Nhà văn Y Ban: Nhà văn tự bán sách, không khó

Thứ sáu - 15/01/2021 11:20

Năm 2020 vừa đi qua có thể nói là một năm đáng nhớ của nhà văn Y Ban, đánh dấu chặng đường 35 năm chị đến với văn chương. Để kỷ niệm cột mốc này, nhà văn vừa ra mắt cuốn “Truyện ngắn Y Ban”, tuyển chọn 31 truyện ngắn gắn với tên tuổi chị, từng đưa Y Ban đến với các giải thưởng văn học uy tín.

Phóng viên (PV): Chị có thể chia sẻ về tập sách mới của mình?

Nhà văn Y Ban (YB): Đây là một kế hoạch đến với tôi rất tình cờ. Mùa Covid-19, ở nhà nhiều cũng chán, lại được bạn bè khích lệ, tôi muốn làm một tập sách kỷ niệm. Tôi viết nhiều thể loại, từ truyện ngắn, truyện vừa, đến tiểu thuyết, thậm chí cả thơ. Nhưng lần này, tôi muốn làm tập truyện ngắn trước. Đó là những truyện ngắn của tôi từng được nhận giải thưởng trong các cuộc thi suốt hơn 30 năm qua, như “Bức thư gửi mẹ Âu Cơ”, “Có thể có và có thể không”, “Người đàn bà có ma lực”... Bên cạnh đó là những truyện ngắn của tôi được bạn đọc yêu thích như “Người đàn bà đứng trước gương”, “Con gái mang cuộc đời của mẹ”,  “Con quỷ nhỏ trong tôi”, “Cẩm cù”…

PV: Kế hoạch bất ngờ vì thế chị quyết định làm cuốn sách này “từ A đến Z”?

YB: (Cười) Những tác phẩm trước, tôi toàn chuyển tới các NXB và để các đơn vị xuất bản chuyên nghiệp đó tự in, tự phát hành. Nhưng lần này, vì sợ phải đợi lâu, lại thêm nghỉ hưu rồi có nhiều thời gian, nên tôi cũng muốn thực hiện một “phép thử” xem sao. Được sự tư vấn của bạn bè, tôi chỉ in 500 cuốn và tự phát hành qua facebook. Rất vui là sau lời rao trên facebook cá nhân, tôi đã nhận được hàng trăm comment ủng hộ. Sau ba ngày, hơn 300 cuốn sách đã được đặt mua…

PV: Trải nghiệm lần này giúp chị nhận ra điều gì?

YB: Nhà văn tự in, tự bán sách không khó, vì độc giả vốn yêu quý nhà văn (Cười). Nhưng thật sự, không phải ai cũng có thể trực tiếp làm. Vì phải thực hiện rất nhiều công đoạn “chưa hề thân quen”. Và khi vào việc cũng gặp không ít những éo le, những điều khiến “khách hàng” chưa thật sự hài lòng. Nhưng qua chuyện này, tôi lại có thêm nhiều trải nghiệm, để hiểu hơn về người, về nghề. Để lần sau, nếu có làm tập tuyển về truyện vừa hay tiểu thuyết, chắc chắn sẽ trơn tru hơn…

111
Cuốn “Truyện ngắn Y Ban” do NXB Hội Nhà văn ấn hành, tháng 12-2020.

PV: Hơn ba thập niên đến với văn chương, giờ đã có trong tay hàng chục đầu sách, có được một lượng độc giả hâm mộ. Nhưng nhiều người vẫn tò mò muốn biết chị đến với văn chương như thế nào?

YB: Tôi đến rất tự nhiên, chứ không phải được học hành cẩn thận. Trước tôi học Trường đại học Tổng hợp Khoa Sinh. Vì vậy, nói về những khái niệm văn chương tôi bằng… không (O). Tôi đến với văn chương khi mà không có sự chuẩn bị cho mình. Truyện ngắn là gì, truyện vừa là gì, tiểu thuyết là gì… tôi không thể nói được bằng những khái niệm rành mạch.

Tôi viết văn bằng bản năng nhưng rồi vẫn thành mảng khối đậm dấu ấn và cá tính của Y Ban. Khi viết truyện ngắn thì tôi cố gắng “tiết chế”, các con chữ được “nén” lại; còn khi định đề là truyện vừa hay tiểu thuyết, thì tôi “thả lỏng” hơn, chữ nghĩa cứ “vãi” ra mành mành, giống như người nông dân đi gieo mạ ấy. Tuy nhiên, tôi là người rất thích chi tiết, truyện ngắn nào cũng đầy ắp chi tiết nên có nhà phê bình đánh giá, thừa chi tiết quá. Nhiều truyện ngắn có thể viết thành tiểu thuyết. Tiểu thuyết cũng vậy, tôi vẫn thừa thãi chi tiết…

PV: Nhưng chị cũng từng tốt nghiệp khóa 4 Trường Viết văn Nguyễn Du đấy chứ?

YB: Đúng thế. Khi học ở Trường Viết văn Nguyễn Du tôi được học nhiều thứ lắm, nhưng nói thật tất cả những kiến thức về lý luận văn học, hay về nền văn hóa này, văn hóa khác đều trôi tuột đi. Cái còn đọng lại được thì đó chính là những gì liên quan đến văn hóa dân gian của người Việt.

PV: Tết này là Tết “tuổi” của nhà văn Y Ban. Hẳn chị nhớ nhiều về tuổi thơ của mình?

YB: Tôi sinh ra vào mùa hè năm Tân Sửu (1961) tại Liễu Đề - Nam Định.  Đó là một thị trấn, nhưng là thị trấn nghèo những năm 60 của thế kỷ trước. Nhưng ngay cạnh nơi gia đình tôi sống, là những ngôi làng ven biển, đẹp nguyên sơ với những cánh đồng. Mà đồng quê thì hấp dẫn kinh khủng, nhất là với những đứa trẻ năm, sáu tuổi như tôi hồi đó. Những cánh đồng mênh mông, tùy theo mùa mà vàng rực hay xanh mơ màng. Nhà tôi hồi ấy tuy không có trâu, nhưng tôi thường theo đám bạn đi chăn trâu. Tôi thích được ngồi lên lưng trâu nhưng ngồi lên lưng trâu không dễ chút nào, vì cái lưng trâu thì to, lại cứ gồ lên mà tôi thì còn quá nhỏ. Ngồi trên lưng trâu, lắc la lắc lư, cảm giác ấy rất sợ.

Hồi đó, ở quê tôi người ta vẫn kiêng đến nhà người khác vào sáng mồng 1 Tết. Với những đứa trẻ, sáng mồng 1 không cần cha mẹ gọi ời ơi như mọi khi cũng đã tỉnh như sáo để được diện áo mới. Tết, tôi thường có rất nhiều kẹo đút vào túi, định chạy sang nhà mấy đứa bạn để chơi nhưng lại bị mẹ bắt ở nhà, vì tránh cho tôi trở thành người đi “xông đất” các gia đình. Tôi buồn lắm, nên lén trốn ra chơi với… cánh đồng. Cánh đồng làng sáng mồng 1 Tết vắng lặng. Nhưng những đám ruộng đã bắt đầu lún phún xanh. Xa xa, hiếm lắm mới thấy những bóng người mờ mờ trong sương mỏng…

PV: Xin cảm ơn chị!

Hoàng Thu Phố (thực hiên) 
Nguồn Thời nay

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây