Một nhà thơ của nỗi buồn như thế

Thứ năm - 24/12/2020 17:22

Vĩnh biệt nhà thơ Quang Khải

Nhà thơ Quang Khải sinh năm 1943, tên đầy đủ là Bùi Quang Khải, quê xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Ông vốn là kỹ sư ngành Thủy Lợi, từng công tác tại các công trường thủy lợi trên khắp đất nước, sau chuyển về cơ quan Bộ Thủy Lợi từ những năm 1971 đến 1985. Từ năm 1985, ông chuyển về làm Biên tập viên tại Nhà Xuất bản Lao động, chuyên về sách văn học, cho đến khi nghỉ hưu năm 2006

Sinh thời, nhà thơ Quang Khải thường được nhắc đến với nhiều bài thơ viết cho thiếu nhi. Ông từng tâm sự: “Viết cho lứa tuổi này thật khó. Nếu sâu xắc quá thì hóa ra người lớn (mà đây là lứa tuổi chớm nhớ, chớm thương về những xao xuyến thuở ban đầu). Còn nếu viết nhẹ quá thì rất dễ sáo mòn, hời hợt…”. Tuy nhiên ngoài sáng tác cho thiều nhi, ông còn là tác giả của nhiều tập thơ, văn xuôi, biên khảo… được dư luận chú ý, như các tập thơ Nửa mùa thu (1987); Mái nhà xanh (1990); Nẻo đường hút gió (1991); Chiều giông gió & Thơ Quang Khải (tuyển chọn, 2004); Ngoài vùng phủ sóng (2007); Dòng sông không có đôi bờ (Ký văn học, 2000); Bùi Viện với sự nghiệp canh tân đất nước cuối thế kỳ XIX (Biên khảo cùng Thế Văn, 2000); Bùi Viện, sứ giả Việt Nam đầu tiên đến Hoa Kỳ (2006-2008); Tìm gì ở phía hoàng hôn (Truyện, ký và tạp văn, 2011); Quang Khải - Thơ văn tuyển tập (2014), Mái nhà xanh (Tuyển thơ viết cho thiếu nhi, 2016), Sứ thần Bùi Viện vượt trùng dương (Tiểu thuyết ký sự, 2020)…

Các giải thưởng văn học: Hai giải thưởng thơ cho thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh năm 1987 và năm 1990-1991; Giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2005

Sau một thời gian lâm bệnh, nhà thơ Quang Khải đã từ trần hồi12h 05’ ngày 20/12/2020 (tức ngày 07/11 nămCanh Tý), hưởng thọ 78 tuổi. Tang lễ nhà thơ được tổ chức vào hồi 11h 30’ngày 23/12/2020 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội

Hội Nhà văn Việt Nam, tuần báo Văn nghệ xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia quyến, bạn bè thân hữu cùng độc giả yêu mến nhà thơ Quang Khải. Cầu cho linh hồn ông siêu thoát thanh thản ở cõi vĩnh hằng.
 

Văn nghệ

 

Một Nhà Thơ Của Nỗi Buồn Như Thế

Trong nỗ lực sáng tạo, Quang Khải không cầu kỳ trong câu chữ, trong tạo ý, lập tứ... Nét đáng quý ở anh là sự lặng lẽ với thơ trong giải thoát tự thân. Bây giờ ngồi xâu chuỗi Thơ của Quang Khải, những điều tôi nghĩ về thơ anh trước đây, càng có cơ sở cho nhận định này. Quang Khải muốn thiết lập một sự cân bằng trong cảnh và tình, động và tĩnh... trong tâm cảm mình, ý hướng của nâng đỡ con người: Bao nhiêu xô lệch cân bằng lại/ Nồng nã vậy mà... cứ như không (Cân bằng). Thơ Quang Khải ít có những khoảnh khắc của phút giây hạnh phúc mà cô lẻ, cô quạnh, cô đơn của những “khoảng trống”, “nẻo mòn”, “chớm lạnh”, “nhạt nhòa”, “trăng lu”... những sắc màu lạnh hướng vào phía bên trong tâm trạng với nhiều cung bậc thiên về mất mát, pha chút ngậm ngùi. Thơ anh hay không nằm ở những bài hướng ngoại, mà lắng lại trong những vui buồn của đời sống:

 nơi đó biển tràn trề nồng ấm

Cứ vỗ vào khoảng trống của đời anh

(Gửi về thành phố biển)

của sự hoang vắng đến rợn người, chẳng có đâu khoảng bình yên cho mình:

Như là không sự chở che

Không lời đồng vọng bốn bề lặng thinh

Sỏi đau lặng nhối chân minh

Bước đi mỗi bước gập ghềnh suối khe

(Một thoáng rừng)

Đọc khổ thơ này, tôi thoáng nghĩ về thời tiền sử của con người, về cá thể người cô độc giữa một thiên nhiên bao la vối biết bao rình rập hiểm nguy mà thấm cái cô đơn. Liệu thơ có được sự “đồng vọng bốn bề” này không giữa bao nhiêu bon chen, đố kỵ của đời sống thời hiện đại, hay cũng chỉ là: Một đời hương khói nhạt nhòa/ Để đời sau chỉ còn là khói hương (Một đời hương khói). Người thơ này mong muôn vươn ra đời sống nhưng không hiểu sao những xô bồ trần tục của đời sống, anh “dị ứng” với nó trong tiếp nhận hoặc “tạng” anh chỉ tiếp nhận được cái tinh tế, cái mong manh của hư phù trần thế này:

Lòng ai còn chắc trong mong nhớ

Chớm lạnh đông rồi tóc thả vai

(Chớm lạnh đông rồi)

Trong dòng đời vôn không bao giờ bình lặng, đầy rẫy những trắc trỏ, phiền muộn, nhưng Quang Khải không bao giờ ngã lòng... Thơ anh nồng hậu như con người anh vậy trong ý hướng vươn tới những giá trị vững bền của đời sống, trong sự lắng lại - mặc dù những thiếu hụt đời anh luôn hiện hữu trong thơ anh:

Dẫu chẳng ai đợi ai chờ tôi ở cuối đường băng

Sao tôi vẫn nóng lòng đật chân lên mặt đất?

(Ấn tượng khi bay)

Với tấm lòng nồng hậu và xẻ chia, Quang Khải phiền muộn những kẻ vô cảm - những kẻ “hùng hồn” trong lời lẽ, mà “lạnh tanh” trong giao tiếp hàng ngày: Luôn sôi sục những lời bốc lửa - Vung cánh tay ngỡ đang làm biến đổi toàn cầu (!)/ Nhưng khỉ chìa bàn tay cho tôi: lạnh tanh mềm lả (Chân dung gặp thường ngày). Có lẽ trong những năm tháng gắn đời mình vào những gian khó công trường, những dặm đường đất nước, những con người vất vả gian lao với tâm hồn bình dị nên anh nhạy cảm với cảnh sắc và con người trong bề bộn cuộc sống, trong khuất lấp dòng đời vẫn ngời sáng nét đẹp chẳng dễ phôi pha, mang nỗi buồn trong trẻo vô cớ đồng thời lại có chút u buồn, trầm mặc của thoáng lạnh - hai sắc màu này luôn đối nghịch:

Úa nửa mùa rồi ngỡ vẫn thu

Mải mê dan díu với sương mù

Ngỡ tình tròn trăn đang vằng vặc

Đâu biết ngang đời trăng đã lu

(Ngỡ)

Thơ Quang Khải neo vào bạn đọc ở những khúc lặng, nhưng trong tâm thức anh muôn đổi mới thơ mình để tránh đi sự tẻ nhạt, nhàm chán, đơn điệu vốn là nét cảnh tĩnh của những cây bút “có nghề” ỷ nhiều vào kỹ thuật trong thao tác nghệ thuật. Trong sự kiểm nghiệm của tôi, ai có phẩm chất thi sĩ là người có được sự lan tỏa trong hồn thơ, đọng lại trong câu chữ, ám ảnh trong giọng điệu. Quang Khải là một nhà thơ của nỗi buồn như thế:

Tự dưng chiều nhòa trong phố bụi

Chênh chao tán gió chuyển giao mùa

Ngang đầu sấp ngửa dăm bảy lá

Bất giác lòng tay tóc trắng mưa.

(Chớm già)
 

Tác giả: Nguyễn Thanh Kim

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây