- Chào hoạ sĩ Nguyễn Văn Đức. Anh thường bắt đầu một năm mới như thế nào?
+ Chào anh! Tôi thường bắt đầu một năm mới bằng một chuyến du xuân cùng gia đình tới những địa điểm yêu thích, thường là Tây Bắc, Đông Bắc!
- Nhưng cứ nhìn vào những tác phẩm ra đời sau mỗi chuyến đi đầu năm của anh thì có thể thấy đó không chỉ là những chuyến du xuân thông thường nhỉ?
+ Vâng đúng vậy. Những chuyến đi đó ngoài việc cùng gia đình, bạn bè du xuân thì tôi còn kết hợp lấy tư liệu để sáng tác. Vì tôi thường vẽ phong cảnh là chính nên việc ra ngoài vào mùa xuân vừa tìm chất liệu sáng tạo vừa để cảm nhận thời gian, không gian đậm chất xuân của núi rừng Tây Bắc, vẻ đẹp của hoa đào, hoa mận mỗi độ xuân về!
- Năm nay vừa Tết ra, trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp ở một số nơi, nhưng tôi thấy anh cũng đã kịp hoàn thành một chuyến đi và cũng đã có tác phẩm khai cọ. Anh có thể chia sẻ một chút về chuyến đi này?
+ Vâng đúng vậy! Hiện tình dịch bệnh đang có những diễn biến mới ở một số địa điểm như Hải Dương, Tp Hồ Chí Minh, Hà Nội và một vài địa phương khác. Bởi vậy, mọi năm tôi thường chọn Hà Giang hoặc Sơn La, Mộc Châu làm điểm du xuân, nhưng năm nay tôi chọn Sa Pa làm điểm đến, vì dịch chưa có tại đó, cùng với đó là dịp cận Tết trên đó có tuyết và băng giá rất đẹp ,có nét gì đó giống với phong cảnh Châu Âu mùa đông nên tôi muốn quay lại Sa Pa sau vài năm không đến để xem và mong muốn, biết đâu có thể được chiêm ngưỡng tuyết và vẽ được vài bức phong cảnh về tuyết ở Việt Nam!
- Kết quả chuyến đi ấy thế nào thưa anh?
+ Kết quả chuyến đi rất tốt, chỉ tiếc là chưa gặp được tuyết vì thời tiết chưa đủ lạnh, nhưng tôi cũng kịp có thêm một số tư liệu cho việc sáng tác. Sau chuyến đi tôi dự định sẽ sáng tác một số bức về phong cảnh Sa Pa, ruộng bậc thang Tả Van, đặc biệt là về cảnh sương mù và biển mây ở Y Tý. Hi vọng cảm hứng đang có sẽ được truyền tải đầy đủ lên trên mặt toan trong thời gian tới đây!
- Vâng! Tôi nghĩ rằng mỗi chuyến đi cũng như một cơ duyên. Tôi cũng đã được chiêm ngưỡng tác phẩm mới của anh mùa xuân này với sắc thắm hoa đào gắn với cảnh sắc vùng cao Hà Giang. Mỗi khoảnh khắc sáng tạo đó đã đến và ở lại với anh thế nào trên mỗi cung đường xuân?
+ Nếu nói về cảm hứng xuân Tây Bắc, Đông Bắc, và nhất là Hà Giang thì mỗi khi xuân về lại cho tôi một cảm giác gai gai người khi nói về phong cảnh những nơi này. Với sắc đào phai, mận trắng trên Sủng Là, Phó Bảng, Lao Xa quyến rũ mê đắm mà bất cứ ai đều khó cưỡng lại cảm xúc trước cảnh sắc đó. Đối với tôi đó là nguồn cảm hứng tuyệt vời nhất cho các sáng tác.
- Không phải ngẫu nhiên mà trong giới gọi anh là “Đức Hà Giang”. Anh có thể chia sẻ một chút về nickname đáng yêu này. Cơ duyên với Hà Giang nói riêng và với cảnh sắc Tây Bắc nói chung đã đến với anh từ khi nào vậy?
+ Vâng, cũng vài năm gần đây các anh em hoạ sĩ và giới sưu tập hay gọi tôi với biệt danh ấy. Việc đến với phong cảnh Hà Giang thì cũng tự nhiên thôi. Năm 1998, khi đó tôi đang là sinh viên năm thứ 4 trường Đại học Mĩ thuật Việt Nam lên Đồng Văn thực tập, nơi này thực sự quá đẹp về thiên nhiên và phong cảnh, nó hấp dẫn tôi từ đó. Ngoài ra trong 5 năm là sinh viên trường Mĩ thuật thì tôi cũng nhiều lần lên Tây Bắc, Đông Bắc như Mường Nhé, Sìn Hồ, Phong Thổ, Mai Châu, Mộc Châu, Pà Cò, Hang Kia, Thung Mài... những dấu ấn của các địa danh đó in hằn trong tâm trí tôi. Nhưng nói về sáng tác, tôi vẽ nhiều nhất và đều đặn nhất về Hà Giang. Đó là một tình yêu không lí giải nổi, chỉ biết là tôi yêu thích vùng đất ấy. Từ năm 2010 đến nay, Hà Giang luôn đem lại cho tôi niềm cảm hứng sáng tác. Ngoài ra cũng một phần do các tác phẩm được các anh em trong giới đánh giá tốt, các nhà sưu tập yêu thích và bỏ tiền mua cho bộ sưu tập của mình nên càng cho tôi thêm động lực để vẽ đẹp hơn và hay hơn!
- Chúc mừng anh đã có một “vùng miền sáng tạo” để đi về. Tôi nghĩ điều ấy rất quan trọng với một nghệ sĩ, góp phần làm nên bản sắc, xác lập căn cước sáng tạo. Anh có nhớ mình đã vẽ bao nhiêu bức tranh về Hà Giang không? Và niềm cảm hứng với vùng cao nguyên đá có vẻ như chưa khi nào vơi cạn nơi anh?
+ Cám ơn anh! Tôi cũng không nhớ rõ số lượng vẽ là bao nhiêu, nhưng cũng khá nhiều, kể cả những bức không đạt. Đúng như anh nói, mỗi hoạ sĩ muốn xác lập một chỗ đứng thì việc tạo lập cho mình một con đường đi hay là căn cước, mã số riêng cũng vậy, nó cho phép người hoạ sĩ cứ tìm tòi và đào bới trên con đường mà mình đã chọn và yêu thích. Còn cảm hứng về miền cao nguyên đá thì chưa bao giờ vơi cạn với tôi, có thể lúc này hay lúc khác thì tôi vẫn vẽ về phong cảnh Hà Giang. Đợt tới tôi sẽ vẽ và ra mắt người xem một số sáng tác mới về Cao nguyên đá nữa.
- Có những bức vẽ không đạt? Thường là những bức như thế nào vậy? Và đó là theo đánh giá chủ quan của anh hay có sự tham vấn nào từ đồng nghiệp? Vậy những bức vẽ nào về Hà Giang khiến anh ưng ý nhất?
+ Những bức không đạt theo ý của tôi, khi thấy bức vẽ chưa đúng ý thì tôi sẽ xoá đi vẽ lại bức khác! Những bức tôi thấy ưng ý là những bức thể hiện được ý tưởng mà mình muốn thể hiện như hoà sắc, bố cục và kĩ thuật xử lí…
- Anh có định làm một triển lãm riêng về Hà Giang hay một ý tưởng nào khác dành cho vùng đất khiến gieo mầm cho những ý tưởng đâm chồi nảy lộc?
+ Cảm ơn anh! Tôi cũng có ý tưởng làm một triển lãm cá nhân cho riêng mình về phong cảnh Hà Giang và Tây Bắc. Hiện tôi cũng đang cố gắng vẽ và hi vọng có đủ số lượng tranh tốt cho triển lãm. Mong rằng, trong hai, ba năm tới tôi sẽ ra mắt được một phòng tranh.
- Thường một bức tranh ý tưởng đến nhanh, vẽ ngay, hoàn thành nhanh và một bức là kết quả của sự nghiền ngẫm, chiêm nghiệm, một quá trình đúc kết có mang đến những sự hài lòng khác nhau không thưa anh?
+ Thường thì những bức vẽ nhanh là trực hoạ tại chỗ nó cũng cho một số bức ưng ý về cảm xúc lúc đó, về không gian và thời điểm đó. Việc trực hoạ thì tôi hầu hết vẽ những năm sinh viên. Về sau này tôi lên Tây Bắc - Hà Giang chủ yếu là ngắm, cảm nhận và chụp, ghi chép lại vài nét đơn giản vì không có thời gian. Những bức ưng ý về sau này là cả quá trình vẽ và đào sâu về mảng phong cảnh, về bố cục, nội dung, bút pháp và hoà sắc có sự cân nhắc kĩ hơn nên đạt hiệu quả như mong muốn!
- Anh có quan tâm đến cảm xúc của công chúng khi đứng trước tác phẩm của mình. Hàm lượng cảm xúc ấy có khi nào tỉ lệ thuận với... giá tiền của một bức tranh?
+ Việc đầu tiên là cảm xúc của hoạ sĩ. Khi hoạ sĩ thấy ưng ý về bức tranh là điều tiên quyết, còn khi ra công chúng thì đó là về cảm xúc của người xem, hoạ sĩ rất vui nếu bức tranh được công chúng đánh giá tốt, vì đã có nhiều người đồng cảm cùng mình về sự sáng tạo đó. Hàm lượng cảm xúc đó theo tôi không tỉ lệ thuận với giá tiền bức tranh. Bức tranh đôi khi rất khó để được định giá chuẩn, nhưng để ra giá trị cho một bức tranh thì ngoài cảm xúc thích thú thì nhà sưu tập họ còn phải lưu tâm đến những yếu tố hình thành nên bức tranh như: cảm xúc hoạ sĩ vẽ, phong cách riêng, sự gắn bó của hoạ sĩ với phong cảnh hay chủ đề bức tranh đó, sự trải nghiệm của hoạ sĩ, những thành tựu được ghi nhận trong các sáng tác trước đây của hoạ sĩ… ngoài ra còn hoạ phẩm vẽ, bút pháp, hoà sắc… tiếp theo là hoạ sĩ có tranh treo tại các gallery chuyên nghiệp trong và ngoài nước ra sao, tham gia các triển lãm nào... Những yếu tố đó để làm căn cứ đưa ra giá trị của bức tranh. Điều này lí giải cho câu hỏi tại sao một bức tranh nhỏ của một danh họa nhưng có giá trị cao gấp hàng chục lần so với một bức vẽ rất đẹp của hoạ sĩ trẻ chưa thành danh.
- Cám ơn anh đã chia sẻ những điều phía sau những gì hiện trên một tấm toan. Tôi thấy anh thi thoảng cũng có làm một việc là đấu giá một bức vẽ trên facebook vì mục đích từ thiện. Đó là việc nhiều hoạ sĩ có lẽ cũng muốn nhưng không phải ai cũng dám làm. Mục đích lớn nhất của việc này là gì?
+ Cảm ơn anh đã quan tâm! Việc tham gia từ thiện xuất phát từ tấm lòng trắc ẩn mà ai cũng có, sự chia sẻ cùng cộng đồng là điều tôi mong muốn. Từ năm 2014 tôi đã tham gia tặng tranh cho hai quỹ mà tôi rất tin tưởng là “Nhà Chống Lũ” do bạn Nguyễn Thị Hương Giang sáng lập và quỹ “Phẫu thuật nụ cười”, đều đặn cho tới nay. Năm vừa rồi do dịch Covid nên mọi hoạt động đều hạn chế, tránh tụ tập đông người, không thể diễn ra các cuộc đấu giá trực tiếp như mọi năm nên tôi nghĩ, hay mình thử tự đấu giá một bức tranh nhỏ để từ thiện xem sao, và kết quả thật đáng khích lệ cho tôi, bức tranh được nhiều người ủng hộ kể cả những người chưa am hiểu lắm về hội hoạ nhưng vì mục đích thiện nguyện nên rất nhiệt tình đấu giá. Cuối cùng bức tranh đã được đặt giá khá tốt và đồng thời mọi người cũng ủng hộ thêm thành một khoản tiền để tôi chuyển cho “Người Chống Lũ” góp phần nhỏ tạo sinh kế cho bà con nghèo vùng lũ.
Mục đích lớn nhất của việc đấu giá là sự lan toả yêu thương giữa con người với con người, với sự sẻ chia giúp đỡ của người có điều kiện tốt hơn với những hoàn cảnh còn khó khăn lại luôn gặp phải thiên tai bão lũ.
Đồng thời qua việc đấu giá tranh thì cũng lan toả thẩm mĩ về cái đẹp trong cộng đồng, giúp mọi người yêu thương nhau hơn trong cuộc sống và thêm yêu cái đẹp trong đời sống nghệ thuật!
-Vâng! Cám ơn anh về cuộc trò chuyện đầu năm. Chúc anh một năm mới với những sáng tạo mới! Hoạt động nghệ thuật tích cực và không quên hoạt động xã hội vì cộng đồng. Chúc các tác phẩm của anh ngày càng có sức lan toả trong chính giới và công chúng, góp phần làm lan tỏa cái đẹp trong đời sống!
Bảo An (thực hiện)
Tạp chí VNQĐ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên