Về với nhà văn-liệt sỹ Nam Cao.

Thứ năm - 18/03/2021 09:35
Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chúng tôi được cô giáo giảng giải, phân tích cho nghe truyện ngắn Chí Phèo của nhà văn Nam Cao. Tuy chưa cảm nhận được bao nhiêu, song qua bài giảng của cô giáo, tôi vẫn nhớ đây là một tác phẩm văn học hiện thực phê phán xuất sắc của nền văn học Việt Nam, viết về người nông dân nghèo trước cách mạng tháng 8 năm 1945. Qua tác phẩm nhà văn  phê phán mạnh mẽ xã hội thực dân phong kiến tàn bạo, tàn phá cả thể xác, tâm hồn người nông dân lao động, thể hiện tư tưởng nhân đạo tốt đẹp, niềm tin vào bản chất lương thiện của con người.
111
Xuyên suốt tác phẩm là hình ảnh nhân vật Chí Phèo, một người nông dân lương thiện, khỏe mạnh, thật thà bị xã hội thực dân đẩy vào con đường bần cùng, tha hóa, biến chất. Năm 20 tuổi anh Chí đi làm canh điền thuê cho nhà Bá Kiến - một địa chủ giàu có, keo kiệt, độc ác, tàn bạo nhất vùng. Tại nhà Bá Kiến, anh Chí bị vợ ba ông Bá Kiến lẳng lơ, hám tình lợi dụng, ông Bá Kiến nổi ghen, đẩy anh Chí vào tù. Nhà tù thực dân đã biến anh Chí lương thiện thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại, với cái đầu cạo trọc, hàm răng trắng hếu, trên khuôn mặt hiện lên vết sẹo dài, suốt ngày rượu chè bê tha, rạch mặt ăn vạ, rồi trở thành kẻ đâm thuê, chém mướn cho Bá Kiến.

Từ khi gặp được Thị Nở, với tình yêu thương mộc mạc, chân thành và hương vị bát cháo hành, Thị Nở như liều thuốc hữu hiệu giải độc tâm hồn Chí Phèo. Những tưởng từ đây cuộc đời Chí Phèo bước sang trang mới với ước mơ bình dị, là muốn được làm người lương thiện, mái ấm gia đình, có vợ, có chồng, thì lờicủa bà cô Thị Nở lại như nhát dao chém vào hạnh phúc mới nhen nhóm còn mong manh mà Chí Phèo, Thị Nở vừa dành cho nhau. Bên tai thị Nở còn văng vẳng đâu đây lời nói cay nghiệt của bà cô;  “Đàn ông chết hết cả rồi sao, mà lại đâm đầu đi lấy một thằng không cha. Ai lại đi lấy một thằng chỉ có một nghề là đi rạch mặt ra ăn vạ”, “Ai lại đi lấy thằng Chí Phèo!”. Nghe theo lời bà cô, Thị Nở từ chối tình yêu của Chí Phèo, dồn Chí vào bước đường cùng. Trong nỗi đau tột độ, Chí Phèo xách dao tìm đến nhà Thị Nở để đâm chết cả nhà Thị, nhưng hắn lại đến nhà Bá Kiến như một thói quen, rồi mơ hồ nhận ra Bá Kiến mới là nguồn cơn gây lên bi kịch của cuộc đời mình. Chí Phèo giết chết Bá Kiến và tự hủy hoại đời mình.

Ra đời cách đây khoảng 80 năm, đến nay tác phẩm “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao vẫn còn nguyên giá trị, nhắc nhở con người sống phải hiền hòa, biết yêu thương nhau, luôn làm điều thiện. Những nhân vật Chí Phèo, Bá kiến, Thị Nở... đã ăn sâu vào tiềm thức nhân dân. Ngày nay, ai đó nham hiểm, độc ác, tàn nhẫn, dân gian gọi là Bá Kiến đời mới, còn những kẻ hay rượu chè bê tha, ăn vạ, chửi càn thì khẳng định luôn đúng là “Chí Phèo”. Người phụ nữa nào giống nhân vật Thị Nở xấu xí, tốt bụng dân gian lại có cách nói hài hước, dễ thương; trông xa cứ tưởng nàng Kiều, đến gần mới biết người yêu Chí Phèo.

Trung tuần tháng 12 năm 2020, tôi có may mắn được đến thôn 4 (trước đây có tên là làng Đại Hoàng, trong tác phẩm Chí Phèo có tên là làng Vũ Đại. Làng có nghề bán cá kho cổ truyền, hiện nay, nhiều cơ sở sản xuất, chế biến cá kho ở đây trưng biển quảng bá; Cá kho cổ truyền làng Vũ Đại quê anh Chí như để sẽ bán đuợc nhiều hàng hơn) xã Hòa Hậu huyện Lý Nhân tỉnh Hà Nam, nơi chôn rau, cắt rốn của nhà văn Nam Cao. Tại đây, tôi có thêm những thông tin về nhà văn cũng như một số nhân vật trong tác các tác phẩm văn học của ông. Nhà văn Nam Cao tên thật là Trần Hữu Tri sinh năm 1915. Ông bắt đầu viết văn từ năm 22 tuổi, tác phẩm đầu tay là “Cảnh cuối cùng và hai cái xác”. Năm 27 tuổi Nam Cao in tập truyện ngắn đầu tay “Đôi lứa xứng đôi” sau này truyện ngắn đó được đổi tên thành  “Chí Phèo”. Năm 1943, Nam Cao gia nhập Hội văn hóa cứu quốc, hai năm sau ông được bầu làm chủ tịch xã Đại Hoàng huyện Lý Nhân tình Hà Nam. Năm 1947, ông lên Việt Bắc theo lời mời của đồng chí Xuân Thủy (người phụ trách báo “Cứu quốc”, sau này là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao) cũng thời gian này ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1950 ông tham gia chiến dịch Biên giới. Đến năm 1951,Nam Cao tham gia cùng  đoàn công tác thuế nông nghiệp tại Liên khu III. Ngày 30.11.1951 Nam Cao cùng đồng đội bị giặc phục kích và hy sinh tại cánh đồng Mưỡu Giáp, xã Gia Xuân huyện Gia Viễn tỉnh Ninh Bình, khi ấy nhà văn mới 36 tuổi. Cuối năm 1996, sau gần nửa thế kỷ, di hài nhà văn được đưa về an táng trọng thể tại quê nhà, trên chính mảnh đất rộng khoảng 3 sào trước đây là của Lão Hạc một nhân vật nổi tiếng trong truyện ngắn Lão Hạc.

Tại thôn 4, xã Hòa Hậu ngôi nhà gỗ của Bá Kiến (một nhân vật nổi tiếng trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao) được xây dựng từ năm Giáp Thìn (1904) trên thửa đất rộng gần 900m2 còn khá nguyên vẹn. Ngôi nhà 3 gian, khung bằng gỗ lim, với 4 hàng cột, mỗi hàng có 4 cột gỗ lim, có chân kê bằng đá tảng, mái lợp ngói, cửa bức bàn, phía trước có hiên rộng, có bức dại che mưa, nắng...Chị Trần thị T vợ của một cán bộ xã Hòa Hậu là người trông coi ngôi nhà Bá Kiến cho biết; Người  khởi dựng nên ngôi nhà gỗ này là cụ Cựu Hanh, sau đó ông Trần Duy Bính (Nghị viên Bắc Kỳ) là người được Nam Cao xây dựng thành nhân vật Bá Kiến mua lại. Nếu như ông Trần Duy Bính mua căn nhà ấy bằng bạc, thì con trai ông Bính là Trần Duy Tảo - trong tác phẩm Chí Phèo là nhân vật Lý Cường con trai Bá Kiến lại phải bán ngôi nhà ấy đi vì cờ, bạc. Trải qua hai đời chủ nữa, năm 2007 Nhà nước lưu giữ ngôi nhà cho đến nay.

Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng kháng chiến và văn học, Nam Cao đã được Đảng, Nhà nước truy tặng Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt I (năm 1996).


Nguyễn Công Đản

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây