Cùng là cảnh núi rừng nhưng ở An Tử (Yên Tử) thì lại khác. Vào độ này, An Tử thường có mưa rất lớn. Nước suối Giải Oan sâu lút cây sào. Ban ngày nóng nhưng ban đêm lại mát. Gió từ biển Đông mang hơi nước tràn về, sơn phòng cửa mở, nằm bên trong như có quạt hầu. Rừng Lam Sơn cũng có tiếng beo gầm, vượn hú, tiếng chim kêu ríu ran nhưng không có tiếng ầm ào thác đổ, tiếng chuông chùa ngân nga hòa tiếng mõ, tiếng sáo trúc véo von như An Tử. Ký ức bỗng ùa về… Ngày ấy cách đây hơn mười năm, Ngũ Thư rời làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, lộ Hải Đông (tỉnh Hưng Yên) tìm đường về An Tử, vượt suối trèo non lên chùa Vân Yên, vào bái yết quốc sư Vô Trước - Tổ truyền thừa đời thứ mười một của dòng Thiền Yên Tử - xin xuất gia tu hành. Được Quốc sư hỏi, anh thành thật kể về gia cảnh mình.
Phạm Ngũ Thư là cháu ba đời của danh tướng Phạm Ngũ Lão, bậc đại công thần văn võ toàn tài nổi tiếng triều Trần. Tuy được xuất thân trong một gia đình danh gia vọng tộc nhưng anh lại sớm mồ côi cha mẹ, được quan Thái bảo Trần Nguyên Hãng nhận làm con nuôi và gả cháu gái cho.
Năm hai mươi tuổi, Ngũ Thư đỗ kỳ thi hội, được triều đình bổ làm quan ở huyện Mỹ Đức (Hà Tây), sau được thăng lên chức Chánh An phủ sứ trấn Thiên Hưng (một số tỉnh Tây Bắc). Vào cuối thời Trần, Hồ Quý Ly lộng quyền, thao túng triều chính. Mưu đồ chiếm đoạt ngai vàng của Hồ Quý Ly khiến quần thần nhiều người tức giận. Quan Thái bảo Trần Nguyên Hãng, tướng Trần Khát Chân và một số vương hầu nhà Trần lập mưu sát hại Hồ Quý Ly nhưng bị lộ. Ba trăm bảy mươi người có liên quan tới vụ này đã bị Hồ Quý Ly sát hại, vợ con của họ bị đày ải, gia sản bị tịch thu sung công. Trần Nguyên Hãng may thoát chết liền thay tên đổi họ trốn vào đất Diễn Châu.
Tuy không can dự vào vụ này nhưng vì là con nuôi của Trần Nguyên Hãng, Ngũ Thư biết mình sẽ không tránh khỏi sự nghi ngờ của Hồ Quý Ly. Chán cảnh quan trường thời mạt vận, tránh họa tru di rình rập giáng xuống đầu, Ngũ Thư lấy lý do bị bệnh nặng, từ quan, tìm về Yên Tử xin xuất gia tu hành.
Ở đây, Thiền sư Trí Lâm gặp rất nhiều Phật tử đến từ khắp mọi miền đất nước. Người về lễ Phật nguyện cầu cho quốc thái dân an. Kẻ về chùa kiếm chốn nương thân, lánh nạn binh đao. Họ đem về đây nhiều tin dữ. Nhiều nhất vẫn là chuyện giặc Minh gây tội ác với dân ta... Rồi có tin một thân vương nhà Trần tên là Trần Ngỗi cùng Trần Triệu Cơ tụ tập dân binh chống giặc Minh, xưng là Giản Định đế; kế đó, một thân vương khác tên là Trần Quý Khoáng xưng là vua Trùng Quang lãnh đạo nhân dân chống lại sự đô hộ của nhà Minh, bị giặc bắt đưa về phương Bắc, trên đường đi nhảy xuống sông tự tử. Gần đây lại có tin ông Lê Lợi ở đất Lam Sơn dựng cờ khởi nghĩa, tập hợp các anh hùng hào kiệt và muôn dân trong nước đánh giặc Minh...
Cho đến một hôm, Thiền sư Trí Lâm và các huynh đệ ở Sơn môn Vân Yên đang hành thiền thì lũ người ngựa giặc Minh kéo vào núi An Tử. Chúng đốt phá ngôi chùa Long Động. Người nhà chùa ra ngăn bị chúng trói nghiến vào chân cột và bị chết cháy trong chùa này. Chúng kéo vào đốt chùa Giải Oan rồi lên Vân Yên đốt chùa, phá tháp. Tòa tháp Tổ Huệ Quang thờ đức Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông cao ngất, không kém gì tháp Phổ Minh ở phủ Thiên Trường, đứng ở thung lũng Giải Oan nhìn lên vẫn thấy phần ngọn tháp, chúng dùng chất nổ làm sập đổ. Tiếng nổ và tiếng tháp đá đổ làm rung chuyển núi rừng, khiến lũ chim rừng giật mình hoảng hốt bay rợp trời An Tử và làm thú rừng chạy trốn thục mạng. Trước khi đốt chùa phá tháp, bọn giặc lấy đi hai pho tượng Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông đúc bằng vàng cỡ lớn, một thờ trong Tháp Tổ và một thờ trong chùa Vân Yên vốn được vua Trần Anh Tông cho đúc sau khi đức Điều Ngự Giác Hoàng viên tịch. Chúng thu hết các chuông, tượng, đồ đồng và các đồ vật quý mang đi. Những bộ kinh sách Trúc Lâm quý giá, sách y thuật, sách văn chương... cũng bị chúng cướp hoặc chúng đốt. Văn bia của chùa cũng bị chúng phá hủy. Chúng đem theo bọn thầy địa lý đến trấn yểm, chọc mù cặp Mắt Rồng phía sau tháp Tổ. Khói lửa từ các tự viện, tàng thư, tăng phòng, nhà khách cả những cánh rừng gần chùa... cháy bốc cao, khét lẹt. Tàn tro bay mù mịt cả một vùng.
Nhờ được các sư từ Giải Oan lên báo, mọi người ở Vân Yên chạy tản cả vào rừng. Thiền sư Trí Lâm đưa quốc sư Vô Trước sang am Ngự Dược ở rừng bên. Am này được Điều Ngự Giác Hoàng cho xây dựng trước ngày Ngài về An Tử tu hành chừng một tháng. Nhìn những cột khói bốc cao từ các chùa bị cháy, nghe tiếng tháp đá đổ, Thiền sư Trí Lâm vô cùng đau đớn.
Giặc rút. Trở về chùa Vân Yên, trước cảnh chùa, tháp bị hủy hoại, ánh mắt Thiền sư như có lửa. Lặng một hồi lâu, Thiền sư ướm hỏi thầy Vô Trước:
- Bạch thầy! Kẻ xuất gia tu hành theo Phật đạo cầm gươm diệt giặc có phạm giới sát không?
Quốc sư Vô Trước lắc đầu:
- Hơn trăm năm trước, đức Điều Ngự Giác Hoàng đương khi làm vua đã giác ngộ Phật. Hình tướng Ngài tuy chưa xuất gia nhưng tâm Ngài đã xuất gia ngay từ lúc Ngài còn nhỏ tuổi. Hai lần giặc Nguyên sang xâm lược nước ta vào cuối những năm Giáp Thân (1284) và Đinh Hợi (1287), cả hai lần, Ngài khoác chiến bào, cầm gươm, cưỡi voi ra trận, thống suất đại quân, khi thì ở Trường Yên, Hàm Tử Quan, lúc thì ở Thăng Long, Bạch Đằng giang..., diệt và bắt sống hàng vạn tên giặc Nguyên Mông hung hãn, đánh thắng giặc vào những năm Ất Dậu (1285) và Mậu Tý (1288). Sau khi đã xuất gia ở hành cung Vũ Lâm, Ngài vẫn cầm quân đi giữ yên bờ cõi phía Tây - Nam Đại Việt. Như thế có phạm giới sát không? Phật Tổ tuy đã dạy “lấy ân báo oán, oán ấy sẽ tiêu tan. Lấy oán báo oán, oán càng thêm chồng chất”, nhưng Phật Tổ lại dạy: “Những điều thiện chưa sinh thì làm cho phát sinh. Thiện đã phát sinh rồi thì phải làm cho phát sinh hơn nữa. Những điều ác chưa phát sinh thì đừng làm cho nó phát sinh ra. Điều ác đã phát sinh ra rồi thì đừng cho nó phát sinh ra thêm nữa”. Nay giặc Minh sang cướp phá nước mình, giết người vô tội, cướp bóc của cải để thỏa lòng tham... Đó là chúng mang cái ác đến cho ta. Ta muốn yên, giặc chẳng để cho yên. Ta ở vào thế phải chống lại. Ta diệt giặc cốt để “cái ác đã phát sinh ra rồi thì đừng để chúng phát sinh ra thêm nữa” theo lời Phật dạy, như thế không phạm giới sát vậy! Tiếc là nay thân ta đã già rồi, sức không thể vung gươm ra trước trận để giữ cơ đồ của Phật Tổ, bảo vệ chúng sinh, giang sơn xã tắc như các chư Tổ: Điều Ngự Giác Hoàng, Tuệ Trung Thượng Sỹ và các Thiền sư trước đã làm. Giờ ta trông cậy vào các con!
Thiền sư Trí Lâm quỳ sụp xuống lạy thầy:
- Con nguyện nối chí thầy và các bậc tiền nhân!
Đoạn, giã biệt thầy và các huynh đệ ở Vân Yên.
Xuống tới chân núi, Trí Lâm thay y phục nhà sư bằng bộ quần áo dân thường đến bến đò Triều, gặp người hành khất đến xin ăn, Ngũ Thư nhường suất cơm chay độ đường của mình cho ông ta. Vừa cầm nắm cơm, ông báo tin “bọn giặc đến đấy!” rồi chỉ tay về chỗ miếu thờ gần đó. Thoắt cái, Ngũ Thư đã núp sau cái miếu, ghé mắt nhìn ra thì thấy toán giặc Minh xuất hiện. Người hành khất vẫn thản nhiên ngồi ăn. Chờ giặc đi khỏi, Ngũ Thư cảm tạ người hành khất rồi lên đò sang sông.
Vượt qua những vùng bị giặc chiếm đóng, Ngũ Thư tạt về nhà ít hôm, gặp vợ và ba con, đoạn, tìm đường vào Lam Sơn theo Lê Lợi. Được vợ cho biết cha nuôi đang ở đất Diễn Châu không biết giờ sống chết ra sao, nhân chuyến đi này, Ngũ Thư vào Diễn Châu tìm kiếm, tới nơi thì được tin cha nuôi đã mất lâu rồi.
Đêm ấy, nghỉ lại nơi quán trọ, Ngũ Thư gặp một trang nam nhi sức vóc hơn người, đôi mắt sáng như sao, cặp lông mày lưỡi mác. Biết đây không phải hạng người thường, Ngũ Thư chủ động đến làm quen:
- Ta là Phạm Ngũ Thư ở Đường Hào, phủ Thượng Hồng. Hân hạnh được làm quen. Chẳng hay quý danh huynh là gì?
- Đệ người Lập Thạch, Tam Đới phủ (nay là Vĩnh Phúc). Húy danh của đệ là Trần Nguyên Hãn!
Ngũ Thư tròn mắt:
- “Nguyên Hãn” hay là “Nguyễn Hãng” vậy?
- Trần Nguyên Hãn... - Anh ta nhắc lại - Sao huynh lại ngạc nhiên đến thế?
- Cha nuôi của ta là Trần Nguyên Hãng, gần trùng với húy danh của đệ!
Nguyên Hãn cả cười:
- Huynh đệ ta đã hữu duyên rồi!
Nguyên Hãn cũng thuộc dòng tôn thất nhà Trần. Hãn kể cho Ngũ Thư nghe chuyện một hôm đến lễ thần ở đền Bạch Hạc, thấy thần ở đền núi Tản Viên bảo với thần ở đền Bạch Hạc rằng “Trời đã sai Lê Lợi ở Lam Sơn làm vua nước Nam”. Lại nghe tin ở núi Lam Sơn thuộc phủ Thiên Xương (Thanh Hóa) có đức ông Lê Lợi phất cờ tụ nghĩa. Ông ấy là người mai danh ẩn tích ở núi rừng làm nghề cày cấy; đọc sách kinh sử, chuyên tâm khảo cứu về các sách thao lược; hậu đãi các tân khách, chiêu nạp những kẻ chống giặc bị giặc bắt trốn ra hoặc những kẻ có gan đánh giặc; ngầm nuôi những kẻ mưu trí; bỏ của, phát thóc để giúp cho những kẻ côi cút bần hàn; hậu lễ, nhún lời để thu nạp bọn anh hùng hào kiệt trong thiên hạ. Thật là bậc anh hùng thời nay! Tự thấy Lê Lợi xứng danh minh chủ, Nguyên Hãn muốn đầu quân theo ông.
- Huynh có vào Lam Sơn với đệ không? - Nguyên Hãn hỏi.
Ngũ Thư gật đầu:
- Ta cũng đang trên đường tới đó!
Cả hai trò chuyện đến canh khuya. Mờ sáng hôm sau, họ cùng rời quán trọ, tìm đường vào Lam Sơn. Chủ tướng Lê Lợi vui mừng thu nạp họ vào đoàn nghĩa binh.
Ở Lam Sơn sau một thời gian ngắn, ngoài Trần Nguyên Hãn đã quen từ trước, Ngũ Thư còn được biết tới văn thần Nguyễn Trãi và các võ tướng: Lê Thạch, Lê Lai, Đinh Lễ, Đỗ Bí, Nguyễn Xí, Lý Triện, Lưu Nhân Chú, Phạm Văn Xảo, Trịnh Khả và các võ tướng, văn thần khác. Nghĩa binh Lam Sơn khi ấy chưa đầy một nghìn người, lập thành các đạo binh phụ tử gồm ba binh chủng: quân thiết đột, quân dũng sĩ và quân nghĩa sĩ. Tất cả đều thân thiết, coi nhau như cha con, anh em trong một nhà.
Ngũ Thư được chủ tướng Lê Lợi giao việc chuyên huấn luyện võ thuật, binh khí cho nghĩa binh Lam Sơn. Những môn võ chiến đấu của Võ phái Đông A lưu truyền từ đời nọ sang đời kia ở dòng tộc Trần truyền dạy trong ba quân tướng sỹ và được trui rèn qua thực tế chiến đấu chống giặc Nguyên Mông đã được ông nội Phạm Ngũ Lão đúc kết thành tinh hoa võ học truyền lại, nay Phạm Ngũ Thư đem ra huấn luyện cho nghĩa binh Lam Sơn.
Một lần, chủ tướng Lê Lợi đến xem thầy trò Ngũ Thư tập luyện. Nhìn khối dân binh mình đồng da sắt, đội ngũ chỉnh tề, tăm tắp ngồi đứng, biến hóa dọc ngang theo quân lệnh, tung ra những đòn hiểm liên hoàn nhanh mạnh như sấm sét, múa gươm vung giáo tựa cuồng phong, chủ tướng Lê Lợi rất hài lòng. Đợi lúc thầy trò Ngũ Thư nghỉ giải lao, chủ tướng tay giơ cao bầu rượu:
- Mời huynh đệ lại cả đây uống rượu!
Cả đám e ngại nhìn nhau không dám lại gần. Mãi đến khi Ngũ Thư vẫy gọi vào, mọi người mới hò nhau ùa cả lại. Rượu trong bầu lúc đó còn rất ít, không biết cho ai uống ai đừng. Chủ tướng cười vang, dốc bầu đổ rượu vào cái vò sành lớn đang đựng nước uống để gần đó, tự tay múc “rượu” ban cho Phạm Ngũ Thư rồi mời tất cả anh em khác tự múc rượu uống cùng. Rượu hòa nước lã tuy chỉ còn chút mùi thơm của rượu, song tất cả đều cảm thấy ngon lành vì đó là rượu tình rượu nghĩa, cay đắng ngọt bùi phụ tử, huynh đệ cùng chung hưởng.
Lê Lợi nêu câu hỏi:
- Binh pháp có câu: “Biết mình biết người, trăm trận trăm thắng”. Thời gian qua, ta thì ở Lam Sơn mà giặc thì lại ở khắp các châu, lộ, phủ. Ta bị cô lập, không biết rõ binh tình của chúng. Ta chỉ “biết mình” mà chưa biết được người. Như thế làm sao ta thắng được? Ai có cách gì hóa giải không?
Câu hỏi xoáy vào lòng Ngũ Thư. Chợt nhớ tới người hành khất năm xưa ở bến đò Triều, Ngũ Thư bỗng nảy ra kế sách định bật dậy, chạy ra ngoài lán, định hét toáng lên nhưng phải kìm lại vì sợ làm kinh động đến quân doanh. Bấy giờ đã sang canh. Cái nóng về đêm đã bớt dần. Gió từ xuôi thổi về, những vạt lá rừng khua xào xạc, vài giọt sương đêm rớt xuống người mát lạnh. Sáng mai, nhất định ta sẽ trình chủ tướng! Lòng tràn ngập niềm vui khôn tả, chàng liền vào lán, chìm sâu trong giấc ngủ ngon lành.
***
Trời chưa sáng hẳn, Ngũ Thư đã chạy sang lán của chủ tướng để xin trình kế sách đánh giặc. Theo kế sách này, Ngũ Thư xin chủ tướng cho lập một hệ thống gồm những người trung thành và tận tụy, dũng cảm và mưu trí, có khả năng quan sát và ứng biến mau lẹ... được tuyển chọn từ đội quân thiết đột vừa được Ngũ Thư huấn luyện kỹ càng về võ thuật, binh khí và công lực. Họ sẽ được huấn luyện thêm về khả năng liên kết theo chiều ngang và chiều dọc; biết cách sử dụng ám hiệu, tín hiệu, mật hiệu; biết thay hình đổi dạng và biết ứng biến tùy cảnh tùy thời... Họ sẽ vào vai các nhà buôn, nhà sư, học trò, đào kép hát, những kẻ hành khất tha phương cầu thực, những kẻ “thâm thù với nghĩa binh Lam Sơn”... rồi tỏa ra khắp các châu, lộ, phủ, cài vào hàng ngũ địch, đến các vùng địch tạm chiếm để nắm tình hình, nhất là cách bố phòng, sự hoạt động và binh lực địch. Ngũ Thư xin chủ tướng giao cho mình trực tiếp tổ chức, huấn luyện, điều hành lực lượng này.
- Được! Nhưng việc luyện võ thuật, binh khí cho nghĩa binh, ai lo? - Chủ tướng hỏi.
- Trình chủ tướng! Đã có những huynh đệ đủ tài sức thay đệ làm việc ấy!
- Nếu ta chấp thuận, đệ sẽ ở vào thân phận gì, nhà sư, lái buôn hay kép hát?
- Làm sư thì đệ đã từng làm. Làm lái buôn thì đệ vốn không quen. Đệ sẽ vào vai người hành khất!
- Vì sao đệ lại chọn vai ấy?
- Trình chủ tướng! Từ ngày giặc Minh sang xâm lược, dân ta bị chúng vơ vét của cải, đói rét triền miên, nhiều người phải bán vợ đợ con, tha hương cầu thực mà thành hành khất. Trên đường về đây, đệ gặp họ đầy đường. Đệ đã từng giả làm hành khất để đi qua các vùng giặc tạm chiếm. Đệ thấy họ có thể đi lại được khắp nơi mà giặc chẳng nghi ngờ gì về họ. Đó chính là lợi thế của họ nhưng lại là chỗ sơ hở của giặc. Thân thể của họ càng dơ dáy, cùi hủi, ghẻ lở thì bọn giặc lại càng coi rẻ, xem thường, không phòng ngừa gì họ. Vì thế, họ có thể tung hoành được khắp nơi, xông bừa vào chỗ giặc đóng quân, kho lương của địch để quan sát, nắm tin hoặc chuyển tin đi nhanh chóng, an toàn. Họ dễ dàng đến được cả những nơi mà người bình thường không đến được!
Chủ tướng vỗ đùi cười ha hả:
- Hay! Ta y theo phương sách của đệ!
Chủ tướng căn dặn: Người làm việc này ngoài phẩm chất trung thành, dũng cảm, mưu trí ra, còn phải tuyệt đối giữ bí mật, phải nhập vai thật khéo, dẫu có chết cũng không để lộ thân phận; phải biết nhận ra nhau bởi ám hiệu riêng; phải cung cấp thông tin nhanh, kịp thời, đầy đủ và chính xác; phải là cầu nối giữa nghĩa binh Lam Sơn với các nghĩa binh ở vùng địch tạm chiếm... Cuối cùng, chủ tướng nhấn mạnh:
- Ta giao cho đệ toàn quyền tổ chức, huấn luyện và trực tiếp điều hành lực lượng này. Thắng giặc, đệ sẽ được trọng thưởng!
Ngũ Thư bắt tay ngay vào việc. Chừng một tháng sau, lực lượng tình báo của nghĩa binh Lam Sơn trong vai các nhà buôn, nhà sư, học trò, đào kép hát, những người hành khất, những kẻ “thâm thù nghĩa binh Lam Sơn”... bí mật tỏa đi khắp các châu, lộ, phủ, cài vào hàng ngũ địch hoặc hoạt động tại các vùng giặc chiếm đóng.
Trong vai người hành khất tật nguyền, Phạm Ngũ Thư chu du khắp thôn cùng ngõ hẻm. Nơi nào có giặc là đến. Có lần, đang ngồi xin ăn ở trại Quan Du - một cứ điểm phòng vệ quan trọng của thành Tây Đô mà giặc đang chiếm đóng - thì bị một toán giặc Minh kéo ra đứng vây quanh. Một thằng trong bọn rút que tên trong ống ra, dùng đầu mũi tên bịt đồng sắc lẹm khía lên trán làm máu ứa ra, chảy thành dòng trên mặt anh. Cả bọn ngoác mồm cười hô hố. Cố nén nỗi đau và căm giận, Ngũ Thư thản nhiên ngồi xếp bằng tròn, rút cây sáo trúc cất sẵn ở bị gai khoác trên vai ra thổi. Biết giặc xa nhà nhớ cố hương, Ngũ Thư lựa những giai điệu nhạc xứ Bắc trong trò cổ tích Tây vương mẫu hiến bàn đào phổ vào làn điệu thanh âm từ sáo trúc, khi khoan khi nhặt, lúc bổng lúc trầm. Bọn giặc kéo ra đứng vòng trong vòng ngoài xem người ăn mày cầm ngang cây sáo mà không cầm dọc sáo để thổi như ở xứ Bắc. Có đứa nghe, len lén lau nước mắt. Nhờ lân la vào các trại giặc ở Quan Du và Thị Lang, chàng nắm rõ được lực lượng, việc bố phòng và hoạt động của chúng.
Về Lam Sơn, đề xuất phương án tấn công. Ngay lập tức, chủ tướng Lê Lợi cho đánh trại Quan Du, chém hơn nghìn thủ cấp giặc, nhổ được cứ điểm phòng thủ của giặc rồi thần tốc đánh thẳng vào đại quân giặc có tới mười vạn tên ở Thị Lang. Quân giặc đại bại. Nghĩa binh Lam Sơn thừa thắng đuổi theo, giết được nhiều giặc, thu được nhiều binh khí, lương thảo và ngựa chiến rồi lập thành chiến tuyến ở Lỗi Giang uy hiếp quân giặc đang co cụm ở thành Tây Đô. Ngũ Thư rất vui vì với chiến thắng này, thế giặc sẽ ngày một suy giảm, thanh thế nghĩa binh Lam Sơn ngày càng thêm lớn mạnh. Trai tráng các xứ, các huyện trong vùng kéo về gia nhập nghĩa binh Lam Sơn ngày một đông. Hệ thống tình báo của Ngũ Thư sau một thời gian hoạt động đã vận hành trơn tru, cung cấp về Lam Sơn những tin tức tình báo rất kịp thời, giá trị.
Nghĩa binh Lam Sơn liên tiếp lập thêm những chiến công mới: Đập tan mười vạn quân do tướng nhà Minh là Trần Trí chỉ huy tiến vào hòng phá chiến tuyến Lỗi Giang; chém tướng nhà Minh là Phùng Quý và hơn một nghìn tên giặc, bắt được hơn một trăm con ngựa ở Sách Khôi, khiến quân Minh đại bại, Mã Kỳ, Trần Trí phải chạy về Đông Quan; tiến quân vào Nghệ An, phá thành Đa Căng, giết hơn nghìn tên giặc, thu được nhiều lương thực, khí giới, khiến tên tướng giặc Lương Nhữ Hốt phải chạy trốn; đánh quân tướng Trần Trí, Lý An, Phương Chính ở Châu Quì, chém tướng Trần Trung, giết hai nghìn tên giặc, thu được trăm ngựa chiến; đánh quân tướng Sư Hựu ở châu Trà Lân, chém tướng Trường Bản và hơn một nghìn tên giặc; vây hãm thành Nghệ An, tiếp đến thành Tây Đô, chém tướng Hoàng Thành và nhiều giặc, bắt sống tướng Chu Kiệt và hơn một nghìn tên giặc; hành quân vào Nam đánh giặc ở Tân Bình, Thuận Hóa. Sau đó, nghĩa binh Lam Sơn lại chia quân ra thành ba cánh tiến ra hai vùng Tây Bắc, Đông Bắc và thành Đông Quan, chặn quân tiếp viện của nhà Minh từ Vân Nam sang, đánh tan các đạo quân của các tướng nhà Minh là Phương Chính, Mã Kỳ, Vương Thông, chém các tướng Trần Hiệp, Lý Lượng và năm vạn tên giặc, bắt sống một vạn tên, thu được nhiều ngựa và binh khí tại Tốt Động - Chúc Động; đánh chiếm các thành: Điêu Diêu, Tam Giang, Kỳ Ôn, chém các tướng giặc là Lưu Tử Phụ, Lý Nhiệm; chém tướng giặc là Liễu Thăng và hơn một vạn tên giặc tại ải Chi Lăng và Ải Nam sang tiếp viện, khiến hai tướng giặc là Lương Minh, Lý Khánh phải tự vẫn; hạ thành Xương Giang, giết năm vạn quân Minh, bắt sống tướng Hoàng Phúc và hơn ba vạn giặc, giết tướng Thôi Tụ vì hắn không chịu đầu hàng; xua đuổi tướng Minh là Mộc Thạnh ra khỏi thành Đông Quan, chém hơn một vạn tên giặc, bắt sống khoảng một nghìn tên và các tướng giặc: Vương Thông, Mã Anh, Sơn Thọ, Mã Kỳ, Trần Trí, Lý An, Phương Chính và hàng chục tên tướng khác. Nghĩa quân Lam Sơn toàn thắng. Cuộc xâm lăng của nhà Minh đại bại.
***
Sau hơn mười năm, chiến tranh kết thúc. Chủ tướng Lê Lợi cho trả về Minh hơn một trăm năm mươi tên quan lại, hơn mười lăm vạn tên lính giặc và một nghìn hai trăm con ngựa đã thu được, giữ sự hòa hiếu giữa hai nước. Chủ tướng vui mừng sai văn thần Nguyễn Trãi thảo bài Bình Ngô đại cáo để bá cáo cho toàn dân được biết, rồi lên ngôi vua, lấy Đông Kinh làm Thủ đô và đặt quốc hiệu là Đại Việt. Vua đại xá thiên hạ, ban thưởng những người có công, cử họ làm quan, cho ruộng và tiền của. Trần Nguyên Hãn được vua ban chức Tả tướng quốc. Đến lượt bình công xét thưởng mình, Phạm Ngũ Thư quỳ lạy trước sân rồng:
- Tâu bệ hạ! Hạ thần xin không nhận thưởng vì thiển nghĩ việc phò vua giúp nước là bổn phận của mọi thần dân, “quốc gia lâm nguy, thất phu hữu trách”. Hơn nữa, hạ thần tự xét không có công gì lớn!
Vua truyền Ngũ Thư đứng dậy rồi cười lớn:
- Lời hứa của thiên tử đâu có đùa!
Ngũ Thư buộc phải nhận. Phần thưởng vua ban là một tước quan lớn trong triều và hai trăm mẫu ruộng. Ngũ Thư khấu đầu tạ ân vua, nhưng viện cớ tuổi cao, sức yếu, thân tàn tật đang mang trọng bệnh, không nhận tước quan, chỉ nhận lấy hai trăm mẫu ruộng của vua ban và xin về quê để sinh sống. Nhà vua thể tình, ban thưởng nhiều vàng bạc, hai trăm mẫu ruộng, cho Ngũ Thư hồi hương.
Toàn bộ số ruộng nhận được, Ngài đều chia cho dân nghèo cày cấy. Vàng bạc vua ban, Ngài dành một ít chu cấp vợ con, còn lại thì đưa về An Tử, cùng tín thí thập phương dùng vào việc thuê người gom nhặt những phiến đá tháp đổ may còn nguyên vẹn dựng lại ngôi Tháp Tổ - trước chùa Vân Yên - trên nền móng xưa, quy mô nhỏ hơn tòa tháp cũ. Ngài tìm thuê thợ giỏi tạc một pho tượng Điều Ngự Giác Hoàng bằng đá cẩm thạch thay cho pho tượng đúc bằng vàng thờ trong Tháp Tổ đã bị giặc cướp đi, đồng thời dựng lại chùa Vân Yên, ngày khánh thành chùa thì làm lễ tưởng niệm quốc sư Vô Trước trụ trì chùa đã viên tịch từ vài năm trước đó.
Trở lại quê nhà khi các con đã trưởng thành, khá giả, Ngài dặn vợ con chuyên tâm làm việc thiện, giúp kẻ nghèo người khó. Ngài rời nhà ra đi trong hình hài của một người hành khất, vai khoác bị gai có cây sáo trúc, tay cầm gậy, nay đây mai đó. Ngài sống hòa đồng, thông cảm sẻ chia với những người nghèo khó. Ngài không tu ở tịnh thất chùa chiền mà tu trong nhân gian theo tinh thần Phái thiền Trúc Lâm An Tử. Noi gương đức Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông thuở trước, Ngài đi đến các thôn cùng xóm vắng truyền dạy Phật pháp, khuyến giáo chúng dân tu tập tại gia theo Thập Thiện (mười điều thiện). Mỗi lúc nghỉ dưỡng chân, Ngài lại nâng ngang cây sáo trúc buông trong không gian những thanh âm dìu dặt. Có người bảo Ngài mượn hình hài người hành khất để Ngài có thể đi đến được nhiều nơi hơn, tiếp xúc được nhiều hơn với những người nghèo khổ để truyền giảng giáo lý Trúc Lâm cho họ.
Trước khi từ trần, Ngài căn dặn vợ con và gia nhân đứng xung quanh:
- Sinh tử là lẽ thường, thân người dường bọt biển. Khi ta đi, không ai được khóc thương quyến luyến làm rối chân tính của ta. Tang lễ lo sao cho thật giản tiện, cốt đưa ta ra an táng ngay là được. Không báo tang ra ngoài họ tộc. Không xây lăng to mộ lớn mà làm gì. Bia mộ ta không cần khắc ghi thân thế, công trạng gì của ta mà chỉ khắc năm chữ “Phạm khất sĩ chi mộ” (mộ của người ăn may họ Phạm) là được. Mọi người ở lại, ta đi đây!
Nói xong, Ngài nằm ngay ngắn, nở nụ cười tươi rồi an nghỉ.
Nghe tin Ngài mất, người từ các nơi đổ về viếng, đưa tiễn Ngài rất đông. Ai cũng tiếc thương, ngưỡng vọng danh thơm, công đức lớn của Ngài.
Tác giả: Trần Trương
Nguồn Văn nghệ số 33/2020
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên