Có ngẫu nhiên thành thi nhân trẻ?

Thứ hai - 15/03/2021 16:44

Sang Xuân 2021 này, nhà văn Bút Ngữ tròn 90 tuổi (theo dương lịch); kể từ tác phẩm đầu tay là tập truyện ngắn Cô gái sông Nhuệ (xuất bản năm 1960), góp phần làm nên mùa văn xuôi bội thu mấy năm đầu thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, đến năm nay, ông đã xuất bản (và tái bản) 21 tập truyện ngắn và tiểu thuyết. Trong khối lượng thật sự đồ sộ, cuốn nào cũng đọc được ở thời nay, quả thực, Bút Ngữ đã trở thành một nhà văn có bản sắc và thành tựu to lớn, nhất là ở các phương diện như:

1. Một cây truyện ngắn có duyên với phong cách ý nhị mà rõ ràng, trong sáng theo xu hướng cổ điển.

2. Một tác giả tiểu thuyết lịch sử, với các tập nổi tiếng như: Người đi đi đày trên đại dương (1901), Người thời loạn (1996), Cử nhân Bùi Viện (2004), Cần vương Đông du (2007).

3. Người thông tuệ và điềm đạm sinh ra văn nhường ấy, rồi văn hàng hàng xuất hiện, lại tôn vinh người ấy lên, Bút Ngữ không chỉ được trao/ nhận nhiều Huân chương, Huy chương… mà trước đó, ông thường được đồng nghiệp nể trọng, tin cậy (dẫu cũng có lúc, có việc, có người muốn coi ông là cũ kĩ, còn người khác, lại bảo rằng Bút Ngữ là người trung tín…)

111
Nhà văn Bút Ngữ (ngồi ngoài cùng bên trái) trong buổi gặp mặt với nhà văn Kim Chuông và nhóm Văn Búp tháng 8/2018

Chúng tôi là một đám đông gồm Kim Chuông, Đức Hậu, Bùi Công Bính, Vũ Siêu Thủ, Lê Bính, Trần Đình Chung, Đỗ Vĩnh Bảo…, theo ông làm văn nghệ Thái Bình từ đầu những năm 1970, vẫn nhận ông là bác cả, cứ tin là Bút Ngữ đã là, sẽ là người được trao/ nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Quả thực, đó không chỉ là niềm vui, nỗi tự hào chân chính, phải lẽ của một con người, của giới văn nhân trong và ngoài tỉnh Thái Bình.

Đầu Xuân Tân Sửu này, tôi và nhiều bạn bè lại được gặp nhà văn Bút Ngữ qua tập thơ Thiếu nữ lên chùa. A, thế là lão gia lại đăng thơ! Tôi không bất ngờ lắm về sự sáng tác “bước ngoặt” này của nhà văn Bút Ngữ. Một số anh em cũng thế, bởi đã quen thuộc bản ngã và tâm tính - tâm sự của ông. Trong thời nghiêm cẩn mà còn lẫn cảnh tao loạn này, người có trách nhiệm với nước non nhà và sự nghiệp ông cha, không thể ngồi yên được, nói chi đến các bậc thức giả, phải không?

Lão gia Bút Ngữ quả có vì tuổi tác nên ít đi xa, nhưng qua nhiều nguồn thông tin, xem ra, ông biết cả. Và đặc biệt, ông am hiểu sự đời chứ không chỉ biết chuyện đời. Đã có người thắc mắc: Ai cấp cho nhà văn bao nhiêu nguồn tin mà tức, bao nhiêu vốn chuyện đời thời nay như vậy? Đọc tập thơ Thiếu nữ lên chùa và nhiều trang văn lâu nay của Bút Ngữ, ta dễ dàng tìm ra câu trả lời câu hỏi này, về đại thể và khái quát, thì đó là nhờ vào các phương tiện thông tin chính thống và cả “những câu chuyện vỉa hè” thật sự đa dạng và nhanh chóng thời nay.

Nhưng tôi muốn nói nhiều hơn đến cách xử lý thông tin để viết của nhà văn, và bây giờ là nhà thơ Bút Ngữ:

1/ Tác giả nghe và ghi, nhớ và nghiền ngẫm từ một khối lượng thông tin thật sự phong phú, có ngày có buổi là dồn dập nữa…, nhưng ông không sa vào cảnh huống bị rối, là vì ông kiên trì một định hướng chọn lựa, cốt tìm nhặt cho được những tin và chuyện có khả năng đại diện, có tính biểu trưng để viết.

Vì thế mà trong tập thơ có 89 bài này của ông, thấy có nhiều sự việc, hiện tượng dường như “ở đâu cũng có”, nhưng gút lại, thì chỉ vẫn là các việc - các vấn đề cốt lõi như: nền nếp công chức, với sự xuống cấp của nó; lối sống xô bồ của một bộ phận công chúng đang có nguy cơ xa rời các truyền thống thanh sạch của dân tộc (nhất là trong các cuộc hội hè, thờ cúng, sắm sửa…). Vậy Thiếu nữ lên chùa là tập thơ thiên về phê phán thực trạng xã hội ta chăng?

Vâng, quả có thế. Đây là một dòng sáng tác mang đậm dấu ấn buồn bực thế sự mà nhiều sáng tác văn nghệ đương đại đang phát triển ở ta. Với Bút Ngữ trong văn xuôi mấy chục năm nay, ông đã có viết, nhưng đến tập thơ này, thì tâm thế của ngòi bút thơ nơi ông có mạnh mẽ hơn, theo đó, tâm trạng và thái độ diễu nhại, phê phán thực trạng rất không nên có này của ông cũng trực diện hơn. Ông kể và luận:

Ngập lụt làm dân thiệt hại ghê/ Xiêu nhà, đổ bếp, chết trâu, dê/ Chính phủ cấp cho tiền hỗ trợ/ Tiền trăm bạc triệu khiến ông mê/ Phát ít khai nhiều, vơ nặng túi/ Thịt ngon rượu ngoại, chứa căng mề/ Món to thì sắm xe đời mới/ Món nhỏ thì xài mấy vại bia/ Cán Xã xoay tròn tham nhũng vặt/ Người dân khinh bỉ, nặng lời chê!

(Tham nhũng vặt)

Rồi tác giả mấy dòng trên lại kể và khuyên răn:

Những chàng trai thường dân “chân đất”/ Cũng kéo đến Đền Trần “xin ấn”/ Xô đẩy nhau, chen lấn ồn ào/ Sân đền bỗng xôn xao hỗn loạn…

Lễ hội biểu trưng văn hóa cao/ Đoàn kết nhau đồng đội đồng bào/ Đừng biến thành tranh giành, đụng chạm/ Dấn mình vào mê hoặc, tào lao!

(Tuổi trẻ với lễ hội)

Vốn là một lãnh đạo hàng đầu của ngành văn hóa - văn nghệ tỉnh, lại từng là đại biểu Quốc hộ nước ta các khóa III và IV… nhà văn Bút Ngữ có điều kiên riêng để biết và hiểu tường tận cái tốt và cái xấu trong nhân sự và cách thức tiến thân hay cung cách làm việc của một số “không nhỏ” trong bộ máy công quyền, nên đọc mấy dòng này của ông, ta dễ thấy một sự tổng kết buồn, với cả một nỗi đau không giấu nổi:

Muốn ngồi ghế trưởng cho oai

Những đức thì kém mà tài thì không

Nên ông phải nịnh, phải vờn,

Người trên chỉ bảo đường luồn, lối lên

Đầu tiên là phải có tiền…

(Mua ghế trưởng…)

Cách đây vài năm, khi tập thơ Thiếu nữ lên chùa chưa xuất bản, tôi có đọc bài này cho một số người nghe. Hầu hết họ đều tán thưởng, nhưng cũng có đôi người e ngại mà hỏi: Ai viết thế? Rồi có sao không? Khi biết tác giả chính là Bút Ngữ, thì mấy vị e ngại này thở phào: Ông ấy viết thì tôi tin, nhờ ông nói với nhà thơ Bút Ngữ là chúng tôi cảm ơn ông ấy nhá.

Được dân tin, bạn đọc tin, ấy là niềm hạnh ngộ. Nhà văn nhà thơ nào được thế, thì có quyền vui và tự hào nho nhỏ, phải không?

Nhưng đời không đơn giản và nhanh gọn với mọi trường hợp. Tôi biết là mấy dòng được trích ra ngay đây, lại cũng có người đọc hả hê, có người nghe đỏ mặt và tái mặt (vì họ chưa xấu quá), nhà văn làm thơ rằng:

Tiếp dân, mặt lạnh như băng,

Nhìn bằng nửa mặt, nói năng sẻn lời,

Môi mím như chẳng biết cười,

Khi không vừa ý buột lời nói to,

Mắt luôn luôn liếc đồng hồ,

Khiến dân hiểu: sắp hết giờ tiếp dân.

Không còn lịch sự, ân cần

Quan mà như thế thì dân hết nhờ

(Tiếp dân)

Như vậy, cách xử lí thông tin để làm thơ ở đây, với Bút Ngữ, là rất gần với cách làm việc của một phóng viên, một nhà báo.

2/ Từ cách chọn tin để làm thơ này của một nhà văn ở Bút Ngữ, cho nhận ra chất thông tấn - tân văn của thơ ông, ngay từ tên mỗi bài thơ, chẳng hạn: Lợi dụng quyền chức tham ôi, Lợi dụng bóng đá, Mánh khóe của ông, Giảm biên chế, Chống tham nhũng kết quả cao, Của công thất thoát, Nhắn người du lịch, Ban Tổ chức hội hè, Sách lậu, Nhà văn đi thực tế, Vì sao không giảm biên…  nghĩa là toàn những chuyện mà các báo/ đài đã đưa tin. Và nhất là loạt bài hưởng ứng các đợt, các chiến dịch làm trong sạch đội ngũ mà Đảng và Nhà nước là đang cùng toàn dân thực hiện, như: Đảng viên biến chất, Bí thư tỉnh ủy bị cách chức, Bộ trưởng bị xóa tư cách, Nhà báo sáng trí, sạch tay, Xây dựng mạng lành mạnhTrốn luân chuyển…

Đọc 89 bài trong tập Thiếu nữ lên chùa, có thể thấy là thơ Bút Ngữ, chính là sự song hành với công cuộc đổi mới hiện nay. Đó là tiếng thơ nhắc nhở và đòi hỏi một sự đổi mới căn bản, triệt để, thật sự vì nhân dân, vì lí tưởng độc lập, tự do, dân chủ và phát triển của dân tộc, của đất nước. Quả thực, tác giả Thiếu nữ lên chùa đã cùng đốt lửa thiêu những sự xấu xa để xã hội ta được thanh sạch hơn mà tiến bước. Ông vốn là nhà sáng tác văn xuôi có nghề có nghiệp, nên khi làm thơ với nhiệt thành trai trẻ, tự nhiên, bản tính điềm đạm của ông đã có lúc nhường chỗ cho sự cân nhắc của ngôn ngữ thi ca.

Đã sang tuổi 90 mà đi cùng với lớp lớp nhà văn nghệ, với con cháu được như Bút Ngữ, thật quý hiếm thay! Tôi muốn chép lại mấy dòng tâm huyết của tác giả tập thơ này để cùng ông tặng các cán bộ chống tham nhũng, cũng là đông đảo bạn đọc:

Lắng nghe đài báo tìm manh mối

Tin dựa nhân dân dõi mống mầm

Lửa nóng lò nung cho củi cháy

Tài cao chí vững chặn mưu ngầm

Tham vặt tham to thu dọn hết

Đảng cậy dân tin rất xứng tầm.

Nhà văn Bút Ngữ không phải tự nhiên mà sáng tác tiếp bằng thơ ca.


Tác giả: Nguyên An
Nguồn Văn nghệ số 11/2021

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây