩ ngợi, cân nhắc, tuyển chọn hình thành nên hơn mười tuyển tập, và đã có năm tuyển tập thơ và một tuyển trường ca đã được xuất bản, theo từng mảng chủ đề… Với hơn 20 tập thơ trong bốn tuyển tập được xuất bản từ 2016 đến 2020 cũng xem là chặng đường thứ hai, tính theo các đầu sách đến với bạn đọc.
Tôi muốn nói rõ thêm về các tuyển thơ ở giai đoạn này. Tôi được nghỉ hưu từ tháng 4/2004 và hợp đồng làm báo thêm vài ba năm rồi nghỉ hẳn. Và cũng vì hoàn cảnh gia đình và sức khỏe, tôi giống hệt kẻ ẩn sĩ, dành thời gian sau việc bếp núc là khóa trái tâm hồn đọc và đi độc lập, một thân một cõi chân trời, về những vùng quê, vùng đất tự tiếng gọi của trái tim… Từ những chuyến đi, về, đèn cù độc lập ấy hình thành dần trong tôi, một sự hình thành có dẫn dụ vốn là sự lặp lại, khẳng định lại từ các tệp bản nháp được nhập vi tính các tuyển thơ trên, theo các mảng chủ đề vùi kín nhiều tâm huyết thời trẻ, nay bừng sáng ở đốt tuổi tròn năm con giáp kéo sang đốt tuổi xưa nay hiếm. Đã ở đốt tuổi như ngọn đèn trước gió, từng khắc thời gian là vô giá. Viết một chữ là đang sống trong một khắc chữ, trong một dòng, trong một trang viết. Cũng ngạc nhiên làm sao. Tôi đồng thời đặt từng bước chân đi ngược, tôi tự hỏi lòng, mỗi dấu chân là một câu hỏi…
***
Trong một chuyến đi thực tập ngắn ngày ở vùng mỏ Quảng Ninh, vào năm 1974, ở tuổi 25, sao tôi viết trọn được một tập thơ Gương than đời thơ? Trả lời cho niềm tự vấn này tôi đã viết bài Khát vọng trang viết, khi in tuyển thơ Bài ca cố hương, là tuyển thơ gồm các tập thơ: Giấc mơ bay của cá, Giọt nước đi từ rừng, Bài ca cố hương, Gương thân đời thơ, Bông hoa cúi đầu và Khúc ca trầm tích lửa, tập thơ được giải ba cuộc thi Đây biển Việt Nam do báo Vietnamnet đồng tổ chức với Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, (năm 2012). Rằng: Tôi có nếp quen, để có một tập bản thảo, gửi đến nhà xuất bản, tôi thường tuyển chọn một phần nửa là những bài có sẵn trong các tệp bản nháp bất chợt tìm thấy và một nửa tập viết mới... Câu chuyện được bắt đầu bằng vào tết Đinh Tỵ, 1977, cách đây gần nửa thế kỷ. Khi ấy tôi đang độc thân ở tuổi sắp “băm”, lại đang một mình nên luôn được cơ quan cử đi thâm nhập thực tế viết bài ở các vùng sâu vùng xa. Lần ấy tôi được cơ quan Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên cử tham gia cùng thành viên thuộc ban chỉ huy các đội thanh niên Ba sẵn sàng của thành phố Huế, khai hoang làm kinh tế mới ở Buông Hồ, Đắc lắc.
Đại đoàn thanh niên ba sẵn sàng của Thành đoàn thành phố Huế và Huyện đoàn huyện Phú Lộc, của Bình Trị Thiên trong ngày lễ ra quân trống cờ rầm rộ trước điện Cần Chánh, đại nội cố đô Huế. Lúc ấy, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đương chức Bí thư Thành Đoàn Huế. Một Ban lãnh đạo đại đoàn được thành lập, ra mắt trong cờ reo trống giục. Tôi vui và có chút lớ ngớ với buổi gặp mặt và các thành viên trong danh sách thành viên của ban chỉ huy, với một chiếc ba lô nhẹ tênh giấy bút. Lãnh đạo đại đoàn có đồng chí Thượng tá Thái Thăng Long, Thị đội phó Thành đội Huế...
Đêm đầu tiên dưới trời sao Tây Nguyên, đất đỏ ba dan thơm nức hương cà phê làm sao ngủ được. Mộng mị tương lai và phập phồng hương sắc hòa bình xoáy quyện con mắt thơ, một con mắt bão cảm xúc đầy ngợp hân hoan, reo ca thần khúc giao hưởng mới. Bản giao hưởng Tây Nguyên - cửa mở và quyết thắng...
Sau hơn một tháng đại đoàn thanh niên ba sẵn sàng của Bình Trị Thiên đã khai hoang một vùng đất rộng lớn, mở đường cái, chia ô, dựng lên làng kinh mới thanh niên hiện đại, thơm ngát hương sắc ba dan. Vào thời điểm ấy, thành quả bước đầu như một câu chuyện cổ tích,
Những tháng ngày ấy tôi khỏe và tràn đầy nhiệt huyết cứ hệt thời đi thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước. Cảm xúc dâng trào niềm hân hoan lãng mạn chưa từng có. Trong nhãn quan niềm cảm xúc ấy, hương sắc thắm đỏ vị ba dan của chiếc hông phồn sinh của Tổ quốc Việt Nam phì nhiêu màu mỡ, trong tiết khí bốn mùa nhiệt đới luôn là chu kỳ mắn đẻ trĩu nặng muôn hoa trái, sản vật ôm trùm bao trùm tận đáy ngôn ngữ thi ca từng nhịp tim. Những nhịp tim hàm ẩn thi tứ hoan ca mừng mùa trăng hòa bình non sông liền một giải, Bắc Nam sum họp trong vòng tay mùa màng khai hoang phục hóa sau bom đạn chiến tranh xâm lược Mỹ gieo rắc.
Tôi viết trong nhãn tự hiện thực cuộn say đắm, hướng tới chính tâm, chính dòng văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa của một tương lai, trĩu niềm hân hoan tiết khí cách mạng. Các tứ thơ ngắn, cùng chủ đề cốt lõi của trường ca Chúng tôi những đứa con sinh cùng mặt trời – trên đất Tây Nguyên, dự báo niềm tin và đích đến với chiều kích phóng dụ lãng mạn.
Chuyến đi này tôi viết được tập thơ Ba dan gương mặt đẹp Tây Nguyên, cùng với trường ca Những đứa con sinh cùng mặt trời.
***
Trước hai tập thơ trên (Gương Than đời thợ và Ba dan chiếc hông lớn Tây Nguyên); những năm đầu 1970, đứng chân trên đất sinh, đất chôn nhau cắt rốn ở Quảng Bình, mạch thơ riêng tư, thơ tình yêu của tuổi đôi mươi, gồm chùm sáu bảy tập, tôi viết mà đâu tặng riêng ai, mãi đến tuổi sáu mươi một đưa trọn vào tuyển tập thơ Trở về, 2018, Nhà Xuất bản Văn học với tên Hai đóa hồng. Qua thế, tự biết cái tạng của tôi, cúi vào lòng để chạy việt dã, cho đến khi trang lòng đầy ngồn ngộn tư liệu ý tưởng thì dòng văn khơi mạch...
Điểm xuyết đôi nét qua một vài mạch cảm xúc, qua các tập thơ, tuyển thơ đã xuất bản, cốt để tôi nhìn tỏ thêm một chút con đường thơ vốn như một vạch chớp ảo ảnh; hướng tới việc tinh tuyển, ở đốt tuổi bảy mươi học bảy mốt, mà còn bao điều chưa hiểu được chính mình; như thể một sự tổng kết cho chính mình hiểu được chính mình mà thanh thản nhẹ lòng, hàm ơn quê hương, làng nước, bạn hữu trên con đường đến với thơ…
Tác giả: Lê Thị Mây
Nguồn Văn nghệ số 10/2021
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên