Viết văn mùa Tết

Thứ tư - 17/02/2021 10:28

Trong làng văn, làng báo Việt có một mùa rất sôi động cho sự viết, đó là mùa Tết. Tết thì có liên quan gì đến văn chương? Có đấy, ít nhất là liên quan tới miếng cơm, manh áo, chiếc bánh chưng của rất nhiều nhà văn.

Không biết việc viết văn mùa Tết bắt đầu từ khi nào nhưng tôi đoán rằng khi các tờ báo tiếng Việt bắt đầu có sức sống mạnh mẽ hồi đầu thế kỉ XX, cùng với sự xuất hiện của các nhà in tư nhân thì cũng là lúc mùa Tết trùng với một vụ thu hoạch của văn chương của các nhà văn Việt.

111
Nhà văn Tô Hoài (ngồi giữa) cùng các bạn văn Nguyễn Đăng Mạnh (trái), Vũ Tú Nam (phải) và Phạm Vĩnh Cư (phía sau)

Nhà văn Tô Hoài kể rằng, hồi xưa các nhà văn có một tục lệ đi mùng tuổi ông Tân Dân ngày mồng một Tết. Ông Tân Dân là ai mà các nhà văn phải làm việc này. Thưa, ông Tân Dân chính là nhà văn, nhà viết kịch Vũ Đình Long, ông chủ của nhà in Tân Dân, là ông bầu của rất nhiều tờ báo nổi tiếng hồi đó như Tiểu thuyết thứ bảyPhổ thông bán nguyệt sanTao ĐànÍch Hữu...

Người như Tô Hoài và các nhà văn khác đúng hôm mùng một Tết đến mùng tuổi ông chủ báo bằng một món quà rất văn chương: một truyện ngắn Tết. Ông Tân Dân nhận quà mùng tuổi của các nhà văn và mùng tuổi lại họ mấy đồng tiêu tết. Nhưng truyện ngắn viết tết năm đó thì để đăng số tết năm sau và cứ thế quay vòng.

Như thế, viết văn mùa Tết đã thành cái lệ truyền thống, từ khi văn chương, báo chí trở thành món ăn tinh thần của người Việt. Cũng theo nhà văn Tô Hoài thì nhuận bút báo tết cũng không cao hơn báo thường nhưng sướng nhất là những đồng tiền đó luôn được chủ bút đích thân trao cho các nhà văn. Đó là cái khoái thú nho nhỏ của người viết, còn bây giờ, tất nhiên khi nhận nhuận bút, báo Tết hay báo thường các nhà văn thường chỉ gặp nhân viên kế toán hoặc thủ quỹ mà thôi!

Không những báo Tết mà hồi đó, đã có những quyển sách tết rất hợp thời được in ra để phục vụ công chúng. Chính nhà in “Tân Dân thư quán” của Vũ Đình Long đã cho ra đời cuốn Sách xem Tết đầu tiên từ năm 1928. Nhà “Nam Ký thư quán” cũng ra Sách chơi Xuân năm 1929.

Ngay cả ở thời kì chiến tranh, mỗi dịp Tết đến, các toà báo cũng nô nức chuẩn bị các bài viết cho số báo Tết. Theo nhà phê bình Vương Trí Nhàn thuật lại, nhà văn Thanh Tịnh - chủ nhiệm đầu tiên của Tạp chí Văn nghệ quân đội vào mỗi dịp Tết, Thanh Tịnh thường có cả chục tác phẩm in trên các tờ báo khác nhau. Các nhà thơ như Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Tế Hanh… cũng thường dành như bài thơ đặc sắc nhất của mình để gửi đăng trong dịp đó. Các biên tập viên, phóng viên cũng luôn dành thời gian và sức lực để sản xuất ra các tác phẩm phù hợp để đăng báo Tết.

Chính cái từ “phù hợp” này sẽ là một điểm nhấn trong bài viết của tôi. Phù hợp với báo Tết là gì? Đây có lẽ là cơ hội để tiết lộ những “bếp núc hậu trường” của nghề làm văn làm báo. Mỗi dịp chuẩn bị cho số báo Tết, ngày xưa là chủ nhiệm, bây giờ là tổng biên tập, họ thường đưa ra những chủ trương để thực hiện số báo Tết. Thông thường sẽ là: “đặc sắc, nhân văn, vui vẻ, ấm áp, hài hoà, có không khí Tết, khí Xuân…”

Tết gợi nhớ đến sự sum họp đầm ấm trong gia đình nên những truyện ngắn, bài thơ, bài báo có nội dung quá dữ dội khốc liệt thường để dành đăng những dịp khác. Những truyện ngắn giàu tính nhân văn, nhẹ nhàng, kết thúc có hậu thường được các biên tập viên ưa thích và lựa chọn theo gu của báo mình. Tờ báo Tết, cuốn sách Tết cũng giống như mâm cỗ trên bàn tiệc, ai cũng muốn vào dịp quan trọng nhất trong năm, các món ăn được bày ra phải đặc sắc, thơm ngon nhất nhưng cũng phải gây được thiện cảm. Những chủ để gay cấn, gây tranh cãi, hiểu lầm hoặc tạo ra không khí u ám thường thường không được chọn lựa.

Đã nhiều năm làm biên tập và quan sát, những cụm từ sau đây tôi thấy được dùng nhiều nhất trong các tác phẩm in vào dịp Tết: xuân muộn, xuân sớm, tết muộn, rét muộn, hoa đào, nhành mai… Những cụm từ này chỉ đọc lên đã gợi được không khí Tết, không khí Xuân và riêng từ “muộn” rất được ưa dùng. Vì sao như vậy? Muộn chứ không phải không đến. Lí do là các truyện ngắn Tết thường chú trọng tính nhân văn, những cảnh đời éo le và kết thúc có hậu, những motif như thế thường rất hợp với từ “muộn”. Một đứa trẻ cuối cùng tìm thấy được gia đình sau những ngày lưu lạc, một phụ nữ tìm thấy được hạnh phúc sau thời gian đằng đẵng khổ đau, một người cha ở xa nhà vượt qua rất nhiều khó khăn để về ăn tết kịp… Đó là những bối cảnh thường thấy ở những truyện ngắn Tết và từ “muộn” luôn đắc địa ở những tình huống này.

Nhưng cũng chính vì các nhà văn và các tờ báo có xu hướng chọn những tác phẩm có sự “ấm áp” như thế nên những tác phẩm thật sự có cá tính hoặc gây được ấn tượng mạnh thường hơi hiếm. Cá tính sắc và ấn tượng mạnh thường gây ra những xung đột và mâu thuẫn cao độ cũng như cách giải quyết quyết liệt lại ít phù hợp với bầu không khí của đoàn tụ yên vui. Cho nên, ngoài cái “khí quyển” tương thích với mục đích muốn hướng đến, đôi khi những truyện ngắn Tết có vị “nhạt” và đường hướng khá giống nhau hoặc trùng lặp.

Để chuẩn bị cho mùa viết dịp Tết đôi khi người ta chuẩn bị cả năm trời. Một trong những đề tài được nhiều người yêu thích là mười hai con giáp. Năm Sửu thì viết về trâu, năm Tuất viết về chó, năm Hợi viết về lợn, năm Tỵ viết về rắn… và cứ thế quay vòng. Tôi biết có người viết đã viết sẵn những tác phẩm đủ về mười hai con giáp và chỉ đợi đến năm nào đúng dịp thì tung ra. Đó cũng là một cách làm chuyên nghiệp nhưng nếu cứ đi theo vòng tuần hoàn đó thì cũng rất dễ sáo mòn, cũ kĩ.

Một trong những sự lựa chọn yêu thích của các toà báo là dịp Tết là mời những tên tuổi “đình đám” viết cho báo mình. Sự lựa chọn ấy tất nhiên là phù hợp với thị trường, dễ thu hút công chúng và làm sang cho tờ báo. Khi một cái tên sáng giá được trưng ra thì dễ dàng thu hút sự chú ý của bạn đọc. Nhưng cũng một thực tế là không phải “ngôi sao” nào cũng có những bài hay, hoặc bài viết không tương xứng với tên tuổi đã định hình. Trong những trường hợp đó những người làm biên tập, làm báo như chúng tôi thường nói rằng, bài không hay lắm nhưng được cái tên. Đôi khi cái tên còn quan trọng hơn một bài viết thực sự. Vì một thực tế là những gương mặt sáng giá vào dịp Tết thường được nhiều nơi mời mọc, mà viết nhiều quá, dàn trải thì khó có những tác phẩm đặc sắc, đó cũng là một thực tế mà nhiều lần tôi đã rất thất vọng với những cây bút mình yêu quý.

Nói như thế thì có vẻ tôi đã “nói xấu” nghề nghiệp của mình và những bếp núc của sự viết nhưng tôi biết có những người quyết giữ uy tín của mình bằng những bài viết chất lượng. Nếu cảm thấy không kham nổi hoặc thấy hơi “đuối” thì sãn sàng từ chối, những tấm gương đó luôn làm tôi kính trọng và là bài học cho nghề viết. Trong hoàn cảnh nào ta cũng không được dễ dãi với nghề nghiệp của mình, cần làm nghề với sự tôn trọng và tâm huyết cao nhất.

Nói thế, cũng có vẻ tôi đã quá lo lắng. Nhiều nhà văn biết rằng dịp Tết là vụ thu hoạch của mình, có cảm hứng để viết và các toà báo, nhà xuất bản cũng “nới tay” mà trả nhuận bút cao hơn cho tác giả. Người viết cũng tận tâm, tận lực mà cho ra đời những tác phẩm chất lượng để xứng đáng với tên tuổi của mình và niềm tin các toà soạn đã dành cho họ. Một người bạn văn của tôi bảo, anh chuẩn bị cho mùa văn Tết từ đầu hè, chuẩn bị tư liệu, cảm hứng và viết trong một thời gian dài không bị áp lực nhiều để có những tác phẩm tốt nhất.

Cùng với báo Tết thì với xu hướng quay lại truyền thống, gần đây đã có những đơn vị ra những cuốn sách Tết như đầu thế kỉ XX các bậc tiền nhân đã làm. Có thể kể đến những cái tên như nhà sách Đông A hay Sống đã ra những quyển sách Tết khá hay và đa dạng. Và  để đảm bảo chất lượng cũng như có những cái tên “bảo lãnh” cho sản phẩm, họ thường mời những cây bút tên tuổi đứng ra lĩnh xướng tuyển chọn. Hai cái tên tôi thấy đứng tuyển chọn trong những quyển sách Tết mới nhất là nhà văn Hồ Anh Thái và Nguyễn Quang Thiều. Những cuốn sách Tết được đầu tư, đặt bài cụ thể kèm theo những tranh ảnh minh hoạ đẹp đã tạo nên những ấn phẩm sang trọng, là món quà Tết rất ý nghĩa. Theo xu hướng chung của cuộc sống hiện đại và gu thẩm mĩ, các bài trong các sách Tết này thường khá ngắn và đa dạng, nội dung chủ yếu về không khí Tết xưa, Tết nay, những cảm nhận muôn mặt về đời sống xã hội và do các cây bút có sức hút nhất định với công chúng tham gia viết.

Tết là một trong những sự kiện quan trọng nhất của đời sống người Việt. Mỗi dịp Tết là bao nhiêu câu chuyện để kể, bao nhiêu cuộc xum họp, bao nhiêu niềm vui chia sẻ, giãi bày. Trong những ngày vui bậc nhất ấy, nhâm nhi một truyện ngắn hay, một bài thơ đẹp hoặc một bài viết ý nghĩa há không phải cộng hưởng niềm vui cho đời sống tinh thần đó sao. Tết của dân tộc Việt còn tồn tại thì sẽ còn những nhà văn viết về Tết với niềm cảm hứng khát khao được sống, yêu và hi vọng…
 

Tác giả: Uông Triều
Nguồn Văn nghệ số 6+7+8/2021

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây