Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM: Đặt trách nhiệm, nghĩa vụ phụng sự lên đầu

Thứ sáu - 22/01/2021 16:31
Kết thúc một kỳ đại hội đầy “trắc trở”, nhà văn Bích Ngân được bầu làm Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM nhiệm kỳ VIII (2020-2025), với nhiều trách nhiệm nặng nề phía trước. Phóng viên  đã có cuộc trò chuyện cùng bà. 111

PHÓNG VIÊNMấy tháng qua, Hội Nhà văn TPHCM gây chú ý với dư luận sau nhiều lần tạm hoãn đại hội. Lúc này, khi đại hội đã thành công và bầu ra một ban chấp hành (BCH) mới, bà có điều gì chia sẻ?  

Nhà văn BÍCH NGÂN: Việc đến lần thứ ba gửi thư mời mới triệu tập và tiến hành đại hội hội nghề nghiệp 5 năm tổ chức một lần, là một sự cố có lẽ chỉ có ở Hội Nhà văn TPHCM. Nhưng cũng từ “sự cố” này, cho thấy rõ hơn ý thức và tình cảm đối với tổ chức nghề nghiệp của mỗi nhà văn. Khi nhìn thấy các nhà văn ngồi gần kín hội trường trong ngày làm việc thứ nhất của đại hội, tôi thật sự xúc động.

Trước đó, bà còn được bầu vào BCH Hội Nhà văn Việt Nam. Cùng lúc gánh hai trọng trách, bà có cảm thấy áp lực? 

Áp lực thì hẳn rồi. Nhưng áp lực thường làm cho mỗi người nỗ lực nhiều hơn và đôi khi còn trở thành động lực thúc đẩy mình hoàn tất những mục tiêu. Với Hội Nhà văn TPHCM, những lá phiếu bầu ra BCH mới là sự gửi gắm niềm tin của hội viên; là kỳ vọng của hội viên vào “mái nhà tinh thần” vốn đang cần được xốc lại. Đội hình mới này, dựa trên niềm tin mà hội viên gửi gắm, có thể gắn kết với nhau trên tinh thần tôn trọng nhau, hỗ trợ nhau, cùng gắn bó với công tác hội, hướng đến mục tiêu là góp phần thúc đẩy sự phát triển của văn học, không chỉ giới hạn trên địa bàn TPHCM.

Để làm được điều đó, yếu tố đoàn kết cũng hết sức quan trọng?

Ở tổ chức nào cũng vậy, thiếu đoàn kết sẽ không thể tạo được sự gắn kết. Không có sự gắn kết và lan tỏa sự gắn kết đến với mỗi thành viên BCH và đến với hội viên thì không thể có được một tổ chức nghề nghiệp đúng nghĩa của nó. Và để có được sự gắn kết thì chất keo gắn bó chính là trách nhiệm, nghĩa vụ được phụng sự chứ không phải là lợi ích cá nhân. Và chất keo đó có được chỉ từ nhân cách, từ tấm lòng biết nghĩ, biết vì đồng nghiệp, vì sự phát triển nghề nghiệp.   

Điều bận tâm lớn nhất của bà đối với văn học TPHCM hiện nay là gì? 

Ai cũng biết, tấm căn cước của nhà văn chính là tác phẩm mà mình sáng tạo. Kích cỡ dày mỏng của thẻ căn cước đặc biệt này chính là tài năng và phẩm giá của nhà văn. Tác phẩm của nhà văn được tạo ra trong một hành trình độc lập. Hội với hoạt động của một BCH gắn kết và tận tâm, có thể góp phần tìm kiếm, phát hiện, chia sẻ và khích lệ tinh thần đối với những cá thể sáng tạo và tìm cách thẩm định giá trị tác phẩm, góp phần giới thiệu những tác phẩm thực sự có giá trị văn học đến với công chúng. 

Đời sống văn học của một thành phố có gần 10 triệu dân, khá sinh động. Tác phẩm mới xuất hiện liên tục, số lượng đầu sách được xuất bản cũng không phải nhỏ nhưng chất lượng văn học của tác phẩm vẫn là điều tôi bận tâm hơn cả. Hoạt động của hội trong nhiệm kỳ mới tập trung vào việc góp phần nâng cao hơn chất lượng văn học. Làm sao để có thêm nhiều tác phẩm khai thác chiều sâu thế giới nội tâm. Đó là những tác phẩm viết từ mạch nguồn của chân - thiện - mỹ; những tác phẩm tôn vinh nhân cách, tôn vinh sự yêu ghét rạch ròi, tôn vinh những con người suy nghĩ và hành động quyết liệt vì sự trung thực, lẽ công bằng, lòng nhân ái và luôn đặt lợi ích cộng đồng, lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia lên trên lợi ích bản thân. 

Bà cảm thấy lực lượng sáng tác trẻ của TPHCM hiện nay như thế nào? Trước mắt, bà có kế hoạch gì cho họ?

Đây là một đội ngũ khá hùng hậu. Họ có mặt thường xuyên trên các trang văn học của nhiều tờ báo. Đầu sách trên giá sách của hệ thống phát hành chiếm đa số là sách của các tác giả trẻ (tầm tuổi 30 - 40). Về phía hội, phải có những hoạt động hiệu quả để có thể quy tụ được những người viết trẻ như tổ chức tạo điều kiện cho người viết trẻ có tiếng nói trên những diễn đàn văn chương. Đặc biệt, không bỏ sót những tác phẩm thật sự có giá trị, tiếp tục tổ chức giải thưởng “Tác giả trẻ” mà nhiều năm qua không tìm được tác phẩm để trao… 

Nhà văn Bích Ngân sinh năm 1960, tại Cà Mau. Bà là cử nhân Ngữ văn (Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP. Hồ Chí Minh), tốt nghiệp Trường viết văn Nguyễn Du (khóa 4), trình độ chính trị cử nhân (tốt nghiệp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh). Hiện bà là hội viên Hội nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X. 

Nhà văn Bích Ngân có 13 năm là Phó giám đốc - Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Văn nghệ và Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh. Bà đã xuất bản 18 tác phẩm gồm các thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện hài hước, tản văn và kịch bản văn học; được trao nhiều giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, UBND TP. Hồ Chí Minh, Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh, Hội Sân khấu TP. Hồ Chí Minh.

Hồ Sơn (thực hiện)
Nguồn SGGP

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây