Lão Hạc đầy bất ngờ trong Cậu Vàng

Thứ năm - 07/01/2021 11:37
Kịch bản phim tri ân nhà văn Nam Cao của cố NSND Bùi Cường được con rể ông dựng phim. Đạo diễn Trần Vũ Thủy chia sẻ hành trình gần ba năm theo đuổi dự án nhiều trắc trở này.
111
Đạo diễn Trần Vũ Thủy, nghệ sĩ Viết Liên và chú chó đảm nhiệm vai Cậu Vàng
Sau lễ công chiếu “Cậu Vàng”, anh có thể tạm thở phào chưa?

Từ ngày hai bố con bắt đầu làm tiền kỳ tới nay ba năm rồi, trước đó gần 10 năm bố tôi đắp da đắp thịt cho kịch bản Bữa ăn cuối cùng của Lão Hạc. Gần ba năm nay, hầu như tôi gạt bỏ hết công việc, chỉ tập trung làm Cậu Vàng. Sau hôm ra mắt nhóm nhỏ đồng nghiệp ở Hà Nội nhận những chia sẻ của mọi người tôi rất vui. Anh em trong giới đánh giá khách quan. Phim lấy câu chuyện xưa và kể chuyện theo cách hiện đại cho ra tinh thần mà cố NSND Bùi Cường mong muốn. Phim là bức tranh toàn cảnh về xã hội thời bấy giờ, Cậu Vàng đại diện kể câu chuyện đó.
 
So với kịch bản sinh thời NSND Bùi Cường viết, phim “Cậu Vàng” thành hình hài có cần thay đổi nhiều không?

Cấu trúc kịch bản không đổi. Khi viết kịch bản này, tôi và ê kíp rất tôn trọng tâm huyết của bố vợ. Ông mong viết kịch bản tri ân nhà văn Nam Cao và cố đạo diễn NSND Phạm Văn Khoa- những người cho ông vai Chí Phèo mà nhờ đó ông có được bước đường nghệ thuật thuận lợi.
111
Diễn xuất của chú chó đóng Cậu Vàng gây bất ngờ
Bố Cường dồn tâm tư tình cảm, tất cả kinh nghiệm tích lũy trong suốt mấy chục năm chinh chiến trên con đường làm nghệ thuật viết nên kịch bản này. Chính vì thế, là người viết tiếp giấc mơ dang dở của bố, tôi chịu những áp lực nhất định. Mình phải gắng làm bộ phim mà khán giả có ấn tượng nhất định, nhất là những khán giả có mặc định về phim chuyển thể từ tác phẩm của Nam Cao. Áp lực ở đây là phải truyền tải tất cả tinh hoa, tinh thần, không khí và ý đồ của bố Cường muốn chia sẻ, gửi gắm tới khán giả. 

Vẫn giữ nguyên tinh thần kịch bản, nhưng tôi đẩy tính cách nhân vật rõ nét hơn, nâng cao vai trò của Cậu Vàng tốt hơn trong những điều kiện có thể.

Làm phim với động vật là một trong những thể loại khó nhất, nghĩ lại anh có thấy mình quá mạo hiểm khi đẩy Cậu Vàng thành nhân vật trung tâm?

Khi làm phim với người, có thể kiểm soát được tất cả trạng thái cảm xúc và tình huống, còn phim về động vật thực sự rất khó. Đâm ra trong quá trình quay tại hiện trường, tôi dựa vào việc chú chó đó phát huy hết kỹ năng để làm sao giúp Cậu Vàng sinh động, thú vị hơn và có nhiều điều bất ngờ dành cho khán giả.

Ngay từ đầu làm phim, đặc biệt đẩy vai trò của Cậu Vàng khá lớn chính là sự mạo hiểm với ê kíp. Khán giả hẳn đặt dấu hỏi liệu thời lượng của chú chó xuất hiện nhiều như vậy có đảm bảo chất lượng? Chúng tôi phải lường khả năng trong quá trình quay chú chó không hợp tác, bởi đặc trưng của chúng là không thể gò ép được. Chúng thích thì làm, không thích thì thôi. 

Trong ba điều khó - làm phim về động vật, với trẻ em và hiệu ứng thời tiết - thì đây là thể loại khó nhất. Cái khó đi liền với rủi ro. Chọn đề tài khó nhưng chúng tôi tâm niệm làm được. Sau phim này, tôi tự tin có nhiều kinh nghiệm làm phim về động vật.

Phim có nhiều cảnh hành động của con Vàng và nhiều chú chó khác. Anh cũng thích tự làm khó mình?

Khi làm việc với diễn viên, diễn cảnh hành động đã vất vả rồi, cảnh hành động với các chú chó trong phim thì thời gian công sức vất vả hơn nhiều lần. Chúng tôi đương nhiên có đội ngũ chuyên gia đi theo hỗ trợ tư vấn về động vật, có bác sĩ, săn sóc viên chăm sóc sức khoẻ, sinh hoạt hàng ngày cho các diễn viên đặc biệt. Ê kíp chuẩn bị chu đáo nhất, đảm bảo được sức khỏe và điều kiện tốt nhất cho chúng. 

Khán giả thấy nhiều cảnh hành động, chiến đấu giữa các chú chó, thế nhưng chúng tôi đều phải tính toán, đảm bảo an toàn cho chúng. Mọi thứ đều trong tầm kiểm soát. Với sự thể hiện của con Vàng, tôi có thể nở nụ cười gửi tới bố ở trên trời rằng con đã làm được.

 

“Cậu Vàng” phóng tác từ các tác phẩm của Nam Cao, do cố NSND Bùi Cường viết kịch bản. Ông mất năm 2018 khi trong quá trình chọn bối cảnh và tuyển diễn viên. Phim khởi chiếu toàn quốc từ 8/1.


“Cậu Vàng” có nhiều hình ảnh tươi sáng, nhất là tinh thần và cái kết theo chiều hướng có hậu. Anh nghĩ sao khi nhiều khán giả cho rằng làm như vậy là đi ngược lại với tính hiện thực của xã hội bấy giờ? 

Ngay từ đầu bố tôi viết kịch bản lấy cảm hứng từ các tác phẩm của Nam Cao, có nghĩa chúng tôi có quyền sáng tạo chứ không chỉ bó hẹp trong tác phẩm. Chúng tôi có thể thêm thắt không gian, thời gian, tuyến nhân vật cho câu chuyện. Đây là phim làm ở thời đại ứng dụng công nghệ mới, chúng tôi có thể phát huy hết tính năng kỹ thuật để có được những thước phim đẹp nhất. Tôi cố gắng lột tả được nét đẹp của làng quê Bắc Bộ, tái hiện được không gian bằng hình ảnh với thước phim đẹp mắt nhất. Chúng tôi gần như phải dựng lại toàn bộ không gian chợ quê, hai ngôi nhà của Lão Hạc và Giáo Thứ.

Câu chuyện này ngay từ đầu đã tươi sáng rồi, qua tinh thần chiến đấu của các nhân vật như Lão Hạc, Giáo Thứ- những người thấp cổ bé họng nhưng vẫn phản kháng. Tôi nghĩ bố tôi có ý đồ khi xây dựng các nhân vật đều có sự phản kháng nhất định chứ không đưa họ vào bi kịch, ngõ cụt để dẫn đến cái chết. Các nhân vật có số phận, lí lẽ riêng, có sự phản kháng. Bản chất nghệ thuật là sáng tạo, từ lúc thai nghén bố Cường đã có ý như vậy rồi.

Cái chết của Lão Hạc vốn rất bi thương nhưng lại được làm nhẹ đi rất nhiều trong “Cậu Vàng”, như thế có hợp lý?

Xâu chuỗi lại có thể thấy cái chết của Lão Hạc mang tính chủ động. Tinh thần của câu chuyện phim, các nhân vật đều có sự đấu tranh, Lão Hạc không ngoại lệ. Lão Hạc của tác phẩm điện ảnh và văn học đều là lão nông nghèo hèn chịu nhiều áp bức của xã hội, nhưng riêng phiên bản phim này với sự sáng tạo và tinh thần tươi sáng, NSND Bùi Cường xây dựng nhân vật Lão Hạc khác đi so với hình dung của mọi người bằng cái kết đặc biệt. Tôi cho rằng đây là cái kết nhân văn. Lão Hạc chết để giữ đất cho con, hi sinh đời bố củng cố đời con và bảo vệ lẽ phải. 

NSƯT Hữu Châu cho rằng vai Bá Kiến khá hợp lí, các diễn viên còn lại có làm anh hài lòng?

Đa phần dàn diễn viên làm tốt vai trò, từ vai lớn như Lão Hạc (Viết Liên), Bá Kiến (NSƯT Hữu Châu), Lý Cường (Will), bà Ba (Băng Di) tới những nhân vật phụ như Cải (Bích Ngọc), thằng hầu của Lý Cường đều có đất diễn và màu sắc. Họ đáp ứng được sự kỳ vọng của mọi người, đặc biệt là diễn xuất của Cậu Vàng.
Cảm ơn anh!


Theo Toan Toan/Tiền phong

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây