Đồng quê một thuở

Thứ bảy - 30/01/2021 08:02

Nhặt nhạnh trên quê hương và cánh ruộng đồng chiêm quê tôi. Mộc mạc từ những cái tên: Đồng chua, đồng vỡ, đồng vù, mả pheo, mả bét, mả đẻ, vườn vầu, vườn gọi...

Đặc biệt từ màu đất đỏ hơi vàng của cánh Rộc mà làng tôi có cái tên: Hoàng Nê (nghĩa là bùn vàng!). Giữa khu vườn Vầu nổi lên mảnh đất hình cánh phượng; không biết từ đời nào đến nay duy nhất có một ngôi mộ cổ; đứng chắn sát phía sau ngôi mộ là bức cuốn thư mang dòng chữ “An trang viên Phạm Lệnh Công tự Phúc Mai chi mộ” - cụ tổ họ Phạm Hoàng Nê. Hai cột đầu trụ có đôi câu đối “Tiên tổ minh tâm tại/ Hoàng Nê sơn thủy trường”. Có lẽ vì cạnh phía Tây là cánh đồng Triều mênh mông mùa nước nổi; nhìn chéo xa xa phía ngọn Dục Thúy Sơn, thắng cảnh Ninh Bình, mà có đôi dòng ghi khắc trên kia chăng?

111
Minh họa của LÊ TRÍ DŨNG

Đầu tiên nói tới nghề trồng lúa. Ngày xưa quê tôi chỉ cấy một vụ chiêm, vì làng tôi nằm giữa vùng chiêm trũng huyện Ý Yên tỉnh Nam Định. Đi lại chủ yếu bằng thuyền; nhà khá giả một chút thì chiếc thuyền có sạp, nhà nghèo khó chỉ là chiếc thuyền ba thang chòng chành, hoặc thuyền câu mong manh như chiếc lá. Cấy bằng những giống cao cây dài ngày, gạo đỏ, có sức ngoi bơi chống với lụt lội bão bùng như sòi đường, tép câu, mỏ quạ; sau mở thêm chút vụ mùa chân cao thì thêm giống tám nghển, di ngoi. Cứ vậy có giống lúa lặn vào cùng số phận con người, thành ca dao tục ngữ “Chiêm cút, mùa di/ Sống để dạ/ Chết mang đi”. Tính từ khi gieo cây mạ đến lúc gặt về ròng rã sáu bảy tháng trời. Suốt từ sương giáng qua đông chí đến mãi đoan ngọ năm sau mới thành bông thành hạt.

Vận dụng địa hình phức tạp, 80% đồng đất thuộc loại trũng ấy; muốn lúa tốt phải cày sâu từ tháng sáu. Trâu bò cày kéo không nhiều thường sáu bảy gia đình chung nhau một con trâu, thay nhau chăn dắt cỏ rả, tắm rửa, chống đói, chống rét. Vào vụ cày ở đồng sâu bì bõm, nước lưng bụng trâu nhìn xa chỉ thấy ông cày nhấp nhô nón lá. Muốn cày không bị lỏi, thì giăng hàng vè cắm cho thẳng, cứ vậy chuyển nhích dần. Quê tôi có câu “Phân gio không bằng cày mò tháng sáu”. Chân vàn, nước nông thì cày úp rạ để làm phân. Ruộng cao thì gạn kiệt nước, phơi khô, cày ải, muốn đất mau nỏ cày xong còn xếp đất cao thành luống; đón nước đổ ải thau chua.

Việc cấy hái phải lo mạ tốt, mạ dài, đủ tuổi. Cứ một diện mạ cấy cho mười diện lúa. Đất mạ chọn từng khu riêng biệt, cày bừa ngả sớm, ngấu kĩ; ống phẳng lì. Rồi để bùn vừa se se là gieo hạt. Lỏng quá mộng chìm, khó nhổ; khô quá mộng nổi, chim ăn hoặc chết khô chết rét... Thời vụ gieo giống tùy chân ruộng cấy thường là sương giáng (25/10) ngâm gieo. Cấy từ Đông chí (22/12) cấy xong trước tiểu hàn (mùng sáu tháng giêng) còn về ăn tết là vừa! Nhổ mạ là việc rất khổ như người đánh vật, mặt mũi bùn đất lấm lem, đóm mạ gồng gánh tung khắp ruộng mới đủ cấy.

Chân trũng thường cấy bằng những giống cao cây, cấy thưa ăn lúa cụm. Chân cao vàn thì cấy nhích hơn, đặc biệt cấy vùi sâu sau lấy ngay nước làm áo cho lúa khỏi chết rét. Cấy xong lúa đứng chòng chòng chờ mãi sang xuân, ầm ì mưa rào sấm chớp tan mây. Khi cây gạo đầu làng thắp lên những chùm hoa đỏ, lúa “mở cờ” bật chùm lá nõn. Người nông dân mới thu xếp gọi nhau ra đồng làm cỏ chăm bón cho lúa đẻ sinh sôi. Tùy chân ruộng có thể làm cỏ bằng tay; hoặc dụng cụ là những chiếc cào sáu răng “Gãi” luồn vào gốc vừa sục bùn vừa bật những cây cỏ bợ cỏ lúa. Làm đến đâu cỏ nổi lên đến đấy trôi dạt trắng chân đỗi chân bờ. Còn lấy nước chân cao, gạn nước chân trũng cho lúa đẻ. Bấy giờ trên đồng lúa con gái người chồng đi dọc bờ nom nước, người vợ thì sắn hơi cao chiếc quần vải thâm lom khom bốc bùn hoa xoa kín lại mạch ngầm qua đỗi ruộng nhà mình. Xa xa chấp chới cánh cò, trên đồng xanh lúa đẹp như mơ... Khi lúa đẻ xong đứng cái làm đòng phơi màu trổ bông là những ngày quan trọng. Năm lạnh trổ sớm gặp rét; năm nóng trổ muộn gặp gió Lào đều không tốt. Nông dân có câu ba tháng trông cây không bằng một ngày trông quả là vì vậy.

Thăm đồng khi lúa mỏ quạ uốn câu, vừa tới chín đỏ đuôi phải bảo nhau đổi công, hoặc bốc thợ gặt cho nhanh - xanh nhà hơn già đồng! Khi gặt chân cao lúa đứng thì dùng hái để gồi đon lúa. Chân ruộng nước lúa đổ rạp thì cắt bằng liềm. Việc gánh chuyển lúa bằng nhiều cách; người khỏe mạnh thì bó chặt dùng đòn càn, đòn xóc để gánh. Theo bước chân nhịp nhàng ngọn bông vẫy đều, nhìn xa như lúa đang bay về làng. Lúa về xếp đống có nhà dùng cối đá thủng úp hơi nghiêng để đập. Nhà có sân gạch rộng thì rũ rải ra dùng trâu bò hoặc người lăn kéo. Cho mãi tới khuya mới được chợp mắt; thoáng cái rạng đông đã lại gọi nhau ra đồng. Ngày mùa vất vả bở hơi tai. Còn việc hạt thóc khô, những nhà ở đầu làng nhờ có gió thì đem rê thóc. Những nhà giữa xóm giữa làng phải gấp đôi chiếc chiếu, chân giậm vào giữa tay túm mép quạt phành phạch loại dần những hạt lưng hạt lép. Vì nắng hè như đổ lửa làm ăn khó nhọc nên qua vụ gặt trông người nào cũng hốc hác... Xong còn bảo nhau ra đồng gánh rạ về lợp nhà. Rơm khô lên đống. Nhà nào dù to nhỏ trước vườn trước sân cũng lừng lững cây rơm. Rơm được nắng khô giòn làm chất đốt thổi nấu, làm thức ăn cho trâu bò quanh năm. Khi rét rút rơm trải giường, trải ổ, Nằm ổ rơm vừa thơm vừa ấm... Lúc còn nhỏ nhớ khi sau buổi tối học bài bao giờ sách vở cũng gấp lại kẹp chặt vào chiếc mo cau đem dúi giấu vào thân đống rơm đống rạ, đề phòng sớm sau giặc Tây càn quét chúng mà bắt được thì rất tội...

*

Quê tôi xưa thuộc vùng nghèo khó, ruộng ít người đông; trong làng lại có ba bốn địa chủ giàu nứt đố đổ vách. Ruộng tốt chúng chiếm vãn, dùng phát canh thu tô; còn lại một ít mỗi nhà chỉ được dăm xào. Nhà nào khá giả một chút mới có mẫu ruộng... Vì giống lúa xấu, kĩ thuật thô sơ, phân bón thì bòn vét ở chuồng lợn chuồng gà; nên năng suất mỗi sào chỉ vót vét năm sáu chục cân. Gặp năm trời làm khó sâu bọ phá thất bát chẳng được là bao. Nên người làm ruộng mà quanh năm thèm cơm bóp bụng! Sau khi thanh toán nợ nần thuế khóa còn được hột nào dúm dụm nhà nhiều thì quây cót nong nia, nhà ít thì cho vào bồ vào chum vào vại, hoặc sang một chút thì đóng hòm đậy điệm chống hao mòn chuột bọ ăn đi.

Đã vậy làng tôi nằm trong vùng tề gần bốt Cát Đằng, Ninh Bình, trong xã nhà thờ đạo có bốt vệ sĩ. Nhớ năm báo động, mọi nhà phải cất giấu thóc lúa. Ai cũng nháo nhác, người đào hố đem chôn, người quây cót xong đánh đống rơm phủ kín. Có mấy nhà cuống lên dại dột đổ thóc quây cót trát bùn rồi tháo nước giữa ao. Tội nghiệp được dăm bữa tát vội nước mở cót đưa lên thì thóc đã bị men, vàng, gạo nát. Lúc thổi mở vung nồi cơm ra sực mùi thum thủm. Vẫn phải nhắm mắt mà nuốt! Của trời ngọc thực bỏ đi sao được. Nhớ nhất hôm ấy là ngày 24/4 năm Quý Tỵ (1953) tính theo âm lịch; mẹ tôi đang gặt lúa ở đồng vỡ dưới chỉ cách trạm gác Cao Bồ chừng chưa đầy nửa cây số. Thầy giáo Reo từ dưới đồng hoang về, vai đeo chéo chiếc xà cột đi lên. Từ đường Đồng Con phía đông có tên lính bảo hoàng đi lên nhìn thấy. Thầy vội xuống chỗ mẹ tôi đang gặt ôm mấy đon lúa làm giả người cùng đi gặt. Tên lính bất thần nổ súng, thầy bị trúng đạn vào ngực, chạy nháo lên đường nằm vật. Làng cho người xuống cõng thầy lên; về đến An Lộc Trung thì thầy tắt thở, lúc tuổi đời mới 25! Thầy Reo mất đi cả bọn học trò chúng tôi đứa nào cũng thương thầy nhớ mãi đến giờ...

Nói về những cây đa, cây mít, cây bàng… Làng tôi có nhiều cây cổ thụ, mỗi cây có một cái tên như giấu vào đấy những câu chuyện. Cây đa còm đồng Tròn, cây gáo đồng Chua, cây gạo chùa Vàng, cây mít sau đền. Giữa làng có cây soài vườn nhà ông Biểu Thuấn, cán bộ tuyên truyền thường trèo lên đấy phát thanh. Cây bàng trước trại 6 Hoàng Nê cạnh nhà thông tin bốn mái, vách trát bùn quét vôi trắng xóa. Bên trong treo cờ, khẩu hiệu đỏ chói; thông tin báo chí; hôm tờ báo mới có ảnh Cụ Hồ gầy hốc hác, chỉ đôi mắt sáng long lanh. Cả làng kéo vào xem lũ lượt bàn tán về cách mạng, đánh Tây. Nay vì già cỗi, chiến tranh bão bùng mà cây còn cây mất. Chỉ xin nói về cây thị cạnh miếu đầu trại 7 Hoàng Nê, cây chừng đã vài trăm tuổi. Cây mọc tuy không cao lắm nhưng rất nhiều cành, cành thị vốn dẻo dai ít gãy. Mùa thu nhiều quả chín quả to thơm lừng, quả nhỏ, thị sáp ăn ngọt lịm. Làng tôi gần quốc lộ 10 phía Tây có bốt Ninh Bình, phía đông là thành phố Nam Định, nhiều lần anh chị du kích giao nhiệm vụ chúng tôi theo dõi xe cộ. Cứ vậy trèo lên cành thị vắt vẻo vừa học bài vừa đếm xe ra xe vào, bao nhiêu tối về báo cho du kích. Có lần bộ đội độn thổ, bắt được bọn lính cả Tây cả bảo hoàng dong qua làng; nhiều người kéo ra gốc thị đứng xem thật đã. Dưới gốc thị đào giao thông hào. Có lần chị tôi cùng du kích bắn nhau với lũ giặc đi càn. Nhiều đêm hè gió mát trăng trong, cả già trẻ kéo nhau ra đầu làng gốc thị hóng gió. Ngày mùa gặt hái lũ chim sẻ bay từng đàn công rác vào miếu làm tổ nuôi con kêu ran như sóc ốc. Nhớ hôm đưa đám mẹ tôi từ Nam Định về, làng đã căng bạt, kê bàn ghế sau miếu cạnh cây thị đón đưa. Bấy nhiêu kỉ niệm sâu xa; bây giờ tôi coi cây thị già, ngôi miếu cổ là chốn mang bao kỉ niệm, lung linh tình xóm, hồn làng...!

Như vậy người nông dân quê tôi khi buông liềm hái, đồng trắng nước trong là không biết làm việc gì để kiếm thêm đồng ra đồng vào mà sống. Khi nước tạm rút, trời chuyển hanh heo người ta rủ nhau mang nơm đi úp cá. Quê tôi có ba cánh đồng rộng nước sâu: Đồng Chua, Cửa Cổng, Triều Dọc, mỗi cánh rộng chừng ba bốn chục mẫu. Buổi chiều toàn đàn ông già có trẻ có, quần đùi, đóng khố cởi trần lội xuống ruộng dàn hàng úp cá, thấy động cá chạy lung tung, con nào bị trúng nơm chạy đâm lục cục; người úp nhảy vội lên đè một tay luồn vào nơm khua bắt cá. Nhớ có lần có người úp được con trắm đen dễ đến hơn một yến, họ đưa nhau lên sân làng cắt rải lá chuối mổ cá ra chia mỗi người một mảnh, không cần to nhỏ cốt lấy may! Có cách úp cá khá thú vị nữa là vào cữ rét độc cuối năm, khi lúa đã cấy kín đồng, mặt nước trên ruộng trong veo. Dăm bảy người rủ nhau đi dậm vũng, dậm xong bùn hoa lắng đọng vào, cá chạy rét tìm đến dìm mình dưới vũng chỉ chừa tí mũi miệng để thở; để lại dấu vết nhỏ như một vệt dao cắt dài vắn to nhỏ thế nào người có kinh nghiệm biết ngay là cá gì họ chỉ việc dùng chiếc nơm nhỏ úp nhẹ là tóm được cá. Kiếm cá kiểu này quê tôi gọi là bắt mánh. Còn đi câu cá có nhiều cách. Bọn trẻ con chúng tôi thường dùng cần câu dài phần ngọn cần nhỏ hơi cong. Dây câu bằng sợi cước Mỹ buộc lưỡi nhỏ có phao. Dùng giun đất, tép gạo, hoặc rang cám gạo vàng thơm trộn mẻ làm mồi. Chọn góc ao, cầu ao ngồi câu thường được cá rô cá diếc; có lần được cả cá chép dăm bảy lạng. Những ngày chợt gió heo may, cá rô ngứa vảy câu giật thun thút. Đi câu đêm, câu trộm, mồi giun thường được cá trê cá ngạnh vàng. Để đỡ tốn thời gian thì câu cắm. Cần câu cắm chỉ ngắn độ dăm bảy chục phân, chuôi hơi đậm để cắm chặt vào bờ, ngọn cần vót mỏng mềm để khi mắc lưỡi cá giãy không bị gãy. Mồi câu là những con ngóe sọc. Tối đến ôm bó cần câu lần vào quanh các ao để cắm. Mỗi đêm vài ba lần đi thêm mồi bắt cá, luồn lách qua những bờ cỏ bờ lau mà chẳng kể gì rắn rết. Bây giờ nghĩ lại thấy liều mà sợ.

Người lớn có cần câu vút. Cần vút bằng những cây hóp óng dài đến ba bốn mét; đầu cần gắn sọc chì để luồn dây, dây câu dài cuộn trong chiếc vòng gỗ, lưỡi câu to nặng mắc mồi; câu vút thường được cá quả cá sộp. Nếu lưỡi câu hái chiếc hoa mướp vàng ngắt bớt cánh cài vào, khi mồi hoa lập chập trên mặt nước, những chú ếch rệu đuối theo đớp phải, người câu giật lên ếch giãy giụa, dây loăng quăng rối cả trời chiều...

Bắt cá bằng cách thả lờ. Lờ đan bằng những nan tre trứng, nống chéo bóng bảy chọn những khe rãnh, cống ngòi cống ao dùng bèo, cỏ chắn bớt để hở một khoảng đặt lờ cho cá chui vào. Cũng có cách thả dọc theo bờ dưới bóng tre râm cá tìm nơi đứng bóng cũng chui vào lờ. Bắt cá còn có cách đào trẹm, be bờ chỉ để một cửa chừng 20-30 phân, trong trẹm dùng gốc tre gọt nhẵn, xếp nghiêng cho cá chui vào trú ẩn. Nếu dùng cành ruối nhiều thì khi tát trẹm thường vớ được tôm. Khoét khăm bắt cá nhảy cũng là một cách khác. Giữa những bờ đỗi to, hai bên có mực nước hơi chênh lệch người ta đào những chiếc khăm nhỏ thành đứng mỗi chiều vài ba gang, luồn chiếc ống nứa hoặc ống lá đu đủ cho nước róc rách chảy qua, kích thích cho cá nhảy vào khăm. Nhớ ở đoạn đường giữa hai cánh ruộng đa điếm, đồng chua luồn chiếc cống tiêu nước. Người ta dùng chiếc vại con nhiều lúc cá nhảy vào khăm tới vài chục con cá quả. Người qua lại nhiều nhưng chưa bao giờ mất cá. Khăm ấy của ông Nghìn chiếm chỗ. Chỉ có vậy mà đã hằng mấy chục năm nay bao nhiêu đổi khác nhưng bây giờ cứ nhắc đến khăm ông Nghìn thì ai cũng nhớ. Thả rọ cá rô: sau này một số công trình thủy nông thủy lợi xây dựng, quê tôi cấy thêm một vụ lúa mùa thường dùng giống di ngoi, tám nghển. Khi cây lúa qua thu, đứng cái làm đòng, trổ bông hạt phấn rơi rụng trôi vàng mặt nước, bám quanh gốc lúa, những chú rô đồng bì bõm kiếm ăn. Chúng tôi dùng chiếc rọ kên tre dài dùng mồi bằng những hạt thóc ngâm thum thủm. Len vào gốc lúa đánh vùng thả mồi cắm rọ cá chui vào ăn một lúc tức hơi vọt lên. Khi nhiều cá trong rọ vòng quanh cá quẫy bọt trắng xóa, cất lên cá giẫy nghe rất vui tai. Cuối cùng là cất vó. Quê tôi không có sông chỉ những con ngòi hẹp ngang chừng vài ba mét. Ngòi gần làng thường bị cắt đoạn chỗ thả bè muống bè khoai người ta mang vó tay chọn chỗ quang cất vó lưu động. Những chỗ qua cánh đồng có mức nước khác nhau, cống luồn nước chảy cá thường qua lại. Người ta cắm chiếc vó nhỡ có lều che chắn gió mưa. Cần vó buộc đu vào cột lều vó, cất vó kiểu này có khi cả ngày qua đêm không chán. Nhất là vào những đêm trăng, khi chiếc vó từ từ cất lên thấy động con tôm con cá nhảy nhao nhao, lấp lánh màu ánh bạc, nhìn tưởng như vật báu trời ban. Đêm khuya cất vó, làng quê yên ắng chỉ nghe thỉnh thoảng họ hàng nhà vạc bay qua gọi nhau táo tác, để lại ngang trời tiếng kêu nhuốm màu lam lũ...

Cất vó, úp nơm, đơm đó quê tôi không phải là một nghề, nhưng không mấy nhà không có nơm có vó. Cá kiếm được về ăn không hết thì đem chợ Đăng, chợ Ngò, chợ Miễu bán. Con ốc, con cua, con tôm, con tép: “Muốn ăn cua rốc ốc nhồi/ Đem con mà gả cho người đồng chiêm”. Nghe vậy đủ biết con ốc cũng là đặc sản là vật đáng tự hào của người đồng chiêm quê tôi lắm đấy chứ! Thực tế nó là những món ăn thông thường và ngon miệng. Muốn bắt được ốc phải mang rổ mang xề ra ruộng luồn dưới những đám rễ bèo tây trôi nổi trên đồng. Có khi giữa đồng chiêm nước lặng gió, lành lạnh hơi may ốc nhồi xòe miệng nổi lên, cứ vậy bơi chiếc thuyền nhè nhẹ tới vớt, đừng cho động sóng ốc ngậm ngay mồm chìm ngỉm. Còn muốn bắt ốc soắn, ốc vặn thì đi dọc bờ đường bờ đỗi mò mẫm, hoặc bắt ốc bám cọc cầu ao; chả mấy chốc đầy giỏ đầy nồi. Đem về, ốc nhồi thì ghè sát đít, tròi ruột nấu chuối, còn ốc vặn thì sát kĩ luộc với lá chanh, đổ ra rổ túm tụm ngồi khêu chấm nước mắm gừng sao mà ngon và ấm cúng đến vậy.

Còn việc bắt cua, thứ nhất là móc mà. Mà cua là những chiếc lỗ ven đỗi ven đường bao giờ cua cũng đùn đậy ít bùn non. Cũng phải cẩn thận kẻo móc nhầm lỗ rắn. Người đi móc cua thường đeo chiếc giỏ ngang lưng, áo mặc chéo người chỉ xỏ một tay, còn tay kia dùng để móc mà. Cua nằm trong mà dắt chặt tận đáy mà như chiếc mảnh sành, thò không khéo bị cua cắp nát đầu ngón tay. Thả rọ cua cũng là một cách. Rọ có hai lượt hom miệng hở hình quả bàng. Mồi rọ là những gói giun đất, ốc nhồi hoặc bột cám rang thơm gói giẻ. Chiều vàng vàng mặt trời đặt mấy rọ cua trên chiếc thuyền nan ra đồng để cắm. Sáng sau đi nhắc kéo lên cua bò lổm nhổm rào rào trong rọ... Món cua đồng, giã nhỏ lọc nước nấu với rau đay mướp hương trộn cơm dự mùa tới chín, không gì ngon bằng ăn vào nhớ mãi!

Con tôm, con tép thì cất vó bằng những vuông vải màn nhỏ, hoặc rủ nhau đi tát ròn, ruộng nông ùn tép, cũng có thể bắt tép bằng diu, thường được tép mủn loại này dùng làm mắm tép đỏ au.

*

Quê tôi có ba ngôi chùa là chùa Trên, chùa Vàng, chùa Dưới, đền thì có một. Đền làng tôi quay mặt hướng Tây qua cánh đồng triều mênh mông nước nổi, nhìn sang sông Đáy đò Đăng. Bên kia có dãy núi xanh mơ màng của Thạch Mỹ - Ninh Bình, chắc là được hướng! Vào những ngày giáp tết làng bảo nhau ra đền quét dọn vôi ve sạch sẽ, dựng cây nêu cao vút. Sân đền đặt cây đuốc đình liệu to nằm chéo dương cao, đình liệu toàn bằng những thanh tre ngâm chẻ nhỏ phơi khô cùng thân cây đay bó lại. Còn việc làng phải tính toán bình chọn một ông già trong một gia đình nề nếp làm ông Từ mở cửa đình. Quần áo chỉnh tề, áo lương đen quần cắt bá trắng đầu đội khăn xếp, đúng giờ sang canh cụ vào mở cửa đền sông điện, ngoài sân cây đình liệu cũng được đốt lên rực rỡ ấm áp quyện với mùi nhang khói cho mãi đến rạng đông.

Cả mấy chú chuồn chuồn nữa, cũng đi vào nỗi nhớ. Chuồn chuồn có nhiều loại nhiều tên: chuồn chuồn ngô, chuồn chuồn ớt, chuồn chuồn chó, loại bé tí tẹo là chuồn chuồn kim... nhớ nhất những hôm đẹp trời chiều tà không biết từ đâu chuồn chuồn bay ra rợp ngõ khiến bọn con gái đang ngồi chơi chuyền, đánh đẩn, chơi ô nhảy cẫng lên theo lũ chuồn chuồn vừa đuổi vừa hát “chuồn chuổn chuồn chuồn/ Bay lượn trong vườn/ Bay đông bay tây/ Trông như tàu bay”. Bọn con trai chúng tôi thì dùng những chiếc vọt tre, cành hóp đuổi theo đập vun vút con nào dính que rơi tơi tả như chiếc lá. Cũng vừa chạy vừa nghêu ngao “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa/ Bay cao thì nắng bay vừa thì râm” rộn cả xóm làng… Những buổi chiều như vậy mẹ tôi ngồi trên bậu cửa trông ra nhìn đất nhìn trời lẩm nhẩm “chuồn chuồn bay thấp thì mưa...” vẻ mặt tư lự. Có lẽ lúc ấy mải toan tính lo liệu về công việc đồng áng ngày mai của mẹ!

Chỉ bấy nhiêu kỉ niệm lấm láp, mỏng manh về cây đa cây bàng cây thị con cá con cua... của đồng quê một thuở mà đeo đẳng theo tôi cho mãi đến giờ!....

Nam Hồng một sớm tàn thu 2020

Tác giả: Phạm Ngọc Khảnh
Nguồn Văn nghệ số 5/2021

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây