Dấu chấm cuối cùng của người viết trường thiên

Chủ nhật - 07/03/2021 17:32

Vào lúc 5 giờ sáng ngày 28/2/2021, nhà thơ, nhà văn, kịch tác gia Nguyễn Thế Kỷ đã qua đời sau thời gian lâm bệnh nặng, hưởng thọ 91 tuổi.

Suốt cuộc đời bôn ba, tham gia vào hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, vào bộ đội làm liên lạc từ năm 14 tuổi ở quê hương Quảng Ngãi, nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ đã khởi đầu sự nghiệp sáng tác văn nghệ của mình với hai vở kịch Đốm lửa núi Hồng và Núi rừng năm ấy, một viết về phong trào cách mạng ở Nghệ Tĩnh, một viết về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ của Quảng Ngãi. Cả hai vở kịch đều được công diễn trong nhiều năm và nhận được nhiều huy chương vàng từ các Hội diễn nghệ thuật toàn quốc.
111

Nhưng Thế Kỷ còn là nhà thơ. Ông làm thơ khá lặng lẽ, nhưng luôn đau đáu với nghiệp thi ca. Và sau rất nhiều năm, qua bao thăng trầm trải nghiệm, bao tích chứa cả vốn sống và cao hơn, là “vốn tình yêu kính” với Bác Hồ, cùng vốn tư liệu hết sức rộng rãi và nghiêm nhặt, nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ, vào tuổi ngót 90, đã hoàn thành trường thiên thơ về Bác Hồ với hơn 12 nghìn câu thơ. Đây là trường thiên thơ có số lượng câu thơ lớn nhất từ trước tới nay ở Việt Nam, và là trường thiên viết về cuộc đời hoạt động cách mạng vì dân vì nước của Bác Hồ, một vĩ nhân của thế kỷ 20. Với trường thiên Một người - thơ - tên gọi, Nguyễn Thế Kỷ đã viết trong 10 năm ròng, sau vài chục năm tích lũy cả tình yêu thương và tư liệu sống về Bác Hồ.

Hơn mười hai nghìn câu thơ, bạn có thể nghĩ mình sẽ đọc hết tác phẩm này? Vậy mà một người ngót 90 tuổi có thể ngày này qua tháng khác cặm cụi đọc, nghĩ và viết tới chừng ấy câu thơ, viết vì tình yêu thầm lặng với một vĩ nhân của dân tộc, và hơn thế, vì tình yêu thầm lặng và mãnh liệt với đất nước mình. Ngay đầu đề tác phẩm trường thiên đã hàm chứa sự khiêm nhường: Một người/ Thơ/ Tên gọi. Đó là một người Việt Nam, thơ ấy là thơ lục bát, còn tên gọi: Hồ Chí Minh.

 “Thăng Long Văn hiến Tiên Rồng

Bốn nghìn năm hóa: Núi sông MỘT NGƯỜI”

Là một tác phẩm thơ, nhưng hành trình như một đoàn tàu chạy qua rất nhiều ga lịch sử, có ga dừng lâu, có ga chỉ dừng dăm phút, đoàn tàu lại nổi còi lên đường. Lịch sử chạy xuyên suốt 4.000 năm như thế, nhưng vẫn có nhiều điểm nhấn, và “không một ai bị lãng quên, không một cái gì bị quên lãng”. Bởi không có quá khứ, thì không có hiện tại. Và tương lai cũng không có luôn. Thơ trong trường thiên này luôn gắn với lịch sử như một dòng chảy liên tục. 

Viết một tác phẩm thơ lục bát dài hơn 12 nghìn câu thơ, phải suy nghĩ rất nhiều về cấu trúc, về tư liệu. Nhưng lại phải vận hành “con tàu” này bằng tất cả tâm hồn mình. Sáng tạo là không tính trước, nhưng viết về Hồ Chí Minh, thì phải thấu hiểu nguồn cơn, lịch sử và thời thế. Thế Kỷ biết nguồn cơn, đó là động lực cho ông viết tác phẩm này. Tác giả tôn trọng lịch sử, và đã đặt nhân vật chính của mình vào dòng chính lưu của lịch sử. Ông cũng biết thời thế, nhưng không phụ thuộc vào nó. Ông biết những gì bây giờ là thời thượng, nhưng vẫn thiết tha với những gì từng gắn bó máu thịt cùng cha ông mình. Dù chỉ đọc từng đoạn, đọc một số trang, cũng là tìm đến tấc lòng của tác giả. Để sẻ chia. Để đồng cảm. Để tự mình nếm trải con đường khổ ải của Hồ Chí Minh mà vun bồi cho đức tin và lẽ sống của chính mình. Để tin rằng ở đời vẫn còn nhiều phương cách cho những tình yêu lớn.

Cứ đọc những câu thơ như thế này, thì biết tác giả không phải là người dễ dãi khi làm thơ lục bát:

Vừa rời Thiên Mụ, sông Hương

Sóng khơi lấp thấp, mây vương vướng đèo

Hoàng hôn nhuộm cảnh cheo leo

Đèn cao ai thắp hanh heo phố nào

Và đây nữa:

Lao xao gió rạch nương trầu

Cau không bửa sáu, lấy đâu mỏng dày

Đã đành một cuộc chia tay

Nghĩa trong biệt kiến, tình ngoài ly hương

 

Tất Thành, đứng trước hoàng hôn

Nửa hồn đau nước, nửa hồn thương cha

Những câu thơ ấy nặng đầy cảm xúc, và bình thản mang nghệ thuật thi ca đến với người đọc. Cuộc đời tìm đường cứu nước cứu dân của Hồ Chí Minh là “con đường khổ ải” của một con người mang sứ mệnh, là con đường bôn ba năm châu bốn biển theo nghĩa đen, là con đường của người lao động và sáng tạo cũng theo nghĩa đen. Viết về con người và con đường ấy, phải thành tâm đến tận cùng, chân thật đến tận cùng, và không cần phải tán dương thêm gì cả, vì sự vĩ đại tự nó đã nói lên tất cả. Nguyễn Thế Kỷ hiểu điều này. Và lao động tận lực trong nhiều năm của tác giả đã mang lại thành quả, đúng là “Biết hoa dưới lá, biết trà trên hương”. Biết đâu là chân giá trị, biết đâu là gió thoảng mây bay.

***

Viết về Bác Hồ và hành trình cứu nước của Người, để có thể đi vào lòng công chúng như thiên trường ca của tác giả Nguyễn Thế Kỷ thì phải thành tâm đến tận cùng, chân thật đến tận cùng, và cũng đầu tư đến tận cùng những tháng năm sống lao động miệt mài của mình. Có thể nói, đó là tất cả những gì chắt chiu nhất, gan ruột nhất mà nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ để lại cho đời, ca ngợi một Con Người mà nói như nhà thơ Cu Ba Felix Pita Rodriguez, thì “Tên Người là cả một niềm Thơ”. Những ai là người Việt Nam yêu kính Bác Hồ đều có thể tự hào về tác phẩm trường thiên thơ Một người - thơ - tên gọi mà nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ đã hoàn thành và để lại cho chúng ta vào những năm cuối cuộc đời mình.

Như một nhà thơ, nhà văn, một nghệ sĩ chân chính, tác giả Nguyễn Thế Kỷ đã chấm dấu chấm cuối cùng của Trường thiên cuộc đời để lặng lẽ rời cõi tạm ở tuổi 91, sau 2/3 thế kỷ hiến mình cho văn học nghệ thuật. Và sau tác phẩm để đời dài hơn 12 nghìn câu thơ viết về Bác Hồ. Như thế, ông đã tận tâm, tận sức, tận hiến, và không còn gì phải ân hận nữa.

Xin thành kính vĩnh biệt ông.


Tác giả: Thanh Thảo
Nguồn Văn nghệ số 10/2021

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây