Tản văn: THÁNG GIÊNG - CẢI VÀNG MÊ MẢI ĐỒNG XA.

Thứ hai - 01/03/2021 10:52
Tôi sinh ra ở vùng quê ven bờ sông Hồng phù sa đỏ mịn. Đó là một miền quê lúa với sen bùi, nhãn ngọt bình yên và những đồng hoa nội xinh xắn, duyên dáng. Triền sông giăng mắc nắng xôn xao. Gió quẩy ấm kén vàng bông cải. Vịn câu ca dao tôi tìm về tháng Giêng đồng xa của mẹ trong niềm hoài mong da diết và những kí ức đẹp đẽ dọc mùa cải vàng mê mải.
111
Tháng Giêng hoa cải...
Trong 3.700 giống cải tôi ấn tượng nhất là vẻ đẹp của cải ngồng. Vốn là họ nhà rau thuộc cây thân thảo từ Địa Trung Hải xa xôi, cải khoác áo lá xanh rờn, thân bẹ trắng còn hoa thì thả chiều vàng rộm trên bến sông hay những bờ xôi ruộng mật trải ngút mắt tới chân trời. Tôi như bị thôi miên bởi nét đẹp hoang sơ, tinh khôi và quyến rũ của chúng. Phải nói, hoa cải tháng Giêng đẹp như lời tự tình của cô gái còn trinh nguyên nhưng không kém phần đằm thắm, nồng nàn như thể. Ngồng cải mập mạp, búp đơm nụ ngọt ngào và chúm chím như hạt tấm. Vậy mà chỉ qua một đêm, những cánh hoa đã bung lụa, nhụy vàng tươi trước gió xuân nồng hương hoa cỏ. Cánh hoa mỏng, mềm mại, chênh chao, làm săc áo tháng giêng thêm rực rỡ. Bướm vàng, bướm trắng rộn ràng cùng những chú ong mật hân hoan chao lượn rồi ngủ vờn trên đồng hoa ngẩn ngơ hương cải. Phải tinh lắm ta mới ta mới nhận ra mùi thơm ngọt thanh của đất phù sa châu thổ hanh hao, vị the nồng hăng hăng của giọt mồ hôi, của hồn quê trong hoang hoải lối về để sà vào đồng cải của mẹ mà hít hà cho thỏa.

Tháng Giêng đang xoan, hoa cải ngồng đương độ. Hoa thắm cho em, cho ta, cho đời thơm thảo. Hoa mang màu nắng tượng trưng cho sự ấm ấp và tràn trề năng lượng, sức sống mạnh mẽ để chống chọi với ngày đông rồi âm thầm đợi giêng đơm hoa, kết trái xênh xang. Hoa cải mang vẻ đẹp thuần khiết, thanh nhã và dung dị của cô gái thôn quê. Cô gái ấy phải chăng là hiện thân của em trong “ Mùa hoa cải bên sông” của nhà văn Nguyễn Quang Thiều với nỗi niềm đợi chờ mỏi mòn và tình yêu trắc trở, cả những đa đoan đến nghẹn lòng, chới với. Người có về thắp nắng cùng em, cùng mùa hoa đợi chờ hạnh phúc:

Có một mùa hoa cải
Nở vàng bên bến sông
Em đương thì con gái
Ðợi tôi chưa lấy chồng.
                        (Mùa hoa cải bên sông - Nghiêm Thị Hằng )

Thương loài hoa như thương miền cổ tích. Truyện kể rằng có cậu bé nghèo xin ông tiên chiếc kéo cắt nắng dệt thành chiếc chăn ấm để đắp cho bà trong mùa đông tê tái. Khi bà mất, người cháu sợ bà lạnh bèn mang chăn ra mộ đắp, ngôi mộ ấy mọc lên một loài cây trổ bông rực rỡ như nắng đó là hoa cải. Loài hoa được mọc lên từ lòng hiếu thuận và yêu thương đong đầy, thắp niềm tin về tình người hồn hậu.

Ướt một miền thương trong trang thơ tôi sau đồng vàng bông cải là dáng mẹ gầy như sợi nắng, nhỏ nhoi; lam lũ, tất tả nơi đồng chiều cuối bãi. Là những bữa cơm cải ngồng đắng đót suốt mùa đông cay xè mùi khói. Để rồi khi xa quê, check in ở một đồng cải nơi đất khách quê người lại chạnh lòng the thắt nhớ bát canh cải nấu cua đồng ấm lòng của mẹ, về vị dưa chua giòn ngày tết. Nhớ cả câu ca mẹ hát ru thuở nào chất chứa trái ngang, oan ức giữa thao thiết dòng đời: “ Gió đưa cây cải về trời. Rau răm ở lại chịu lời đắng cay.” Cải ngồng héo giữa chợ trưa, rắt réo nỗi buồn nắng mưa đong đầy quang gánh mẹ. Sao rẻ rúng giữa chợ đời, chợ người côi cút ?

Mẹ tôi rặm ruội, lui cui đồng chiều như bông cải liu riu hắt nắng lên thời gian lặng lẽ. Mẹ thắp lên hy vọng về chúng tôi- những đứa con lăn lác đầy nhựa sống của đất đồng lấm láp. Mẹ gói tuổi thơ tôi lêu lổng đầu trần , trôi theo mùa vàng bông cải, trôi theo tảo tần, hy sinh cháy lên từ sự dâng hiến, vị tha và bao dung của mẹ. Mùa nối mùa bước chân hối hả. Tháng Giêng rộng dài rồi ngày cũng tận. Cải xao xác tàn hoa. Thương phận rau tận hiến hết mình như đời mẹ với bờ bãi quê hương.

Mẹ tôi đã về bên kia đồng hoa cải nhẹ nhàng như dòng sông trở về với biển. Năm anh em tôi trưởng thành trên cánh đồng tri thức như ước vọng, mong mỏi của người. Tôi rơi về cáng đồng tháng Giêng mùa vàng bông cải. Luyênh loang tiếng mẹ gọi tìm mê mải đồng xa.
 
Tác giả: Khương Thị Mến
Hội viên hội: VHNT Hưng Yên
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây