Không chỉ là lời tự tình về thân phận

Thứ ba - 19/01/2021 16:24
Trước đây, đại thi hào dân tộc Nguyễn Du nghĩ về thân phận những người đàn bà như Tiểu Thanh, Thuý Kiều, người gảy đàn ở Long Thành... thường đau đớn và than thở: “Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”! Nhưng, giả như Cụ thọ đến nay, Cụ đã không than như vậy. Người đàn bà thời @ “Trái tim đa cảm, đa chiều, đa đoan” (Thi Trà Thi). Họ yêu thơ, làm thơ, giao lưu bằng thơ với nhau để giãi bày, bộc bạch những gì rất riêng tư, rất đàn bà. Họ có lúc tỉnh lúc say, lúc đau đớn đến xé lòng... nhưng không hề gục ngã trước số phận. Cứ nhẩn nha đọc hơn ba trăm bài thơ của 65 chị em tự chọn và “trình làng” thơ mình, tôi cảm nhận mỗi bài thơ như một mảnh ghép làm nên bức tranh muôn màu sắc về thế giới tinh thần tình cảm của những người đàn bà hiện đại; mỗi bài thơ như một nốt nhạc của bản hoà tấu đa thanh về cuộc sống của một nửa thế gian...111

Có nhiều bài thơ dành tình yêu bao la, lòng hiếu kính với những bậc sinh thành dưỡng dục đã rời xa ta đi về thế giới vĩnh hằng; ta như nghe thấy con tim thổn thức của họ khi được trở về quê cha đất tổ, khi chạm vào những kỉ vật từ thời thơ bé (Hạt Cát Diệu Sinh - Trăm năm một cuộc sắc - không, tr.273; Lê Thị Thoa - Giọt ấu thơ, tr.316; Ng Thu Thuỷ - Đàn gió, tr.332; Khánh Trang - Mẹ ru, tr.340; Đào Thị Mùi - Cố hương, tr.205...).

Phần nhiều các bài trong tuyển tập nói về nỗi khát khao được yêu, khát vọng được có cuộc hôn nhân trọn vẹn tình yêu đôi lứa. Ta có thể hình dung được những run rẩy đầu đời khi họ nắm tay nhau, lắng nghe con tim nhau loạn nhịp lúc kề bên; cả những dại khờ, vụng dại, lỡ lầm... (Hoa Mai - Thơ anh dẫm nát hồn em, tr.189; Như Sương MC - Hãy yêu nhau khi còn có thể, tr.282; Phan Thanh Vân - Giấc mơ, tr.356; Đoàn Thị Tảo - Trái tim đá, tr.286;...). Và những dở dang, đắng đót trong đời sống vợ chồng; những “góc khuất” trong lòng người vợ trẻ các chị cũng không giấu giếm (Diệu Anh - Nếu là của nhau, tr.25; Trần Nguyệt Ánh -Sóng tình, tr.38; Nguyễn Thị Bảo Châu - Ru tình, tr.52; Đinh Thị Thu Vân - Chiều nay tôi muốn đi hoang quá, tr.363; Võ Miên Trường - Dại thừa là em, tr.348...)

Viết nhiều về nỗi cô đơn khắc khoải, khao khát được sống hạnh phúc đích thực của người đàn bà nhưng dường như họ không hề cúi đầu trước số phận nghiệt ngã, sự trớ trêu của đời người. Họ có thể lầm lỡ, có thể có phút yếu lòng, có thể mượn rượu giải sầu trong chốc lát, có thể còn có một tình yêu nữa đồng hành với hôn nhân hiện tại... (Trần Mai Hường - Giả định, tr.118; Võ Khánh Thuỷ - Khoảng lặng, tr.330; Kiều Huệ - Nếu tôi buồn đừng ai hỏi, tr.109...) Những người đàn bà thơ này không chỉ “khóc” cho phận mình mà còn “rủ nhau khóc tiếp chuyện đời” (Bùi Kim Anh). Thơ họ buồn nẫu ruột bởi họ “nghiêng về phía những nỗi đau” - những mất mát sau chiến tranh, những cơ hàn vì dịch bệnh, thiên tai, nhân hoạ...

Bùi Minh Huế đứng bên sông “tàn phai màu hoa cải”, “nhọc nhằn lê gót qua đồng cỏ/ cỏ xác xơ xơ xác tuổi xuân thì/ nhắm mắt buông lơi cho gió cuốn đi/ nén đắng cay trộn tủi hờn vào cát bụi”, nhưng, như cỏ dại hoang vu, người vẫn” bật mầm xanh vươn khao khát tận cùng...”. Còn Bành Phương Lan quả quyết: “Nếu được lựa chọn lại một lần nữa/ Vẫn là anh và em vẫn khờ khạo yêu”. Họ đâu chỉ biết yêu, khát yêu! Dẫu “đi mãi không hết căn nhà của mình” (Bùi Kim Anh) nhưng giặc đến nhà, họ vẫn vui vẻ tạm xa mái ấm gia đình, tạm chia tay giảng đường đại học để cầm súng ra trận. Nhìn thấy “một bông hồng ai vừa để lại” trên một ngôi mộ ở Nghĩa trang Trường Sơn, Trúc Linh Lan hé mở cho người đọc thấy tâm tư tình cảm của cô sinh viên - chiến sĩ đã hi sinh trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc: “Em nhớ mẹ/ Em nhớ quê/ Nhớ một nụ hôn hẹn hò”. Một cô giáo ở Quảng Nam “Tự vá lành những vết lênh loang” (Chiều nhớ) biết là mình khờ khạo nhưng “giấu buồn giấu khổ/ chạy trốn con tim loạn nhịp” bởi “sợ lạc chính mình vốn dĩ rất thiện lương”. Trong bài Vịn vào thơ theo thể thất ngôn bát cú, cái “tôi” luôn làm chủ - vịn vào thơ để khóc cười, để chia sẻ, để buông oán hận, để gạt sầu thương, để giao hoà khích lệ, để dưỡng vẹn niềm tin. Đỗ Bạch Mai thì ý nhị khi “khái quát” năm trạng thái cảm xúc tiêu biểu (ứng với năm bông hồng trắng) của người đàn bà Việt trong một đất nước luôn có những cuộc chia li: xa vắng, nhớ thương, giận hờn, chờ đợi, dịu dàng. Cũng có lúc than thở đắng cay hờn mát: “Ai theo cây cải về trời/ Để ta ở lại hát lời rau răm” (Hát lời rau răm). Một mình trong mưa của Đỗ Bạch Mai cũng như Lời ru cánh vạc của Hạt Cát Diệu Sinh và một số bài của các tác giả khác đều sử dụng hình tượng con cò con vạc để nói về thân phận những người đàn bà vất vả một nắng hai sương một mình nuôi con thờ chồng. Đó là những bài thơ hay, chạm được vào tận sâu thẳm trái tim người đọc. Đọc Trái tim đá của Đoàn Thị Tảo tôi, tôi nhớ đến cách biểu đạt tình yêu da diết của nữ sĩ Xuân Quỳnh dành cho Lưu Quang Vũ. Đoàn Thị Tảo ở bài thơ này cầu mong khi chết hoá thành “phiến đá si mê” bên biển để “biển sẽ hết buồn” và chị vẫn được “sóng ôm vào lòng/ hôn... âu yếm mặn mà”. Với người đàn bà đơn côi, nỗi cô đơn vẫn muốn được “sẻ làm đôi”, “nửa cho bên ấy nửa tôi để dành”... Không thể kể hết dù chỉ là tên các bài thơ của các chị. Rất mong đại xá!

Điều tôi thích nhất ở tập thơ này còn là khả năng sử dụng hầu hết các thể thơ vốn có của dân tộc - từ truyền thống, cổ điển đến thể thơ tự do, văn xuôi của những người thơ này. Phải nói là, thể lục bát (6/8) được các chị thiên biến vạn hoá thật tài tình, nhuần nhuyễn vô cùng. Ở nhiều bài, cặp câu 6/8 đứng riêng thành một khổ trọn vẹn ý tình. Có bài, câu 6 là câu kết làm ý mở, người đọc có thể nghĩ tiếp viết tiếp. Nhiều chị “bẻ” câu 6 thành 2/4, 3/3 (Làm sao/ nhặt được tiếng ve/ Làm sao/ hái tiếng chim che nỗi buồn; Ta đi về/ giữa mông mênh...) Còn câu 8 cũng vậy, có khi thành 2/6 hoặc 3/5 (Mẹ xa/ gió bấc mưa dông dầm dề; Hoang sơ/ một lối cỏ mềm/ cháy lên em/ thắp sáng miền nhân gian...).

Việc tiếp theo là tôi tìm đọc về 65 tên tác giả. Quả như hình dung của tôi. Tôi thực sự kính nể và trân trọng những người đàn bà thơ này. Quá nửa trong số họ là hội viên các hội nghề nghiệp - Hội Nhà văn, Hội Nhà báo, Hội Nhạc sĩ, Hội Điện ảnh. Có chị là dược sĩ quân y, có chị là giáo viên Toán - Tin, giáo viên Văn, có chị kinh doanh bất động sản, có chị đang quản lí Hãng phim Sen Vàng, Giám đốc Trung tâm UNESCO nghiên cứu văn chương Việt Nam... Một số chị đã có từ 1 đến 13 ấn phẩm thơ, văn xuôi được xuất bản. Và cũng có chị lần đầu có thơ... Đúng là một sân chơi dân chủ và công bằng của những người đàn bà vừa có trí tuệ vừa có tâm.

Nếu các chị có hỏi tôi còn muốn gì hơn thế? Tôi xin trả lời rằng, tôi muốn các anh tìm đọc nó để hiểu những người đàn bà của các anh đang nghĩ gì, cần gì, khao khát gì, mong đợi gì. Và nếu tập sách này được nối bản hay tái bản (rất đáng được như vậy), tôi rất muốn đưa danh mục tên 65 tác giả vào phần gấp của bìa 4; bởi tôi rất tiếc các chị đã không sử dụng bìa 4 để in hình hoa văn chìm trong các trang ruột sách. Sản phẩm nào cũng còn chút để tiếc nuối. Nếu khắc phục được những “hạt sạn” trong sách thì thật là hoàn hảo!
 

Tác giả: Nguyễn Thị Kim Phong
Nguồn Văn nghệ số 3/2021

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây