Đại hội Nhà văn VN lần thứ 10 vừa qua, tôi lơ vơ hút thuốc bên ngoài hội trường thì gặp chị Mùi, vợ của cố NSND, đạo diễn Bùi Cường đang nói chuyện với biên kịch Trịnh Thanh Nhã về phim “Cậu Vàng” duyệt xong chuẩn bị ra rạp. Đã nghe giới thiệu về việc sản xuất phim này và hơn thế được chính đạo diễn Bùi Cường nói về kịch bản suốt cả chục năm trước nên tôi rất quan tâm. Tôi chủ động bảo chị Mùi, hôm công chiếu nhắn cho em đi xem và nếu được sẽ viết ít dòng về phim để tưởng nhớ anh. Đạo diễn Bùi Cường ấp ủ kịch bản này đã lâu, anh muốn làm phim “Cậu Vàng” để tri ân nhà văn Nam Cao, tri ân đạo diễn Phạm Văn Khoa đã mang đến cho anh vai diễn “Chí Phèo” định mệnh gắn chặt vào cuộc đời nghệ thuật của anh. Tiếc rằng khi chưa kịp làm phim thì Bùi Cường mất năm 2018 ở tuổi 73 còn đang sung sức và tràn khát vọng.
Y hẹn, tôi có mặt ở Galaxy Tràng Thi dự buổi chiếu ra mắt phim. Tôi thật sự ngạc nhiên khi đoàn phim phục dựng không gian sự kiện một cách công phu mô phỏng lại cánh đồng hoa cải, căn nhà lão Hạc và ngôi làng văn học, bối cảnh của phim “Cậu Vàng”- làng Vũ Đại. Không gian làng Vũ Đại được tái hiện khiến cho buổi ra mắt giới thiệu phim có nét đặc biệt, mới lạ và tạo ra không khí sinh động, háo hức cho những người tham dự. Càng bất ngờ khi phim “Cậu Vàng” tạo ra những ấn tượng đặc biệt và cảm xúc mãnh liệt cho một người làm nghề như tôi. Đã lâu tôi mới xem một phim điện ảnh trong trạng thái đón nhận tích cực như vậy.
“Cậu Vàng” có gì mới lạ? Tôi nghĩ có lẽ đây là lần đầu tiên phim Việt có một diễn viên thú hoàn hảo như vậy. Cậu Vàng là một con chó lông màu vàng đã nổi tiếng trong tác phẩm văn học của nhà văn Nam Cao. Đó là câu chuyện về lão Hạc với con chó tình nghĩa mà ông gọi là cậu. Trong phim “Làng Vũ Đại ngày ấy” của đạo diễn Phạm Văn Khoa, con chó vàng chỉ là một nhân vật điểm xuyết để thể hiện tính cách và câu chuyện của lão Hạc.
Trong “Cậu Vàng” thì khác, Vàng là nhân vật chính, trung tâm là điểm nhấn trong đường dây xuyên suốt trục chính của phim tham gia vào hầu hết những tình huống bước ngoặt quan trọng. Trong đó phải kể đến tình huống quyết định cùng bầy đàn chó hoang tấn công Lý Cường khi gã ác này cùng tay chân đào mộ lão Hạc.
Vai diễn của Vàng khiến tôi rưng rưng từ đầu phim đến kết thúc. Không chỉ là nghĩa tình mà còn đong đầy sự tinh khôn có chủ kiến của một con vật biết phân biệt thiện ác. Đã đọc báo chí viết về Vàng nhưng tôi thật sự ngạc nhiên và khâm phục diễn xuất của Vàng. Những người làm phim đã thật công phu và chính xác trong việc huấn luyện Vàng. Vàng vào vai ngọt và thật. Cảnh lão Hạc ru Vàng trên giường và Vàng nằm doãi chân cẳng như một đứa trẻ vô cùng xúc động.
Không hiếm những trường đoạn Vàng khiến khán giả rơi nước mắt. Có thể khẳng định thành công của phim có phần đóng góp rất lớn của “diễn viên” Vàng. Con vật đã lay thức và cảnh tỉnh trực tiếp vào trạng thái tình cảm mỗi người chúng ta trước nhân tình thế thái trước những cảnh ngộ của thân phận con người.
Câu chuyện trong “Cậu Vàng” được phóng tác từ các tác phẩm nổi tiếng “Đời thừa”, “Sống mòn”, “Chí Phèo”, “Lão Hạc”…của nhà văn Nam Cao. Bối cảnh phim vẫn là ngôi làng văn học “Vũ Đại”, một làng quê tiêu biểu của thời kỳ phong kiến trước cách mạng vẫn là đời sống của người nông dân với giai cấp thống trị, họ bị nô dịch, bần hàn, ức hiếp, đọa đày và mỗi người trong họ có một cách thức phản kháng yếu ớt hoặc dữ dội đều là những phản ứng yếm thế buộc phải chấp nhận những kết cục đau đớn.
Như không ít người khác đã đọc Nam Cao, đã xem phim “Làng Vũ Đại ngày ấy” nên trước khi xem “Cậu Vàng” tôi có thể hình dung ra câu chuyện phim. Vẫn là những nhân vật ấy, lão Hạc, giáo Thứ, cha con Bá Kiến, Lý Cường, ba bà vợ của Bá Kiến, Binh Tư một kẻ du đãng kiểu như Chí Phèo, những người nông dân lam lũ, nghèo khó và một đám chức sắc lý dịch lưu manh, hung hăng...
Vâng, làng Vũ Đại suy cho cùng cũng chỉ khuôn trong từng ấy mẫu người. Nhưng câu chuyện của “Cậu Vàng” khiến tôi bất ngờ thật sự. Nếu như ở “Làng Vũ Đại ngày ấy” trở thành một điểm sáng tài năng, một thành tựu kinh điển của điện ảnh Việt bằng cách khai thác tối đa nguyên tác văn học bằng những sáng tạo điện ảnh để tạo ra một bức tranh thê lương ảm đạm phản ánh hiện thực người nông dân thời phong kiến tăm tối thì ở “Cậu Vàng” các tác giả mạnh dạn phá cách khai thác không tuân thủ nguyên tác văn học, sắp xếp lại câu chuyện cho hệ thống nhân vật.
Hoàn toàn không có ý so sánh giữa các phim khai thác chất liệu văn học của nhà văn Nam Cao nhưng sự bất ngờ này theo tôi là rất sáng tạo. Nó tạo ra một hiệu ứng mới, làm tươi sáng cho tông phim và mặc dù vẫn nguyên vẹn những bi kịch như nguyên tác nhưng câu chuyện đã được giải quyết có hậu làm thỏa mãn tâm lý khán giả trên nguyên tắc cái ác phải bị trừng trị. Trường đoạn Vàng cùng lũ chó hoang tấn công Lý Cường giết chết kẻ tàn độc này khi hắn cùng đám tay chân đào mộ lão Hạc là một điểm cộng của phim.
Kết thúc phim là hình ảnh trong trẻo sự đơm hoa kết trái tình yêu của Cò (con trai lão Hạc đi phu về) và Cải cùng Vàng giữa cánh đồng hoa có thể còn ý kiến này khác về sự áp đặt nhưng chấp nhận được. Cũng như ảnh hình Bá Kiến điên dại và bà hai bỏ nhà ra đi chấm hết một bi kịch gia đình đại diện cho giai cấp thống trị bị trừng phạt theo đạo lý gieo gió gặt bão cũng làm cho khán giả thỏa mãn.
Được biết đạo diễn phim Trần Vũ Thủy là con rể NSND Bùi Cường. Đây là phim đầu tay của anh. Sự sáng tạo của những tay mới theo tôi rất quan trọng ở những tác phẩm đầu đời. Trần Vũ Thủy đã tiếp nối hoàn hảo kịch bản của đạo diễn Bùi Cường để tạo nên một “Cậu Vàng” ấn tượng và xúc động. Tôi tin tưởng phim sẽ thu hút được khán giả khi ra rạp. Nếu còn gì đó lấn cấn thì đó là những xử lý về mảng văn hóa dân gian đồng bằng Bắc Bộ chưa hợp lý. Màn hát đối của những thôn nữ không thích hợp với những tá điền làm thuê mà như cảnh của thời kỳ xã viên hợp tác xã. Gánh hát của người yêu cũ mợ Ba, một người phương Nam không hợp lý với cảnh đàn hát dân ca và múa rối nước.
Trở lại với NSND, đạo diễn Bùi Cường, vậy là những ước nguyện tri ân nhà văn Nam Cao, NSND đạo diễn Phạm Văn Khoa của anh đã được thực hiện. Bằng “Cậu Vàng” đạo diễn Trần Vũ Thủy và ê kíp làm phim cùng gia đình đã tiếp nối tri ân làm thỏa nguyện những gì đạo diễn Bùi Cường mong ước. Một Bùi Cường “Chí Phèo” đã sản sinh ra một “Cậu Vàng” kịch bản thăng hoa hẳn ở một nơi rất xa đã có thể mỉm cười. Rất nhớ anh, Bùi Cường.
Phim “Cậu Vàng” kịch bản Bùi Cường, đạo diễn Trần Vũ Thủy. Các diễn viên: NS Viết Liên (vai Lão Hạc), NSƯT Hữu Châu (vai Bá Kiến), NSƯT Chiều Xuân (vợ cả Bá Kiến), Khánh Huyền (vợ hai Bá Kiến), Băng Di (vợ ba Bá Kiến), Will (Lý Cường, con trai Bá Kiến), Trần Lê Nam (giáo Thứ), Trần Doãn Hoàng (Cò, con trai Lão Hạc), Bích Ngọc (Cải, người yêu Cò), Thanh Hoa (vợ giáo Thứ), Phương Nam (Binh Tư)… Phim được khởi quay vào tháng 09/2019. “Cậu Vàng” chính thức công chiếu trên toàn quốc vào ngày 08/01/2021
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên