Tiếng họa mi hót trong thơ

Thứ năm - 18/02/2021 16:36
Giới thiệu tập thơ "Điều giản dị" của Nguyễn Thị Hương
Nhà xuất bản Hội nhà văn - 2020
Cầm trên tay tập thơ "Điều giản dị" của nhà thơ Nguyễn Thị Hương, tôi  đọc liền một mạch. 78 bài thơ đã dẫn tôi đến nhận xét rằng tập có khá nhiều bài thơ hay và là một ấn phẩm đẹp, chứng tỏ tác giả đã kỳ công khi tự mình viết lời “Thưa cùng bạn đọc”, tự tổ chức bản thảo, mix trang cho đứa con tinh thần của mình. Nhận xét trên của tôi là có cơ sở được bạn đọc đồng tâm. Tôi càng yên tâm khi cuối năm 2020, tập thơ được Ủy ban Toàn quốc liên hiệp Văn học- Nghệ thuật Việt Nam trao tặng giải C. Thật hiếm hoi, từ mấy chục năm nay, Hưng Yên mới có giải thưởng thơ ở cấp quốc gia.
111

Với bài mở đầu "Họa mi vẫn hót", nhà thơ Nguyễn Thị Hương buông ngân thánh thót tiếng họa mi:

"Kìa có tiếng họa mi thánh thót
Nét thanh cao giữa ô trọc thế gian"

Bài thơ tứ hay nhiều hơn ở câu. Nhờ quan sát tinh tế, chuyện thường nhật ở làng quê, giữa cái tầm thường nhỏ nhoi, tiếng kêu ô hợp của dế mèn, ếch nhái, những âm thanh hỗn hợp, như họp chợ của côn trùng, vẫn lảnh lót tiếng chim họa mi, xua tan tất cả không gian hỗn loạn, cảnh họp chợ tùm hum ấy.  Tứ thơ, câu thơ, chủ đề bài thơ bỗng sáng lên trong khoảnh khắc khiến tôi nhớ tới câu thơ của Khương Hữu Dụng "một tiếng chim kêu sáng cả rừng". Nhưng, ở bài thơ trên, nhà thơ Nguyễn Thị Hương không chỉ nói về tiếng chim đâu, chị nói về đời đấy. Thế mới khéo, tứ thơ là đấy, chủ đề bài thơ là đấy!

Nhà thơ Nguyễn Thị Hương đã vận dụng nghệ thuật xếp đặt đưa bài thơ "Họa mi vẫn hót" ở ngay đầu tập thơ, như người có duyên mời trầu để dẫn dắt bạn đọc thưởng thức những câu thơ hay, bài thơ đẹp của chị. Thắm, đượm đà tình quê, tình bạn và tình đời.

Thơ chị nhẹ nhàng, gợi cảm, có duyên khi mượn thơ để nói về một nhân vật “em” nào đó:"Sông giống như em đấy/Suốt một đời trẻ trung/Như má em hồng dậy/Khuôn ngực vồng cánh cung" (Sông). Đúng vậy, qua thơ chị tôi mới chợt nhận ra, từ ngàn năm nay chưa ai nói sông già, chỉ có cây già, núi non, mọi vật đều sẽ già, còn sông thì mãi mãi trẻ trung. Dùng nghệ thuật nhân hoá, so sánh sông với đặc tính của người con gái  vừa mới, vừa hay lại thật khéo sao?

Thơ về tình yêu của Nguyễn Thị Hương không ngoa ngôn, lộng ngữ, không đánh bóng tình yêu, mà cứ nhẹ nhàng, mềm mại như lạt mềm buộc chặt "cây tình yêu" chung thủy: “Bây giờ thì xuân có còn xanh?/Anh vơ vẩn hỏi lòng mình như thế/ Anh nhớ một buổi chiều nắng xế /Tóc mềm em rủ xuống đời anh”.

Buổi đầu gặp gỡ… "Tóc mềm em rủ xuống đời anh"! Câu thơ có sức nặng, nhờ thủ pháp ẩn dụ, đan cài cho tứ thơ: yêu từ lần ấy: “Bàn tay em ấp iu che ngọn lửa/Thổi bùng lên ánh của yêu tin” (Anh vơ vẩn hỏi lòng mình như thế)
Những câu thơ gợi cảm, hình ảnh đơn giản mà không giản đơn cứ thoang thoảng như hoa nhài thơm lâu, để chỉ thoáng thôi bạn đọc cũng nhớ lâu! Trong tập thơ có nhiều bài thành công ở "gu" này. Bài thơ “Điều giản dị” được lấy làm tên chung cho tập thơ, tập trung nhiều vẻ đẹp của cấu tứ, hình ảnh và cảm xúc:  

- Có những điều giản đơn bình dị
Bỗng một ngày em mới nhận ra
Như gió vẫn bên trời rong ruổi
Cây nhãn trước nhà mấy độ đơm hoa.
                             (Điều giản dị)
Phố Hiến trong thơ Nguyễn Thị Hương với nét Xuân Phố Hiến, như  bức họa hữu tình được nữ sĩ vẽ bằng nét bút tinh tế, ngôn ngữ thơ chọn lọc:"Hoa nhãn ngập ngừng thơm trong kẽ lá/Gọi ong về ríu rít những đường say"(Nét xuân Phố Hiến). Câu thơ rất gợi là một lẽ, nhưng từ "ngập ngừng thơm trong kẽ lá" mới là sáng tạo ngôn ngữ - Thơ hay thường không chỉ ở nội dung, bố cục, có tứ - cái mà nhà thơ chọn từ đặt nó vào vị trí thích hợp nhất - để cho câu thơ thơ đắt nhất…

Cũng với lối sử dụng ngôn ngữ như vậy, chị viết về cánh buồm trên biển: “Nắng cười lấp lóa soi gương biển/Những cánh buồm hồ hởi kéo nhau đi/Chú còng gió miệt mài vê bờ cát/Vẽ từng dòng kẻ vội li ti /Buồm trắng nhấp nhô đùa trên sóng/Buồm nâu lững thững như người già /Cánh buồm xanh trẻ trung căng ngực”(Những cánh buồm). Giữa không gian biển, nhà thơ đặc tả thiên nhiên như người thiếu nữ làm duyên (nắng cười, soi gương biển), con còng gió cũng biết làm hoạ sĩ (vê, vẽ), buồm trắng (đùa trên sóng), buồm nâu (lững thững như người già), khiến cho cảnh biển rộn ràng, khỏe khoắn sống động hẳn lên. Viết về biển cần ngôn ngữ sống động dùng ngôn ngữ "tĩnh" làm sao được?

Các thi nhân xưa nay thường mượn hình để nói bóng, mượn cây để nói hoa. Xuân Diệu yêu hoa, yêu mùi hương mà sợ nắng và gió làm mất sắc của hương hoa đã từng thốt: "Tôi muốn tắt  nắng đi /Cho màu đừng nhạt mất /Tôi muốn buộc gió lại /Cho hương đừng bay đi". Nhà thơ Nguyễn Thị Hương cũng nảy sinh một ý tương tự. Có trăng soi, Nguyệt Hồ thơ mộng quyến rũ hơn nên chị gọi trăng, mượn trăng để tả con hồ đẹp: "Trăng ơi đừng lãng du/Theo mùa đông năm cũ /Thơ chờ trăng gối phố/Cho Nguyệt Hồ đong trăng" (Chiều xuân Nguyệt hồ). Tưởng có thể đặt tên là “Hồ hàm nguyệt” (Hồ ngậm trăng) vậy. Nguyệt Hồ đẹp lung linh, thơ chị lung linh hơn với  hình ảnh thơ này!
Như đã nói ở phần mở đầu, thơ Nguyễn Thị Hương viết về đủ đề tài: quê hương, đất nước, tình yêu và tình bạn, về xuân hạ, thu đông, biển trời…Quê hương trong thơ chị không chỉ đẹp cảnh đẹp người mà còn là mảnh đất anh hùng, địa linh nhân kiệt, rất đáng tự hào: “Đất ơi có nơi nào /Máu nhuộm hồng như thế/Phù sa hay máu đào /Sông quặn lòng ra bể” (Có ai về La Tiến)                    

Khi viết về tình bạn, ngòi bút thơ trở nên tinh nghịch, hóm hỉnh: “Bây giờ trời đã sang chiều /Xin mình đừng nhắc những điều vu vơ /Cái ngày ta tuổi còn thơ /Cái ngày áo trắng hững hờ gió bay” (Thơ vui tặng bạn đồng môn)                     

Nhưng tôi vẫn thích hơn cả những bài thơ của chị viết về tình yêu nam nữ, tình yêu vợ chồng? Điều gì đã cám dỗ tôi thích như vậy? Thơ của chị viết có duyên, duyên thực, tình yêu thực lặn vào câu chữ để rung lên nhịp điệu, thi tứ từ trái tim! Điều này rất đúng với câu nói của Chế Lan Viên: "Hãy đánh thức trái tim anh, thiên tài nằm ở đấy"! Có ai nhớ người yêu nồng nàn cháy bỏng như chị:

"Nhớ ai cháy ruột cháy gan /Nhớ héo mùa hạ, nhớ tàn mùa đông". Ca dao xưa đã nhập đồng vào thơ chị: "Nhớ ai hết đứng lại ngồi, như đứng đống lửa, như ngồi đống than”. Chị sáng tạo và kế thừa ca dao một cách tinh nhuyễn: "Nhớ tay lại nắm phải tay/Người dưng nhớ đến thế này thì thôi!” (Nhớ)

Vì quá yêu mà quá thương, thương nhiều nên khó lắm là đặc tính của phụ nữ, với nhà thơ Nguyễn Thị Hương chị ghen cũng ghê  nhưng không hề xốc nổi, chanh chua như gái quê. Với chị còn là một nhà sư phạm nên tâm lý: “Tay anh chỉ một em cầm /Trái tim riêng đập cho mình em thôi”. Chị lý giải ghen vì quá yêu: "Có em mỗi sớm bình minh /Có tia nắng ấm lung linh rạng ngời /Có ánh mắt, có nụ cười /Có đôi môi biết nói lời thương  yêu". (Em).

Bao nhiêu việc bộn bề lo toan cuộc sống, đến việc lớn, việc nhỏ như lau nhà, hát ca, chị muốn chồng là khán giả khen đầu tiên; lời thơ thủ thỉ, nhẹ nhàng, nhưng thật gần gũi khi chị nhắc người bạn đời duy nhất một điều:"Nhớ là phải tấm tắc khen ngợi/Và suốt đời có thế nào cũng vẫn nắm tay em"

Cứ thế, nữ sĩ yêu thơ, yêu chồng mặn nồng tha thiết, để gửi tới bạn đọc những vần thơ thiết tha: “Bây giờ anh đã về chưa/Chiều nay lá rụng đường thưa bóng người”, “Vẫn trời, vẫn đất đó thôi/Mà sao nỗi nhớ ủ rồi lại nhen”(Hai câu). Yêu như thế mới là thật yêu! Chị thủy chung với người thân, với thơ đã thổi hồn thơ cho thơ chị vỗ cánh, lan tỏa. Cho chị trẻ trung, với đời thơ chân chất mà hàn lâm, những câu thơ vụt sáng: “Bất chợt gặp vầng trăng mới mọc /Trái thị vàng mơ giấc tuổi thơ”(Thu sang); Nguyệt Hồ lại xanh trong /Sóng luyênh loang cá quẫy/Trời xanh trong mắt xanh /Soi gương hồ lộng lẫy”(Viết bên Nguyệt Hồ)

Đọc 78 bài thơ trong tập "Điều giản dị" của nhà thơ Nguyễn Thị Hương tôi thấy lòng mình thanh thản, nhẹ nhàng, như được chiêm ngưỡng và hít thở trong một vườn hoa thoang thoảng thơm, dịu mát tâm hồn. Câu thơ hay, bài thơ hay, tứ đẹp trong thơ chị, đọng lại một khoảng lặng: "Đã đi quá nửa cuộc đời /Tâm thanh tịnh chẳng đầy vơi ưu phiền /Ngẫm hay muôn sự tùy duyên/Hồn nhiên đón mặt trời lên mỗi ngày!" (Lặng)

Cứ thế, nhà thơ Nguyễn Thị Hương hồn nhiên đón mặt trời lên mỗi ngày, thực sự mỗi ngày là một niềm vui. Và vui hơn cả là thành công sáng tạo thơ ca của chị qua tập "Điều giản dị" đã được khẳng định, được chưng cất lên từ tiếng họa mi thánh thót. Thơ Nguyễn Thị Hương cũng là tiếng lòng yêu thương sâu lắng của một người phụ nữ từng trải nhiều ngọt bùi cay đắng, gửi đến bạn đọc thông điệp bằng âm thanh, gọi mùa quả chín thơm hương, mênh mang lan tỏa.
                                                        
Lê Hồng Thiện

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây